Thứ Tư, 27 Tháng Sáu, 2012

Ý nghĩa Lễ Phục Sinh

Ý NGHĨA LỄ PHỤC SINH .

1. LỄ VƯỢT QUA DO THÁI GIÁO VÀ LỄ PHỤC SINH.

Lễ Vượt qua Do thái giáo (Pessah) tưởng niệm ngày dân Do thái được giải thoát ách nô lệ Ai cập. Từ Híp-ri Pessah có nghĩa «đi qua, vượt qua» nhắc nhớ việc Giavê Thiên Chúa đi qua cửa đánh phạt các nhà của người Ai cập và trừ ra nhà người Do thái. Pessah còn gợi nhớ biến cố vượt biển đỏ. Lễ Vượt qua cũng được gắn liền vào lễ bánh không men.

Người Do thái mừng lễ Vượt qua vào buổi chiều ngày 14 tháng Nisan, tức là ngày cuối cùng trước tuần trăng tròn kế tiếp ngày Phân Xuân. Lễ Vượt qua kéo dài 8 ngày bắt đầu từ ngày 15 đến ngày 22 tháng Nisan. Thời Đức Giêsu, bữa cơm lễ Vượt qua (Seder) được sửa soạn từ trưa ngày 14 tháng Nisan, và người Do thái không ăn bánh dậy men trong vòng 7 ngày. Ngoài ra, mỗi gia đình còn giết một con chiên hiến tế tại đền thờ.

11. Bữa cơm lễ Vượt qua (Seder)

Tiệc Vượt qua được tổ chức vào chiều ngày 14 Nisan với một cấu trúc như sau:

1. Thánh hóa: Trước khi vào món ăn chính, mọi người cùng uống một ly rượu. Sau đọc những lời chúc.

2. Trình thuật: Một em nhỏ sẽ hỏi ý nghĩa tục lệ này, và gia trưởng nhắc lại biến cố Xuất Hành và tạ ơn Thiên Chúa cứu thoát dân Người. Kết thúc, ông dận nhập vào đoạn hát Hallel

3. Hát Hallel. Mọi người cùng hát Thánh Vịnh 113 và 114 còn được gọi là Thánh Vịnh hallel. Sau bài ca hallel, đến Lời chúc phúc cứu độ.

4. Bữa ăn gồm:

- nâng ly uống ly rượu thứ hai.

- Rửa tay

- Lời chúc trên bánh không men và rau đắng

- Tưởng nhớ lại Đền thờ theo Hallel

- Ăn: thịt chiên được sát tế tại đền thờ, với rau đắng và bánh không men.

- Chúc lành sau bữa ăn

- Uống ly rượu thứ ba gọi là "ly rượu tạ ơn"

5. Hát Hallel: phần thứ hai: Thánh vịnh 115 đến 118 và Thánh vịnh 136.

6. Kết thúc:

- Uống ly rượu thứ tư

- Chúc lành

- Bài Thánh Thi

- Hẹn gặp nhau năm sau tại Giêrusalem.

1.2. Lễ Phục sinh.

Lễ Phục sinh có nguồn gốc trong lễ Vượt qua Do thái giáo. Người Kitô hữu nhận ra qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu hoàn thành những gì biến cố Xuất Hành biểu hiện trước: giải phóng con người khỏi sự dữ và đưa họ vào cuộc sống do Thiên Chúa trao ban.

Lễ mừng Chúa Giêsu sống lại được cử hành vào mỗi ngày Chúa nhật. Kinh thánh Tân ước không có đoạn nào nói về lễ Phục sinh của Kitô giáo. Điều này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ hai công nguyên. Các Giáo hội Đông phương thuộc miền Tiểu Á như Êphêxô, Smyrne... (từ chuyên môn Latinh gọi nhóm này là Quartodecimans = thứ 14) theo sát với truyền thống Do thái giáo, và họ mừng lễ Phục sinh theo ngày 14 tháng Nisan, cho dù ngày này rơi vào một ngày trong tuần chứ không bắt buộc phải là ngày Chúa nhật. Họ tưởng niệm ngày Đức Giêsu chịu chết.

