Cà tím và hành đều rẻ tiền, theo kinh nghiệm dân gian ở nhiều nơi, món ăn này còn có những tác dụng trị bệnh quý giá. Tuy nhiên, đừng vì thấy trị bệnh của hai loại này mà ăn quá nhiều.
Cà tím
Cà tím thuộc họ Solanaceae, cùng họ với cà chua, khoai tây, ớt xanh và ớt đỏ. Tiếng Mỹ gọi cà tím là eggplant, Pháp gọi là aubergine.
Quả cà tím có đực, có cái. Để phân biệt ta chỉ cần nhìn ở đáy quả cà: Nếu vết lõm sâu và và dài như một cái gạch ngang là cà cái; nếu vết lõm nông và tròn là cà đực. Cà đực có ít hạt do đó ít đắng hơn cà cái.
-Giá trị dinh dưỡng: Tuy có ít năng lượng và chất dinh dưỡng, nhưng cà được nhiều người ưa thích vì có nhiều chất xơ, tốt cho bài tiết tiêu hóa, ăn lại mau no, không sợ béo mập. Một chén cà tím (khoảng 180 gr) có 20 calori, 2.5 gr chất xơ và 0.5 mg sinh tố C.
Cà tím có cấu tạo đặc biệt giống như thịt và dễ thấm hút gia vị trong món ăn. Vì thế, người ăn chay thường dùng để nấu nướng thay cho thịt. Nhưng khi nấu với mỡ béo, cà sẽ hút rất nhiều mỡ, vì thế nên dùng dầu thực vật có ít chất béo bão hòa.
Sau khi nấu, đôi khi cà có vị hơi đắng. Để làm mất vị đắng này, ướp cà với một chút muối, xếp mỏng trên một cái đĩa, lấy một cái đĩa khác đậy lên trên cho nặng, chắt bỏ nước cà chảy ra; hoặc ngâm các miếng cà trong nước muối chừng 30 phút rồi mới vớt ra nấu. Khi nấu cà tránh dùng nồi nhôm, vì chất nhôm làm cà đổi màu.
Cà đã nấu không nên để ngoài không khí quá lâu vì chất nitrate trong cà chuyển hóa thành nitite, ăn vào có thể gây ngộ độc, nhất là ở trẻ em.
Cũng chỉ nên cắt cà ít phút trước khi nấu, kẻo cà bị oxy hóa thành màu thâm nâu.
Nên cất giữ cà tươi trong tủ lạnh, để cà khỏi mau khô héo.
-Công dụng y học: Cà tím nom có vẻ rẻ tiền, nhưng theo kinh nghiệm dân gian ở nhiều nơi, món ăn này còn có những tác dụng trị bệnh quý giá.
Y học cổ truyền Bắc Hàn nói ăn cà tím để chữa bệnh đau lưng, đau bụng, bệnh sởi, nghiện rượu và đắp ngoài da để chữa phong thấp, phỏng, đau bụng.
Người Nigeria dùng cà tím như thuốc ngừa thai, chữa kinh phong, viêm xương khớp.
Nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy nước chiết cà tím có thể ngăn chặn ung thư ở màng tế bào. Ở vùng mà dân chúng ăn nhiều cà tím thì số người mắc bệnh ung thư bao tử rất thấp.
Cách đây hơn 30 năm, một bác sĩ người Áo thử nghiệm cho thỏ ăn nhiều cà tím thì thấy sức tác hại của cholesterol trên thành động mạch máu của những con thỏ này thấp hơn ở nhóm thỏ không ăn cà. Ông cho rằng chất xơ trong cà đã bám chặt vào cholesterol, rồi đưa ra ngoài theo chất thải của sự tiêu hóa, do đó bảo vệ được động mạch.
-Vài điều cần lưu ý: Khi uống thuốc chữa bệnh trầm cảm MAO inhibitor (Monoamine oxidase inhibitor), nên cẩn thận vì chất tyramine trong cà có tác dụng tương phản với MAO, làm huyết áp lên cao.
Trước khi đi thử nước tiểu kiểm tra u bướu bao tử hoặc tuyến nội tiết, không được ăn cà tím, vì cà tím có nhiều serotonin có thể làm thử nghiệm thành dương tính giả (false positive). U bướu tiết ra nhiều serotonin và được thải ra trong nước tiểu.
Serotonin cũng có nhiều trong chuối, cà chua, mận, dứa, trái bơ… Nếu ăn những thứ này thì nước tiểu sẽ có serotonin ngay cả khi không bị u bướu.
Hành
Hành là món ăn rất thông dụng ở mọi quốc gia trên thế giới và đứng hàng thứ sáu về mức tiêu thụ trong tất cả các loại rau.
Người Á Đông thường phân biệt hành ta và hành tây. Hành ta củ và lá nhỏ, còn hành tây củ to hơn, lá hình trụ, rỗng ruột.
-Giá trị dinh dưỡng: Hành có thể ăn tươi từ lúc còn non hoặc để cho củ thật già, khô, có vỏ bong ra như giấy.
Hành có loại đỏ và loại trắng. Hành đỏ ngọt dịu rất tốt để ăn với xà lách hay bánh mì kẹp. Hành trắng vị hăng hơn thường dùng trong việc nấu nướng.
Hành có thể được chế biến thành nhiều dạng như hành bột, bột hành trộn muối, hành miếng hoặc viên hành.
Hành muối cũng rất thông dụng nhất là vào dịp Tết có thịt mỡ, bánh chưng xanh mà không có dưa hành thì mất thú vị.
Hành có thể được ăn sống hoặc nấu với nhiều cách khác nhau như luộc, xào, nấu súp, nướng.
Hành có một số chất dinh dưỡng như sinh tố C, beta carotene, kali, sinh tố B, folacin.
Khi mua về, củ hành cần được cất nơi thoáng mát để hành không bị khô và đâm chồi. Hành được bảo quản tốt có thể giữ lâu hơn một tháng.
Hành lá thì lựa bỏ nhánh hư, gói trong túi nhựa và để trong tủ lạnh.
Khi cắt hành, nhiều người bị cay chảy nước mắt. Đó là vì trong hành có một hóa chất sulphur, khi cắt hành thì hóa chất này tham dự vào một phản ứng hóa học, tạo thành acid sulfuric bay ra, gây kích thích ở mắt. Có thể tránh khó chịu này bằng cách cắt hành dưới vòi nước chảy để hòa tan hóa chất sulfur, hoặc để hành trong ngăn tủ lạnh độ một giờ trước khi cắt.
Khi nấu, hành trở nên ngọt vì một số hóa chất trong hành chuyển hóa thành đường.
-Tác dụng trị bệnh: Theo truyền thuyết, binh sĩ của Đại Đế Alexander được cho ăn nhiều hành để chiến đấu kiên cường hơn.
Từ nhiều thế kỷ, hành được dùng để làm giảm huyết áp, long đàm thông phổi, bổ tim, kích thích sinh lý và chữa nhiều chứng bệnh như cảm lạnh, nhiễm độc, tiểu đường, ung thư… Hành cũng có khả năng diệt vi khuẩn như một loại kháng sinh.
Nhà bác học Louis Pasteur đã thử nghiệm và cho biết là hành có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn. Nghe nói, trong Thế Chiến thứ II, binh sĩ Liên Xô bị thương cũng dùng hành tươi đắp lên vết thương cho mau lành và ngăn vi khuẩn xâm nhập.
Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy hành chứa hóa chất adenosine có công dụng ngăn máu đóng cục do đó giảm nguy xảy ra cơ cơn suy tim (heart attack). Hành cũng ngăn ngừa tế bào máu bám vào thành động mạch bằng cách làm tăng cholesterol tốt HDL trong máu.
Nghiên cứu ở bệnh viện M.D Anderson-Houston và Đại Học Harvard cho thấy hóa chất của hành có thể ngăn ngừa sự tăng trưởng tế bào ung thư.
Kết quả nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy hành có thể làm hạ mức đường trong máu, trùng hợp với kinh nghiệm dân gian vẫn dùng hành để chữa bệnh tiểu đường.
Hành ta là vị thuốc rất thông dụng trong dân gian.
Theo Giáo Sư Đỗ Tất Lợi, hành có một số công dụng trị bệnh như “làm ra mồ hôi, sát trùng, lợi tiểu, chữa đau răng; sắc lấy nước chữa cảm sốt, nhức dầu, mặt phù thũng, làm an thai, sáng mắt, lợi ngũ tạng.”
Đang bị cảm lạnh mà ăn một bát cháo hoa nóng hổi có thêm vài nhánh hành tươi thì thấy nhẹ hẳn người, bớt nghẹt mũi.
Hành giã pha với mật ong là môn thuốc cổ truyền trị ho rất tốt. Hành còn được dùng đắp lên mụn nhọt để sát khuẩn và làm vết thương mau lành miệng.
Ăn nhiều hành tươi làm hơi thở hôi vì có hợp chất sulfur, gây ra nhiều hơi trong bao tử, ruột. (Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức)