Thứ Sáu, 13 Tháng Chín, 2019

Ngủ trưa: Lợi và hại

Ngủ trưa: Lợi và hại - 1
Rất nhiều quốc gia trên thế giới mà dân chúng có thói quen ngủ trưa. (Hình minh họa: Getty Images)


LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

 

“Nắng chia nửa bãi chiều rồi

Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu

Sợi buồn con nhện giăng mau

Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.” (Huy Cận)

Rất nhiều quốc gia trên thế giới mà dân chúng có thói quen ngủ trưa. Theo ước tính, có trên 51% dân số địa cầu thường xuyên ngủ trưa, nhất là các xứ ở châu Âu. Khoảng hai thế kỷ trước, người Âu Châu vẫn còn ngủ ba giấc mỗi ngày. Thời đó, ban đêm có khi người ta thức giấc khoảng 2 giờ sáng, làm việc nhà, rồi đi ngủ trở lại, và cho là thói quen bình thường.

Có một lần vợ chồng chúng tôi đi chơi ở Tây Ban Nha, giữa trưa tự dưng phố phường vắng ngắt, các cửa tiệm đều đóng cửa, muốn mua sắm ít đồ, phải chờ đến hai giờ chiều. Thoạt đầu, tôi cho là lạ, nhưng chợt nhớ lại ngày xưa còn bé, tôi và các anh chị cũng về nhà buổi trưa để ăn trưa và “bị” má tôi bắt lên giường ngủ trưa trước khi đi học lại buổi chiều. Còn ba tôi, giấc ngủ trưa là điều không thể thiếu.

Ở Mỹ lại khác, người ta cho chuyện ngủ trưa là điều phí phạm, giảm mất năng suất làm việc, và có đôi khi, bị đồng nghĩa với sự lười biếng. Gần đây, một số hãng xưởng hay công sở lại cho phép công nhân viên được “nghỉ trưa” một giờ, muốn tranh thủ để ngủ chút đỉnh cũng được. Tuy nhiên, theo thăm dò, đa số những người trẻ tuổi vẫn không thích ngủ trưa.

Thế thì, nên hay không nên ngủ trưa?

Thông thường vào buổi trưa, chiếc đồng hồ điều khiển sự tuần hoàn của cơ thể sẽ đi chậm lại, làm giảm mức độ tỉnh táo, đó là tại sao cơn buồn ngủ thường hay kéo đến sau khi ăn trưa, nhất là khi không được ngủ ngon giấc vào buổi tối hôm trước.

Ngủ đầy đủ, từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày là yếu tố cần thiết cho sự hoạt động bình thường của cơ thể. Rất nhiều người bị tình trạng thiếu ngủ kinh niên do nề nếp sống không tốt, hay bị stress thường xuyên. Thiếu ngủ lại gây ra thêm stress. Thiếu ngủ có hại đến sức khoẻ thể chất cũng như tâm thần. Người thiếu ngủ  dễ bị các chứng  bệnh về tim mạch, tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, giảm trí nhớ, thiếu sáng suốt, và kể cả bệnh tâm thần như phiền muộn, kinh hãi vô cớ.

Ngủ trưa có ích lợi cho nhiều người. Bằng cách bổ sung cho sự thiếu ngủ, sẽ làm tăng hiệu năng làm việc do sự tỉnh táo, tăng độ chính xác của phản xạ, tăng độ bén nhạy của hệ thần kinh, trí trớ, tư duy và dĩ nhiên làm cho tính tình, tâm tư dễ chịu hơn. Ngủ trưa  cũng giúp hệ thống đề kháng, miễn nhiễm, chống lại bệnh tật linh tinh.  Ngủ đầy đủ cũng giảm tai nạn nghề  nghiệp cũng như tai nạn xe cộ.

Ngủ trưa cũng có lợi khi mà cơ thể không được khỏe, như bị cảm cúm, mỏi mệt chẳng hạn. Người già hay người có giờ giấc làm việc bất thường cần đến giấc ngủ trưa. Giấc ngủ là phương cách hồi sức chống lại sự mệt mỏi tốt nhất. Vì thế nếu thấy cần ngủ thì cứ ngủ. Ngược lại, nếu không thấy mệt, thì giấc ngủ trưa không phải là điều luôn luôn phải có trong đời sống bình thường.

Có hai tác động không tốt do việc ngủ trưa quá nhiều:

Thứ nhất, ngủ trưa làm giảm bớt sự đòi hỏi và động cơ của việc “thèm ngủ”. Điều nầy tốt nếu cần lấy lại sự tỉnh táo, quân bình trong ngày, nhưng sẽ trở thành vấn nạn nếu giấc ngủ trễ, sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm, do đó sẽ tạo thành một vòng tròn lẩn quẩn của bệnh thiếu ngủ. Thứ nhì, nếu giấc ngủ quá dài sẽ làm cho cơ thể cảm thấy lừ đừ, như bị say rượu khi mới thức dậy.

Ngoài ra, nếu ngủ trưa để bù đắp lại cho giấc ngủ tối vì bệnh mất ngủ lại là một điều đáng quan tâm, cần phải chữa trị. Một người có sức khỏe bình thường, có thể ngủ “trọn gói” đầy đủ trong một đêm, và không cần phải tranh thủ ngủ bù vào giấc trưa. Một số bằng chứng khoa học cho thấy, nếu thường xuyên cần phải ngủ trưa trên một giờ mỗi ngày, có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Tóm lại, nếu buồn ngủ và điều kiện cho phép, thì cứ ngủ để chống lại sự mỏi mệt. Ví dụ như cuối tuần, ngày lễ nghỉ chẳng hạn. Nguyên tắc là không nên ngủ quá 30 phút, và không nên ngủ quá trễ vào buổi xế chiều, để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.

Riêng những ai thích uống cà phê, có một phương cách kết hợp cà phê với giấc ngủ trưa để tăng cường sự tỉnh táo của cơ thể.

Ngủ trưa: Lợi và hại - 2
Kết hợp cà phê với giấc ngủ trưa để tăng cường sự tỉnh táo của cơ thể. (Hình minh họa: Getty Images)


Thoạt nghe, có vẻ không hợp lý, vì cà phê làm cho khó ngủ. Thật ra không phải như vậy. Nguyên tắc là chỉ uống một chút cà phê trước khi đi ngủ trưa, loại cà phê Mỹ chứ không phải nguyên ly cà phê sữa đá của Việt Nam! Một tí cà phê không làm cản trở cơn buồn ngủ, và sẽ tốn khoảng 30 phút để thấm vào máu, đạt nồng độ cao nhất trong não bộ. Vào thời điểm 30 phút nầy, cà phê sẽ làm cho ta thức giấc và tỉnh táo hơn, không bị lừ đừ, so với người không uống cà phê.

Nếu có ai đó đi ngủ trưa chung với mình thì lại càng hạnh phúc hơn!

“Lòng anh mơ với quạt này,

trăm con chim mộng về bay đầu giường.

Ngủ đi em mộng bình thường,

ngủ đi em mộng bình thường.

Ru em sẵn tiếng, thùy dương đôi bờ.

Ngủ đi em, ngủ đi em.” (Huy Cận)

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art