Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 2012

Chúa Jêsu là đầu, giáo hội là chi thể

Kính gửi Linh mục Thêôphilô.

Thưa cha trong kinh sách của Công Giáo vẫn giảng rằng: “Chúa Jêsu là đầu, giáo hội là chi thể”. Vậy có suy luận rằng : Chúa là Đấng chí thiện, chí công, toàn năng, toàn trí; nếu Chúa đã làm việc gì cho vũ trụ, cho con người, thì Ngài không hề bao giờ lầm lẫn. Cũng thế, nếu Chúa Jêsu là đầu của giáo hội, thì đương nhiên Chúa trực tiếp điều khiển giáo hội theo đường thánh thiện, và Đức Giáo Hoàng cũng như hàng giáo phẩm chỉ là cấp thừa hành. Mà nếu đã nói Chúa Jêsu là đầu trực tiếp điều khiển Giáo Hội Công Giáo, thì không bao giờ Giáo Hội lại có lầm lỡ, trái sai. nhưng xét trong quá khứ, Giáo Hội đã vướng nhiều lầm lỡ lớn lao, những lầm lỡ đó đi ngược cả với Phúc Âm; để ngày nay, Đức Giáo Hoàng Joan Phaolô 2 phải kêu gọi toàn thể Giáo Hội ăn năn, sám hối vì việc làm sai trái của Giáo Hội xưa kia.

Vậy chúa Jêsu có trực tiếp điều khiển giáo hội hay không? Hoặc giáo hội hoạt động hoàn toàn theo ý của Đức Giáo Hoàng và hàng giáo phẩm?

Vấn đề đó ra sao? Xin cha vui lòng giải đáp những vấn nạn nêu trên. Xin cám ơn cha. Chúc cha được nhiều ơn sủng của Đức Chúa Trời.

Lê Dã Sử.

Muốn hiểu rõ vấn đề anh nêu ra thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu lại ý nghĩa của cụm từ anh ghi nơi đầu lá thư : Chúa Jêsu là đầu, giáo hội là chi thể.

Thân thể Chúa Kitô.

Cụm từ này đặc biệt được thấy trong một số thư của thánh Phaolô. Ngược lại thánh Phaolô không bao giờ dùng từ nhiệm thể.

Vấn đề thần học đặt ra ở đây là chúng ta phải hiểu thế nào về mối tương quan giữa Chúa Kitô và thân thể của Người. Theo truyền thống Hy Lạp từ thân thể nang hai thực tại : thứ nhất nó chỉ định thân thể con người, nhưng cũng còn có nghĩa nói về cơ chế xã hội mà con người liên đới như Quốc gia hay hội đồng nhân dân v.v...Vì vậy từ này chỉ định hai thực tại không thể tách biệt. Đọc lại thư của thánh Phaolô về vấn đề này chúng ta cần phân biệt hai giai đoạn tương ứng một phần theo thư gửi tín hữu Côrintô và phần khác theo thư gửi tín hữu Côlôsê và thư gửi Êphêsô.

Thánh Phaolô nhấn mạnh trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô giữa Chúa Kitô và người tín hữu thắt nối một sự kết hợp thân mật, thiêng liêng chứ không chỉ là pháp lý, xã hội hay luân lý Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là những chi thể của Đức Kitô sao? (6,15). Trong đoạn này chúng ta không thấy từ thân thể Đức Kitô nhưng lại là những chi thể của Đức Kitô, nên chúng ta không thấy rõ mối tương quan giữa thân thể Giáo Hội (viết tắt GH) và thân thể của Đấng Phục Sinh. Nhưng khi đọc tiếp câu 16-17, chúng ta sẽ thấy thánh Phaolô nêu rõ sự kết hợp giữa những người Kitô hữu với Chúa tức là Đắng Kitô vinh hiển bởi Chúa Thánh Thần Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? ...Còn kẻ kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người. Vì vậy sự hiệp thông vào Chúa Kitô nơi đây được Thánh Thần Chúa thực hiện.

Qua một đoạn khác thánh Phaolô cho thấy mối tương quan giữa thân thể GH vào Mình Chúa Kitô qua bí tích thanh tẩy chúng ta đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể (1Cor 12,13). Và khi chống lại việc thờ ngẫu tượng thánh Phaolô còn mạnh mẽ hơn Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa há chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (Cor 10,16-17). Từ thân thể trong đoạn này mang hai nghĩa khác biệt nhưng không thể tách biệt. Người Kitô hữu lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô được kết hợp với Người và với nhau. Bí tích Thánh Thể thể hiện sự hợp nhất của GH. Mọi Kitô hữu là một trong Đức Kitô duy nhất.

