Phạm tội đến Chúa Thánh Thần
Đọc Tin Mừng của Thánh Matthêô đoạn 12 câu 31 và 32 : « Mọi tội lỗi lộng ngôn sẽ tha được cho ngưòi ta, còn lộng ngôn đến Thần khí sẽ không tha được. Và ai nói lời nghịch đến Con Người, điều ấy sẽ tha được cho người ấy; còn ai nói nghịch đến Thánh Thần, điều ấy sẽ không tha được cho người ấy, thời này cũng như thời sẽ đến ».
Câu nói trên của Chúa Giêsu cũng được thánh Máccô và thánh Luca ghi lại với đôi chút khác biệt. Theo Tin mừng Máccô, Chúa Giêsu đang rao giảng ở xứ Galilê. Dân chúng tấp nập kéo đến cùng Chúa Giêsu vì họ nghe biết mọi điều Ngài làm. Sau khi đặt mười hai môn đệ, Ngài về nhà và dân chúng vẫn còn kéo đến. Những người thân thích của Ngài lo sợ, và cùng lúc các ký lục từ Giêrusalem tới vu cáo Chúa Giêsu thông đồng cùng ma quỉ, bởi vậy Ngài mới gọi họ lại và nói cho họ nghe ví dụ về Satan và Ngài kết thúc với câu : “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Mọi sự sẽ tha được cho con cái loài người, mọi tội lỗi, mọi lời lộng ngôn, tất cả những điều chúng lộng ngôn; còn ai lộng ngôn đến Thánh Thần, thì không được tha thứ cho đến đời đời; nó mắc một tội bất diệt” (Mc 3,28-29).
Tin mừng theo Luca ghi: “Phàm ai nói lời nghịch đến Con Người, điều đó sẽ tha được; nhưng với kẻ phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không tha được” (Lc 12,10). Tác giả Tin mừng thứ ba không nêu rõ bối cảnh và trong hoàn cảnh nào Chúa Giêsu nói câu này, nên lời của Chúa Giêsu ở đây mang một sắc thái bí nhiệm và khủng khiếp.
Bối cảnh đoạn Tin mừng này nơi Mátthêu rất gần với Máccô nhưng tác giả khác với Máccô và Luca ở điểm ông kể lại rất nhiều biến cố xảy ra trước lời cảnh cáo của Chúa Giêsu. Theo Tin mừng thứ nhất, Chúa Giêsu vừa chửa khỏi một người bị quỉ ám mù và một người bị câm (Mt 12,22). Nhóm Biệt phái-Pharisêu thay vì tìm hiểu xem Người là ai lại khẳng định: “Ông ấy có trừ quỉ được chẳng qua là nhờ Bêelzêbul, đầu mục các quỉ!” Thay vì khuất phục trước phép lạ Chúa làm trước mắt, nhóm Pharisêu lại cho đó là việc làm của Satan. Họ từ chối ánh sáng của Thiên Chúa và cố tình mù quáng.
Mới nghe thoáng qua, câu nói của Chúa Giêsu như một sự lên án dứt khoát. Nếu hiểu như vậy thì chúng ta phải hiểu làm sao biết bao lần Chúa Giêsu nói về tình thương bao la của Thiên Chúa, của Ngài đối với kẻ có tội?. Thật ra, câu nói của Chúa Giêsu không phải lời kết án nhưng là lời cảnh cáo vô cùng nghiêm trọng, một lời kêu gọi sám hối. Thiên Chúa không giới hạn về tình thương và ân sủng, nhưng sự tha thứ chỉ có thể trao ban cho những ai bằng lòng đón nhận ân sủng và chấp nhận hối cải. Lộng ngôn đến Thần Khí tức là cố tình từ chối sự mặc khải, tuyên bố không cần sự cứu chuộc. Trong Cựu Ước, lộng ngôn là lời nghịch đạo tột cùng (xem Xuất hành 22,27 và 1Vua 21,13). Đối với tội trên, luật Lêvi ghi rõ ràng: Người nào, bất cứ ai, nguyền rủa Thiên Chúa của nó sẽ mang lấy tội và kẻ lộng ngôn đến Danh Giavê, tất phải chết: toàn thể cộng đồng sẽ ném đá nó. Dù là khách ngụ cư hay là bản hương, đã lộng ngôn đến Danh tất phải chết (Levi 24,16). Sự lộng ngôn là sự quyết định một lập trường dứt khoát biểu lộ lòng gian ác của người không đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa và còn lên án hành động của Người.
Tóm lại, chúng ta không thể liệt kê những tội gọi là không thể tha thứ nhưng có thể trong ta có một ý chí triệt để, cố chấp khư khư trong tội lỗi, từ chối một cách dứt khoát và có ác ý với những trợ giúp mà Chúa Thánh Thần ban cho để từ bỏ tội lỗi trở về với Thiên Chúa. Câu nói của Chúa Giêsu cũng cho ta biết tội lỗi có thể làm cho ta đạt tới vực thẳm như ta lựa chọn Satan thay vì Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể nào áp đặt tình thương cho người chối từ nhận lấy.
Lm Thêôphilô