Thứ Ba, 09 Tháng Mười, 2018

Chẩn đoán và trị đau lưng

Chẩn đoán và trị đau lưng - 1
Đau lưng là biểu hiện của một tình trạng nguy hiểm, không nên ỷ y, cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. (Hình minh họa: echiropractor.org)


Hỏi:

-Bác sĩ cho biết là có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra đau lưng. Vậy làm sao để biết là mình đang bị đau lưng do nguyên nhân nào?

 

-Bị đau lưng thì có phải lúc nào cũng cần phải chụp hình không? Có người bảo tôi là chụp hình nhiều không tốt, vì chiếu tia phóng xạ vào người càng ít thì càng tốt. Có người nói là phải chụp thì mới biết rõ được tại sao đau lưng. Thật ra, khi nào thì cần chụp, và chụp như thế nào?

-Có cách nào trị đau lưng vừa ít tốn tiền, ít tác dụng phụ, và không phải mổ xẻ không? Khi nào thì cần đi bác sĩ, khi nào thì có thể tự chữa? 

Đáp:

Đại đa số các cơn đau lưng sẽ tự khỏi một cách tự nhiên hoặc với những bài tập đơn giản tự làm ở nhà. Mặt khác, đau lưng cũng có thể là biểu hiện của một tình trạng nguy hiểm, không nên ỷ y, và cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. 

Đánh giá đau lưng bằng cách nào? 

Dấu hiệu của các tình trạng nguy hiểm này là:

-Đau liên tục, không giảm bớt ngay cả khi đi ngủ, khi nằm xuống, có thể là dấu hiệu của gãy xương (những người bị loãng xương có thể bị gãy xẹp xương sống ngay cả khi không bị các chấn thương nào rõ rệt), nhiễm trùng hay u bướu, ung thư. Các đầu mối khác khiến ta nghĩ đến ung thư có thể là tiền sử đã bị ung thư, bị sụt cân không giải thích được, đau kéo dài hơn một tháng không cải thiện được với điều trị thông thường.

-Yếu của một hay cả hai chân và các rối loạn khi đi tiêu, tiểu và sinh hoạt tình dục, có thể là các dấu hiệu của tổn thương bó thần kinh ở phần cuối cột sống (cauda equine syndrome).

-Những người bị suy giảm miễn dịch, chích xì ke ma túy, bị chấn thương cột sống do tai nạn hay té ngã, cần được chẩn đoán xem có bị nhiễm trùng hay gãy xương hay không.

-Đau lan xuống cẳng chân và bàn chân, đặc biệt là nếu đi kèm với sự yếu đi của chân, rất có thể là triệu chứng của thoát vị đĩa sống.

Chỉ cần có một trong các triệu chứng kể trên, ta nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Ngay cả không có các triệu chứng kể trên nhưng nếu bị đau mà không hết với các điều trị đơn giản tại nhà ta cũng nên đi thăm bác sĩ.

Thường thường, sự mô tả một cách chi tiết triệu chứng đau và sự thăm khám của bác sĩ là cách đem lại nhiều thông tin nhất cho một chẩn đoán. Chỉ trong một số ít trường hợp ta mới cần đi chụp X quang hay MRI.

Nhiều người thường cho rằng hể đau lưng là cần chụp phim để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy các phim X quang (plain x-rays) thường không có ích trong đa số các trường hợp đau lưng. Các phim này không thể cho thấy các thoát vị đĩa sống hay hẹp ống sống.

Phim X quang có thể có ích ở các bệnh nhân mà triệu chứng gợi ý các nguyên nhân gãy xương, nhiễm trùng hay u bướu, đây là các nguyên nhân hiếm gặp của chứng đau lưng. Phim X quang thường cho thấy gai cột sống, nhưng đây lại là điều bình thường ở người lớn tuổi và không có liên quan đến sự trầm trọng của bệnh hay mức độ đau đớn của bệnh nhân.

Các xét nghiệm rất mắc tiền như MRI có thể cho thấy rõ hơn cấu trúc của xương sống. Các thông tin này có thể có ích nếu ta nghĩ đến giải phẫu hay các nguyên nhân trầm trọng được nghĩ đến, tuy nhiên với đa số trường hợp đau lưng thông thường, đây là điều không cần thiết.

Dù MRI có thể cho thấy sự lồi ra của các đĩa sống một cách rõ ràng, nhiều người có đĩa sống bị lồi ra mà không bị đau, do đó, khó có thể nói được sự lồi ra của đĩa sống có phải là nguyên nhân của đau hay không.

Như đã nói trên, sự thăm khám cẩn thận và khai bệnh tỉ mỉ của ta có thể đem lại nhiều thông tin hữu ích hơn.

Trị đau lưng bằng cách nào? 

Trừ khi đau lưng do một tình trạng trầm trọng gây ra, triệu chứng đau thường hồi phục nhanh chóng, ngay cả nếu ta có bị tê tê như là do thần kinh (vì cơ thể có thể tự giải tỏa bớt áp lực trên thần kinh ở chỗ đĩa sống bị lồi).

Ta thường có thể làm được nhiều điều bổ ích để góp phần giảm bớt cơn đau:

-Tìm một tư thế thích hợp giúp giảm đau. Đó có thể nằm trên giường với nệm cứng vừa vừa (chứ đừng cứng quá) với đầu gối cong lại, hoặc ngồi tựa vào lưng ghế, hoặc bất cứ tư thế nào mà ta thấy có thể làm bớt đau.

-Nếu khi đi làm, ta có thể giữ được các tư thế đó, ta có thể tiếp tục đi làm. Nếu không, có thể ta sẽ cần phải nghỉ vài ngày. Một số nghiên cứu cho thấy với chứng đau lưng không trầm trọng, nghỉ làm lâu quá thường làm cho triệu chứng đau lâu hết hơn.

-Tránh khiêng nặng hoặc các cử động đột ngột, khó khăn.

-Dùng các thuốc giảm đau thường dùng như aspirin, acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Motrin), naproxen (Aleve) nếu cần. Cần chú ý là cách hiệu quả nhất là khi cần uống thì uống đều đặn và đúng liều vài ngày, chứ không phải chờ đến khi đau quá mới uống. Vì chờ đau mới uống thì đã bị đau rồi, hơn nữa, thuốc ngoài tác dụng giảm đau còn có tác dụng giảm viêm (ibuprofen, naproxen), mà viêm chính là nguyên nhân của đau, uống đều đặn, đúng liều mới có thể phát huy tác dụng giảm viêm của thuốc.

Các thuốc giảm đau thông thường kể trên dùng với liều thường dùng (có ghi trên nhãn thuốc) trong thời gian ngắn (một vài tuần) thường rất an toàn.

Cần chú ý là nếu bị bệnh gan thì cần hỏi bác sĩ trước khi dùng Tylenol, và khi dùng thuốc thì đừng uống rượu (trước và sau khi dùng). Những người bị bệnh bao tử thì nên tránh aspirin, Motrin hay Aleve; nếu không bị bao tử cũng nên uống các thuốc này lúc bụng no.

Trái với nhiều người lầm tưởng, Tylenol không làm đau bao tử, và thuốc có hiệu Tylenol hay thuốc chế theo công thức acetaminophen, APAP,… thường cũng có tác dụng không khác nhau bao nhiêu.

Các thuốc mạnh hơn có chứa thuốc phiện như Tylenol số 3, Vicodin… hiếm khi cần thiết.

Thân mến

www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930

Bài viết khác