Vì sao mắt nổ đom đóm?
Mỗi khi con người bị đấm vào mắt, choáng váng hay thậm chí hắt xì, chúng ta đều gặp phải hiện tượng nổ đom đóm mắt, hay một loạt ánh sáng và tia chớp bắn ra.
Tất cả những hình ảnh này bắt nguồn từ sự kích thích ở phía sau mắt, hay hệ thần kinh thị giác, nơi truyền ánh sáng tới não. Khi còn nhỏ, bạn có thể từng lén lút ấn tay lên đôi mắt đang nhắm và nhận thấy những tia sáng ngoằn nghoèo phát ra từ vùng đen ngòm. Lúc lớn lên, nếu hiện tượng bắn tia sáng này kéo dài cho dù bạn không tác động lên mắt, thì có thể đó là dấu hiệu của sự tách rời võng mạc. Đó là một trường hợp khẩn cấp và cần phải đi khám ngay.
Những tia sáng phát ra từ mắt cũng có thể liên quan tới chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, các kiểu sức ép và kích thích khác cũng khiến não nhìn thấy ánh sáng, hầu hết đều vô hại.
Trong con ngươi của chúng ta là một lớp chất đặc quánh, giúp mắt được tròn, trong trẻo, đầy đặn. Lớp chất đặc này có thể cọ lên võng mạc, kích thích phần mắt tạo ra hình ảnh trong não. Khi não nhận được thông điệp từ võng mạc, nó sẽ giải mã thành ánh sáng. Vì vậy có những lúc dù ánh sáng không đi vào mắt, thì bất cứ sự tác động nào lên võng mạc cũng khiến não tưởng là ánh sáng.
Nếu bạn nổ đom đóm mắt sau khi hắt xì, đó có thể là một kiểu sức ép lên mắt. Và nếu bạn trồng cây chuối, hay ngồi dậy nhanh chóng khi đang nằm, huyết áp bị tụt, bộ não bị thiếu oxy, làm thay đổi môi trường trong và xung quanh mắt, dẫn tới tác động lên thần kinh thị giác.
Ngoài ra khi hắt xì, bạn tạo ra sức ép lên ngực và đầu. Sức ép này đủ mạnh để bắn ra một cú hắt xì với tốc độ 160 km/h. Võng mạc hoàn toàn có thể bị lắc lư vì lực hắt hơi đó.
Vì vậy, nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh và không bị chứng đau đầu, hiện tượng mắt nổ đom đóm không có gì đáng lo ngại. Cần xem chừng khi hiện tượng gia tăng mà không có nguyên nhân nào, bởi đó có thể là dấu hiệu của sự tách rời võng mạc.