Ngược lại Giáo hội Tây phương tại Rôma, bên Palestine, Ai cập, Hy Lạp và xứ Gaule (Pháp) lại mừng lễ Phục sinh vào ngày Chúa nhật vì Chúa Giêsu sống lại ngày Chúa nhật. Ngày Chúa nhật này có thể rơi vào ngày 14 Nisan của Do thái, hay là Chúa nhạât kế tiếp nếu như ngày 14 Nisan không là một ngày Chúa nhật.

Cuộc tranh cãi về việc mừng lễ Phục sinh chứng giám việc cử hành phụng vụ đa dạng tại các vùng khác nhau và nêu lên sự hiểu biết khác biệt về lễ Phục sinh. Khi mừng lễ Phục sinh vào ngày 14 Nisan, các giáo hội Đông phương cũng mừng mầu nhiệm Đức Giêsu chết và sống lại, nhưng họ đánh dấu trọng tâm vào cái chết của Người, trong khi đó bên Tây Phương nhấn mạnh vào sự sống lại.

Cuộc tranh luận suýt gây ra đổ vỡ giữa hai bên. Vào năm 192, ĐGH Victor quyết định dứt phép thông công các Giáo Hội miền Tiểu Á. Thánh Irênê can thiệp ôn hoà và Đức Giáo hoàng rút lại vạ tuyệt thông.

Tại Công đồng Nicêa năm 325 do hoàng đế Constantin triệu tập, các Giáo hội Kitô giáo đồng ý tách biệt lễ Vượt qua Do thái giáo và lễ Phục sinh Kitô giáo. Các nghị phụ chấp thuận mừng lễ Phục sinh vào ngày Chúa nhật tiếp theo tuần trăng tròn (14 Nisan) sau ngày Phân xuân.

2. CÁCH ĐỊNH NGÀY LỄ PHỤC SINH.

Lễ Phục sinh không được mừng vào một ngày nhất định như trường hợp lễ Giáng sinh. Giáo hội Công giáo vẫn giữ quyết định của công đồng Nicêa năm 325 mừng lễ Phục sinh vào ngày Chúa Nhật tiếp theo tuần trăng tròn mùa xuân.

Bởi thế muốn hiểu rõ cách tính ngày lễ Phục sinh, nên cần biết ngày Phân xuân 21.3, sau đó phải biết ngày trăng tròn đầu tiên của mùa xuân, rồi lấy ngày Chúa nhật tiếp theo đó. Với ba yếu tố đó, chúng ta có được ngày chính xác của lễ Phục sinh, tức là ngày chúa nhật đầu tiên của tuần trăng tròn đầu mùa xuân. Với cách tính như thế, nên ngày lễ Phục sinh thay đổi tùy theo năm. Ví dụ cụ thể, nếu như năm nào ngày trăng tròn mùa xuân rơi vào ngày 22.3, và ngày 23 tháng lại là một ngày Chúa nhật, thì lễ Phục sinh sẽ là ngày 23.3. Ngược lại, nếu như trăng tròn đầu xuân rơi 29 ngày sau ngày Phân xuân tức là khoảng ngày 19.4, và lại là ngày thứ hai, thì lễ Phục sinh chỉ được cử hàng sáu ngày sau để là một ngày Chúa nhật. Theo đó, lễ Phục sinh sẽ là ngày 25.4. Vì thế, lễ Phục sinh được mừng sớm nhất là Chúa nhật 23.3, hoặc trể nhất là 25.4 với 1 tháng cách biệt nhau.

Ngoài ra vì có cải cách niên lịch, cho nên các Giáo hội Đông phương ngày hôm nay không mừng lễ Phục sinh cùng ngày với Giáo hội Rôma. Đông phương vẫn giữ theo lịch từ thời hoàng đế Julien, trong khi đó các Giáo hội Rôma, Tin Lành, Anh Giáo... theo lịch Gregorien do ĐGH Grêgôriô ban hành vào năm 1582.

