Chủ Nhật, 26 Tháng Sáu, 2016

Dòng Mến Thánh Giá - Huế

Giới thiệu Hội Dòng Mến Thánh Giá - Huế

Đức Giêsu - Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH HỘI DÒNG MTG HUẾ (1719)

1. PHƯỚC VIỆN MẾN THÁNH GIÁ THỢ ĐÚC- Chiếc nôi của Hội dòng Mến Thánh Giá Huế (1719).

Tiếp tục đường lối truyền giáo và truyền bá linh đạo Mến Thánh Giá của vị Giám Mục Tông Toà tiên khởi Đàng Trong, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, các linh mục thừa sai của Hội Thừa Sai Paris đã thiết lập thêm các phước viện Mến Thánh Giá trên đất nước Việt Nam nầy để các nữ tu cầu nguyện, hy sinh và làm việc tông đồ bên cạnh các linh mục bản xứ và thầy giảng.

Tại giáo phận Bắc Đàng Trong, gồm 3 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình, năm 1719, Linh mục Thừa sai Pierre de Sennemand (1660-1730), trong thời gian sống ở Thợ Đúc (1710-1719) đã lập nơi đây một phước viện Mến Thánh Giá. Đây là dòng nữ đầu tiên tại Giáo phận Huế. Cha đã xây cho các chị một nhà ở, nhà nguyện và một bệnh xá lớn và hướng dẫn Phước viện suốt 11 năm cho đến ngày ngài qua đời (25.01.1730) và được mai táng tại Thợ Đúc. Trong suốt thời gian đó, hằng ngày ngoài các giờ thiêng liêng, các nữ tu lo dạy dỗ các thiếu nữ, điều khiển bệnh xá, giúp đỡ kẻ liệt và làm các việc từ thiện khác.

Sau đó, Thừa sai Charles de Flory thay quyền lo cho các chị, nhưng ngài cũng qua đời 3 năm sau, ngày 03.01.1733 tại họ Phủ Cam, tỉnh Thừa Thiên.

Đến thời Đức Cha Alexander ad Alexandris (1691-1738), thuộc dòng Bar-na-bít, người Ý, làm Đại diện Tông Tòa Đàng Trong 1728- 1738, vốn không có thiện cảm với các thừa sai Pháp, đã kịch liệt phản đối tất cả các công việc truyền giáo của các ngài, nên Phước viện Mến Thánh Giá Thợ Đúc bị bỏ rơi: nhà nguyện, nhà ở bị triệt hạ, các chị Mến Thánh Giá bị vạ tuyệt thông và tan tác, chỉ còn 4 chị sống nhờ ở nhà giáo dân. Mãi tới lúc Đức Cha De la Baume, Khâm sứ Toà thánh đến Huế, ngày 27.7.1739, ngài đi kinh lý Phước viện Mến Thánh giá Thợ Đúc, lắng nghe lời thỉnh cầu của các chị, ngài giải vạ tuyệt thông và truyền lệnh kiến thiết Phước viện lại như xưa. Nhưng ngài cũng đã qua đời hai năm sau đó vào ngày 02.4.1741.

Sau khi Đức Khâm sứ De la Baume từ trần, Thợ Đúc đã là một trung tâm công giáo với khoảng 800 giáo dân, bên cạnh Phước viện Mến Thánh Gía Thợ Đúc có chủng viện Carôlô do Cha chính De la Court (1740-1750) xây cất, có Toà Giám Mục do Cha Armand François Lefèbvre (1709-1760) lập năm 1743. Chính tại đây, cũng đã đón tiếp Đức Cha Costa, Gíam Mục Bắc Việt, làm Khâm sứ đến thăm và lưu lại Huế nhiều ngày. Năm 1748, Thợ Đúc cũng hân hạnh dự lễ tấn phong Đức Gíam Mục Phụ tá Edmond Bennetat (1713-1761).

Năm 1750 Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) hạ sắc dụ cấm đạo, chủng viện Thánh Carôlô và Toà Giám Mục bị tàn phá. Cha François Lefèbvre bán nhà thờ cho ông Hoàng, anh của Võ Vương để ông cho lính canh giữ hầu khỏi bị quan quân tàn phá. Trong tình thế nguy ngập nầy, mặc dù Phước viện Mến Thánh Giá Thợ Đúc vẫn được yên ổn, vì các chị sống tử tế và đang lo việc từ thiện tại bệnh xá; nhưng các nữ tu cũng xin Đức cha bán Phước viện cho ông Hoàng, ông không mua, nhưng hứa sẽ bảo đảm cho Phước viện qua cơn cấm đạo.

Cuối năm 1750, Đức cha phụ tá F. Bennetat, Cha chính François Lefèbvre và tất cả các thừa sai bị trục xuất khỏi Đàng Trong. Năm 1752, Đức cha trở lại theo phái đoàn Pháp để thương thuyết, nhưng năm 1753 lại bị đuổi lần nữa. Kể từ đó, Phước viện Mến Thánh Gía Thợ đúc bị mồ côi tuy vẫn tồn tại.

2. CÁC PHƯỚC VIỆN MẾN THÁNH GIÁ HUẾ QUA CÁC BIẾN CỐ

Trong khoảng thời gian từ 1780 - 1812, Giáo hội Công Giáo tương đối được bình yên, nên Đức Cha Labartette đã lập thêm Phước viện Di Loan (năm 1780), Phước viện Kẻ Bàng và Phủ Cam (1797), Phước viện Nhu Lý, Bố Liêu, Mỹ Hương, Trung Quán, cô nhi viện và Phước viện Sáo Bùn (khoảng từ 1805-1812).

Trong thời Văn Thân các Phước Viện Bố Liêu, Nhu Lý hoàn toàn bị phá hủy. Sau đó, Đức Cha Caspar đã thiết lập tạm thời phước viện Kim Long cho các nữ tu sống sót tá túc. Ngài cũng lập hai Phước viện khác ở Tam Toà (1892) cho các chị Mỹ Hương và Trí Bưu cho các chị thuộc Bố Liêu.

 Như vậy sau thời Văn Thân còn lại 6 phước viện là : Di Loan, Kẻ Bàng, Phủ Cam, Dương Sơn, Trí Bưu và Tam Toà.

 Vào năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, phước viện Di Loan di dời vào La-vang và Phước Viện Tam Toà vào Thanh Tân là cơ sở nuôi trẻ mồ côi của Tu Viện Dương Sơn. Các chị Kẻ Bàng nhập vào Phước viện Phủ Cam. Và như vậy còn lại 5 Phước viện: Phủ Cam. Dương Sơn, Kim Long, Trí Bưu và La-Vang.

Năm 1956-1968, cuộc sống cũng sớm ổn định, phần đông các Phước viện bỏ bớt các công việc tay chân đồng áng, dệt cữi... chuyển qua các sứ vụ mới như: điều khiển và dạy từ bậc tiểu học đến trung học, y tá bệnh viện, bệnh xá, mục vụ giáo lý, giúp các hội đoàn, truyền giáo... Chị em phần đông theo học các lớp văn hoá của Bộ giáo dục để lấy văn bằng cao hơn hầu theo kịp đà tiến của xã hội.

3. CÔNG CUỘC CANH TÂN VÀ HIỆP NHẤT

Được lớn lên trong hồng ân qua nhiều biến cố thời cuộc, Hội dòng Mến Thánh Giá Huế giờ đây như một con sông lớn, được quy tụ bởi dòng suối các Phước viện Mến Thánh Gía trong Giáo phận chảy về.

Năm 1961, Đức Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục được chọn làm Tổng Giám Mục Giáo phận Huế. Ngài đã thực hiện việc Canh Tân và Hiệp Nhất các Phước viện Mến Thánh Giá trong Giáo phận thành một Dòng duy nhất với tên gọi : DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THỪA SAI HUẾ. Bản Hiến chương đã được Đức Thánh Cha Gioan XXIII phê chuẩn, vào ngày 05.6.1962.

Tiếp nối công trình của Đức Tổng Phêrô Martinô, Đức Tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền, cùng với Linh mục Giuse Trần văn Tường và sự cộng tác của các nữ tu Dòng Kinh sĩ Thánh Augustinô tại Đà Lạt, năm 1962, một số chị em được gởi lên Đà lạt để được các bà hướng dẫn về tu đức, các lời khấn, trong chương trình Canh Tân và Hiệp Nhất. Ngày 07.6.1965, tám (08) nữ tu Mến Thánh Giá Thừa sai Huế chính thức tuyên khấn theo giáo luật của Hội Thánh. Ngày 03.6.1967, Tổng Tu Nghị đầu tiên bầu Bề trên của dòng, được gọi là Tổng Viện trưởng DÒNG MTG HIỆP NHẤT của năm Tu viện và Ban Tổng Cố vấn Dòng là năm Tu viện trưởng của 5 Phước viện.

