Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một, 2017

Đôi điều về việc thử đường

Hỏi:

·         Tôi vừa mới bị tiểu đường. Xin cho biết ngoài việc vài ba tháng thử máu ở phòng mạch hay phòng xét nghiệm một lần, tôi có cần thử đường ở nhà mỗi ngày hay không? Nên thử mấy lần một ngày? Đường đo ở đầu ngón tay, lúc đói bao nhiêu, sau khi ăn bao nhiêu là vừa?

·         Nghe nói máy thử đường hiện nay có nhiều loại, có loại không cần lấy máu ở đầu ngón tay, mà có thể lấy máu ở các chỗ khác ít đau hơn. Có đúng không? Và thử bằng cách này kết quả có chính xác không?

·         Khi đo đường ở nhà, đo vào giờ nào là chính xác nhất? Nếu thấy ổn định rồi, có cần tiếp tục đo hay không?

·         Nhiều khi châm kim vào đầu ngón tay rồi mà nặn mãi không ra máu. Xin cho biết nên làm sao để việc đo đường ở đầu ngón tay dễ dàng, ít khó chịu hơn?

Đáp:

Mặc dù bệnh tiểu đường là một tình trạng kinh niên, bệnh thường có thể kiểm soát được bằng thuốc men, ăn uống, thể dục.

Mục tiêu chính của việc kết hợp thuốc men, ăn uống, với thể dục, là để giữ mức đường máu ở mức bình thường, hoặc ít nhất cũng gần bình thường. Đo mức đường hằng ngày tại nhà là một trong những cách tốt nhất để biết được bệnh có được kiểm soát tốt hay không.

Bác sĩ cũng sẽ thử máu định kỳ để theo dõi mức đường máu và mức độ của một chất gọi là hemoglobin A1c (HbA1c, cũng còn được gọi là glycohemoglobin). Kết quả của các xét nghiệm chất HbA1c này sẽ giúp bác sĩ có một ý niệm chung về mức độ được kiểm soát của bệnh tiểu đường trong vòng 6 đến 12 tuần trước đó. Nếu bệnh đang được kiểm soát tốt, khoảng cách giữa các lần thử HbA1C có thể khoảng giữa bốn đến sáu tháng, nếu bệnh chưa được kiểm soát tốt, thường nên thử lại HbA1C sau khoảng ba tháng.

Mức HbA1c dưới 7%, thì bệnh tiểu đường mới được coi là được kiểm soát tốt. Ở người lớn tuổi, HbA1c khoảng từ 7% đến 8% cũng tạm coi là được.

Bên cạnh việc thử HbA1C, đo đường tại nhà vẫn góp phần rất quan trọng trong việc điều chỉnh phương thức điều trị, để bệnh được kiểm soát đến mức tối ưu.

Đo đường tại nhà giúp ta cũng như bác sĩ biết được mức đường máu vào những thời khắc khác nhau, bất cứ lúc nào (ví dụ sau khi ăn một món ăn nào đó, sau khi tập thể dục, khi người cảm thấy khó chịu…). Điều này giúp ta điều chỉnh thuốc men, cách ăn uống, và tránh các hậu quả có thể trở nên nguy hiểm tức khắc hay về lâu về dài, do mức đường huyết quá cao hay quá thấp.

Việc kiểm soát mức đường huyết thường xuyên hằng ngày góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ bị các biến chứng của tiểu đường hoặc làm cho nó phát triển chậm lại nếu ta đã bị biến chứng.

Nói chung, trước khi ăn, ở bệnh nhân tiểu đường đang dùng thuốc, mức đường khoảng 70-80 mg/dl đến 110-130 mg/dl là vừa (tuổi cao hơn thì mức đường có thể ở giới hạn cao hơn trong mức vừa kể trên, vì người cao tuổi mà bị hạ đường trong máu thì thường sẽ nguy hiểm hơn). Còn sau khi ăn khoảng 2 tiếng đồng hồ, mức đường đo ở đầu ngón tay dưới 180-190 mg/dL là vừa.

Kiểm soát mức đường máu tại nhà như thế nào? 

