Lời ngỏ
Chúng ta thật sự có biết rõ về cuộc đời Đức Giêsu, và Người là ai để Kitô hữu tôn thờ như Con Thiên Chúa xuống thế làm người? Ai trong chúng ta cũng đều biết và hiểu rõ những gì các sách Tin mừng đưa ra khi nói về Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu qua mọi thời đại được mang nhiều hình ảnh. Người là vị ngôn sứ của thời cánh chung, một người canh tân Do thái giáo, một Đấng Mêsia giải phóng dân Ítraen, một người hiền hoà và mơ mộng, một đấng chữa lành và làm phép lạ, một người lý tưởng nhất của mọi thời, một người Do thái bên lề, một nông dân Do thái, một bậc thầy nội tâm… và ngay trong thời đại Người còn sống, các môn đệ cũng như những kẻ chống đối Đức Giêsu vẫn tự đặt câu hỏi về con người ngoại lệ này.
Hôm nay, có khá nhiều tài liệu liên quan đến Đức Giêsu. Các tài liệu coi như khá nhiều đối với một con người thuộc thời cổ đại. Từ thế kỷ XVIII với phát sinh việc nghiên cứu phê bình, chúng ta càng biết rõ về cuộc đời và con người Đức Giêsu. Và trong khoảng hai thập kỷ vừa qua, Đức Giêsu lại được nói đến qua các chương trình truyền thông đại chúng trong các nước Âu Mỹ, như đài truyền hình Arte (Pháp) vào tuần Thánh 1977 với bộ « Corpus Christi », và những năm sau với bộ « Jésus après Jésus » và « Apocalypse ». Và cũng trong khoảng thời đó đã có nhiều cuốn sách viết về Đức Giêsu được xuất bản. Nếu có những cuốn sách giúp cho con người ngày nay tìm hiểu về Người, thì cũng có những cuốn sách viết để bài bác hoặc bôi nhọ Đức Giêsu. Và lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội có một vị Giáo hoàng đã đưa ra cái nhìn riêng biệt về Đức Giêsu. Đó là sự ra đời cuốn sách « Đức Giêsu Nazareth » của Đức Giáo hoàng Biển Đức thứ XVI: « Benoît XVI, Jésus de Nazareth, Flammarion 2007 ».
Chúng ta còn nhớ sự thành công trên thế giới về cuốn tiểu thuyết: « Da Vinci Code » với tác giả Dan Brown (Dan Brown, Da Vinci code, Édition J.C. Lattès, 2004). Và cuốn truyện còn được chuyển thành phim. Một cuốn tiểu thuyết không dựa vào những nghiên cứu khoa học về Đức Giêsu lịch sử, nhưng hoàn toàn đến từ sản phẩm tưởng tượng phong phú của tác giả. Thế nhưng cũng đã có nhiều người tin vào những điều tưởng tượng đó. Nhìn về Việt Nam, cuốn truyện Da Vinci Code được chuyển ngữ ra tiếng Việt với nhiều sai sót và được nhiều người tò mò đọc theo thị hiếu thời đại. Rất tiếc chỉ có những bài báo được đăng trong các tập san nội bộ người Công giáo Việt Nam nêu lên những sai lầm trong cuốn tiểu thuyết Da Vinci Code, nhưng chưa có một cuốn sách nào được viết phát hành cho đại chúng biết những sai lầm cơ bản của tác giả Dan Brown.
Sách viết về Đức Giêsu Nazareth bằng Việt ngữ cũng rất ít so với những gì thấy ở bên Âu Mỹ, nên cần thiết có cái gì đó giúp cho những anh chị em không đọc được ngoại ngữ có thể biết được những kết quả đến từ các nhà nghiên cứu đúng đắn về Đức Giêsu. Vì thế cuốn sách này được khai sinh.
Tác giả cũng xin báo trước:
- Những gì viết trong cuốn sách không có gì mới mẻ đối với các linh mục, hay những anh chị em giáo dân đã đọc được những sách ngoại ngữ viết về Đức Giêsu. Tác giả chỉ biên soạn lại đây những điều dựa vào những nghiên cứu của các học giả nghiêm túc, đúng đắn viết về Đức Giêsu.
- Cuốn sách trước hết đã được dùng như tài liệu giảng dạy cho một số anh chị em giáo dân Việt nam thuộc Tổng Giáo phận Strasbourg (Pháp), một số nữ tu Mến thánh giá Huế tại Việt Nam, và các lớp tập sinh dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Việt Nam (omi). Và với sự góp ý của một số anh chị em nên bản văn được sửa theo thời gian.
- Tác giả chỉ hy vọng đóng góp một chút ít tài liệu giúp cho những anh chị em đang tìm hiểu, đào sâu Giáo lý, hiểu rõ hơn chút về Đức Giêsu để có thể có cái nhìn phân định đối với những cuốn sách tiểu thuyết như Da Vinci Code, hay tài liệu đến từ phái ngộ đạo như Tin mừng Giuđa… hoặc những sách bôi nhọ, thiếu một nghiên cứu nghiêm túc về Đức Giêsu.
- Cuốn sách viết ra chắc chắn còn nhiều khuyết điểm, tác giả xin nhận những sơ sót và mong được anh chị em chỉ dẫn những điểm sai, hầu có thể giúp cho văn bản được hoàn hảo hơn.
- Cuối cùng, tác giả muốn nói lên lòng tin mình. Đức Giêsu Nazareth, một con người biệt lệ trong lịch sử thế giới cũng như trong lịch sử Kitô hữu. Và ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, người Kitô hữu vẫn tin và còn tiếp tục tin cho đến ngày hôm nay. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và đã mặc khải Thiên Chúa là Cha cho loài người. Vì thế cuốn sách nói về Đức Giêsu cũng không thể nào quên được hai phương diện đó về con người Đức Giêsu.
Lê Phú Hải OMI
15.08.2011