Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy, 2012

Ơn gọi của Sa-mu-en: Xin Người phán (1Samuen 3)

Ơn gọi của Sa-mu-en: Xin Người phán (1Samuen 3)

Khi nói về ơn gọi, nhiều người trong chúng ta đều nghĩ tới chức vụ linh mục hay đời sống tu sĩ. Chúng ta cũng thường cho rằng Thiên Chúa đã vạch sẵn con đường và quyết định thay cho những người có «ơn gọi» trong cuộc sống và trong Giáo hội. «Ơn gọi» nhìn dưới khía cạnh này mang ý nghĩa định mệnh, bao hàm hình ảnh một Thiên Chúa chuyên chế có quyền hành không bị hạn chế. Thiên Chúa đó lập chương trình cho cuộc sống nhân loại và từ đó Ngài trở nên kẻ thù của sự tự do. Vì thế, để tìm lại ý nghĩa đúng đắn về «ơn gọi» tốt hơn cả cần suy tư từ Lời Chúa. Đề tài sẽ quá bao quát cho một bài báo, ở đây chỉ xin nhìn lại qua trình thuật Thiên Chúa gọi Sa-mu-en, và rút ra từ đó một vài ý tưởng lớn của Thánh Kinh về ơn gọi.

Tường thuật ơn gọi Sa-mu-en là một trong những chuyện bình dân được nhiều Kitô hữu biết đến nhiều nhất. Trình thuật là kết quả đọc lại lịch sử và tác giả sách Sa-mu-en muốn trình bày cách nào đó cho chúng ta thấy mọi ơn gọi chính là điều Thiên Chúa lướt qua trong cuộc sống con người. Thiên Chúa đến khơi động gặp gỡ. Ngài đối thoại và làm biến đổi người được gọi.

1. Bối cảnh lịch sử.

Samuen sống vào cuối thời Thẩm Phán và bắt đầu thời lập vương quốc Ít-ra-en (1040-1030 trước công nguyên). Thời này, các bộ lạc Ít-ra-en đã đến cư ngụ tại Ca-na-an, nhưng lãnh thổ chưa hoàn toàn được nhất. Đất Ca-na-an bao gồm lãnh thổ xứ Pa-les-tine ngày nay, chia theo bề dọc thành nhiều miền. Dọc theo Địa Trung Hải có một cánh đồng dài bị núi Car-mel cắt ngang ra làm hai. Miền giữa có cao nguyên Ga-li-lê và vùng đồi núi Sa-ma-rie và Giu-đa. Sau cùng phía tây là vùng thung lũng kỳ lạ của sông Gio-đan. Mực nước sông bắt nguồn từ chân núi Her-mon, 200m cao hơn mặt biển. Tới hồ Hu-lê, còn cao 68m hơn biển, nhưng khi chảy đến hồ Ti-bé-ri-a-de cách đấy chừng 15 cây số, đã ở 212m thấp hơn mặt biển, và khi đổ vào Biển Chết lại nằm 392m dưới mặt biển.

Chính trên đất này vào thế kỷ thứ 12 trước công nguyên, nhiều chi tộc đến định cư, năm 1000 họ trở thành vương quốc Đa-vít và Sa-lô-môn. Trước khi trở thành một vương quốc nhiều bộ lạc khác nhau bám lấy đất của mình, hoặc họ cố gắng bành trướng chống lại những dân tộc lân bang. Khi Sa-mu-en bắt đầu sự nghiệp tình trạng chính trị rất bấp bênh. Tại đền thờ Si-lô, thầy tư tế Ê-li tỏ ra bất lực không kiềm chế nổi các con ông lạm dụng. Tác giả sách Sa-mu-en gọi chúng là «lũ vô loài, chúng không biết Gia-vê» (1 Sm 2,12) và chúng lạm dụng quyền tư tế của cha mình (1 Sm 2,13-17). Thiên Chúa lại lặng thinh...?

Trình thuật ơn gọi Samuen cho thấy Thiên Chúa không bỏ dân Ngài; trái lại Ngài không ngừng lựa chọn và kêu gọi để cho dân được tuyển chọn đứng chỗi dậy lại.