Trừ các trẻ em nhỏ ra, hầu như bất cứ ai bị tiểu đường cũng có thể dùng một máy đo đường (gọi là glucometer), để đo mức đường từ một giọt máu ở đầu ngón tay.

Đôi khi, đường cũng có thể được đo ở những nơi khác (như ở cánh tay, cẳng tay…). Có người cảm thấy rằng châm kim để lấy máu ở những nơi này ít đau hơn là ở đầu ngón tay. Tuy nhiên, đường máu ở những nơi này có thể ít chính xác hơn ở đầu ngón tay, nhất là khi mà mức đường máu đang tăng hay giảm nhanh.

Nếu khó lấy máu ở đầu ngón tay, ta có thể làm cho máu để nặn ra hơn bằng cách rửa tay với nước ấm, lắc bàn tay ở vị trí thấp như dưới thắt lưng.

Cũng nên để ý rằng lấy máu bên cạnh của đầu ngón tay (chứ không phải giữa đầu ngón tay), thường sẽ dễ dàng và ít đau hơn, vì ta ít phải đụng chạm vào những nơi này hơn so với phần ngay giữa đầu ngón.

Nên đo đường mỗi ngày bao nhiêu lần? 

Điều này tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường của ta cũng như một số yếu tố khác có thể làm thay đổi mức đường huyết, và mục tiêu điều trị.

Đối với các bệnh nhân tiểu đường loại 1, mục tiêu điều trị là đạt được mức đường máu càng gần mức bình thường cũng như càng an toàn càng tốt. Và đo đường máu tại nhà hàng ngày là cách duy nhất để đạt được điều này, vì dựa trên mức đường huyết mà ta mới có thể điều chỉnh liều lượng insulin.

Hầu hết các bệnh nhân tiểu đường loại 1 cần phải đo đường máu ba đến bốn lần mỗi ngày. Những người cần dùng insulin liều cao, có khi phải đo đường máu đến bảy lần một ngày.

Đối với tiểu đường loại 2, đo bao nhiêu lần một ngày là tốt nhất vẫn chưa được xác định rõ. Thường thì lúc mới bắt đầu điều trị, ta cần phải đo nhiều lần trong ngày hơn để điều chỉnh thuốc. Khi mức đường đã tương đối được kiểm soát rồi, ta có thể đo ít lần hơn, hôm thì giờ này, hôm thì giờ khác để cuối tháng hay cuối tuần, tổng hợp lại, ta sẽ có được một hình ảnh chung về mức đường ở những thời điểm khác nhau trong ngày.

Nếu giữ được một lịch trình ăn uống, cách ăn uống và thể dục, vận động điều độ, mức đường máu sẽ dễ được dự đoán chính xác hơn và khiến cho ta có thể ít phải đo đường hơn. Tuy nhiên, mỗi ngày đo ít nhất một lần vào những thời điểm được bác sĩ căn dặn, vẫn là điều nên làm, nếu ta thật sự muốn kiểm soát mức đường máu của mình hầu tránh các biến chứng. Tùy theo từng trường hợp và từng lúc khác nhau, bác sĩ sẽ cho ta biết cách nào tốt nhất.

Một trong những điều quan trọng nhất là sự thành thật và hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Nếu sợ đau hay vì lý do gì đó mà không dám hay không thể thử theo những giờ giấc bác sĩ dặn dò, nên thảo luận thành thật và thẳng thắn với bác sĩ.

Điều nguy hiểm nhất là không đo, vì “sợ bị rầy,” mà ghi những con số bịa đặt vào sổ để đưa cho bác sĩ.  Vì với những thông tin không chính xác, bác sĩ không thể đưa ra những lời khuyên thật sự hữu ích cũng như kê toa chính xác được.

Sức khoẻ là của chính ta. Chính ta là người quan trọng nhất trong việc chữa bệnh, duy trì và nâng cao sức khỏe của mình. Bác sĩ hay bất cứ ai khác chỉ có thể giúp ta khi mình biết tự giúp mình.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất để có thể tự giúp mình trong việc trị bệnh (cũng như hầu như mọi sự trên đời), là tự thành thật với mình và những người muốn giúp mình.

Thân mến

nguyentranhoang.com

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art