Thứ Sáu, 12 Tháng Năm, 2017

Gây tê và gây mê trong phẫu thuật

BS. Hồ Ngọc Minh

Gây tê và gây mê trong phẫu thuật - 1
(Hình minh họa: Getty Images)


LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Khi còn là bác sĩ nội trú về Sản Phụ Khoa tại bệnh viện Parkland Memorial Hospital, Dallas, Texas, tôi được gửi qua huấn luyện bên chuyên khoa về gây tê và gây mê (anesthesiology). Thoạt đầu, tôi cho rằng đây là dịp được nghĩ xả hơi sau những tháng bận rộn bên khoa sản. Thế nhưng, trái với sự mong đợi, tôi không được “cưỡi ngựa xem hoa” mà do thiếu nhân lực, “thiếu lính”, tôi bị đẩy ngay xuống “giao thông hào” để làm việc như là một bác sĩ nội trú chuyên về khoa gây tê mê. Nghĩa là, tôi được phân công gây mê toàn phần cho các ca mổ, dưới sự hướng dẫn của một bác sĩ đàn anh và sự giám sát của một bác sĩ thầy.

 

Đứng bên nầy hàng rào, “trái tay nghề” vì phải “hành nghề tay trái”, tôi mới thông cảm cho các đồng nghiệp bác sĩ tê mê. Nói là hàng rào, nhưng chỉ là một tấm màn chắn ngăn đôi, từ phía vai trở lên là thuộc phận sự của bác sĩ gây mê, còn phía bên kia là trách nhiệm của bác sĩ mổ.

Một “surgical team” hay một “đội phẫu thuật” trách nhiệm ca mổ, thường bao gồm một bác sĩ giải phẫu là đội trưởng, hay “thuyền trưởng”, một hay nhiều bác sĩ phụ mổ, một bác sĩ gây mê, một y tá hay kỹ thuật viên phụ mổ, và một y tá điều hợp. Để cho ca mổ được tiến triển tốt đẹp, đội phẫu thuật phải làm việc với nhau thật nhịp nhàng, cụ thể là sự “ăn khớp” giữa bác sĩ gây mê và bác sĩ mổ.

Dĩ nhiên là ngoài việc gây mê toàn phần, tôi cũng được huấn luyện các phương cách gây tê khác như “gây tê tại chỗ” (local anesthesia), “gây tê vùng” (regional anesthesia), “gây tê ngoài màng cứng” (epidural anesthesia).

Gây tê và gây mê là các phương pháp áp dụng những loại thuốc tê mê để làm cho bạn dịu xuống, bớt căng thẳng, giảm hay ngăn chặn cảm giác đau, và trên nguyên tắc, “bất tỉnh nhân sự” không còn biết gì cả trong khi được giải phẫu.

Có bao nhiêu phương pháp gây tê và gây mê?

1. Gây tê tại chỗ, làm tê một chỗ nhỏ trong thân thể như một vết thương nhỏ, ngoài da, vết thương ở da đầu, vết thương ngón tay, ngón chân,… Gây tê tại chỗ áp dụng cho những vùng phẫu thuật nhỏ. Thí dụ, bạn sẽ được tiêm thuốc tê vào ngay chỗ cần được may hay mổ, và, bạn vẫn còn tỉnh táo.

2. Gây tê vùng, là làm tê một vùng rộng hơn. Thuốc tê tiêm vào để ngăn chận cảm giác đau được chi phối bởi một sợi dây thần kinh hay một nhóm dây thân kinh, thí dụ như cánh tay từ bả vai xuống, bàn tay, bàn chân, cẳng chân, hay khuôn mặt…

3. Gây tê ngoài màng cứng xảy ra khi thuốc tê được tiêm vào bên trong cột sống. Cảm giác đau bị khống chế từ đoạn cột sống trở xuống, thí dụ như bụng, hông, đôi chân. Phương pháp nầy thường được dùng cho sản phụ trong khi lâm bồn để bớt đau và nếu cần trước khi sanh mổ.

4. Gây mê toàn phần tác động đến não bộ làm mất tri gác, ngủ say mê, “bất tỉnh nhân sự,” mất hết cảm giác toàn thân thể. Bệnh nhân có thể được tiêm thuốc mê vào trong tĩnh mạch, hay cho hít thở thuốc gây mê.

Trong khi được gây mê, bệnh nhân cần có sự giúp đỡ của máy trợ thở để cho phổi trao đổi oxygen với máu. Tim là cơ quan tự động nên dù mê, tim vẫn đập tự động nhưng cũng cần phải theo dõi qua máy đọc điện tâm đồ và máy đo huyết áp.

Ở đây ,trách nhiệm của bác sĩ gây tê và gây mê rất quan trọng trong việc giúp kiểm soát nhịp thở, điều hòa lượng oxygen, áp suất máu, lưu lượng máu, và nhịp đập của con tim trong suốt ca mổ.

Thế thì, phương pháp nào thích hợp cho ca mổ?

Để lựa chọn một trong các phương pháp trên dùng cho cuộc giải phẫu, bác sĩ gây mê cần biết một số yếu tố như:

1. Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Điều nầy bao gồm cả những cuộc giải phẫu từng có trước đây, nếu có các dị ứng với thuốc mê, và các bệnh đang có thí dụ như bệnh về tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh cường tuyến giáp…

2. Loại giải phẫu, nặng hay nhẹ, sức chịu đựng của mỗi bệnh nhân. Có khi nếu bệnh dễ bị kinh hãi, phương pháp gây mê toàn phần có thể lựa chọn để bệnh nhân dễ chịu hơn.

3. Tùy theo thử nghiệm máu và điện tâm đồ.

Những nguy cơ nào có thể xảy ra?

Bất cứ loại tê mê nào cũng đều có những nguy cơ có thể xảy ra, thí dụ như:

Sau khi gây mê, bị rối loạn tim mạch, áp suất bất thường, sưng phổi, đau cuống họng, nôn mữa.

Trong trường hợp gây tê tại chỗ hay gây tê vùng, thuốc tê có thể chạy vào mạch máu đi hết cơ thể và ảnh hưởng đến não bộ cũng như tim mạch.

Gây tê ngoài màng cứng có thể bị nhức đầu nếu “màng cứng” bao quanh cột sống bị thủng. Có khi bác sĩ phải “vá” chỗ thủng bằng cách tiêm máu của chính bệnh nhân vào chung quanh vết thủng, gọi là “blood patch.”

Những nguy cơ nầy còn tùy thuộc vào phương pháp gây tê mê, tuổi tác của bệnh nhân, tình trạng sức khỏe, mức độ phản ứng thuốc. Nguy cơ có thể tăng nếu bị bệnh phổi, uống một số thuốc nào đó, hút thuốc lá, uống rượu, hay ghiền ma túy.

Thuốc tê, thuốc mê gồm những loại nào?

Thuốc tê tại chỗ, thuốc tê vùng, hay tê ngoài màng cứng gồm có: Lidocain (Xylocain®), bupivacain (Marcain®).

Thuốc mê tiêm vào tĩnh mạch gồm có Thiopental (Penthotal® ), Medizolam (Versed®), Propofol (Diprivan ), Fentanyl (Sublimaze®). Mở ngoặc, Thiopental và Medizolam còn được dùng cho các cuộc xử tử mà hiện nay các hãng thuốc đã từ chối cung cấp cho nhà tù. Propofol được ca nhạc sĩ Michael Jackson lạm dụng làm thuốc ngủ và ông đã ngủ yên!

Thuốc mê cho qua ống thở gồm có: Isoflurane, Sevoflurane và Nitrous oxide.

Một số thuốc giảm cơ, thuốc an thần, thuốc chống ói…

Cần chuẩn bị gì trước ca mổ gây mê?

1. Không được ăn hay uống tối thiểu là 8 giờ trước khi mổ. Trung bình đồ ăn tốn khoảng 8 tiếng để đi suốt chiều dài của đường ruột. Lý do vì trong khi mổ, đồ ăn hay nước dịch từ bao tử có thể chạy ngược ống thực quản và lọt vào phổi. Chất acid có thể đốt cháy phổi và gây ra sưng phổi trầm trọng làm chết người. Chuyện có thật, tôi có một bệnh nhân đến phòng mổ với một ly cà phê Starbucks trong tay, vì bác sĩ chỉ dặn… không được uống nước!

2. Trước khi mổ có thể bị lo lắng, bồn chồn. Thư giãn tinh thần sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt lo lắng.

3. Sau khi mổ cần có người đón về, không được tự lái xe ra về. Một số hiệu ứng của gây mê có thể kéo dài hàng giờ sau mổ, có khi đến 24 tiếng sau.

Sau khi gây mê, bạn có thể bị tê hay mất cảm giác một phần hay toàn thân nếu được gây tê tại chỗ hay gây tê vùng. Sự điều khiển các cơ và sự phối hợp cử động bi ảnh hưởng, không được bình thường. Bạn có thể bị ói mữa do ảnh hưởng của thuốc mê. Bạn có thể bị lạnh cóng khi mới tỉnh dậy.

Mỗi năm ở nước Mỹ có khoảng 40 triệu ca mổ lớn nhỏ, cần đến gây tê hay gây mê. Mặc dù tỉ số nguy cơ rất thấp, có lẽ thấp hơn nguy cơ bị rớt máy bay rất nhiều. Tử vong hay tổn thương nặng vì gây mê thường hiếm có và thường liên quan đến những biến chứng của phẫu thuật nhiều hơn. Tử vong có thể xảy ra trong 1/250.000 trường hợp với gây mê toàn phần. Tất nhiên tỉ lệ nguy cơ sẽ cao hơn với những người có tình trạng sức khỏe kém hay bệnh nghiêm trọng. Vì thế, giữ gìn sức khỏe là điều quan trọng để trước nhất, tránh khỏi bị mổ và phải gây tê hay mê. Cho dù trong trường hợp phải bị gây tê hay gây mê, nguy cơ sẽ giảm nhiều nếu tình trạng sức khỏe tốt.

 

Bài viết khác