LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
Bệnh nhân vẫn thường lo ngại đặt câu hỏi với bác sĩ về sự an toàn của các phương pháp chụp hình để chẩn bệnh những khi phải đi chụp hình quang tuyến X-ray, chụp hình CT scan, hay chụp hình vú mammogram. Trong suốt cuộc đời, có thể nói, ai ai cũng đã từng trải qua một số thử nghiệm chụp hình như thế. Câu hỏi lẩn quẩn trong đầu óc nhiều người: Bao nhiêu thì nhiều và có nguy hiểm dài lâu hay không?
Trong một bài viết cách đây ít năm, tôi đã giải thích về cơ sở vật lý và phân biệt về các phương pháp chụp hình để định bệnh trong y khoa, và cũng có đề cập sơ đến mức độ an toàn của mỗi phương pháp. Sau đây xin bàn thêm vào chi tiết.
Nói cho đúng, không có một công thức nào để đo lường và có thể trả lời chính xác cho câu hỏi về mức độ an toàn của các phương pháp chụp hình chẩn bệnh. Lý do, mức độ ảnh hưởng của phóng xạ không đơn giản đi theo tỉ lệ thuận của một đường thẳng theo cấp số cộng, cấp số nhân hay cấp số lũy thừa, hoặc ngược lại, vô hại tùy theo mỗi cá nhân. Trên nguyên tắc, khi liều lượng phóng xạ càng cao, càng lập lại nhiều lần trong thời gian ngắn hạn thì mức độ hiểm nguy càng nhiều. Ngược lại, lâu lâu chỉ bị nhiễm một chút phóng xạ thì cũng không hề hấn gì.
Nhiễm phóng xạ, có thể hủy hoại tế bào, xảy ra cho mọi người, mọi ngày, cho dù chưa hề đi khám bác sĩ một lần nào trong đời. Tia sáng mặt trời, sóng vũ trụ, hay những tia phóng xạ khi đi máy bay ở cao độ, thường xuyên tấn công cơ thể con người. Thêm vào đó, đất đá cũng chứa phóng xạ, nhiễm vào thức ăn, nước uống và không khí, cuối cùng thâm nhập vào cơ thể.
MilisievertS (mSv) là đơn vị để đo mức độ phóng xạ hấp thụ bởi cơ thể con người. Mỗi năm, một người ở Mỹ bị nhiễm độ 3 mSv từ ánh nắng mặt trời, không khí… Cộng thêm 3 mSv nữa là nguồn phóng xạ đến từ các nhà máy điện, màn ảnh TV, computer… Cuối cũng là phóng xạ đến từ các phương pháp chụp hình như X-rays và CT-scan.
Thí dụ, so với độ nhiễm phóng xạ là 0.035 mSv, khi bay xuyên bang từ California sang New York chẳng hạn, thì chụp hình quang tuyến bàn tay nhiễm độ 0.001 mSv, chụp hình nguyên răng hàm nhiễm 0.01 mSv, chụp hình phổi là 0.1 mSv, và chụp hình vú sẽ là 0.4 mSv.
Chụp hình CT scan bao gồm tập hợp của nhiều X-ray, sẽ nhiễm phóng xạ cao hơn, khoảng 7 đến 12 mSv, và lên đến 25 mSv cho phương pháp PET/ CT. Hiện nay, ở Mỹ mỗi năm có khoảng 85 triệu CT scan so với khoảng 3 triệu của thập niên 1980s.
Một số nghiên cứu cho rằng các phương pháp chụp hình ngày càng bị lạm dụng, một phần vì giá thành ngày càng rẻ hơn, phần khác do bác sĩ sử dụng nhiều hơn vì sợ kiện tụng về bất cẩn y tế. Một nghiên cứu năm 2009 của Viện Ung Thư Quốc Gia, National Cancer Institute, cho biết, khoảng 2% các ca ung thư là do ảnh hưởng của CT scan. Tuy nhiên, nếu chỉ chụp hình CT scan chỉ có vài lần trong đời thì mức độ bị ung thư rất thấp. So ra thì mức độ nguy hiểm cũng là tương đối, ví dụ, nạn nhân của hai trái bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, trung bình chịu khoảng 1000 mSv lượng phóng xạ, nguy cơ chết vì ung thư, theo ước tính, tăng khoảng 5% cho suốt cuộc đời còn lại.
Trong trường hợp bị nhiễm phóng xạ với liều lượng thấp, mức độ nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng rất khó mà đo lường. Theo cơ quan FDA thì cứ một hình chụp CT scan có thể tăng nguy cơ bị ung thư lên 1/2000. Nhưng đó là cách tính ngược, ước lượng từ những độ phóng xạ cao hơn và rất khó để chứng minh. Bởi vì, nếu chỉ đi chụp hình CT scan một vài lần trong đời, không ai biết nguy cơ bị ung thư là bao nhiêu cả. Mặc khác số lần chụp hình và khoảng thời gian giữa những lần chụp có đủ để cho cơ thể hồi phục là một chuyện khác. Thí dụ, chụp hình vú 10 lần trong một ngày khác với chụp hình mỗi năm một lần trong vòng 10 năm.
Câu kết luận về mức độ nguy hiểm của việc chụp hình quang tuyến là rất thấp, có thể nói tỉ số nguy cơ gây ra ung thư là 1 trên 1 triệu, nếu chỉ đi chụp một hình quang tuyến như chụp hình phổi chẳng hạn, ít hơn nguy cơ bị ung thư khi uống một lon soda hay hút một điếu thuốc lá.
Theo ước lượng thống kê thì cứ mỗi một mSv phóng xạ sẽ làm giảm tuổi thọ đi khoảng 90 giây đồng hồ. Giả sử, cả đời không hề bị nhiễm phóng xạ thì có thể sống lâu hơn khoảng độ 4 tiếng đồng hồ.
Nghĩ cho cùng, đa số các phương pháp chụp hình trong y khoa vẫn an toàn hơn so với những điều ta hành động, tiêu thụ mà không suy nghĩ trong cuộc đời. Phóng xạ từ quang tuyến có thể nguy hiểm, nhưng rất cần trong việc định bệnh. Mức độ nguy hiểm có thể rất nhỏ so với tắm nắng, hay uống thuốc ibuprofen kinh niên chẳng hạn.
Dĩ nhiên là phải có sự cân nhắc, thận trọng giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ví dụ, chiếu điện phóng xạ để trị bệnh ung thư vẫn là chọn lựa ưu tiên hơn là chờ chết vì ung thư mà không trị. Hay, chụp hình phổi để định bệnh còn hơn là chịu chết vì sưng phổi, lao phổi hay ung thư phổi. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng nếu không cần thiết, và lựa chọn đúng phương các định bệnh, ví dụ như siêu âm thì an toàn hơn là X-rays chẳng hạn. (Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh)