Móng là nói chung cho cả móng tay và móng chân.
Bệnh của móng có thể phục hồi sau khi điều trị, nhưng móng mọc lại rất chậm. Cho nên chăm sóc, bảo vệ móng, tránh hư hao là điều cần lưu ý.
– Ðiều rất quan trọng trước hết là không nên cắn móng tay hoặc làm điều gì có thể gây tổn thương cho móng. Chỉ với một vết thương nhỏ cũng khiến vi khuẩn có thể xâm nhập và đưa tới nhiễm trùng cho móng.
Vì vậy, cần mang bao tay khi làm công việc có thể va chạm mạnh tới móng.
– Tránh để móng tiếp xúc trực tiếp và quá lâu với các chất tẩy rửa, dung dịch hòa tan, dầu nhớt… Các chất này rất dễ làm thay đổi cấu trúc, hình dạng và mầu sắc của móng. Mang bao tay cao su để bảo vệ móng khi phải làm việc với các chất này.
– Mỗi tuần cắt móng tay một lần. Móng chân nên cắt ngang bằng mặt, mỗi tháng một lần vì móng nơi đây mọc chậm hơn móng tay.
Khi móng quá cứng và giòn, nên cắt sau khi tắm hoặc ngâm móng trong nước, vì lúc này móng tương đối mềm hơn.
Dùng kéo hoặc kìm cắt móng thật sắc và nhỏ để cắt, rồi giũa cạnh cho nhẵn, để giảm thiểu tổn thương cho móng.
– Nếu thích để móng tay dài, nên tránh bụi bậm tích tụ dưới móng và cẩn thận khi làm việc để móng khỏi gẫy.
– Lớp da bao quanh móng có nhiệm vụ bảo vệ móng khỏi bị nhiễm độc. Nhiều người khích lệ cắt gọt da này để mặt móng bằng phẳng, nom đẹp hơn. Nhưng các nhà chuyên môn bệnh ngoài da lại khuyên là không nên cắt, trừ trường hợp da bị xước hay lật ngược.
Trước khi cắt, nên ngâm tay trong nước ấm cho da mềm rồi cắt sát tận gốc với kéo sắc. Đừng lấy tay giựt đứt da này vì làm như vậy là ta đã mở đường cho vi khuẩn xâm nhập móng, dễ gây ra nhiễm độc.
– Sử dụng mỹ phẩm đúng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Loại mỹ phẩm sơn màu và làm bóng móng đều giống nhau và chỉ có mục đích thẩm mỹ, trông cho đẹp chứ không nuôi dưỡng cho móng tốt được.
– Cũng nên lưu ý rằng, không có hóa chất hoặc dược phẩm nào có thể thoa bôi để “nuôi dưỡng” móng, ngoại trừ việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc móng chu đáo.
– Không nên dùng thuốc rửa móng có chất acétone quá thường xuyên vì hóa chất này làm móng khô, giòn, yếu, dễ gẫy.
– Phong trào gắn móng tay giả rất phổ biến. Tuy vậy móng giả cũng có thể gây ra một số điều bất lợi. Khi gắn móng giả vào mà không lau chùi sạch thì vi trùng hay nấm độc có thể sinh sản ở giữa hai lớp móng và làm hư móng thiên nhiên. Ngoài ra, khi móng tự nhiên mọc ra, sẽ có một khoảng trống giữa hai lớp móng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào đây.
– Khi đi tiệm để được chăm sóc móng, nên lưu ý nhân viên dùng dụng cụ sạch sẽ, áp dụng kỹ thuật cắt giũa cẩn thận để tránh tổn thương và nhiễm trùng cho móng.
– Ngoài ra, cũng nên lưu ý rằng tại một số tiệm làm móng không trang bị hệ thống thanh lọc không khí, nhất là nơi gắn móng tay giả, không khí có thể bị ô nhiễm hóa chất và có thể gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe.
Các hóa chất thường dùng là formaldehyde để làm móng chắc; chất éthyl méthacrylate làm keo gắn móng giả; acétone để chùi rửa thuốc sơn bóng móng.
Hóa chất xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp khi ta hít thở không khí, ngấm qua da, hoặc vô ý, ta nuốt vào miệng. Tùy theo thời gian tiếp xúc với hóa chất, đường xâm nhập, số lượng và loại hóa chất mà ảnh hưởng nặng nhẹ khác nhau.
Bụi và hơi hóa chất vào mắt làm mắt ngứa, chảy nước, sưng, thị lực bị tạm thời suy yếu. Khi vào mũi, cuống họng, phổi, hóa chất gây nghẹt mũi, đau cuống họng, nghẹt thở, ho, nặng ngực, khó thở, đôi khi lên cơn hen suyễn. Tiếp xúc quá lâu với hóa chất liên hệ tới móng có thể gây nhức đầu, chóng mặt, ói mửa…
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức