Việc Rước Lễ của trẻ em
Ý tưởng đánh dấu việc Rước Lễ lần đầu của trẻ em bằng một nghi lễ đặc biệt là một ý tưởng mới, nếu tính theo thang đo lịch sử của Giáo hội, chỉ mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XVII. Hãy xem trước tiên làm thế nào trong Giáo hội những thế kỷ đầu tiên, người ta hiểu về việc rước lễ của trẻ em.
VIỆC RƯỚC LỄ VÀ BÍ TÍCH RỬA TỘI
Như chúng ta đã thấy trước đây, các nghi thức nguyên thủy của Bí tích Rửa tội cũng bao gồm Bí tích Thêm sức và Thánh Thể lần đầu. Đây là điều tự nhiên đối với người lớn, nhưng người ta không loại trừ trẻ em, ngay cả trẻ rất nhỏ: người ta nhúng ngón tay vào chén thánh để các em mút, hoặc cho các em một giọt rượu đã được thánh hiến bằng một thìa nhỏ. Đây vẫn còn là thực hành của các Giáo hội Đông phương ngày nay. Sau đó, trẻ em được cho phép rước lễ mỗi khi cha mẹ đưa các em đến nhà thờ; Bí tích Rửa tội đã làm cho các em, theo một cách nào đó, trở thành người lớn trong đức tin. Đặc biệt, người xưa hiểu theo nghĩa đen lời Chúa trong chương 6 Phúc âm theo Thánh Gioan: "Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Người, các ngươi không có sự sống trong mình" (câu 53). Các mô tả cổ xưa về phụng vụ - Hiến chế Tông đồ - cho chúng ta thấy thầy phó tế mời các bà mẹ giữ con mình bên cạnh họ khi bắt đầu dâng lễ vật (có lẽ trước đó các em chạy khắp vương cung thánh đường...) và đưa các em đến rước lễ, các em nhận ngay sau hàng giáo sĩ: một ít bánh Thánh thể nhúng vào rượu, ngay khi các em đủ tuổi để nuốt một miếng!
NHỮNG CÂU CHUYỆN KỲ LẠ
Thánh Cyprian thành Carthage kể một câu chuyện ngài đã chứng kiến, vào thời kỳ cuộc bách hại Decius (251): người vú nuôi một bé gái rất nhỏ, không nghĩ gì xấu, đã đưa em đến một nghi lễ ngoại giáo, nơi em được cho uống một ít rượu dâng cho các thần như một của lễ. Một lát sau, khi được đưa đến tham dự Thánh Thể, bé gái từ chối rước lễ khi thầy phó tế tiến đến gần em. Thầy phó tế, người không đùa giỡn, muốn mở miệng em bằng vũ lực để cho em uống vài giọt từ chén thánh, nhưng vô ích. Sau đó, người ta đã cho người vú nuôi nói và mọi thứ được giải thích. Điều cho thấy rõ ràng ở Carthage, vào thế kỷ III, việc cho trẻ em rất nhỏ rước lễ là thông lệ. Ba thế kỷ sau, một tu sĩ Byzantine, Jean Moschus, kể trong cuốn "Đồng cỏ tinh thần" câu chuyện về những cậu bé chăn cừu để giải trí, đã chơi trò làm lễ, với chi tiết các em biết toàn bộ diễn tiến, và thậm chí cả lời truyền phép, vì các em tham dự phụng vụ rất gần bàn thờ, và rước lễ ngay sau hàng giáo sĩ. Một tiếng sấm dữ dội đã kết thúc trò chơi, và làm các cậu bé sợ hãi, khi các em chợt nghĩ mình đang phạm thánh!
MỘT VỊ TRÍ ĐẶC BIỆT
Nếu những cậu bé chăn cừu Jean Moschus đã bị quở trách, người ta thường cho trẻ em, bởi sự ngây thơ của mình, là những người xứng đáng nhất để rước lễ. Nhà sử học Evagrius, vào cuối thế kỷ VI, cho biết ở Constantinople, khi còn quá nhiều bánh đã truyền phép, người ta gọi các học sinh nhỏ đến để ăn; một quyết định một công đồng tổ chức tại Mâcon vào năm 585, cũng cho biết linh mục phụ trách một nhà thờ phải gọi những trẻ em ngây thơ đến vào các ngày thứ Tư và thứ Sáu để ăn hết bánh đã truyền phép còn lại, cần phải ăn với một ít rượu.
Cho đến những thế kỷ đầu tiên thời Trung cổ, người ta đã coi các bí tích khai tâm chỉ hình thành một tổng thể không thể phân chia, và người đã chịu phép Rửa tội, bất kể tuổi tác, đều có khả năng lãnh nhận các bí tích khác. Thánh Augustinô nói về việc trẻ em tiếp cận Thánh Thể: "Đúng là chúng là trẻ em. Nhưng chúng trở thành chi thể Chúa Kitô. Chúng là trẻ em, nhưng chúng lãnh nhận các bí tích của Người. Chúng là trẻ em, nhưng chúng tham dự vào bàn tiệc Người để có sự sống trong mình." Chúng ta sẽ thấy trong một bài viết tới đây làm thế nào việc rước lễ trẻ em dần dần biến mất cùng với suy giảm chung việc rước lễ của tín hữu vào thời Trung cổ, và làm thế nào "Rước lễ lần đầu" ra đời.
Cha Bruno Martin, cha xứ nhà thờ chính tòa Saint-Étienne, giảng dạy lịch sử Giáo hội thời Trung cổ tại Đại học Công giáo Lyon.