Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Về ngày 25 tháng 12 : lễ Giáng Sinh

25 tháng 12 lễ Giáng Sinh

Đọc sách báo chúng con được biết không ai biết ngày giờ đích xác Đức Giêsu sinh ra. Nếu vậy tại sao Giáo hội lại mừng ngày sinh nhật Chúa vào ngày 25/12? Chúng ta có biết đích xác ngày Chúa sinh ra không hay chỉ là những giả thuyết? Những nguồn tài liệu nào có thể đưa ra để minh chứng?

Võ Văn Phong (Pháp)

Khi muốn biết về ngày sinh của Đức Giêsu, tự nhiên chúng ta sẽ tìm đọc trong Kinh Thánh Tân ước, thế rồi khi đọc kỷ luởng chúng ta thất vọng vì không thấy tác giả nào cho biết đích xác ngày và giờ Chúa Giêsu sinh ra. Thật vậy, ngay cả bản văn củ nhất của sách Tân ước như thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thêxalônica vào khoảng năm 51 (chỉ sau biến cố Phục sinh khoảng chừng 20 năm), cũng không thấy nói gì về ngày sinh nhật Đức Giêsu. Tìm về bốn cuốn Tin mừng được viết từ khoảng năm 65 đến đầu thế kỷ thứ II sau công nguyên, chúng ta được biết như sau:

 - Tin mừng cựu trào nhất là văn bản theo thánh Máccô (Mc) được viết khoảng năm 65, sau cuộc bách hại đạo do hoàng đế La mã Nêrô khởi xướng. Tác giả không đá động gì đến thời thơ ấu Chúa nhưng bắt đầu cuốn Tin mừng bằng sự rao giảng của ông Gioan Tẩy giả.

 - Tin mừng Gioan (Ga) được viết khoảng năm 110 cũng không cho chúng ta biết gì về tuổi ấu thơ của Đức Giêsu.

 - Giữa hai tác tác giả Mc và Ga, còn có hai tác giả Matthêô (Mt) và Luca (Lc). Họ viết vào khoảng những năm 80, cho nên khi hoàn thành tác phẩm hai ông đã xử dụng một phần Tin mừng theo Mc. Họ theo sát một phần lớn về đề tài cũng như bố cục; nhưng những ai thường đọc Tin mừng đều biết hai tác giả Mt và Lc đã để ra hai chương đầu tiên trong cuốn sách nói về thời thơ ấu của Đức Giêsu; và rất tự nhiên chúng đều nghĩ rằng có thể tìm thấy trong đó về ngày Chúa sinh ra. Khi đọc kỷ lại hẳn chúng ta càng thêm thất vọng vì không thấy hai thánh sử Mt và Lc cho biết ngày giờ nào Ngôi hai Thiên Chúa giáng trần. Những chứng tích lịch sử nói gì về ngày sinh nhật Chúa Giêsu ?

Suốt ba thế kỷ đầu tiên, các tín hữu tiên khởi không nghe nói đến lễ sinh nhật Đức Giêsu vì đối với họ biến cố Người chịu thương khó và Phục sinh mới quan trọng. Họ hội họp để tưởng nhớ lại biến cố trên ở ngày Chúa nhật hay ngày thứ nhất trong tuần. Thời giáo hội tiên khởi, những lễ kính các thánh tông đồ hay các thánh tử đạo đều được mừng vào ngày họ tử nạn chứ không phải ngày họ sinh ra. Dần dà có những người lên tiếng cho rằng Đức Giêsu hẳn phải lớn hơn các thánh vì Người là Đấng cứu độ trần gian nên cần phải đi ngược lên tìm hiểu chính con người và công trình của Chúa Kitô. Từ những ý phôi thai đó, biến cố Chúa nhập thế mới được nghĩ đến.

