Thứ Tư, 27 Tháng Sáu, 2012

Phẩm tước Hồng Y

Phẩm tước Hồng Y

 Thưa cha,

 Nhân dịp Đức Hồng Y Sepe thăm Việt nam, xin cha cho biết tước vị Hồng Y trong Giáo Hội là gì?

Nguyễn (Pháp).

 Cho tới nay, có nhiều giả thuyết về ý nghĩa nguyên thủy của từ Cardinal được dịch ra tiếng Việt là Hồng y, dựa trên sự kiện phẩm phục màu đỏ của các vị chức sắc này. Tuy nhiên theo đa số các học giả từ Cardinal xuất phát từ chữ Cardi có nghĩa ‘bản lề’. Vì vậy Đức Giáo Hoàng Eugenio IV sống từ cuối thế kỷ 14 tới giữa thế kỷ 15 nói : “ Như cánh cửa nhà dựa và xoay trên bản lề, cũng vậy, Tòa thánh là cánh cửa của toàn thể Giáo hội dựa trên và tìm được sự nâng đỡ nơi Hồng y đoàn.”

 Một số tác giả khác cho rằng Cardinal bắt nguồn từ chữ incardinare chỉ định các linh mục đã nhập vào Giáo phận Rôma. Họ là các cha sở làm cố vấn cho Đức Thánh Cha, và cũng là Giám mục thành Rôma. Trước năm 1567, các giáo phận bên Ý có các Hồng y gồm Rôma, Milanô, Ravela; bên Pháp có Paris và Lyon. Đây là những cha sở làm cố vấn cho Đức Giám mục giáo phận. Riêng tại giáo phận Rôma từ thời Đức Giáo Hoàng Lêô IX đầu thế kỷ 11, Hồng y gồm các Giám mục phụ cận Rôma và các linh mục làm cố vấn trợ giúp Đức Giáo Hoàng. Sau Đức Giáo Hoàng Lêô IX, năm 1059 Đức Giáo Hoàng Nicôlas II ban sắc lệnh quy định các Hồng y có nhiệm vụ bầu Gíao Hoàng. Như thế nguyên thủy chức vị Hồng y là cha sở Rôma, hoặc các Giám mục giáo phận phụ cận Rôma. Họ kế vị các tông đồ, hoặc là các cộng tác viên của các tông đồ. Do đó, Hồng y không phải chỉ là một chức vị hòan toàn do Giáo hội đặt ra.

 Trong lịch sử Giáo hội, có bao giờ Hồng y không có chức thánh ?

 Trong thời kỳ Giáo hội bị sa sút, đã có những Hồng y không có chức thánh. Hồng y cũng không phải là một chức thánh, nhưng là một tước hiệu danh dự. Vì thế, trong lịch sử Giáo hội, có một số người thuộc hoàng gia, hoặc thân quyến của Đức Giáo Hoàng cũng được mang tước hiệu Hồng y. Thí dụ như Đức Innôcentê thứ VIII đã bổ nhiệm người cháu làm Hồng y lúc mới 14 tuổi. Hoặc như theo lời thỉnh cầu của vua François I nước Pháp, Đức Clêmentê VII đã phong chức cho Obe de Categuou tước hiệu Hồng y lúc mới 11 tuổi. Tuy nhiên từ năm 1876 tục lệ này không còn nữa. Năm 1917, Đức Bênêdictô XV ban hành bộ giáo luật mới, và quy định để được phong Hồng y không cần là người đã chịu chức linh mục.

 Nhưng với thời gian chức Hồng y ngày càng trở nên quan trọng, và Hồng y đoàn được coi như thượng nghị viện, cố vấn của Đức Giáo Hoàng, và có nhiệm vụ bầu vị Giáo Hoàng mới. Năm 1586 theo quy luật do Đức Giáo Hoàng Sixtô V ấn định, Hồng y đoàn không được quá 70 vị. Quy luật này được duy trì trong suốt bốn trăm năm, cho tới khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII bãi bỏ và nâng tổng số Hồng y lên 80 vị. Ngoài ra, trong tự sắc Cum Travisiena ban hành năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII còn quy định : “các Hồng y phải là người có chức Giám mục, hoặc chưa có thì phải chịu chức Giám mục trước khi trở thành Hồng y”. Luật này hiện nay vẫn còn hiệu lực, nhưng có thể xin miễn chuẩn, như trường hợp một số linh mục thần học gia nổi tiếng khi được phong Hồng y nhưng đã lớn tuổi, một số vị đã xin Đức Giáo Hoàng chuẩn chức để không chịu chức Giám mục.

