Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Chầu Lượt

Chầu Lượt

 Xin cha vui lòng cho biết mục đích và ý nghiã của ngày chầu lượt của các xứ đạo một năm một lần. Khi còn ở quê nhà, mỗi khi đến phiên xứ đạo chầu lượt con thấy rất long trọng linh đình : nào là treo cờ, trồng đèn, trang hoàng nhà thờ bên trong cũng như bên ngoài. Về tâm hồn thì có tuần tĩnh tâm và có các cha về giúp chầu rất đông để giải tội và giảng thuyết. Ngày khai mạc là tối thứ bảy rất trọng thể, sang ngày chúa nhật thì chia phiên chầu cho các hội đoàn và các khu chầu suốt ngày. Và ngày thứ hai kết thúc. Nhiều nơi, trước mỗi giờ chầu còn có kèn trống linh đình. Các giờ chầu thì : Nghĩa binh làm giờ thánh, các đoàn thể khác thì làm phút đền tạ v.v... và các kinh đọc trong giờ chầu đều hướng về đền tạ Thánh Tâm Chúa và tôn kính phép Thánh Thể. Mọi người nô nức tham dự các giờ chầu thật sốt sắng đánh động lòng người thêm sốt mến và cải hoá được nhiều tâm hồn chai đá trở nên đạo đức.

 Khi ra sống ở Âu châu, con ở Đức đến ngày chầu lượt thật là âm thầm buồn tẻ. Mà tại sao lại khai mạc vào sáng thứ hai là ngày mọi người phải đi làm, trẻ em phải đị học; mà cũng chẳng thấy có sự chuẩn bị cổ võ gì cả. Ngày thứ hai là ngày cha xứ bắt đầu kỳ đi nghĩ hè (du lịch). Sáng sớm cha đã đi khỏi, lúc chín giờ khai mạc chỉ có một mình cha khách đến để thế cho cha xứ đi vắng. Trong Thánh Lễ lưa thưa được mấy chục người, sau lễ cha đặt Mình Thánh chầu chung cũng còn được một ít người tham dự. Đến các giờ chầu kế tiếp được năm ba người và có giờ chỉ có một hai người như có cũng như không, để Chúa cô đơn buồn thảm một mình thật đáng tội nghiệp vì bị xúc phạm.

 Con về kể lại cho con cái nghe và phàn nàn thì có đứa trả lời : việc cha đi nghĩ hè thì cha cứ đi, đã có cha khách, đâu nhất thiết phải có cha xứ. Con cụt hứng và tự nghĩ thôi chắc mai đây thì chỉ có đạo tại tâm chứ chẳng cần phải đến nhà thờ hoặc bày vẽ long trọng làm chi.

 Con nản quá xin cha cho chúng con vài lời.

Người bảo thủ

 Lòng Tin Chúa Kitô hiện diện trong bánh thánh xưa cũ như Giáo Hội; nhưng thể thức chầu Thánh Thể mang nhiều cách khác nhau nhất là sau thời kỳ cải cách. Chầu luợt mang ý nghiã đặt lòng tin vào sự hiện diện thực sự và thường trực của Chúa trong bí tích Thánh Thể; một cách tỏ sự khác biệt với người Tin Lành. Các sử gia nghĩ rằng ý tưởng này đến từ Thánh nữ Gertrude (nữ tu dòng kín người Đức 1256-1301). Sau này, thánh Ignatiô đệ Loyola (1491-1556) và thánh Philipphê đệ Nêri (1515-1595) cho sự tôn sùng Thánh Thể thêm ý nghĩa sửa lại lỗi lầm của anh em Thệ Phản. Thánh Charles Borrômêô (Giám mục người Ý 1538-1584) đã dẩn nhập chầu lượt liên tục 40 tiếng đồng hồ vào Milan với những luật lệ chống lại những phóng túng do hội « carnaval » (trước mùa chay) đưa tới. Truyền thống 40 giờ có nguồn gốc từ những kinh nguyện đọc trước mộ Chúa Kitô trong Thánh đường Mộ Thánh ở đồi Golgotha. Khách hành hương bắt đầu chầu từ chiều thứ sáu cho đến sáng Chúa nhật, đúng với thời gian Chúa nằm trong mộ.

