Sương sa hột lựu trưa Hè
Ngày nóng, con nít ai mà không thích ly chè sương sa hột lựu đủ màu xanh đỏ tím vàng có nước cốt dừa với nước đá cục mát lạnh. Từng hột bột trong vắt có cái nhân trăng trắng bên trong, đủ các màu xanh đỏ tím vàng lẫn lộn với từng cục nước đá nhỏ trong vắt như pha lê, hòa với màu trắng như tuyết của nước cốt dừa, tạo thành một thứ chè chưa ăn nhưng chỉ nhìn thôi đã hấp dẫn con mắt quá trời rồi. Múc một muỗng bỏ vô miệng dai dai giòn giòn sật sật, mát lạnh trong cổ họng.
Hiếm hoi lắm tôi mới có chút tiền xu lén lén đi ra đầu đường mua một ly nhỏ xíu ăn nhín nhín từng hột, từng hột, húp chút nước cốt dừa béo ngọt ngào. Bà ngoại tôi không cho ăn thứ nước giải khát này, ngoại nói có bột sống trong đó ăn đau bụng.
Ðúng là có bột sống thiệt, trong từng hột lựu màu đỏ hồng nhỏ xíu đó ngoài trong vắt là bột năng chín rồi, còn cái nhưn trắng bên trong giống y như hột lựu đó là bột năng luộc chưa chín tới, vì cái kiểu của nó là như vậy, luộc bột phải để lại chút ngòi trắng trắng nhỏ như đầu tăm nhang ở chính giữa cho giống hột lựu thiệt đó mà.
Tuy nhiên, tôi ăn thứ sương sa hột lựu đó chưa từng bị đau bụng bao giờ, không biết là tại bụng mình dễ tiêu, thứ gì ăn cũng được, hay là tại ly chè nhỏ xíu, ăn ít quá không đủ để đau bụng?
Bây giờ, đang mùa Hè nóng bức như vầy, ở nhà cũng có thể nấu chè sương sa hột lựu bằng cách đơn giản nhứt, con nít cũng ăn được không sợ đau bụng, mà lại dễ làm bằng những vật dụng đơn giản nhứt trong bếp của mình. Chỉ cần một trái lê ngon, bột củ năng, đường, ca cao, nước cốt dừa, vani, màu thực phẩm là đủ cho một gia đình bốn người giải khát trong một ngày.
Trước hết, pha màu thực phẩm xanh lá cay, đỏ, tím, vàng với đường cát trắng vô bốn cái tô nhỏ. Nếu không dùng màu thực phẩm thì dùng màu xi rô làm bánh đều được. Trái lê gọt vỏ xắt miếng dày chừng hai li, xong xắt thành sợi cũng cỡ hai li, rồi xắt ngang thành hột vuông mỗi cạnh hai li, xong chia làm bốn phần đều nhau đổ vô bốn tô màu đã pha sẵn lúc nãy ngâm khoảng mười lăm phút cho thấm màu vô hột trái lê này cái này là để làm nhưn hột lựu. Muốn ăn ngọt thì cho đường nhiều, ăn lạt thì cho đường ít, mà không muốn ngọt để cho thanh mát hơn thì không cho đường vô cũng được.
Ngâm hột lê xong lấy từng màu đổ lên cái rây cho ráo hết nước màu đi rồi để riêng vô từng cái tô sạch khác. Cho bột năng vô từng tô hột lê, trộn cho đều để bột bám chặt vô từng hột lê một lớp khoảng một li bên ngoài, lại đổ ra cái rây khô để sàng bỏ bột dư không bám vô hột lê, cả bốn tô đều làm giống như vậy.
Bắc cái nồi nhỏ lên bếp, đổ khoảng một nửa nước sạch vô nấu cho sôi lên, đổ từng tô hột lê tẩm bột năng vô nồi nước sôi luộc cho đến khi thấy bột chín (chưa ngả màu trong) thì vớt lên xả nước lạnh cho đừng dính dính chùm với nhau rồi để vô rổ nhỏ loại mắt dầy cho ráo nước. Các tô hột lê tẩm bột màu khác cũng luộc giống như vậy. Khi hột lựu nguội lớp bột bọc ngoài hột lê sẽ trở thành trong vắt, hột lê bên trong trắng đục đục giống y như nhưn hột lựu làm theo kiểu truyền thống vậy, nhưng khác là hột lựu này này hoàn toàn chín.