 Năm 1973 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI quy định các Hồng y trên 80 tuổi không còn quyền tham dự mật nghị bầu Giáo Hoàng nữa. Ngoài ra ngài còn ấn định con số Hồng y tới 80 tuổi chỉ là 120 vị, và chỉ có các Hồng y này mới có quyền bầu Giáo Hoàng.

 Hồng y đoàn được tổ chức thế nào ? và nghĩa vụ của Hồng y đoàn là gì ?

 Các nghĩa vụ và tổ chức của Hồng y đoàn được bộ giáo luật hiện hành quy định gồm 11 điều khoản từ số 349 tới số 359. Trong khoản 349 giáo luật xác định vai trò Hồng y đoàn như sau : “Các Hồng y lập thành một tập đoàn riêng biệt với thẩm quyền bầu Đức Giáo Hoàng chiếu theo quy luật riêng. Ngoài ra các Hồng y còn giúp Đức Giáo Hoàng hoặc cách tập đoàn khi được triệu tập, để cùng xét những vấn đề hệ trọng, hoặc với tính cách cá nhân tức là nhờ các nhiệm vụ khác nhau mà các ngài đang đảm nhận, để giúp Đức Giáo Hoàng trong việc quản trị thường nhật Giáo hội hoàn vũ”.

 Giáo luật hiện hành vẫn còn duy trì ba đẳng Hồng y : Hồng y Giám mục, Hồng y linh mục, và Hồng y phó tế, tương ứng với ba cấp Hồng y xưa kia. Trong thực tế, việc phân biệt ngày nay chỉ có tính cách truyền thống và hình thức mà thôi. Vì hầu hết các vị đều có chức Giám mục. Có 6 Hồng y thuộc đẳng Giám mục mang tước hiệu 6 giáo phận phụ cận Rôma. Phần lớn các Hồng y khác được gọi là Hồng y linh mục, đây là các Hồng y đang coi sóc các giáo phận rải rác trên khắp thế giới, như Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tại Saigon. Sau cùng là các Hồng y phó tế, phần lớn là các Hồng y tổng trưởng hoặc chủ tịch các cơ quan trung ương của Toà thánh. Thường thường sau 10 năm làm Hồng y phó tế, các vị được chuyển lên hàng Hồng y linh mục. Và khi có chỗ trống trong hàng Hồng y Giám mục sẽ được Đức Giáo Hoàng chỉ vào cấp Hồng y này.

 Hồng y đoàn có một vị niên trưởng mang tước hiệu Giám mục giáo phận Ostia do các Hồng y Giám mục bầu lên. Hồng y niên trưởng có nhiệm vụ truyền chức Giám mục cho một Giáo Hoàng, nếu vị này được bầu lên mà chưa có chức Giám mục.

 Để được chọn làm Hồng y cần phải có những điều kiện nào ?

 Giáo luật số 351 triệt 1 quy định : “để được chọn làm Hồng y thì ngoài phẩm tính đạo đức, khôn ngoan trổi vượt còn cần phải ít là linh mục”. Tuy nhiên, nếu chưa là Giám mục cần phải chịu chức Giám mục trước. Triệt 3 số 351 nói tới trường hợp các Hồng y được Đức Giáo Hoàng chọn nhưng chưa công bố danh tánh, vị đó chưa bị ràng buộc bởi nghĩa vụ Hồng y và cũng không được hưởng quyền lợi của chức vụ này. Sau khi danh tánh được Đức Giáo Hoàng công bố, vị ấy có mọi nghĩa vụ và quyền lợi, và thứ tự ưu tiên xét tính từ ngày được tiến cử.

 Khoản 356 giáo luật qui định : “các Hồng y có nghĩa vụ cộng tác đắc lực với Đức Giáo Hoàng. Vì thế các Hồng y đảm trách bất cứ chức vụ nào trong các cơ quan Toà thánh, nếu không phải là Giám mục giáo phận, thì buộc phải cư trú tại Rôma. Các Hồng y coi sóc các giáo phận như Giám mục giáo phận, thì phải về Rôma mỗi khi Giáo Hoàng triệu tập”. Về tài chính các Hồng y ở địa phương nào, các địa phương đó phải đài thọ chi phí trong việc sinh sống. Còn các vị ở Rôma hay đã hoặc đang làm việc trong các cơ quan toà thánh, nhận lương bổng và các trợ cấp khác của Tòa thánh để có thể sống xứng đáng.

Lm Thêôphilô

Theo Tìm hiểu để sống đạo Radio Vatican.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art