Thứ Hai, 26 Tháng Ba, 2018

Những lý do gây ra đột quỵ tim ít khi để ý đến


(Hình minh họa: Getty Images)


LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Một nghiên cứu mới nhất từ trường Đại Học Y Khoa UCLA, cho biết, so với cuối thập niên 1980’s, tình trạng sức khỏe về tim mạch của dân Mỹ xấu đi rất nhiều, không những cho người lớn tuổi mà kể cả thanh niên còn trẻ. Lý do vì thiếu vận động, ăn uống nhiều đồ ăn chế biến, đóng hộp, ít ăn rau cải và trái cây, hệ quả là bị béo phì, cao máu, cao mỡ và cao đường.

Tuy nhiên cũng không hiếm trường hợp bị đột quỵ tim xảy ra cho người có lượng cholesterol hoàn toàn bình thường, sức nặng lý tưởng, ăn uống điều độ và thường xuyên vận động, thể dục thể thao đều đặn.

Đồng thời nhiều nghiên cứu gần đây còn cho thấy, chính hiện tượng viêm kinh niên, làm lở loét hệ thống mạch máu mới là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. Một khi sự lở loét xảy ra, các phân tử cholesterol được vận động để trám chỗ loét, và gây ra sự tắt nghẽn mạch máu.

Các yếu tố nguy cơ được biết làm gây ra viêm sưng kinh niên gồm có: chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động, cao huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng kinh niên, stress, tuổi tác, và cả yếu tố di truyền. Thế nhưng, có nhiều yếu tố nguy cơ khác ít được để ý đến đã góp phần vào hơn 1.5 triệu ca đột quỵ tim, với trên 500,000 tử vong xảy ra mỗi năm ở Mỹ.

1. Tất cả các loại nhiễm trùng

Nhiễm trùng răng miệng kinh niên, nhiễm trùng đường tiết niệu kinh niên, và, ngay đến bị cúm kéo dài cũng đưa đến nguy cơ bị đột quỵ tim. Nhiễm trùng răng miệng được biết làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng van tim và lở loét động mạch vòng cơ tim. Trong khi đó nhiễm trùng thận kinh niên làm tăng áp suất máu, thay đổi cán cân của các chất khoáng sodium, potassium, và calcium, đưa đến sự co giãn bất thường của động mạch tim, cũng như bắp thịt cơ tim. Nghiên cứu đăng trên báo ý khoa New England Journal of Medicine hồi đầu năm, cho thấy nguy cơ bị đột quỵ tim tăng gấp 6 lần trong tuần lễ đầu tiên bị cúm. Khi bị cúm, sự viêm sưng trong cơ thể tăng vọt, có thể vì stress, đi kèm với sự thiếu dưỡng khí oxygen đến tế bào.

2. Bệnh vảy nến da (psoriasis)

Những người da bị khô, tróc vảy, ngứa ngáy kinh niên có thể bị nguy cơ đột quỵ tim tăng gấp 3 lần. Lý do chính vẫn là sự viêm kinh niên. Sự viêm kinh niên lở loét ngoài da cũng đi đôi với viêm kinh niên và lở loét trong mạch máu. Thêm vào đó, những người có bệnh vảy nến, thường có thêm bệnh cao huyết áp, cao mỡ cholesterol, và bị tiểu đường. Nếu bệnh da nầy được chữa trị sớm và hiệu quả, nguy cơ bị đột quỵ tim cũng giảm đi nhiều.

3. Hít thở không khí bị ô nhiễm

Ô nhiễm vì khói xe hay khói nhà máy, gọi là smog, có liên hệ đến nhiều bệnh tình nan y khác nhau, trong đó có cả bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi thường xuyên sống trong môi trường ô nhiễm, người ta dễ bị bệnh tiểu đường, cao cholesterol LDL, và giảm cholesterol HDL. Nghiên cứu đăng trên tờ báo y khoa Circulation Research cho thấy bất kể tuổi tác, khi hít thở không khi bị ô nhiễm, nguy cơ bị lở loét mạch máu tăng cao nhiều lần.

Nói như thế không có nghĩa là những ai sống trong các đô thị bị ô nhiễm nặng như Los Angeles đều bị đột quỵ tim. Nguy cơ có thể giảm bớt 34% nếu khi lái xe sử dụng hệ thống điều hòa không khí.

4. Lạm dụng thuốc giảm đau, kể cả khi bị cảm cúm

Dường như ngày nay chúng ta không quen chịu đau so với những thế hệ trước. Mỗi khi bị ấm đầu hay nhức mỏi tí tí là uống thuốc giảm đau như Motrin (ibuprofen) hay Aleve liền lập tức. Nghiên cứu đăng trên tờ báo y khoa Journal of Infectious Diseases cho thấy khi uống các loại thuốc thuộc nhóm NSAID (nonsteroidal anti-inflammatory drug), để “trị cúm”, nguy cơ bị đột quỵ tim tăng lên 3, 4 lần.

Nguyên do vì các loại thuốc nầy làm cho mạch máu kém đàn hồi, tăng áp suất máu, và tăng khả năng máu bị đóng cục ở những chỗ hẹp.

Nếu trên 50 tuổi, đã bị cao huyết áp, cao mỡ, cao đường, nên tránh các loại thuốc trên đây, nên trở về sử dụng thuốc aspirin, thuốc Tylenol, và sử dụng các loại dầu xoa bóp để giảm đau, giảm sốt.

5. Sống trong môi trường ồn ào, ô nhiễm tiếng động

Những tiếng động xảy ra chung quanh như tiếng xe cộ, tiếng còi hú, các động cơ máy móc xây cất nhà cửa… không những làm đau màng nhĩ mà còn làm đau tim. Nghiên cứu đăng trên tờ báo y khoa Journal of the American College of Cardiology cho biết, những người thường xuyên sống trong môi trường có nhiều tiếng ồn, dễ bị trụy tim, nhịp tim bất thường, và dễ bị hội chứng “Mỡ, Đường, Máu.”

Lý do có thể vì tiếng ồn làm tăng hormone stress cortisol, làm tăng nhịp tim, tăng áp suất máu, và tăng đường trong máu.

Như thế có rất nhiều lý do khác nhau gây ra bệnh tim mạch, làm đột quỵ tim, chứ không phải đơn giản là vì cholesterol cao. Nói cho đúng, cholesterol cao là dấu hiệu báo động cho tình trạng sức khỏe không được ổn mà thôi. Cholesterol có thể được xem là tòng phạm hơn là thủ phạn gây ra bệnh tim mạch.

Thuốc statin có hiệu quả làm giảm nguy cơ bị đột quỵ tim vì có tác dụng trực tiếp làm giảm bớt chỗ nghẽn của mạch máu, ngoài việc giảm cholesterol. Những loại thuốc đắt tiền mới đây như Praluent, Repatha, tốn khoảng 10,000 dollars mỗi năm, tuy giảm cholesterol đến 70% nhưng không giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch là bao nhiêu. Vì thế để giảm bớt nguy cơ bị bệnh tim mạch, nên để ý đến các yếu tố cơ bản khác gây ra sự viêm kinh niên, lở loét mạch máu.

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Bài viết khác