Hỏi:
Khi bị ho hen, làm sao để phân biệt là mình đang bị cúm, hay cảm, hay nhiễm trùng viêm họng, hay do nguyên nhân nào khác. Cách chữa trị có khác nhau không? Khi nào thì nên đi gặp bác sĩ?
Đáp:
Dù có một số triệu chứng giống nhau, thật ra cảm và cúm là hai bệnh khác nhau. Nói chung, cảm thường nhẹ hơn cúm, và thường gặp hơn cúm rất nhiều. Cúm đáng sợ như thế nào?
Cúm (tiếng Mỹ gọi là “flu” hay “influenza”), cũng là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tuy nhiên nó thường nặng hơn cảm. Nó thường xảy ra trong các cơn dịch địa phương, và thường lên đến cao điểm vào mùa Đông, hầu như hằng năm. Khi lan tràn toàn thế giới, nó có thể tạo thành đại dịch.
Cúm cũng gây ra nhiều triệu chứng như cảm, có thể nhẹ hay nặng, tùy theo loại virus và sức đề kháng của bệnh nhân. Dù là virus đường hô hấp, cúm có thể ảnh hưởng các hệ thống khác của cơ thể. Các triệu chứng của cúm thường là sốt cao, ớn lạnh, rêm, ê ẩm mình mẩy, nhức đầu, đau họng, sổ mũi, kiệt sức, ho, tiêu chảy, chóng mặt… Bệnh nhân có thể bị vài, hoặc tất cả các triệu chứng kể trên.
Cúm có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, bị bội nhiễm do vi trùng. Người trên 50 tuổi, trẻ em nhỏ, những người bị bệnh mạn tính hay bị suy giảm miễn dịch, là những thành phần dễ bị các biến chứng nguy hiểm nhất.
Một số bệnh cũng có một số triệu chứng gần giống cảm cúm là viêm mũi dị ứng, viêm mũi do co giãn mạch máu ở mũi, các hội chứng do nhiễm các loại virus khác.
Chẩn đoán cúm
Cúm thường được chẩn đoán chỉ bằng thăm khám. Thăm khám thường đủ để bác sĩ quyết định chẩn đoán cúm và bắt đầu điều trị.
Sốt cao, ớn lạnh, ho, đau rêm mình mẩy vào mùa cúm, thường là các triệu chứng điển hình của cúm.
Có một số xét nghiệm (mà một trong những cách tương đối đơn giản, lẹ làng nhất, là thử chất tiết ra ở cổ họng) có thể giúp xác định cúm. Tuy nhiên, nó thường hữu ích hơn trong việc kiểm soát dịch (hơn là trong việc điều trị).
Các xét nghiệm khác như quang tuyến, cũng chỉ thường để phát hiện các biến chứng của cúm.
Nguyên nhân của cúm
Virus cúm chỉ có ba nhóm khác nhau là A, B và C. Cúm A là loại thường gặp nhất, sau đó là cúm B, cúm C thường chỉ gây bệnh nhẹ với các triệu chứng mà chính bệnh nhân nhiều khi cũng không ghi nhận được.
Điều đặc biệt của virus cúm, là chúng có thể thay đổi cấu trúc di truyền rất nhanh. Chính vì thế mà mỗi năm người ta đều phải chế ra các loại thuốc chích ngừa cúm mới nhằm thích hợp nhất với các chủng cúm được khảo sát là có nhiều khả năng gây ra dịch trong năm đó.
Diễn tiến và các biến chứng của bệnh cúm
Cúm có thể kéo dài chỉ 24 tiếng đồng hồ, hoặc có thể một tuần hay hơn. Trung bình, cúm kéo dài khoảng bốn đến năm ngày. Giống như cảm, khi nào còn có triệu chứng thì bệnh nhân còn có thể lây bệnh sang người khác.
Biến chứng thường gặp nhất của cúm là viêm phổi. Các biến chứng có thể gặp khác của cúm là viêm cơ (bắp thịt), bị hội chứng Reye, viêm cơ tim, viêm màng cơ tim, và các biến chứng trên hệ thống thần kinh.
Viêm phổi thường gồm các triệu chứng sốt, rét, khó thở, đàm, đau ngực. Viêm phổi có thể do chính virus cúm gây ra, do bội nhiễm vi trùng, hoặc do kết hợp cả hai. Viêm phổi do chính virus cúm gây ra thường ít gặp, nhưng thường nặng hơn do vi trùng. Những người dễ bị viêm phổi là người đã bị các bệnh tim phổi, bị các bệnh kinh niên như tiểu đường, bệnh thận, suy giảm miễn dịch, những người sống trong các viện chăm sóc, điều dưỡng, những người lớn tuổi.
Viêm bắp thịt thường xảy ra ở trẻ em hơn, gây ra đau nhức bắp thịt kinh khủng, thường gặp nhất ở chân. Đau rêm bắp thịt là triệu chứng rất thường gặp trong bệnh cúm. Tuy nhiên, viêm bắp thịt thật sự ít gặp hơn rất nhiều.
Hội chứng Reye, cũng thường gặp ở trẻ em, thường bắt đầu bằng buồn nôn, ói mửa, sau đó tổn thương gan, tổn thương thần kinh với các triệu chứng như co giật, hôn mê. Hội chứng này dễ gặp hơn ở trẻ em dùng aspirine. Do đó, nên tuyệt đối tránh dùng aspirin ở trẻ em bị cảm, cúm hoặc các bệnh có triệu chứng tương tự như vậy.
Một số bệnh của hệ thống thần kinh khác, cũng có thể là biến chứng của cúm, như viêm não, viêm tủy sống…
Viêm cơ tim và viêm màng cơ tim là các biến chứng ít gặp của bệnh cúm.
Thân mến,
drnguyentranhoang@gmail.com
www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930