Thứ Tư, 01 Tháng Tám, 2012

Golden Gate

LỊCH SỬ CÂY CẦU

Cầu Golden Gate bắt ngang qua eo biển San Francisco là thủy trình ra vào của những tàu viễn dương cỡ lớn nên cầu phải xây rất cao để tàu lớn chui qua được và trụ chân cầu càng ít càng tốt, không trở ngại cho những chiếc tàu khổng lồ vốn rất khó điều khiển nhất là trường hơp bị dòng thủy lưu đưa đẩy, dễ đụng vào chân cầu. Vì vậy loại cầu treo vừa cao và chỉ cần hai trụ cắm xuống đáy biển là thích hợp trong trường hợp này. Hai trụ cầu phải gánh hầu hết sức nặng của cầu nên phải được xây bằng bê tông xuống sâu dưới đáy biển tới khi nào đụng được lớp đất rắn chắc. Gió từ ngoài khơi thổi vào eo biển rất mạnh có khi lên tới 60 miles giờ và dòng thủy lưu chảy xiết nơi cửa biển như hình cổ chai nên xây hai chân trụ không biết có chịu đựng được mà đứng vững hay không? Ðó là những bài toán mà các kỹ sư tham gia công trình thiết kế cầu Golden Gate phải giải quyết.

Từ đầu những năm 1920 giao thông từ những nơi khác đi đến San Francisco chỉ tùy thuộc vào tàu và phà. Tàu và phà đã đen nghẹt trong vịnh, di chuyển rất khó khăn nguy hiểm nhưng xây cầu thì cầu phải to lớn và vững chắc, muốn đạt được điều kiện này phải hao tốn một kinh phí khá lớn trong lúc đó Hoa Kỳ đang ở giữa thời kỳ khủng hoảng kinh tế. May thay qua một cuộc trưng cầu, kinh phí 35 triệu đồng bằng trái phiếu đã được dân chúng chấp thuận và công tác xây cầu bắt đầu khởi công ngày 5 tháng Giêng 1933 với thiết kế và chỉ huy công trường của kỹ sư Josepth B. Strauss. Ðây là lần đầu tiên xây một cầu treo mà nhịp cầu quá dài như vậy, người ta lo ngại không biết cây cầu có đứng vững hay không?

Cầu Golden Gate là loại cầu treo cổ điển dùng dây cáp cong, kỹ thuật này thường được áp dụng cách nay gần trăm năm như các cầu xây cùng thời ở New York. Cầu thường có hai trụ giữa rất cao và hai trụ neo ở hai đầu cầu. Những bó dây cáp lớn được nối trên đỉnh của bốn trụ với nhau theo đường cong Parabol như là chiếc võng. Sàn cầu xe chạy được treo bằng những dây cáp nhỏ hơn bắt lên trên các bó dây cáp chính. Cầu Golden Gate vì quá nặng nên trụ neo ở hai đầu cầu phải làm trụ đôi để gịt bắt sợi dây cáp làm hai lần. Cầu treo cáp cong có hình dáng đẹp, hùng tráng nhưng kỹ thuật lại nhiêu khê, phức tạp nhứt là hai trụ neo phải chịu lực căng ngang rất lớn mà những thế đất sình lầy xây trụ này cho vững rất tốn kém cho nên ngày nay người ta dùng kỹ thuật cầu treo cáp thẳng đơn giản hơn. Cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ sắp xây cũng áp dụng theo kỹ thuật cầu treo cáp thẳng.

Ngày 28 Tháng Năm 1938 lúc 12 giờ trưa Tổng Thống Franklin D. Roosevelt từ Tòa Bạch Ốc đã nhấn cần điện tín loan báo cho thế giới hay rằng cây cầu lớn nhất thế giới đã hoàn thành trước thời hạn và dưới mức kinh phí dự trù. Xe cộ bắt đầu lưu thông qua lại từ giờ phút đó.

Nhiều kỹ sư, chuyên viên đã góp công từ kỹ thuật cho đến mỹ thuật tô điểm cho cây cầu vừa hùng vĩ, hoành tráng vừa rực rỡ màu sắc dưới ánh nắng ban ngày cho đến huy hoàng lộng lẫy dưới ánh đèn ban đêm. Ánh sáng và màu sắc được thiết kế theo lối Art Deco Theme. Cầu được sơn màu đỏ cam “orange vermilion” nổi bật huy hoàng giữa vùng biển xanh và núi cỏ khô vàng nhạt, màu đỏ cam tươi sáng tàu bè dễ nhìn thấy từ xa. Lớp sơn nguyên thủy sau 27 năm bị rỉ sét vì hơi muối từ nước biển đến năm 1965 đã được cạo bỏ và sơn lại bằng sơn lót zinc silicate và phủ bên ngoài bằng sơn acrylic emulsion. Vừa cạo vừa sơn lại phải mất 30 năm và hoàn tất năm 1995. Hiện nay hàng ngày một toán thợ sơn 25 người lo sơn cầu, họ làm việc quanh năm vì vừa sơn xong đến đầu cầu bên này thì đầu cầu bên kia, lớp sơn đã bắt đầu rỉ sét!

Về đèn chiếu sáng trên cầu thiết kế bởi kiến trúc sư Irving F. Morrow, ông cho rằng cầu quá lớn không nên dùng cùng một loại đèn gây cảm giác nhàm chán đơn điệu mà nên dùng nhiều ánh sáng khác nhau. Trên hai ngọn tháp cao khi cầu xây xong vẫn chưa có đèn chiếu sáng vì ngân khoản đã hết, hai tháp cao chìm trong bóng tối khi nắng chiều đã tắt. Mãi đến năm 1987 nhân dịp kỷ niệm 50 năm cây cầu, hệ thống đèn chiếu sáng hai ngọn tháp mới được gắn lên với phí tổn 1.2 triệu được tài trợ phần lớn bởi công ty Pacific Gas & Electric Company. Trên hai ngọn tháp còn có những đèn hiệu cho phi cơ và tàu bè tránh xa để khỏi đụng vào tháp hay chân cầu, đèn hướng dẫn không lưu này được thay mới vào năm 1980 màu đỏ và xoay vòng. Ngoài ra trên hai sợi dây cáp chính treo cầu còn gắn thêm những đèn báo màu đỏ.

Ðã có màu sắc thì phải có âm thanh, cầu đã được gắn còi báo động sương mù, một ở nhịp giữa và một ở đầu cầu phía Nam. Khi sương mù bao phủ, những hồi còi 2 sắc âm (tone) được hụ lên vang báo cho tàu bè lưu thông thận trọng. Cuối thập niên 1970 chiếc còi ở giữa cầu bắt đầu hư và chỉ hụ lên đơn âm. Ngày nay các còi đã được thay mới bởi hãng Leslie Air Horn Company và “tiếng còi trong sương” cũng chỉ đơn âm mà thôi!

NHỮNG CON SỐ CỦA CẦU GOLDEN GATE

- Tổng cộng chiều dài kể cả hai đường lên: 8,981 feet.

- Chiều dài cầu gồm 3 nhịp (spans): 6,450 feet.

- Chiều dài nhịp giữa: 4,200 feet.

- Chiều dài mỗi nhịp hai bên: 1,125 feet.

- Tổng cộng chiều rộng cầu: 90 feet.

- Chiều rộng đường xe lưu thông: 62 feet (6 làn xe).

- Chiều rộng mỗi lối đi bộ hành: 10.5 feet.

- Tầm thông gió từ mực thủy triều cao nhất đến cầu: 220 feet.

- Chiều sâu từ mực nước ròng sát xuống đến móng chân cầu: 110 feet.

- Chiều cao tháp trụ cầu từ mặt cầu: 500 feet.

- Ðường kính dây cáp chính: 36 3/8 inches.

- Chiều dài một dây cáp chính: 7,650 feet.

- Số dây thép được dùng để bện một dây cáp chính: 27,572.

- Tổng cộng chiều dài dây thép được dùng để bện các dây cáp: 80,000 miles.

- Thiệt mạng vì tai nạn lao động: 12 (được xem là rất thấp vì thời này trung bình mỗi triệu đồng xây dựng là 1 người thiệt mạng vì tai nạn).

Xe chúng tôi do người bạn lái lấy kinh nghiệm ở bên kia cầu đã không vào được bãi đậu xe để ngắm cầu nên vừa qua khỏi cầu là cập sát tay mặt để vào bãi đậu xe nơi chân cầu phía Bắc. Vì ngày cuối tuần xe cũng đông nhưng chờ vài phút cũng có người ra và chúng tôi cũng lại “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”. Ðiểm ngắm cảnh phía Bắc tuy không có công viên nhiều bông hoa nhưng lại nằm ngay trục tim cây cầu nên đứng nơi đây du khách có thể nhìn xuyên suốt trong lòng cây cầu với xe cộ lưu thông ngay hàng thẳng lối và bên bờ bên kia là những cao ốc của thành phố Cựu Kim Sơn với tháp Coit trên đỉnh đồi cây xanh và cả cây cầy Bay Bridges ẩn hiện trong sương mờ. Ðây là lần đầu tiên tôi vào điểm vọng cảnh bên bờ phía Bắc, mấy lần trước tôi ghé bên bờ phía Nam có tên là Vista Point và các Tour du lịch bằng xe bus cũng ghé bên bờ phía Nam vì nơi đây bãi đậu xe lớn hơn, có tiệm thức ăn nhanh và nhà lưu niệm trưng bày hình ảnh, số liệu về cây cầu. Có tượng kỹ sư Joseph B. Strauss là người thiết kế và trông coi việc xây cầu và mẫu một khúc dây cáp chính trong đó có 61 sợi thép lớn được bện vào nhau. Ðiểm vọng cảnh phía Nam còn một tòa nhà mà ngày xưa là đồn lính ngày nay là một nhà bảo tàng, bên trong còn đủ súng thần công, quân nhu, đạn dược. Cầu có thâu lệ phí là 5$ cho chiều lưu thông vào thành phố, trạm thu ở chân cầu phía Nam.

