Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 2012

Chúa Giêsu, con vua Đa-Vít

Kính thưa cha!

Thưa cha, con có đọc Kinh Thánh Tân ước của Thánh Mát-thêô 1,1-17, nói về gia phả Chúa Giêsu. Tổng cộng các đời lại thì từ vua Đa-Vít đến thời lưu đày Babylon là mười bốn đời (Mt 16-12); và từ thời lưu đày Babylon đến Đức Kitô là mười bốn đời. Như vậy, từ vua Đa-Vít đến Chúa Giêsu, theo con nghĩ nôm na là tất cả 28 đời, rất là xa xưa...mà Kinh Thánh lại kết luận một câu : “Giêsu con vua Đa-Vít” (Mt 1,18-25) mà tất cả mọi tín hữu công giáo đều thuộc nằm lòng.

Thưa cha, theo con thì nói đúng hơn là gia phả của ông thánh Giuse (Mt 1,25) mà Kinh Thánh ít khi nhắc đến về Ngài, chỉ sơ qua vài câu là bác thợ mộc, là cha nuôi của Chúa Giêsu, và là bạn thanh sạch của Đức Trinh nữ Maria.

Con muốn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của câu : 'Chúa Giêsu, con vua Đa-Vít”!

Nguyễn Văn Hoàng (Pháp)

Hàng năm, trước lễ Noel chúng ta vẫn thường nghe đọc lại trong Phụng vụ bảng gia phả của Đức Giêsu. Về gia phả thì chúng ta cũng được biết có hai Thánh sử ghi lại. Tác giả Tin Mừng thứ nhất ghi ngay đoạn mở đầu (Mát-thêu 1,1-17); còn Thánh sử Lu-ca ghi bảng gia phả sau khi kể Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (3,23-38). Cả hai bảng gia phả nêu trên đều khá giả tạo và khác nhau với một ít điểm mà cả hai tác giả đều đồng ý. Vì vậy, để trả lời câu hỏi anh nêu ra, chúng ta cần xem trước sự khác biệt giữa hai bảng gia phả theo Mát-thêu và Lu-ca; sau đó chúng ta tìm hiểu vai trò và bản chất của thể văn gia phả; và sau cùng nói về ý nghĩa gia phả Đức Giêsu theo Tin mừng Mát-thêu.

A. Khác biệt giữa Mát-thêu và Lu-ca về gia phả Đức Giêsu.

1. Mát-thêu mở đầu sách Tin mừng với gia phả Đức Giêsu; Lu-ca chỉ đưa bảng gia phả sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa tức là ngay thời kỳ Ngài bắt đầu cuộc đời công khai.

2. Bảng gia phả theo Mát-thêu được viết theo dòng đi xuống, kể từ ông A-bra-ham xuống tới Đức Giêsu. Tác giả xử dụng cùng một thể thức : “ông A sinh ông B, ông B sinh ông C...”. Còn đối với Tin mừng thứ ba, tác giả Lu-ca lại viết gia phả theo thể cách truy ngược dòng lên. Lu-ca bắt đầu từ Đức Giêsu để đi ngược dòng thời gian lên đến tận ông A-đam và tới luôn Thiên Chúa. Tác giả xử dụng thể thức : “Ông A, con ông B, con ông C...”.

3. Vì Mát-thêu chỉ bắt đầu từ ông A-bra-ham, trong khi đó Lu-ca lại đi ngược dòng lên tới tận A-đam và Thiên Chúa, cho nên chúng ta thấy bảng gia phả của Mát-thêu chỉ ghi 41 tên, còn bảng theo Lu-ca có tất cả 77 tên.

4. Theo Mát-thêu, cha của Thánh Giuse tên là Gia-cóp (Mt 1,16a); nhưng theo Lu-ca thì ông này lại mang tên là E-li (Lc 3,23). Vấn đề này phải giải thích thế nào? Câu trả lời cho biết Mát-thêu và Lu-ca lấy từ nguồn tài liệu khác nhau. Đó là lý do tại sao chúng ta nói hai bảng gia phả khá giả tạo và mỗi bảng gia phả có những chức năng riêng với những tên được nêu lên ở trong đó đều mang ý nghĩa.