Cộng đoàn kết hợp trong Đức Kitô xây dựng trong cái đa dạng của những chi thể. Và chúng ta đều đã nghe qua ít là một lần ngụ ngôn luân lý về thân thể vừa làm nổi bật sự khác biệt cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả những yếu tố kết thành Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy (1Cor 12,12). Thánh Phaolô đã khai triển sự khác biệt và sự phụ thuộc lẫn nhau trong suốt đoạn văn với thể văn ngụ ngôn luân lý từ câu 12-30 : đa dạng trong sự hiệp nhất (câu 12-20); sự phụ thuộc lẫn nhau (câu 21); tính bổ sung (câu 21); phẩm tước (câu 22-24); liên đới (câu 25-26). Thân thể này không phải như những thân thể xã hội khác nhưng chính là Thân Thể của Chúa Kitô (câu 27; xem thêm thư gửi Rôma 12,5 và Ga-lát 3,28).

Chúa Kitô là Đầu Giáo Hội.

Với các thư gửi cho tín hữu Côlôsê và Êphêsô, chúng ta sẽ thấy thánh Phaolô khai triển mối tương quan giữa Chúa Kitô và thân thể GH rõ rệt hơn. Đây là đề tài độc đáo và rất phong phú của thánh Phaolô mà chúng ta không tìm thấy trong các sách Tân ước khác. Chính trong những thư này chúng ta mới thấy xuất hiện những từ như Chúa Kitô là đầu thân thể, là đầu Giáo Hội; Những từ này rất phong phú và phân biệt Chúa Kitô đối với GH và vai trò của Người đối với Cộng đoàn Kitô hữu. Thánh Phaolô suy tư về mối tương quan đầu với thân thể của Người và Chúa Kitô cũng còn là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh (Côlôsê 1,18; Êphêsô 1,22; 4,15; 5,23). Trong mối tương quan này, đầu giữ một vai trò thiết yếu, và ảnh hưởng trọng yếu trong thân thể; nhưng đầu và thân thể kết hợp nên một không thể tách rời : Chính Người làm cho bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.(Ephêsô 4,16) GH không phải một xã hội gom lại những người muốn giữ kỹ niệm về Chúa Kitô và tuân giữ những chỉ thị của Người, nhưng GH đặt ngay nền tảng trong Chúa Kitô. Vì thế chúng ta nói GH là sự sung mãn của Chúa Kitô : Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu Hội Thánh, tức là thân thể Người (Ephesô 1,22) Qua câu này, thánh Phaolô muốn diễn ý nơi Chúa Kitô tất cả sự viên mãn của thần tính tràn ngập sự phong phú cứu độ cho GH. Sự sung mản này tác dụng cụ thể ra sao? Thật vậy, sự viên mãn này linh hoạt Chúa Kitô và trải dài ra thánh hoá mọi Kitô hữu : Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện nơi Người (Côlôsê 1,19). Sức mạnh sự thánh hoà này được biểu lộ qua nước thanh tẩy trong lời hằng sống giở rộng ra trong những chi thể. Thế nhưng, sự sung mãn của Chúa Kitô cho GH không phải là quá trình thần diệu nhưng nó còn phải cần sự sẳn sàng đón nhận của chi thể. Những điều vừa nói qua ở trên rất quan trọng để giúp cho GH đừng thất vọng trước những khó khăn trong sứ mệnh cũng như đừng mang thái độ đắc thắng phô trương. Trong phần cuối lá thư gửi tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô cũng không quên nói đến cái yếu đuối của thân thể; và GH chỉ thoát khỏi bắng cách mang bộ binh giáp vũ khí Thiên Chúa (6,11.13) hoặc luôn cầm khiên mộc đức tin (6,16).

Chúng ta thấy qua những thư trên, thánh Phaolô đã đào sâu đề tài Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô. Và muốn hiểu rõ hơn ý nghĩa vai trò của cái đầu trong những thư trên, chúng ta cũng còn cần tìm hiểu ảnh hưởng của hai nền văn hóa Sê-mít và Hy-lạp trên từ đầu này.

Theo não trạng Sê-mít, khi nói về đầu (rosh) tức là nói về kẻ cầm đầu và là nguyên tắc quyền hành. Ý nghĩa này chúng ta thường thấy trong Cựu ước (xem 1Samuen 15,17; 2Vua 25,18; Hôsê 2,2; Thánh vịnh 18,44; Isaia 7,8). Vì vậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô còn ghi thủ lãnh (képhalé) của người nữ là người nam (11,3). Chúng ta thấy ý nghĩa này qua các thư đã được trích dẫn phần trên. Chúa Kitô là đầu của mọi uy quyền và GH tùng phục Chúa Kitô (Êphêsô 5,24).

Theo não trạng Hy-lạp, đầu (képhalé) mang giá trị nguyên tắc sống, dưỡng nuôi và vận động theo đúng thuyết sinh lý của các ông tổ y khoa thời đó như Hippocrate và Galien. Sau này, đế quốc La mã được chỉ định như corpus magnum (thân thể lớn) và đầu hay hồn của đế quốc là vị hoàng đế. Trong những thư của thánh Phaolô được viết trong tù còn gọi là những ngục trung thư cho thấy tác giả có biết đến thuyết y khoa trên vì ông đã dùng đến những từ y khoa : Nhưng sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch (aphès) nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái (Ephêsô 4,15-16). Họ không gắn chặt với Đức Kitô là Đầu; chính Người làm cho toàn thân được nuôi dưỡng, được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch (aphon) và dây chằng (sundesmon), và được lớn lên nhờ sức Thiên Chúa ban (Côlôsê 2,19).