Các tín hữu đông phương là những người đầu tiên suy niệm mầu nhiệm Chúa tỏ mình cho nhân loại. Qua văn kiện của ông Clément thành Alexandria, người ta được biết có một người theo phái ngộ đạo tên là Basilide sống ở thế kỷ thứ II tại thành Alexandria cùng với các môn đệ đã mừng lễ Chúa chịu phép rửa vào ngày 6/1. Nhóm này mừng mầu nhiệm Chúa Kitô tỏ mình nhưng chưa phải là ngày sinh nhật Chúa. Tại sao là ngày 6/1 vì Tin mừng cũng không nói đích xác ngày và giờ Chúa chịu phép rửa. Ngáy 6/1 truyền thống Hy Lạp mừng vị thần bảo vệ vườn nho và rượu vang Dionysos; còn dân Ai Cập lại mừng thần Osiris hộ mang cho những kẻ qua đời. Người Ai cập cũng tin rằng trong ngày này nước sông Nil mang một quyền năng thần diệu đặc biệt. Nhóm ngộ đạo theo Basilide đã dựa trên ý tưởng này để chọn lựa ngày Chúa Kitô chịu phép rửa: Đức Giêsu đã dìm mình xuống giòng sông Giođan “thần diệu” và tỏ mình cho dân ngoại Người là Đấng Kitô. Vì vậy điều chắc chắn cho đến giữa thế kỷ thứ IV, Giáo hội mừng lễ Chúa tỏ mình ngày 6/1 bao gồm luôn ý tưởng ngày sinh nhật Chúa và biến cố Người chịu phép rửa. Lễ này bắt đầu ở phương Đông dần dần lan sang phương Tây và đến tận Rôma. Câu hỏi đặt ra là từ lúc nào Giáo hội thay lễ 6/1 thế vào ngày 25/12.

Tài liệu đầu tiên ghi về lễ Chúa Giáng sinh mừng ngày 25/12 được tìm thấy trong sách “Thời Ký” (Chronographe) năm 354, đây là bộ sách lịch ghi lại những ngày lễ ở Rôma, những quan chấp chính, thái thú thành phố, hai danh sách ghi những ngày sinh nhật tang lễ: một của các vị Giám mục thành Rôma, và một cuốn khác về các vị tử đạo với sự chỉ dẩn rõ ràng trong mỗi bảng nơi chôn cất của họ. Sách này được bắt đầu hình thành năm 336. Nhưng ngày 25/12 mang ý nghĩa gì?

Theo sự tuần hoàn của thời tiết, khoảng 25/12 là ngày mặt trời xa trái đất nhất, đây cũng là đêm dài nhất trong năm: “ngày đông chí” (solstice d'hiver). Bắt đầu từ đêm nay mặt trời chuyển hướng đi về phía Bắc bán cầu và lấy dần lại sức nóng và thời hạn ban ngày dài hơn. Trong dịp này dân ngoại mừng sinh nhật thần Mithra (phụng tự đến từ Ba tư): vị thần sinh ra từ đá và mang ánh sáng mới. Trước đó, các hoàng đế La mã đã cho dựng những đền thờ thần mặt trời và nhất là hoàng đế Aurelius đã chọn ngày 25/12 ngày biệt kính Thần mặt trời bách chiến bách thắng (solis natalis invicti).Giáo hội tại Rôma chắc chắn chống lại những phụng tự trên, và muốn cho các tín hữu Kitô giáo có một ngày riêng mừng sinh nhật Chúa Kitô và Người cũng là “Ánh sáng chiếu soi muôn dân” như lời chúc tụng của ông già Simêon trong đền thờ. Bởi vậy Giáo hội đã lựa chọn lấy lễ Sinh nhật Chúa thế vào lễ của dân ngoại và chắc chắn biết ngày 25/12 giữ một vai trò quan trọng đối với họ.

Dưới thời hoàng đế Honorius (395-423), lễ Giáng sinh được đặt ngang hàng với lễ Phục sinh và lễ Chúa tỏ mình. Năm 440, Giáo hội quyết định chính thức giữ ngày 25/12 và năm 506 tại công đồng họp ở thành Agde, các nghị phụ ra quyết nghị ngày 25/12 là một lễ trọng phải giữ. Sau đó đến thời hoàng đế Justinien (527-565), ngày 25/12 trở thành một ngày lễ được nghĩ.

Sự chọn lựa ngày 25/12 mang ý nghĩa thần học với tầm quan trọng nơi biến cố Chúa Kitô tỏ mình cho nhân loại hơn là mừng một ngày đích xác; nhưng sự lựa chọn này cũng không được mọi người chấp nhận. Từ ban đầu cho đến hôm nay, chúng ta có tất cả ba ngày như sau:

 - Các Giáo hội mừng Sinh nhật Chúa ngày 25/12: Giáo hội Công Giáo, các Giáo Hội Tin Lành, các Giáo Hội chính thống ở Constantinople, Alexandrie, Antioche, Lỗ ma ni, Chypre, Hy Lạp và Phần Lan.

 - Các Giáo Hội mừng Sinh nhật Chúa ngày 6/1: Những Giáo Hội Chính Thống thuộc Giêrusalem, Nga, Serbie, Bulgarie, Georgie, Ba Lan và Tiệp Khắc

 - Các Giáo Hội mừng sinh nhật Chúa ngày 18 hoặc 19/1: Giáo Hội Chính Thống ở Ethiopie, Copte (Ai cập), Syrie, Ấn độ và Arménie.

Lm Thêôphilô

Bài viết khác