B. Vai trò và bản chất của thể văn gia phả.

Mỗi bảng gia phả đều theo mục đích riêng của nó, vì vậy một người có thể có nhiều gia phả khác nhau. Như đoạn giới thiệu của một cuốn phim, một bảng gia phả mở đầu Tin mừng hẳn có thể làm cho độc giả ngày nay nhàm chán; nhưng đối với những người Đông phương thời cổ đại thì bảng gia phả rất quan trọng : nó cho biết căn cước cũng như hoàn cảnh lịch sử và xã hội của một người.

Đọc lại Cựu ước, chúng ta biết dân Do thái sống đời du mục với những chi tộc khác nhau. Mỗi chi tộc có bổn phận nhìn đến thành phần trong chi họ của mình. Bảng gia phả giúp cho người dân dẫn chứng họ thuộc chi họ nào đó. Khi người Do thái trở về từ cuộc lưu đày ở Babylone năm 538, tác giả sách Nơ-khe-mi-a, sau khi ghi lại những người đầu tiên trở về thuộc những chi họ nào, tác giả còn thêm : “và đây là những người trở về từ Tel-Melah Tel-Harsha, Keroub-Abdôn và Immer, nhưng không thể cho biết gia tộc và dòng giống của họ có thuộc Ít-ra-en hay không?” (7,61). Ngoài ra, bảng gia phả còn chức năng phân chia thừa kế những chức vụ trong vương quốc hay những chức vụ tư tế. Những ai khẳng định chức vụ nào đó là của mình thì họ phải dẫn chứng. Và cách dẫn chứng hiệu nghiệm là trưng bày bảng gia phả thuộc chi họ mà mình là thành phần. Sách Nơ-khe-mi-a ghi như sau : “Và trong hàng tư tế, có con cháu ông...Những người này đã tìm kiếm bản tên của họ trong cuốn gia phả nhưng không thấy, nên đã bị loại ra khỏi hàng tư tế” (7,63-64).

Từ đó, bảng gia phả xuất hiện rất nhiều ở Ợt-ra-en; thời Đức Giêsu, những bảng gia phả này được gom lại và lưu giữ trong những sổ bộ chính thức, vì thế từ những bản tài liệu căn cước, gia phả trở thành một thể loại văn chương với mục đích giới thiệu hay gợi lại hình ảnh một nhân vật. Cách giới thiệu được làm dưới nhiều hình thức :

-sửa soạn việc sinh ra của một nhân vật như trường hợp ông No-e trong sách Sáng thế 5,1-32; như trường hợp ông A-bra-ham (Sáng thế 11, 10-32). Mát-thêu đã theo khuôn mẫu này khi soạn Tin mừng, ông cho bắt đầu cuốn Tin mừng với bảng gia phả sửa soạn sự ra đời của Đức Giêsu.

- xác định sứ mệnh trao cho một người nào đó như ví dụ trong câu chuyện của ông Mô-sê. Ông này cũng có gia phả dù bản này không được nêu ra khi ông sinh (Xuất hành 2,1-2), nhưng lại đặt khi Thiên Chúa trao sứ mệnh cho ông đi giải thoát dân Ợt-ra-en (Xuất hành 6,14-27). Với cùng một thể thức, tác giả Lu-ca đặt gia phả của Đức Giêsu khi Ngài bắt đầu cuộc đời công khai sau khi chịu phép rửa.

- bảng gia phả được đặt vào chương cuối của một cuốn sách như trường hợp sách bà Rút 4,18-22. Tác giả nối chuyện bà Rút vào chuyện ông Đa-Vít tức là nối vào một trong những trục quan trọng của lịch sử cứu rổi. Cách đặt gia phả này không tìm thấy trong Tân ước, nhưng trong gia phả theo Mát-thêu tác giả có nói đến bà Rút nơi câu 1,5.