Thiên Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trên công trình của Ngài là Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế và mỗi người chị em. Bước đầu, dòng phải trải qua nhiều khó khăn từ tinh thần lẫn vật chất, để mỗi tu viện xếp đặt người vào Nhà tập Giáo luật, chuyển từ lời hứa sang lời khấn. Mặc dù cơ sở thiếu thốn nhưng vẫn cần phải có nơi ăn chốn ở cho số đông thanh tuyển tựu lại để tu học. Dầu giữa bao thăng trầm, lo lắng ấy, Thiên Chúa vẫn yêu thương quan phòng cho Hội Dòng bình yên tiến lên theo đường lối của Ngài.

II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH

1. PHÁT TRIỂN

Như đã trình bày ở trên, Hội Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế có những khó khăn tất yếu trong quá trình hình thành và phát triển, vì là một Hội dòng khá lâu đời trên đất thần kinh Huế cổ kính (1719), rồi sau việc cải tổ và hiệp nhất năm Tu viện thuộc trong ba tỉnh Miền Trung, dòng đã trải qua mấy cuộc phong trần, gian khổ... Gần đây, các chuyến di cư : năm 1954, mùa hè đỏ lửa năm 1972 và năm 1975, Thiên Chúa đã dùng các biến cố ấy để thanh luyện và đưa chị em đến những vùng đất xa lạ hơn theo Thánh ý và chương trình của Ngài. Năm 1972, rồi 1975, chị em phần đông di tản vào Miền Nam sinh sống và làm mục vụ tông đồ, hợp thành nhiều cộng đoàn, Huế-Phan Thiết, Huế-Miền Xuân Lộc và Nhóm sở Cam ranh. Phần lớn chị em gốc Phước viện Tam Toà vào Bình Tuy và năm 1983 đã hình thành Hội dòng mới : Hội Dòng Mến Thánh Gía Phan Thiết. Miền Huế-Xuân Lộc, trở thành Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa năm 2008. Hai Hội Dòng trên bây giờ lớn lên thành Hội Dòng mới trong 24 Hội Dòng Mến Thánh Gía Việt Nam. Số chị em khác ở vùng Cam Ranh đã phát triển thêm tại tỉnh Khánh Hoà. Giáo phận Nha Trang hiện nay có 9 cộng đoàn Mến Thánh Gía Huế. Ngoài ra, chị em đang phục vụ tại Vạn Tượng (Lào) từ năm 1962- 1975, đã cùng với dân chúng di tản ra nước ngoài, lập thành 6 cộng đoàn tại hai nước Ý và Pháp.

2. CƠ SỞ VÀ NHÂN SỰ

* Địa chỉ Nhà Mẹ Hội Dòng:                 113 Trần Phú - Thành Phố Huế.

* Bề trên đương nhiệm:                 Chị Têrêxa Trần Thị Tùy.

* Tổ chức và nhân sự:

Cộng đoàn: 63 Cộng đoàn.

- Tại Việt Nam: Nhà Mẹ và 54 Cộng đoàn lớn nhỏ: Gíao Phận Huế: 39; Gíao Phận Đà Nẵng: 3; Gíao Phận Nha Trang: 9; Gíao Phận Sài Gòn: 4.

- Tại hải ngoại: 8 Cộng đoàn (Pháp: 4; Ý: 3, Iowa, Mỹ: 1.

Nhân sự : Số tu sĩ (đầu năm 2015): 413 nữ tu (khấn tạm: 108; khấn trọn: 305)

- Tập sinh: 27 (năm I: 15; năm II: 12)

- Tiền tập sinh : 20

- Thanh tuyển: 80

3. Hoạt động Tông đồ

Hiện tại chị em dấn thân trong các sinh hoạt tông đồ của Hội dòng như: Mục vụ giáo lý các cấp, ca đoàn, lớp tình thương, Nhà trẻ và mẫu giáo, dạy kèm, chăm sóc nuôi dạy các em khuyết tật, mồ côi, đồng bào thiểu số; khám bệnh và phát thuốc cho người mù; làm dự án giúp đỡ các em học sinh nghèo vùng quê, bảo trợ và giúp vốn cho nhiều Hội người mù, nuôi nấng bảo vệ các thiếu nữ lầm lỡ, nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo (Đông Hà, Quảng Trị) ; giúp các toà giám mục, phục vụ khách hành hương ở Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang...

Chị em chu toàn sứ mạng với lòng yêu mến Chúa Giêsu và muốn phục vụ hạnh phúc cho các chi thể của Người ; cầu nguyện, hy sinh cho lương dân được ơn ăn năn trở lại. Các hoạt động bên ngoài, phục vụ âm thầm và khiêm tốn như là cánh tay nối dài của lời cầu xin tha thiết trong nguyện đường cho Giáo Hội và các linh hồn.

