Thứ Hai, 03 Tháng Bảy, 2017

Bệnh trái rạ

Hỏi:

-Tôi chỉ thấy con nít mới bị trái rạ, vậy mà sao khi con tôi xin vào trường y tá, lại được yêu cầu phải kiểm tra về bệnh này? Thực sự, người lớn có thể bị trái rạ không? Và có cần chích ngừa trái rạ không?

 

-Trái rạ và giời leo có phải là một bệnh mà có tên khác nhau không?

-Đã bị trái rạ, hoặc đã chích ngừa trái rạ thì có cần chích ngừa giời leo không? Ai cần chích ngừa các bệnh này, và khi nào thì cần chích?

Đáp:

Trái rạ, tiếng Mỹ gọi là “chicken pox” hoặc “varicella,” là một bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Nếu chưa từng bị trái rạ lúc nhỏ, hoặc đã bị trái rạ lúc quá nhỏ (hệ thống miễn nhiễm của cơ thể còn quá yếu, chưa đủ sức tạo ra kháng thể) thì nếu chưa được chủng ngừa đầy đủ, người lớn, nếu bị lây, vẫn có thể bị trái rạ.

Trái rạ và giời leo

Trái rạ và bệnh giời leo, đều do một thủ phạm, là con varicella-zoster virus, gây ra.

Nếu một người đã từng bị trái rạ, và cơ thể khi đó đã có đủ khả năng để tạo ra kháng thể chống con virus này, thì người đó sẽ có miễn nhiễm với bệnh trái rạ suốt đời. Tức là người đó sẽ không bị trái rạ nữa, và do đó không cần chích ngừa trái rạ.

Tuy nhiên, một khi đã vào cơ thể, dù cơ thể người (khỏi) bệnh đã tạo ra kháng thể, varicella-zoster virus, vẫn không bị tiêu diệt hẳn, mà cứ “ẩn dật,” “nằm vùng” trong các đường thần kinh. Cho đến khi, vì lý do nào đó, mà sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu, các “trự” này sẽ “vùng lên,” tấn công vào một nhánh thần kinh nào đó trong cơ thể, khiến cho người bệnh bị giời leo.

Nói ngắn gọn, một người đã bị trái rạ rồi, nếu con virus gây bệnh này (có cơ hội đủ sức) tấn công cơ thể trở lại, lần bệnh sau này do virus này gây ra, sẽ là bệnh giời leo.

Dù là do cùng một thủ phạm gây ra, người đã có miễn nhiễm với trái rạ, vẫn cần chích ngừa giời leo khi cần thiết.

Những ai cần chích ngừa trái rạ

Tất cả người lớn chưa có bằng chứng là đã có miễn nhiễm với virus trái rạ nên được chích hai liều thuốc chủng trái rạ, ngoại trừ trường hợp họ có chống chỉ định (tức là các trường hợp mà việc dùng thuốc có thể gây nguy hiểm cho người dùng hoặc bào thai), như là người đang có bầu hay dự tính có bầu trong vòng ba tháng, bị suy giảm miễn dịch, bị ung thư máu, bị dị ứng với neomycin, gelatin…

Người lớn (lại càng) cần chú ý trong việc chích ngừa bệnh này. Vì nếu người lớn bị trái rạ thì nguy cơ bị các biến chứng nặng (như viêm phổi, viêm não, biến chứng vào gan…) sẽ cao hơn so với các trường hợp bệnh ở trẻ em.

Cần quan tâm đặc biệt để chích ngừa cho những ai

-Có tiếp xúc trực tiếp với người có nguy cơ cao bị bệnh nặng (như là nhân viên y tế và tiếp xúc với người trong gia đình bị suy giảm miễn dịch).

-Có nguy cơ cao bị lây bệnh (như các thầy cô giáo, những người chăm sóc trẻ em, sinh viên, quân nhân, sống chung nhà với trẻ em, phụ nữ không có bầu trong tuổi có thể sinh đẻ, những người đi du lịch quốc tế).

Bằng chứng có miễn dịch với varicella ở người lớn có thể bao gồm:

-Giấy tờ chứng minh đã có chích hai liều varicella cách nhau ít nhất là bốn tuần.

-Những người sinh ở Hoa Kỳ trước năm 1980 (ngoại trừ các nhân viên y tế và phụ nữ (có thể) có thai).

-Đã từng bị trái rạ, được chẩn đoán hoặc chứng nhận của bác sĩ.

-Đã từng bị giời leo (herpes zoster) và được bác sĩ chẩn đoán.

-Xét nghiệm cho thấy đã có miễn nhiễm với trái rạ.

Các phụ nữ có bầu đều cần được kiểm tra xem đã có miễn dịch với siêu vi trùng bệnh trái ra hay chưa. Những phụ nữ không có chứng cớ là đã có miễn nhiễm với trái rạ nên được chích mũi ngừa varicella đầu tiên ngay sau khi sanh hay chấm dứt thai kỳ và trước khi xuất viện. Mũi thứ nhì nên được chích từ bốn đến tám tuần sau mũi thứ nhất.

Nhắc lại về những ai cần chích ngừa giời leo

Một liều duy nhất của thuốc chủng ngừa giời leo được khuyến cáo cho những người từ 50 tuổi trở lên, dù là trước đây người đó từng bị giời leo hay chưa.

Những người với các tình trạng đau yếu mạn tính cũng có thể chủng ngừa thuốc này, trừ khi có chống chỉ định hay những tình trạng cần phải thận trọng khi chích ngừa thuốc này.

Các chống chỉ định (tức là các tình trạng khiến cho việc chích thuốc này có thể gây ra nguy hiểm cho bệnh nhân, do đó, họ không nên dùng thuốc này) bao gồm những người đã từng bị dị ứng với các thành phần của thuốc này hoặc chất gelatin, đã từng bị sốc thuốc (anaphylactic/anaphylactoid reaction) với neomycin, bị ung thư máu (leukemia hoặc lymphoma), bị suy giảm miễn dịch, ví dụ như bị nhiễm HIV, đang bị lao mà chưa điều trị, có bầu hoặc dự định có bầu trong vòng ba tháng.

Cần thận trọng khi chích nếu đang bị các bệnh cấp tính và đang sốt.

Thân mến,
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930

Bài viết khác