C. Ý nghĩa gia phả Đức Giêsu theo Thánh Mát-thêu (1,1-17).

Bảng gia phả có một câu nhập đề (câu 1), một câu kết (câu 17) và một thân bài từ câu 2 đến câu 16.

Câu 1 : Sách về nguồn gốc Đức Giêsu Kitô, con Đa-Vít, con A-bra-ham.

Trong câu nhập đề, Mát-thêu dùng từ Hy lạp “genesis” có nghĩa là nguồn gốc, khởi đầu. Đối với những Kitô hữu sơ khai nói tiếng Hy-lạp, khi đọc từ genesis họ liền liên tưởng đến cuốn sách đầu tiên trong Cựu ước nói về lịch sử sáng tạo.

Tiếp theo, Mát-thêu liên kết vào tên Đức Giêsu tước hiệu Kitô. Tước hiệu này đồng nghiã với từ Híp-ri “Mashiah” tức là người được xức dầu. Trong Cựu ước, từ Mashiah chỉ định Vua dân Do thái được gọi là “Đấng chịu xức dầu của Gia-vê”. Ông là người mang phúc Thiên Chúa đến cho dân, dẫn đưa dân chiến thắng trên quân thù, và bảo đảm cho họ sự phồn thịnh và cuộc sống hạnh phúc (1 Sa-mu-en 10,1; 26,9...). Sau thời kỳ lưu đày bên Babylone, khi vương quốc không còn nữa, Đấng Mashiah là người được Thiên Chúa dùng tái lập lại vương quốc It-ra-en. Niềm hy vọng tái lập lại này mang hiều hình thức, nhưng bình thường dân Do thái tin rằng Đấng Mashiah thuộc dòng dõi Đa-vít.

Sau đó tác giả khai triển lịch sử lời hứa thiên sai bằng cách khẳng định Đức Giêsu đến từ dòng dõi vua Đa-vít; Đức Giêsu thực hành trọn lời Thiên Chúa hứa qua các Ngôn sứ trong Cựu ước. Đức Giêsu cũng là con cháu ông A-bra-ham. Đối với người Do thái, khi nói về A-bra-ham là họ nhớ tới lời hứa dành cho ông; vì vậy Đức Giêsu cũng thi hành trọn vẹn lời Thiên Chúa hứa với người sáng lập cộng đồng thánh vì A-bra-ham là cha của muôn dân, và qua ông mọi dân tộc khác trên trái đất đều được Thiên Chúa chúc lành (St 17,6; 12,3)

Ngay vừa khi bắt đầu sách Tin mừng, Mát-thêu đã khẳng định với câu 1 như một lời tuyên xưng đức tin nơi vai trò thiên sai của Đức Giêsu. Ngài được nối vào lịch sử theo dòng dõi Đa-vít đúng lời tiên tri của ông Nathan (Sa-mu-en 7,8-16), cũng như theo lời Thiên Chúa hứa với Abraham (Sáng thế 12,2-7; 22,16-18).

Câu 2-16 : Gia phả của Đức Giêsu.

Bảng gia phả được cấu tạo thành ba phần và mỗi phần mang mười bốn đời hầu như nói đến những giai đoạn lớn của lịch sử dân Do thái :

- Câu 2-6 là thời kỳ của các tổ phụ mà người đại diện hẳn là ông A-bra-ham. Trong đoạn này, tác giả bận tâm nối kết liên hệ từ A-bra-ham xuống Đa-vít. Đức Giêsu xuống từ dòng dõi Đa-vít thì Ngài cũng phải được nhìn nhận thuộc dòng dõi A-bra-ham vì với ông này mà Thiên Chúa đã trao lời hứa.

- Câu 7-11 : thời đại vương triều Đa-vít cho đến cuộc lưu đày bên Babylone. Nhân vật tiêu biểu trong đọan này là vua Đa-Vít. Khi soạn đoạn này, Mát-thêu đã dựa rất sát văn bản của sách sử Biên niên cuốn thứ nhất (3,1-16). Ông không theo hoàn toàn những gì tác giả sử Biên niên ghi, nhưng chỉ lọc theo vương quyền của xứ Giu-đa. Dù vậy, Mát-thêu cũng không ghi ba vị vua là Ochozias, Joas và Amazias mà thông thường phải đặt họ vào giữa vua Joram và vua Osias (2Vua 8-14; 2 sử Biên niên 22-25). Tại sao ông không ghi tên ba vị vua này? Tác giả bỏ tên ba người này để đi đến tất cả là 14 đời, tức là con số mà ông muốn cho mỗi giai đoạn. Khi chú giải đoạn này, cha André Paul cho rằng vì ba vị đó là con cháu của bà Athalie. Bà này là con gái của vua Achab và là vợ của vua Joram. Bà ta đã thờ ngẫu tượng mà luật ghi trong sách Xuất hành hoàn toàn cấm (20,5). Họ đã bị Thiên Chúa trừng phạt (2 sử Biên niên 22,9; 24,25; 25,27) và để lại trong lịch sử Do thái một kỷ niệm đen tối. Ngoài ra, Mát-thêu cũng không ghi tên cha của vua Jéchonias.

- Câu 12-16 : Lưu đày trở về. Sau biến cố lưu đày, niềm hy vọng một đấng cứu thế bắt đầu nhen nhúm trong dân Do thái. Trong đoạn này, chúng ta không biết tác giả Tin mừng thứ nhất lấy nguồn từ đâu. Những vị được nhắc tới trong đoạn này đều là những người bình thường. Vương triều Ợt-ra-en không còn nữa vì vậy việc trước hết là phải củng cố lại toàn dân. Nếu như thuở đầu, Thiên Chúa đã gọi một người công chính là ông A-bra-ham và trao cho ông một sứ mệnh tụ họp thành một dân tộc; thì bây giờ Thiên Chúa lại kêu gọi một người công chính khác là ông Giuse và trao cho ông một sứ mệnh khác.

Chúng ta thấy Mát-thêu nói đến thánh Giuse nơi câu 16; và cách hành văn cũng thay đổi. Từ câu 2 cho đến đoạn này, bảng gia phả cấu tạo theo cùng một khuôn mẫu : “ông A sinh ông B, ông B sinh ông C...”, nhưng ở đây thánh Giuse được giới thiệu là “chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô”. Tác giả có ý gì khi viết câu văn khác đi, nếu không phải là muốn nhấn mạnh đến vai trò của Maria với sự ra đời của Đấng Mashiah. Lịch sử cứu rổi đã chạm đến mục đích nơi Đức Giêsu. Mát-thêu cũng đạt đến đích chứng thực Đức Giêsu thuộc dòng dõi vua Đa-vít chính là Chúa Kitô.

Ngoài Maria Mát-thêu còn ghi rõ có bốn người đàn bà trong bảng gia phả :

- Thamar (câu 3), cô này đã giả làm gái giang hồ, ăn ở với bố chồng là tổ phụ Giu-đa để được có con nối dòng (Sáng thế 38,1-30).

- Rahab (câu 5), một cô gái giang hồ ngưới xứ Ca-na-an, ở thành Giê-ri-cô. Cô tiếp đón các mật thám viên Do thái khi họ sửa soạn vào đất hứa. Rahab được tiếp nhận vào dân Ít-ra-en (Giô-suê 2,1-21; 6,22-25).

- Ruth (câu 5), bà cố của xua Đa-vít cũng là dân ngoại thuộc xứ Moab nhưng rất đức hạnh và nhân hậu (Rút 1,16; 3,10).

-Vợ ông Uria (câu 6), tên là Bethsabée, một vị tướng ngoại giáo người Hittite bị vua Đa-vít cướp làm vợ (2 Vua 11-12).