2. Sa-mu-en, ông là ai?

Những trình thật viết về cuộc đời Sa-mu-en ít bận tâm về dữ kiện lich sử. Dù tác giả có dựa vào một số ít biến cố, nhưng họ muốn gửi cho người đương thời một sứ điệp, vì thế đôi khi họ đưa ra hình ảnh Sa-mu-en trong những thái độ và tư thế không hoàn toàn đúng với bối cảnh thời ông Sa-mu-en sinh sống. Tuy nhiên có môt vài nét chính đều được chấp nhận:

- Sa-mu-en lo việc giữ đền thờ. Ông coi sóc việc vào cửa và dâng cúng lễ vật. vai trò phụng tự được xác nhận qua nhiều văn bản: 1 Sm 7,9; 9,13; 11,15; 13,8-15...)

- Sa-mu-en thi hành chức vụ thẩm phán dưới hai phương diện: pháp lý: giải quyết các vụ tranh chấp (1 Sm 7,6; 7,15-17); chính trị: như một thủ lãnh do hoàn cảnh tạo ra vì sự vô tổ chức trong các bộ lạc; và Ít-ra-en thường xuyên bị người Phi-lít-tin đe dọa (1 Sm 8,1 - 11,15...)

- Samuen làm ngôn sứ, «thầy chiêm» (1 Sm 9,9). Ông nổi tiếng vì «mọi điều ông nói đều ứng nghiệm» (1 Sm 9,6).

3. Trình thuật ơn gọi 1 Samuen 3.

A. Bối cảnh.

Trình thuật 1Samuen 3 kết thúc một tập hợp từ chương 1 đến chương 3 được gọi là «đời thơ ấu ông Sa-mu-en «. Toàn bộ ba chương đầu sách Samuen quyển thứ nhất như lời tựa cho mọi hoạt động của Sa-mu-en sẽ được khai triển từ chương 7 trở đi. Trình thuật được soạn nâng giá trị coi Sa-mu-en như môt ngôn sứ được Thiên Chúa ủy nhiệm công tác. Khi đặt trình thuật này ở đầu cuốn sách, tác giả đặt nền tảng Sa-mu-en có uy quyền như phái viên của Thiên Chúa.

B. Cấu trúc bản văn.

B1. Câu 1-3: Nhập đề

Câu 1-3 giữ vai trò làm gạch nối với những chương trước. Câu 1 nói tới nước Ít-ra-en đang trải qua một thời kỳ khan hiếm Lời và thị kiến Thiên Chúa. Câu 2-3 đưa người đọc vào bối cảnh câu chuyện được xảy ra trong đền thờ vào lúc ban đêm. Tác giả cũng trình diện 3 diễn viên: Thiên Chúa, thầy tư tế Ê-li và trẻ Sa-mu-en.

B2. Câu 4-18: Thân bài.

Thân bài được chia ra làm 2 phần:

Phần 1 từ câu 4 đến câu 14 diễn tả Lời gọi và Thiên Chúa mạc khải:

Câu 4-9 mang tất cả ba lời gọi đầu và được cấu tạo giống nhau: Thiên Chúa gọi nhưng vô hiệu quả. Câu 10-14 là lời gọi thứ bốn được diễn đạt dài hơn 3 lời gọi đầu, và tác giả đưa người đọc vào trung tâm điểm Lời Thiên Chúa gọi. Tác giả nhấn mạnh 3 điều:

- Thiên Chúa khởi xướng

- Lời nói và tư cách nghe

- Lời phán cho Sa-mu-en.

Phần hai từ câu 15-18 nói về sự thi hành nhiệm vụ và sứ mệnh truyền đạt.

Câu 15 cho biết bối cảnh xảy ra vào buổi sáng, và tiếp theo từ câu 16-17 là mẫu đối thoại giữa thầy tư tế Ê-li và trẻ Sa-mu-en. Sa-mu-en chế ngự sự sợ hãi và hoàn thành nhiệm vụ khó khăn. Câu 18 mang sự thấy tư tế Ê-li trả lời như lời tuyên xưng đức tin: «Người là Giavê! Xin Người làm như Người xét là phải! «.

B3. Câu 3,19 - 4,1: Kết luận.

Với phần kết luận, tác giả ngưng phần trình thuật và đưa người đọc vào suy tư của ông giống như câu 1 và câu 7; nhưng nơi này tình trạng đã bị đảo ngược. Lúc khởi đầu không có thị kiến, không có Lời Thiên Chúa (câu 1). Ở câu 7, Sa-mu-en còn chưa biết đến Thiên Chúa. Giờ đây Thiên Chúa đến và nói với Sa-mu-en. Ông được ủy thác như một Ngôn sứ cạnh dân Ít-ra-en (4,1). Từ lúc đầu cho đến cuối đã có sự thay đổi vì một biến cố đã xảy ra. Sa-mu-en đã nghe và nhận Lời Thiên Chúa gọi trong cuộc sống. Lời gọi đặt ông lên đường đến với người khác.

C. Loại thể văn.

Trình thuật 1Samuen thuộc thể văn Ơn gọi kiểu «Thầy... Trò « hay «xin lặp lại... con nghe đây». Thật thế, sau 3 lần gọi đầu không được hiểu (câu 4-9), lần thứ tư là lần quyết định (10-14 với bốn yếu tố bình thường trong một trình thuật về ơn gọi:

- Thiên Chúa xuất hiện và gọi (câu 10a)

- Tiếp đón (câu 10b)

- Trao sứ vụ (câu 11-14)

- Thi hành nhiệm vụ (15-18)

Trình thuật ơn gọi theo kiểu mẫu này coi như duy nhất trong Thánh Kinh. Thiên Chúa gọi những người trẻ và ngay cả trẻ em. Các em nhận cái gì đó dù chưa hiểu rõ ràng và vì thế phải đặt câu hỏi với cha mẹ, thầy cô (xem thêm Xuất hành 12,26-27; Đệ Nhị Luật 6,20-25: ông Mô-sê tập họp các kỳ mục nói về Lễ Vượt Qua: và nếu các con ngươi có hỏi...)

4. Tổng kết

Sau khi đọc lướt qua trình thuật 1Samuen 3, chúng ta có thể rút ra được vài ba ý tưởng về ơn gọi.

4.1. Thiên Chúa luôn là người chủ xướng. Con người không có quyền lựa chọn để được kêu gọi, nhưng họ nhận ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Dần dà, họ khám phá thêm qua việc Thiên Chúa can thiệp vào đời sống cũng như trong lịch sử loài người như trường hợp ông Mô-sê trong sách Xuất hành chương 3, như ông Gê-đê-ôn trong sách Thẩm phán chương 6 và Sa-mu-en nơi cuốn sách thứ nhất chương 3.

4.2. Ơn gọi trải qua từng giai đoạn. Người được gọi chỉ dần dần mới khám phá ra Lời Thiên Chúa gọi. Dù đáp lại nhưng họ vẫn chưa hiểu hết và chỉ với thời gian, với ý chí đáp lại lời gọi, với suy tư, cầu nguyện và lắng nghe, khi đó ta mới có thể đạt tới, nắm lấy lời gọi. Hàng ngày cố gắng đáp tiếng «xin vâng», chúng ta mới có thể nói tiếng «vâng» trọn cho Lời Thiên Chúa gọi.

4.3. Thời gian, hoàn cảnh khác nhau. Lời gọi có thể được nghe thấy trong đền thờ hay những nơi khác. Chuyện có thể xảy ra vào ban đêm hoặc ban ngày: Ngôn sứ Ê-li-sê được gọi trong lúc đang cày bừa; Ngôn sứ A-mốt đang rạch vỏ cây sung; ông Gê-đê-ôn đang đập lúa; bốn môn đệ đầu tiên đang đánh cá; ông Mát-thêu đang ngồi thu thuế... Dầu sao, việc thông hiểu lời gọi không thể xa lạ với những gì chúng ta đang sống. Ông Mô-sê chỉ hiểu được chút ít sứ mệnh giải phóng từ lúc ông giết người Ai cập giải thoát anh em đồng hương bị đọa đày (Xuất hành 2).

4.4. Người được gọi đáp lại qua những giai đoạn khác nhau. Chúng ta trả lời theo những gì mình đang sống, theo giây phút và nơi chúng ta đang sinh sống: có nhiệt tình của tuổi trẻ, cũng có suy tư của người trưởng thành. Samuen sẵn sàng: “xin Người phán dạy vì tôi tớ Người đang nghe” (1 Sm 3,10). Ngôn sứ I-sa-ia cũng thế (I-sa-ia chương 6). Ông Mô-sê chỉ chấp nhận sau cuộc đối thoại khó khăn. Kẻ được gọi có hoàn toàn tự do để quyết định.

4.5. Đôi lúc, người ngoài hiểu trước người được gọi. Trong trình thuật 1 Sm 3,9: Thầy tư tế Ê-li nói cho Sa-mu-en biết điều phải trả lời nếu như Sa-mu-en còn nghe lại tiếng gọi mình, vì sau khi nghe Sa-mu-en kể Ê-li biết chính Thiên Chúa đã gọi đứa trẻ.

