Thứ Năm, 06 Tháng Chín, 2012

Đồng tế (Concelebration) là gì ?

Đồng tế (Concelebration) là gì ?

Khi có nhiều linh mục cùng cử hành Thánh Lễ, gọi là đồng tế, nhưng khi có nhiều linh mục cùng cử hành bí tích khác, như xức dầu bệnh nhận, giải tội… thì phải gọi cách nào? Tiếng Anh, tất cả đều gọi là concelebration. Vậy chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa thuật từ đồng tế, concelebration và thử tìm một thuật từ cho trường hợp có nhiều linh mục cùng cử hành một bí tích khác.

1. Đồng tế

1.1 Đồng có 23 chữ Hán: 同, 桐, 童, 僮, 銅 (铜), 瞳, 峒 (峝), 彤, 痌, 罿, 艟, 衕, 曈, 潼, 筩, 茼, 氃, 膧, 獞, 砼, 酮, 橦, 穜, trong thuật từ đồng tế là chữ同 (đồng). Nghĩa là (dt.) (1) Hoà bình yên vui: Thế giới đại đồng (Thế giới hoà bình yên vui). (2) Khế ước: Hợp đồng. (3) Họ Đồng. (đt.) (4) Tụ hợp: Nễ ngã nan tái đồng(Anh và tôi khó có tụ hợp lại nữa). (5) Ngang bằng, như nhau: Đồng luật (Luật như nhau). (6) Cùng nhau: Đồng cam khổ (cùng nếm đắng cay, ngọt bùi). (7) Tán thành: Đồng ý. (tt.) (8) Giống nhau: Đại tiểu dị đồng. (pht.) (9) Chung nhau: Đồng sự (Bạn đồng nghiệp) (10) Cùng, chung nhau: Hữu phúc đồng hưởng (Có phước cùng hưởng). (Giới từ) (11) Với, và: Đồng nễ thương lượng (Thương lượng với anh).

Nghĩa Nôm: (1) Đất cày: Đồng lúa. (2) Miền quê: Đồng quê.

1.2. Tế có 13 chữ Hán: 濟(济), 細 (细), 蔽, 際 (际), 壻, 鷩, 祭, 穄, 漈, 婿, 嚌 (哜), 穧. trường hợp này là chữ 祭.Có nghĩa: (dt.) (1) Nghi thức thờ quỷ thần: Gia tế (Lễ bái tại gia). (2) Họ Tế. (đt.) (3) Cúng bái tỏ lòng kính đối với thần: Tế thiên. (4) Nhớ kẻ chết: Tế điếu (Viếng thăm kẻ chết). (5) Dùng bùa phép: Ngộ Không tế khởi tiên thằng (Ngộ Không dùng dây tiên). (6) Một âm khác đọc trái: Họ Trái.

1.3. Đồng tế

Đồng là cùng nhau, tế là cúng bái thần thánh, đồng tế là nhiều người cùng cúng bái thần thánh, nhưng thuật từ này chỉ dùng trong Hội Thánh, vậy phải hiểu theo nghĩa Công Giáo.

Theo nghĩa rộng (nghĩa thông thường): Đồng tế là việc vị tư tế cử hành thánh lễ cùng toàn thể Hội Thánh. Thực vậy, phụng vụ là việc thờ phượng của toàn thể Hội Thánh, tại thế cũng như trên trời. Mỗi Thánh Lễ là một lễ đồng tế, vị chủ tế cùng dâng lễ với toàn thể các thiên thần và các thánh trên trời, như ta đọc trong kinh Tiền Tụng: “cùng với các thiên thần và các thánh, chúng con chúc tụng Chúa”; đồng thời, ngài cũng cùng dâng lễ với toàn thể Hội Thánh tại thế và cách riêng với cộng đồng dân Chúa đang tập hợp, do ơn Rửa Tội và Thêm Sức, các tín hữu tham gia vào chức linh mục cộng đồng và trở nên cộng đồng tư tế (1Pr 2,9).

Theo nghĩa hẹp (nghĩa chuyên môn): Đồng tế là việc nhiều tư tế cùng cử hành một Thánh Lễ, một trong các vị này giữ vai trò chủ sự, gọi là chủ tế.

Việc đồng tế làm cho Thánh Lễ thêm phần long trọng nhưng đó không phải là mục đích phải nhắm tới. Lý do chính yếu của việc đồng tế là để diễn tả rõ nét hơn tính duy nhất của Hy Tế Thánh Thể và củng cố sự duy nhất của chức linh mục (PV 57). Đồng tế là dịp tốt để mọi người, linh mục cũng như giáo dân, có thể kinh nghiệm cách cụ thể rằng: làm linh mục không phải vì mình và cho mình mà thôi nhưng là cùng với linh mục đoàn, có đức giám mục làm đầu, cốt để phục vụ dân Chúa, để tượng trưng cho Chúa Kitô, vị Linh Mục duy nhất. Vì thế, huấn quyền không ngừng khuyến khích việc đồng tế, miễn là không gây phương hại cho nhu cầu dâng lễ của giáo dân.