Cầu treo Golden Gate xứng đáng để trở thành kỳ quan nhân tạo của thế giới ngang hàng với kim tự tháp Ai Cập, vạn lý trường thành Trung Quốc, tháp Eiffel bên Pháp và tượng Nữ Thần Tự Do ở New York. Hình dáng cây cầu rất thẩm mỹ, cân đối lại to lớn, đồ sộ và rất vững chắc. Ðến hôm nay đã 68 tuổi nhưng vẫn oai hùng đứng hiên ngang chấn lối vào Vịnh Cựu Kim Sơn và trải qua trận động đất cường độ 7.1 năm 1989 không hề suy suyển.

Nhân nói về các loại cầu thì cầu có hai loại chính là cầu nâng và cầu treo. Cầu nâng là sàn cầu được nâng đỡ bằng những trụ chống từ đáy nước đưa lên. Sàn cầu đi tới đâu thì phải xây trụ chống tới đó. Cầu khỉ ở thôn quê Việt Nam cũng là một hình thức cầu nâng. Cầu treo là sàn cầu được treo móc lên trên những dây cáp và những cáp này bắt vào 4 trụ chính. Cầu dây miền sơn cước cũng là một loại cầu treo đơn giản.

Trong huyền thoại Việt Nam còn có một loại cầu mà các nước khác không có, đó là Cầu Ô Thước do chim ô (chắc là quạ?) mỗi năm một lần nối cánh bắc cầu qua Ngân Hà để cho Ngưu Lang và Chúc Nữ gặp nhau. Số Chúc Nữ là công chúa con của Ngọc Hoàng, người xinh đẹp lại có tài dệt lụa, thêu thùa rất khéo. Nàng lấy tơ ánh mặt trời dệt chung với sợi bóng trăng thanh làm y phục cho cả thiên đình, tiên nữ mặc. Nàng tài sắc vẹn toàn nên nhiều người theo đuổi nhưng nàng vẫn chưa để ý đến một ai. Một hôm dệt lụa bên cửa sổ bổng thấy Ngưu Lang cỡi trâu đi qua, Ngưu Lang khôi ngô, tuấn tú làm nghề giữ trâu cho thiên đình. Vừa gặp mặt thì đôi bên đã bị tiếng sét ái tình. Ngọc Hoàng thấy vậy mới cho đôi trẻ kết duyên vợ chồng. Từ ngày sống với nhau ngụp lặn trong hạnh phúc, tuần nào cũng là tuần trăng mật nên Chúc Nữ quên hết nghề thêu dệt, khung cửi nhện giăng bụi bám còn Ngưu Lang thì để cho đàn trâu phá nát vườn đào tiên, ăn hết hoa màu thiên đình. Ngọc Hoàng nổi giận tách biệt đôi trẻ đôi nơi, người ở giang đầu, kẻ nơi cuối sông, cách nhau một dãy Ngân Hà và một năm mới cho tái hợp một lần vào mùng Bảy tháng Bảy âm lịch. Ngày ấy đàn chim Ô hàng vạn con bay về chắp cánh kết nhau thành chiếc Cầu Ô Thước nối liền dãy Ngân Hà để cho đôi uyên ương gặp nhau. Những giọt nước mắt đoàn tụ, hạnh phúc rơi xuống trần gian trong ngày đó được gọi là mưa Ngâu. Nhạc sĩ Lam Phương đã từng diễn tả:

Người về ngàn dậm còn mang mối sầu,

Nhịp cầu Ô Thước mình nối tơ duyên

Ngày dài nhung nhớ mình có bên nhau

Yêu nhau cho lắm rồi vẫn... xa nhau!

TRỊNH HẢO TÂM

Bài viết khác