 

 Năm 1527 lúc chiến tranh loạn lạc đang bùng nổ, ông Gioan Antôn Bellotti thiết lập lại kinh nguyện 40 giờ cho mỗi lục cá nguyệt. Thánh Antôn-Maria Zaccaria (linh mục người ụ 1502-1539) và các cha dòng Barnabites (thành lập năm 1530 tại Milan, Ý, bởi thánh Antôn Maria Zaccaria với mục đích giáo huấn giới trẻ) mới thật là những người lập ra vòng kinh nguyện không đứt quảng như lời Đức Giáo Hoàng Clément XII trong tông huấn cổ võ sự thực hành này cho toàn thế giới năm 1765.

 Chương trình 40 giờ kinh bắt đầu bằng Thánh Lễ, sau đó mọi người đi kiệu tôn vinh Thánh Thể. Mình Thánh Chúa được đặt ở bàn thờ liên tiếp 40 giờ và giờ chầu kết thúc bằng một Thánh Lễ xin bình an. Suốt thời gian Mình Thánh Chúa hiện diện, luật buộc phải có ít nhất hai người chầu Người.

 Sau này, chầu 40 giờ biến thành giờ chầu lượt tức là Mình Thánh Chúa được tôn thờ trong khoảng một thời gian nào đó chứ không nhất thiết phải đúng 40 giờ. Ví dụ tại Pháp, tiếp theo một lời khấn chầu lượt đã được bắt đầu tại Vương cung Thánh đường Thánh Tâm tại đỉnh đồi Montmartre; và việc đạo đức này được liên tục cho tới hôm nay đã trên 100 năm. Chầu lượt Thánh Thể còn được gọi là Chầu đền tạ vì đó là cách thánh hiến những gì bị tục hoá bởi tội lỗi bằng lời cầu nguyện (Theo Théo trang 747). Hy vọng những ý chính giúp ông hiểu hơn về ý nghĩa chầu lượt.

 Riêng về cách tổ chức và ngày giờ ra sao còn đòi hỏi những thói tục địa phương. Bên Âu châu cách tổ chức không được rầm rộ như ở quê nhà và ông tỏ ý tiếc nuối cũng là điều dể hiểu thôi. Nhìn lại thực trạng các Cộng đoàn Công Giáo, chúng ta biết anh chị em sống rải rác, mỗi lần tập hợp là cả vấn đề khó khăn như thời giờ, di chuyển... Nơi ông ở còn tổ chức được chầu lượt quả là may mắn. Dù ít người nhưng khi chầu lượt về mang ơn ích biết mến Chúa yêu người và sống bác ái còn hơn rầm rộ bên ngoài nhưng không tiến trên đường sống đạo. Nếu ông muốn tìm lại một ít khung cảnh như ở quê nhà nên tham dự những cuộc hành hương do các Cộng đoàn tổ chức. Năm nay, Phong Trào Tông đồ Fatima đã tổ chức hành hương Thánh Mẫu tại nơi Mẹ hiện ra ở Beauraing bên Bỉ hôm 14-17/7/1994. Bên Hoa Kỳ, dòng Đồng Công có ngày Thánh Mẫu, năm nay số người tham dự lên đến 50.000. Theo các chứng từ, có người đi về đã thay đổi cuộc sống phù hợp với Tin Mừng hơn.

 Các cha luôn luôn cố gắng cùng con chiên đi lên tới Chúa, còn như các Ngài không làm tròn bổn phận, các Ngài sẽ phải trả lời trước mặt Chúa. Kết thúc giúp ông đừng nản kể ông nghe những lời than trách cha xứ ghi trong một số báo đạo của người Pháp như sau :

 - Cha xứ giảng quá mười phút : Cha lải nhải dài dòng văn tự.

 - Cha giảng về việc chiêm niệm Thiên Chúa : Cha đang lơ lững bay (không thực tế)

 - Cha nói về vấn đề xã hội : Cha làm chính trị

 - Cha ở Giáo Xứ : Cha không nhập thế

 - Cha đi thăm giáo dân : Cha đi chơi không bao giờ gặp được

 - Tóc cha dài : Cha cấp tiến

 - Tóc Cha ngắn : Cha cổ hũ

 - Cha còn trẻ : Cha chưa có kinh nghiệm

 - Cha có tuổi : Cha về hưu là vừa

 ...

 Vì vậy, dù Cha xứ có làm gì bao giờ Ngài cũng không làm hài lòng con chiên.

Linh mục Thêôphilô

Bài viết khác