Hiện nay, Hội dòng có 3 trung tâm nuôi dạy các em khuyết tật và mồ côi:

1/ Mái ấm Hy Vọng Nguyệt Biều, 560 Bùi thị Xuân, Thủy Biều, Thành phố Huế.

2/ Mái ấm Tình thương Lâm Bích - Đông Hà, Khu phố 10, Phường 5, Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

3/ Hơi Ấm Thừa Sai, Cộng đoàn Hoà Yên, Cam Đức, tỉnh Khánh Hoà.

4/ Và một nhà giúp đỡ cho các thiếu nữ lỡ lầm tại Nguyệt Biều, Thành phố Huế.

4. Những biến cố đặc biệt của Hội dòng.

4.1. Ngày Hiệp Nhất 5 tu viện Mến Thánh Giá Giáo phận Huế .

- Phê chuẩn Hiến Chương năm 1962.

- Lần đầu tiên các chị chuyển từ lời hứa sang lời khấn trong Lễ Khấn Dòng tại Đà Lạt ngày 07.6.1965.

- Ngày 03.6.1967 Tổng Tu Nghị đầu tiên của Hội Dòng Mới Canh tân và Hiệp Nhất.

4.2. Đổi tên Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế thành Hội dòng Mến Thánh Giá Huế.

Tên Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai do Đức Tổng Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục đặt khi Canh Tân Hiệp Nhất Dòng. Đến năm 1990, Dòng Mến Thánh Gía Thừa sai Huế cùng 7 Hội dòng Mến Thánh Gía Miền Nam (Tổng Gíao Phận Sài-gòn) đón nhân quyển Hiến Chương mới, có chung một Đấng Sáng Lập, một linh đạo và lịch sử gắn liền với đời sống Giáo Hội Việt Nam từ hơn 300 năm nay. Linh đạo của Đấng Sáng Lập thấm nhuần tinh thần tông đồ THỪA SAI, tinh thần đó là sợi chỉ xuyên suốt các hành vi tận hiến của người nữ tu Mến Thánh Gía theo Hiến chương của Dòng. Bởi vậy, sau khi đã học hỏi và suy nghĩ, chị em đồng ý nên hoà đồng với các hội dòng về tên gọi Mến Thánh Giá nên đã đổi tên Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế thành Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế.

4.3. Phê chuẩn Hiến Chương:

Sau 10 năm thử nghiệm (1990-2000). Ngày 14.9.2000, Lễ suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thế đã phê chuẩn Hiến Chương cho Hội Dòng Mến Thánh Gía Huế trong Giáo phận của Ngài. Ngài viết: “Nay, chiếu theo Giáo Luật khoản 595, Tôi ra Nghị định phê chuẩn vĩnh viễn quyển Hiến Chương Canh Tân của Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế, đã được Hội Dòng nầy biểu quyết thông qua ngày 30 tháng 3 năm 2000 theo văn bản chính thức do chị Tổng Phụ Trách Agata Võ thị Trúc đệ trình và được lưu giữ tại văn khố Toà Tổng Giám Mục Huế”.

Tôi tuyên bố: các quyển Hiến Chương cũ sẽ hết hiệu lực kể từ ngày quyển Hiến Chương Canh Tân do tôi phê chuẩn bằng Nghị Định nầy, và được Chị Tổng Phụ Trách ban hành.

                Làm tại Toà Tổng Giám Mục Huế, ngày 14.9.2000

                                Têphanô Nguyễn Như Thể

                Ký tên và đóng dấu

4.4. Sinh ra hai Hội dòng MTG mới

Nhờ ơn Chúa, từ Hội dòng Mến Thánh Gía Huế đã sinh ra hai Hội dòng con cho hai Giáo phận mới thành lập. Đó là:

- Hội dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết, năm 1983.

- Hội dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa, năm 2008.

5. Kết.

* Bổn Mạng Dòng: 19/3 Lễ Thánh Giuse, Bạn Thanh Sạch Đức Mẹ.

* Lễ kính tước hiệu Dòng: 14/9 Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Kitô.

* Đặc sủng:

+ Hướng trọn lòng trí và cuộc sống về “Đức Giêsu-Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất”.

+ sống sứ vụ tông đồ thừa sai để loan báo Phúc Âm cho các dân tộc và góp phần xây dựng Giáo hội địa phương.           

* Mục đích: đạt đến sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô, bằng việc chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người.

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art