Sự khác biệt giữa lịch Julien và lịch Gregorien.

Năm 46 trước công nguyên, hoàng đế La mã César ra lệnh cho nhà thiên văn Sosigene thành Alexandria cải cách lịch La mã. Ông xếp đặt lại với mốc đầu là năm 46 có 445 ngày. Sau đó, cứ ba năm liền có 365 ngày, và năm thứ tư có 366 ngày tức là cộng thêm một ngày nhuận. Cuộc cải cách này đưa đến niên lịch mang tên hoàng đế Cesar là lịch theo Julien. Niên lịch được áp dụng trong toàn cõi đế quốc La mã, và được Thiên Chúa giáo dùng cho tới thế kỷ thứ 16. Theo niên lịch Julien, người ta khám phá ra cứ bốn thế kỷ, ta sẽ bị mất đi hết 3 ngày đối với những mùa. Các lễ tôn giáo lại được tính theo mùa như trường lễ Phục sinh với mùa xuân. Và hồi đầu thế kỷ thứ 16, ngày Phân xuân để định lễ Phục sinh rơi vào ngày 11 tháng 3, nhưng nếu tính theo mùa qui chiếu theo quyết định đến từ côïng đồng Nicêa năm 325 thì ngày Phân xuân được định là 21 tháng 3. Bấy giờ, công đồng Trente trao cho Đức giáo hoàng Grêgôriô XIII giải quyết sự khác biệt này và làm cuộc cải cách năm 1582 với niên lịch mới mang tên Đức giáo hoàng là niên lịch Gregorien.

Các nhà Thiên văn do Đức Grêgôriô đề nghị đã tính lại. Chỉ giữ lại những năm nhuận với bội số 400 như 1600, 2000, 2400, 2800...; còn những năm cuối thế kỷ khác như 1700, 1800, 1900, 2100, 2200 và 2300... không còn là năm nhuận nữa. Mục đích để sửa lại cho chính xác tổng số ngày trong năm được ước chừng là 364, 2425 ngày. Với lối tính này cứ 11.000 năm sẽ làm lệch đi hết 7,5 năm, và cho đến năm 2600 giải pháp này đã bỏ đi hết 8 ngày.

Ngoài ra, các nhà cải cách đưa các mùa cho phù hợp theo chu kỳ mặt trời theo như bối cảnh mà các nghị phụ công đồng Nicêa đã đặt định những qui tắc tính về các lễ tôn giáo. Vì thế, từ năm 325 đến năm 1582, chênh lệch niên lịch với mặt trời là 9,427 ngày và các nhà thiên văn đã phải bỏ đi hết 10 ngày. Sau khi công bố lịch Gregorien đã làm thay đổi như sau: Tại Rôma, sau ngày thứ năm 4.10.1582, lịch nhảy qua ngày thứ sáu 15.10.1582. Nước Nga chấp nhận lịch Gregorien vào năm 1918, nứơc Hy Lạp theo sau đó vào năm 1923, và với lý do này nên các Giáo hội Chính Thống giáo cũng không mừng lễ Phục sinh chung cùng ngày.

Ngày nay, lịch theo Julien trễ hơn lịch Gregorien hết 13 ngày.

Tóm lại, các Giáo hội Thiên Chúa giáo mừng lễ Phục sinh không cùng ngày với nhau. Lâu lâu, ngày lễ Phục sinh tính theo lịch Julien và Gregorien lại rơi trúng cùng ngày. Đó là trường hợp năm 2001, và trong vòng 25 năm tới sẽ còn có được 7 lần như vậy. Cho đến ngày hôm nay chưa có một giải pháp thỏa đáng nào được các Giáo hội Thiên Chúa giáo đồng ý để đi đến một ngày mừng lễ giống nhau...

Bài viết khác