Xin cha cho biết rõ hơn quan niệm của Giáo hội về việc hỏa táng. Con nghĩ rằng Giáo hội mới cho phép gần đây thôi vì hồi còn ở quê nhà con biết trong xứ đạo con không bao giờ cha xứ chấp nhận cho một gia đình Công Giáo làm như thế. Nếu hôm nay Giáo hội cho phép hẳn phải có lý do và theo Cha nên lựa chọn mai táng hay hỏa táng.
Trần Lam Sơn
Tập quán đốt thi hài người quá cố thành tro được thực hành rất cổ xưa trong các nền văn minh, trừ bên Trung quốc, ở Ai Cập và Palestine. Người Do Thái không bao giờ hỏa táng vì nó mang tính cách lăng nhục bắt chịu dành cho những kẻ bị phạm tội nặng. Họ nghĩ rằng một khi thiêu hủy tất cả những hài cốt, người quá cố không được an nghĩ bên kia sự chết : “Đức Chúa phán thế này: Vì tội của Môáp đã tới mực cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì nó đã đốt hài cốt vua Êđôm thành than...” (Am 2,1). Người La mã cổ xưa cũng có thói quen bắt phải chôn cất rõ ràng vả hẳn hoi. Giáo hội thừa hưởng thói quen mai táng của truyền thống Do Thái và La mã xưa; và nhất là để tỏ lộ lòng tin của mình nơi sự sống lại vì vậy nên các Kitô hữu giữ thói quen mai táng. Qua sự chôn cất họ biẻu trưng lòng tin nơi Đấng đã làm trổi lên hạt giống chôn vùi trong lòng đất: “Có người sẽ nói: kẻ chết chỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống.” (1Cor 15, 35 ss).
Tự nó, hỏa táng không có gì nghịch lại với các tín điều của Giáo Hội hay bị ngăn cấm bởi một luật nào của Thiên Chúa. Những luật lệ nghiêm khắc chỉ xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIX khi mà ở Âu châu việc hỏa táng bỗng nhiên được áp dụng rộng rãi và có những phe nhóm muốn dùng tập tục thiêu đốt thi hài như một lý chứng chống lại niềm tin vào sự sống lại. Toà Thánh Vatican đã chống lại lý chứng này và việc hỏa táng bị cấm hẳn với những văn kiện của Thánh bộ đức tin ban hành các ngày 19/5 và 19/12/1886; sau đó 27/7/1892 và 3/8/1897. Bộ Giáo luật năm 1918 tiếp tục lệnh cấm bởi vì việc hỏa táng bài bác đức tin Công giáo. Luật cũng cấm chôn cất theo nghi thức Công giáo những người nào thiêu hủy thân xác họ trừ những trường hợp gây nguy hại cho công chúng như bệnh truyền nhiễm, hay những người chết trong cuộc chiến v.v.....Cho đến ngày 19/6/1926, Thánh bộ đức tin vẫn lập lại lệnh cấm vì các phong trào chống Giáo hội vẫn được tiếp tục cổ võ gây ra bởi những cuộc hỏa táng.
Dần dà với sự suy soái biểu tượng chống đối niềm tin ở sự sống lại của Giáo hội nên Thánh bộ đức tin năm 1963 đã ra một văn kiện với những qui định nhẹ nhàng hơn cho việc hỏa táng. Tuy nhiên Giáo hội vẫn ưa thích mai táng và lòng tôn trọng thân xác con người theo truyền thống. Những ai muốn hỏa táng hãy thực hiện với lòng tin chân thành chứ đừng hành động để chống Giáo hội. Vì vậy, ngày nay lệnh cấm hỏa táng chỉ áp dụng cho những người nêu rõ lý do muốn bài bác giáo lý Công giáo, do tinh thần bè phái hay vì căm ghét đạo Công giáo Trong nghi lễ an táng chính thức ban bố ngày 1/6/1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ VI tái xác định lập trường của Giáo hội Công giáo cho phép được hỏa táng với các nghi lễ an táng Kitô giáo thông thường. Bộ Giáo Luật 1983 cũng cùng một đường hướng trên: “Giáo hội thiết tha khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài người quá cố. Tuy nhiên Giáo hội không cấm hỏa táng, trù khi nào sự hỏa táng được chọn lựa vì những ký do trái ngược với đạo lý Kitô giáo “ (Điều 1176, số 3).
Giáo hội luôn ưa chuộng sự mai táng như chính Đức Giêsu cũng được chôn cất. Thánh Augustinô (354-430) ghi rằng nghi thức an táng Kitô giáo là nhằm cho người sống hơn là người chết. Vì vậy một thi hài được hỏa táng chắc chắn phải khác với một thân xác được mai táng. Thật vậy, chôn cất thông thường có thể không gây xúc động bằng hỏa táng nhưng bạn bè thân quyến hiện diện có thể học được bài học về sự sống và sự chết, về cái ngắn ngủi của kiếp sống ở trần gian và đặt lại những ưu tiên cho cuộc sống. Chúng ta ai cũng cần có kỷ niệm; vì vậy những kỷ niệm đó sẽ hiện về với chúng ta khi mình đứng trước thi hài của một người thân, trong lúc dâng Thánh Lễ hay khi đặt vào huyệt. Tất cả nghi thức cầu hồn, lễ an táng hay việc chôn cất đều gợi lại cho chúng ta những kỷ niệm và cho ta tưởng nhớ đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.
Lm.Thêôphilô