Qua những bức thư của thánh Phaolô chúng ta biết thấy rằng thần học về đề tài Giáo Hội thân thể của Chúa Kitô là một phương diện độc đáo và có tính cách vô cùng về khái niệm của Giáo Hội.

Giáo Hội có cần sám hối?

Chúng ta thấy ý nghĩa của cụm từ trên rất phong phú. Tạm kết, tôi nêu ra dưới đây vài tư tưởng chính về Giáo hội nhất là vấn đề GH có thể lầm lẫn hay không mà phải cần sám hối như lời kêu gọi gần đây của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị chuẩn bị cho Năm Thánh 2000.

Chúng ta biết GH phát xuất từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha hằng hữu hẳn có dự định thiết lập GH. Chúa Con là Đức Giêsu xuống thế cứu độ và thiết lập nên GH. Chúa Thánh Thần đến thánh hoá GH. Tư tưởng này chúng ta tìm thấy trong bài ám dụ về vườn nho được ghi lại nơi chương 15,16-17 trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Bài ám dụ trên vẫn thường được các thần học gia dựa vào để nói lên mầu nhiệm GH, vì đoạn văn này nói rõ về Ba Ngôi Thiên Chúa về sự hiệp nhất, đưa chúng ta vào tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Dù Chúa Thánh Thần không được nêu rõ hơn nhưng Ngài chính là tình yêu lưu hành từ ngôi này sang ngôi khác. Tình yêu là sự lưu hành của mối tương quan.

Khi đọc Thánh Kinh từ Cựu ước sang Tân ước, chúng ta cũng nhận thấy bản tính thâm sâu Của GH được ghi lại bằng những hình ảnh như đoàn chiên (xem sách Ngôn sứ Isaia 40,11..), dân Thiên Chúa (nguồn gốc từ trong Cựu Ước), vườn nho (Isaia 5,1; Mt 21,33-34); Đền thờ thiêng liêng do Thiên Chúa dựng nên (1Phêrô 2,5), và tân nương được tân lang trang điểm hoặc hiền thê trong Khải huyền (Khải huyền 19,7; 21,2-9; 22,17)...Vì vậy, GH là thực tại duy nhất mang hai phương diện thần linh và nhân loại :

GH có thực tại thần linh vì GH do chính Chúa Giêsu Kitô lập nên để tiếp tục chương trình cứu độ của Ngài, và để kết hợp mọi người với Ngài. Điều này được thực hiện qua nhân tính của Chúa Giêsu Kitô, cho nên thánh Phaolô gọi GH là thân thể Chúa Kitô, là Nhiệm thể Chúa Kitô theo thông điệp Mystici Corporis (1943) và là mầu nhiệm Nhập thể kéo dài. Nhưng GH cũng mang thực tại trần thế vì một khi đã được Chúa Giêsu thiết lập, GH đã qui tụ các tín hữu thành một xã hội có qui cũ với các cơ chế để phục vụ cho Chúa Kitô. Thực tại nhân loại rất cần để có thể hoàn thành chương trình của thực tại thần linh là cứu rổi mọi người.

Trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn thường tuyên xưng Giáo Hội Thánh Thiện và quả thật đúng như thế. Từ Thánh thiện nơi đây không có nghĩa là GH chỉ bao gồm những người thánh thiện, công chính và loại trừ những người tội lỗi. GH qui tụ mọi người và tất cả được mời gọi trở nên thánh thiện tức là thuộc trọn về Chúa. Vì vậy GH vẫn cần được Chúa Thánh Thần thánh hóa luôn luôn vì GH đã bao gồm biết bao người tội lỗi. Chính tội lỗi là khuyết điểm của các chi thể và đó là điều không ai phủ nhận, nhưng GH luôn luôn được thanh tẩy, canh tân noi gương Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi. Công đồng Vaticanô 2, qua hiến chế Ánh sáng muôn dân khẳng định Giáo Hội vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân (Lumen Gentium,8). Điều này cho chúng ta hiểu GH thánh thiện vì Thiên Chúa là Đấng Thánh nhưng GH cũng tội lỗi vì gồm những phần tử tội lỗi. Thật vậy, GH thánh thiện vì luôn được Chúa Kitô và Thần Khí thánh hoá. GH thánh thiện ngay từ bản chất sâu thẳm mầu nhiệm Ba Ngôi; nhưng vì mang những phần tử tội lỗi nên GH cần sám hối và canh tân trong thực tại lịch sử, và Công đồng Vaticanô nhắc nhở chúng ta hằng ngày phải cầu nguyện Xin Chúa tha nợ chúng con (Lumen Gentium 40).

Linh mục Thêôphilô

Bài viết khác