Lấy vài muỗng bột ca cao, vài muỗng đường cát vô cái tô, rót vô một chút nước quậy cho tan đều rồi cho bột năng vô trộn đều, nhồi thành cục như cục đất sét dẻo dẻo con nít nắn đồ chơi. Lấy một ít bột năng khô rắc lên tấm thớt, khỏa đều ra, bỏ cục bột ca cao lên, dùng cái dụng cụ cán bột hay cái chai thủy tinh sạch lăn cán cho cục bột thành một miếng mỏng dài khoảng hai li, lấy dao cắt thành từng sợi cách nhau hai li nhưng không cần cắt ngang ô vuông như cắt hột lê, mà để nguyên từng sợi dài khoảng một tấc hay dài ngắn hơn một chút cũng được. Nấu một nồi nước sôi, cho bột ca cao này vô luộc vừa chín tới đổ ra cái rây cũng xả nước lạnh cho đừng dính rồi để ráo nước, xong cho vô một cái tô lớn khác.
Ðậu xanh cà (bỏ vỏ) ngâm cho nở rồi hấp chín. Cho đường, nước sạch vô cái nồi nhỏ, khuấy cho tan, nấu sôi lên rồi cho đậu xanh hấp chín vô nấu sôi lên, dùng cái muỗng lớn bằng gỗ tán cho nát nhuyễn hột đậu ra, cho thêm một chút vani vô đậu xanh lúc đang nấu cho thơm, nấu sôi đến khi thấy đậu xanh sền sệt như cháo đặc thì nhắc nồi xuống, múc ra tô để nguội.
Nước cốt dừa đóng lon hay dừa khô nạo ra đều dùng được. Nhưng nên mua nước cốt dừa đóng lon cho gọn, không phải mất công đi nhồi vắt nước cốt. Ðổ lon nước cốt dừa vô cái nồi nhỏ, cho thêm hai muỗng cà phê bột gạo, hai muỗng cà phê đường cát trắng, một phần tư muỗng cà phê muối vô khuấy đều. Bắc nồi nước cốt dừa lên bếp khuấy cho tới lúc nước cốt dừa sôi lên lục sục, thấy sền sệt thì cho một chút vani vô, chờ nó sôi lên chừng bột chín thì nhắc nồi xuống để nguội. Không để nước cốt dừa sôi lâu quá nó sẽ gắt dầu không thơm ngon nữa.
Nếu không thích ăn trái lê giả hột lựu thì lấy múi mít hay củ năng (củ mã thầy) gọt bỏ vỏ, xắt nhỏ y như trên thay thế ăn cũng rất ngon. Mít vừa dai vừa giòn, vừa thơm vừa ngọt, củ năng ăn ngọt, mát lại dẻo nữa.
Nếu siêng hơn thì mua lá dứa giã lấy nước màu xanh, pha bột rau câu với đường vô khuấy đều, bắc nồi lên bếp nấu cho tan hết rau câu rồi đổ vô cái xửng hay cái dĩa lớn sâu lòng cho nó đông lại rồi xắt miếng ra bỏ chung vô ăn sẽ rất thơm và mát. Rau câu phải nấu hơi đặc hơn bình thường một chút thì mới xắt miếng nhỏ ra được mà nó vẫn dai, không bị nát nhừ khi trộn vô ly giải khát.
Có hột é thì ngâm hột é vô nước ấm cho nở ra như trứng ếch, chắt bớt nước để riêng, khi pha chè thì múc thêm một muỗng hột é vô.
Tôi đi chợ ở Garden Grove City thấy có bán đường thốt nốt, đường nấu từ trái dừa vị ngọt thanh mát, giá bán phải chăng, lấy đường này nấu chè thơm lắm.
Bây giờ là lúc bắt đầu thưởng thức nè. Lấy cái ly thủy tinh lớn hay cái tô thủy tinh cỡ trung đều được. Múc vô ly mỗi màu hột lựu một muỗng cà phê, thêm một đũa sợi bột ca cao màu nâu, một muỗng đậu xanh, một muỗng lớn nước cốt dừa lên trên, đập nước đá viên nhỏ cỡ ngón tay vô, trộn đều cho chè thấm lạnh, chờ chừng năm phút cho nước đá tan ra, lấy cái muỗng cà trộn đều ly chè là có thể vừa ăn vừa uống được rồi.
Sở dĩ phải dùng ly thủy tinh hay là cái tô thủy tinh để đựng khi ăn là vì không chỉ thưởng thức mùi vị, mà còn thưởng thức bằng mắt cái màu sắc của nó nữa, phải như vậy thì nhìn mới “xuyên thấu” thấy các màu xanh xanh, đỏ đỏ, tím tím, vàng vàng, nâu ca cao trong vắt của bột năng, màu trắng tinh của nước cốt dừa, trắng pha lê của nước đá trộn lẫn vào nhau, chỉ nhìn thôi, chưa ăn đã thấy màu sắc hấp dẫn dữ dội rồi.
Vị ngọt, vị béo, vị thơm hòa với cái dai dai của bột năng, cái giòn của hột lê, cái mát lạnh của nước đá, mùi thơm nhẹ nhàng thanh khiết của vani, của ca cao, đang nóng phừng phừng mà uống một ly sương sa hột lựu này vô không thấy đã khát thì không lấy tiền à…
Tạ Phong Tần