Tại sao Mát-thêu lại để tên những bà này vào vì trên nguyên tắc bảng gia phả xưa thường chỉ đến phái nam. Việc này mang ít nhất ba ý nghĩa :

- Tất cả bốn bà kể trên đều là dân ngoại. Trường hợp bà Bethsabée có thể là không phải như thế, nhưng chính vì vậy mà Mát-thêu không nêu danh bà nhưng chỉ ghi là “vợ ông Urie”, và ông này là người ngoại Hittite. Mát-thêu qua điểm này cho thấy nguồn gốc “không Do thái” của Đức Giêsu sửa soạn mở đường cho sự gắn bó rao giảng Tin mừng cho thế giới dân ngoại.

- Tất cả bốn bà trên đều có đặc điểm riêng : Thamar, người đàn bà loạn luân; Rahab, cô gái giang hồ; Ruth, kẻ ngoại bang; và Bethsabée, người đànbà ngoại tình. Cái đặc điểm đó làm cho họ là những người bị lề luật Do thái loại trừ. Mát-thêu nêu danh họ vào bảng gia phả của Đức Giêsu ngụ ý Ngài là Đấng cứu độ cho mọi người tội lỗi.

- Bốn bà này đều có liên hệ với Maria ở câu 16. Mối liên hệ giữa họ và Maria không phải nơi tội lỗi. Họ đều là những bà mẹ tức là qua họ dòng tộc được tiếp tục và bảo đảm lịch sử tiếp nối với chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ra tay can thiệp vào những tình huống bất thường hầu bảo đảm cho dòng dõi Đấng Mashiah. Maria cũng như họ, dù không thuộc dòng dõi Đa-vít nhưng Ngài được chọn lựa hầu cưu mang con vua Đa-vít theo một cách thức lạ lùng.

Câu 17 : Ý nghĩa của ba giai đoạn với mười bốn đời mỗi giai đoạn.

Thánh Mát-thêu ghi nhận có 42 đời, tức là 3 X 14 = 42. Mỗi thời kỳ số đời đều gấp đôi con số hoàn hảo. Có nhiều cách để giải thích về ý nghĩa của con số 14 này :

- Đó là tổng cộng trị số ba phụ âm trong ngôn ngữ Híp-ri của tên Đa-vít (Đ = 4, V = 6, do đó 4 + 6 + 4 = 14).

- Theo lời sấm về những tuần lễ trong sách Đa-ni-en 9,1-27, và sách này thuộc loại thể văn Khải huyền. Theo lối giải thích này thì Đức Giêsu ra đời vào cuối tuần lễ thứ sáu trong lịch sử thánh từ thời Abraham (6 X 7 = 42), tức là Ngài đến vào tuần thứ bảy tức là lúc “mãn thời” hay “thời kỳ viên mản”.

Hai lối giải thích này đều mong manh. Thứ nhất, chúng ta không rõ hồi xưa tên Đa-vít viết chắc chắn ra làm sao? Thứ hai, con số 7 dựa trên sách Đa-ni-en khá giả tạo vì chính Mát-thêu lại không nhắc tới. Vì thế, chúng ta cần hiểu bảng gia phả được cấu tạo khá giả tạo và mang ý nghĩa thần học nhiều hơn, tức là khi Mát-thêu mang các ký hiệu số lượng vào việc đếm các đời tổ tiên của Đức Giêsu, tác giả cho biết chính Thiên Chúa điều khiển lịch sử để dọn đường cho Chúa Kitô đến với lịch sử. Đoạn này mang tầm vóc Kitô học với hai tước hiệu của Chúa Kitô là con Đa-vít, con A-bra-ham. Ngài chính là Đấng Thiên Chúa sai đến.

Tóm lại, bảng gia phả cho chúng ta biết Đức Giêsu là ai. Ngài là con cháu A-bra-ham, tổ phụ cho mọi dân tộc. Ngài là con Đa-vít thuộc hoàng tộc và là Đấng Thiên sai. Cấu trúc bảng gia phả trong việc đếm số đời tổ tiên nhằm thúc đẩy độc giả tin vào kế hoạch của Thiên Chúa sắp xếp cho việc Chúa Kitô sinh ra.

Linh mục Thêôphilô

Bài viết khác