Việc đồng tế vẫn có từ đầu trong Giáo Hội. Bên Giáo Hội Đông Phương là việc thường xuyên. Bên Giáo Hội Rôma chỉ trong những dịp đặc biệt. Công đồng Vaticanô II đã mở rộng quyền đồng tế trong một số trường hợp. Tuy nhiên, việc ấn định quy luật đồng tế trong địa phận thuộc quyền các giám mục (PV 57). Giáo luật “cấm các tư tế Công Giáo đồng tế Thánh Lễ với các tư tế hay thừa tác viên của các giáo hội và các giáo đoàn không thông hiệp hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo” (GL 908) và “trừ những trường hợp giáo luật cho phép cử hành hay đồng tế thánh lễ nhiều lần trong một ngày, tư tế chỉ được quyền dâng lễ mỗi ngày một lần” (GL 905§1). Như vậy, vì lý do mục vụ, linh mục cần giới hạn việc đồng tế khi không thực sự là nhu cầu cần thiết.

2. Concelebration

 Concelebration do tiếp đầu ngữ con- (cùng nhau) và chữ celebration (cử hành) ghép lại, có nghĩa là cùng nhau cử hành.

 Celebratio nguyên nghĩa là “cuộc cử hành” (lễ, dịp long trọng), bởi tĩnh từ Latin celebris là “nhiều người qua lại”; xưa kia via celebris = đường nhiều người qua lại. Celebratio là hành động của nhiều người tập hợp lại để mừng một lễ hội. Trong ngôn ngữ phụng vụ, từ “cử hành” được dùng để dịch từ “liturgia” của tiếng Hy Lạp, và có nghĩa là hành động phụng vụ, nhất là cử hành Thánh Lễ [1].

Celebratio là cử-hành-phụng-vụ, con-celebratio được hiểu là cùng-nhau-cử-hành-phụng-vụ [2], chứ không chỉ là cùng-nhau-cử-hành- thánh-lễ, bởi vì khi các linh mục cùng-nhau-cử-hành-bí-tích-sám-hối hay cùng-nhau-cử-hành-bí-tích-xức-dầu... cũng có thể gọi là con-celebratio. Do đó, nếu dịch là đồng tế - hiểu ngầm là cùng- nhau-tế-lễ, cùng-nhau-cúng-tế thì chữ 'tế' chỉ có nghĩa là 'dâng lễ', 'cúng tế' tức là một hình thức, một hành động thờ phượng của các tôn giáo, trong khi Kitô Giáo còn có những hình thức, những hành động thờ phượng khác chứ không chỉ tế lễ, cúng tế... Ngoài việc dâng lễ Misa, Kitô Giáo còn có các cử hành bí tích khác hoặc cử hành phụng vụ các giờ kinh v.v.... Cùng nhau cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh không thể gọi là đồng tế được!

Thực ra, Concelebration thường được dùng để hiểu ngầm là “Eucharistic concelebration” (Concelebratio Eucharistica), tức là đồng cử hành Lễ Tạ Ơn. Do đó, khi cùng cử hành các bí tích khác thì trong tiếng Anh, người ta thường nói rõ là: “đồng cử hành bí tích xức dầu: concelebrate the anointing of the sicks”, “Nghi thức đồng cử hành bí tích giải tội: concelebrated ceremony of penance”.

3. Kết luận

 Concelebration hiểu cho đúng là "đồng cử hành" và trong trường hợp đồng cử hành Thánh Lễ thì gọi tắt là "đồng tế".

 Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Ghi chú:

 [1] Vì vậy, cha Dom Robert Le Gall (Dictionnaire de Liturgie, 1982) cho rằng : "Từ ngữ cử hành (celebratio) tự nó bao hàm việc có số đông người cử hành, nghĩa là họp nhau để chào mừng một việc gì hay một người nào. Như vậy tiếp đầu ngữ "con-" (cùng nhau) có vẻ thừa. Vì phụng vụ không bao giờ là hành động của một người, nhưng là hành động của cả cộng đoàn hội nhập vào tác động của Thiên Chúa, nên mỗi cuộc cử hành đều giả thiết rằng mỗi người tham dự đều đồng cử hành với những người khác ".

 [2] Paul F. Bradshaw, THE NEW SCM DICTIONARY OF LITURGY AND WORSHIP, Hymns Ancient & Modern Ltd, 2002,  p.125.

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art