4.6. Không ai giải quyết dùm vấn đề ơn gọi cho một kẻ khác. Samuen chạy đến thầy tư tế Ê-li vì nghe có tiếng kêu tên mình. Samuel sẵn sàng và vâng lời vì nghĩ thầy Ê-li cần mình đến giúp. Đó là thái độ trung tín đánh dấu khởi đầu sứ mạng ngôn sứ của ông.

4.7. Thiên Chúa gọi mọi người.

- người thấp kém: Sa-mu-en là một đứa trẻ; Gê-đê-ôn xuất thân từ một bộ lạc nhỏ nhoi (xem sách Thẩm phán 6,15.

- kẻ không đủ khả năng: Mô-sê không biết ăn nói (Xuất hành 4,10-17): A-mốt làm việc đồng áng tốt hơn làm ngôn sứ 57,14-15).

- Ngôn sứ Giê-rê-mia là một người trẻ thiếu kinh nghiệm (1,6)

- Ngôn sứ Ê-dê-ki-en: một người bị chế nhạo (2,1).

4.8. Thiên Chúa gọi để sai đi.

Sứ mệnh Thiên Chúa trao không chỉ dành riêng cho người được gọi. Trước tiên, sứ mệnh là truyền đạt Lời Thiên Chúa. Điều này rất có thể gặp nhiều khó khăn nên đòi hỏi hy sinh, và nội dung không phải chỉ những lời nói bùi tai, ngon ngọt nhưng lên án bất công và kêu mời hoán cải.

4.9. Kẻ được gọi do dự, sợ hãi trước sứ mệnh trao phó. Ông Mô-sê sợ thất bại trước vua Ai cập Pha-ra-ôn, và anh em đồng hương có ai sẽ tin vào ông (Xuất hành 3,4; 5,22 tiếp theo; 6,12). Ngôn sứ Giê-rê-mia lên tiếng trước các vị bô lão và những lời tự thú diễn đạt tâm hồn rối loạn sâu thẳm trước sứ mệnh được trao phó. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sợ hãi và ông nói bị bao bọc bởi những cây gai và ngồi trên những con bọ cạp (2,6). Sa-mu-en sợ đến nổi phải kể lại thị kiến cho thầy Ê-li biết (1 Sm 3,15).

4.10. Thiên Chúa luôn ở với người được gọi. “Đừng sợ... Ta sẽ ở cùng ngươi. Ta sẽ cho Lời Ta trong miệng ngươi... “. Trong 1 Samuen 3,19-21 ghi nhận dự hiện diện kín đáo nhưng liên tục của Thiên Chúa trong cuộc đời Sa-mu-en. Trong sách Ngôn sứ A-mốt 3,3-8, Thiên Chúa mạc khải chương trình cho các tôi tớ ngôn sứ của Ngài. Ngôn sứ I-sa-ia bị bàn tay Thiên Chúa nắm lấy (8,11), và ngôn sứ Giê-rê-mia không ngừng nhận Lời Chúa (15,16) như ngọn lửa thiêu hủy trong ông (20,9).

Tóm lại, chính Thiên Chúa khởi xướng mọi ơn gọi. Ngài đến gặp gỡ từng cá nhân một, đi vào cuộc sống, kết thân và trao ban Lời Ngài cho chúng ta. Từ đó, mối liên hệ được thiết lập, đôi khi rất kín đáo, có thể không hiểu được. Người được gọi dần dần ý thức hơn vì họ nhận ra Thiên Chúa thật sự hiện diện trong cuộc sống. Ngài nói với ta như người bạn tâm tình với một người bạn. Ngài trao sứ mệnh nhưng chúng ta có tự do lựa chọn với những do dự, bối rối trong tâm hồn.

Thiên Chúa có tiếng nói cuối cùng vì kẻ được gọi cảm thấy bị Thiên Chúa quyến rũ. Trong lời tự thú, ngôn sứ Giê-rê-mia phải thốt lên: «Ngài đã dụ dỗ tôi, lạy Giavê, và tôi đã để mình bị dụ» (20,7). Riêng Sa-mu-en chỉ còn có thể nói: «xin Người phán dạy, vì tôi tớ Người đang nghe « (1 Sm 3,10). Từ đó bắt đầu cuốc sống giao ước. Người được gọi dấn thân cả tâm hồn và cuộc sống vào việc xây dựng cộng đoàn đúng theo chươngtrình tình yêu của Thiên Chúa để cứu rỗi mọi người.

Lê Phú Hải omi

Bài viết khác