Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Phúc âm có sử tính ?

Phúc âm có sử tính ?

 Thưa cha,

 Một số sách báo phát hành bên này cho rằng chúng ta không biết gì nhiều về Chúa Giêsu thời thơ ấu ; và những gì Phúc âm ghi lại không có tính lịch sử.

H.V.Thức (Germany)

 Câu hỏi ông đặt ra liên quan đến vấn đề sử tính của các trình thuật thời thơ ấu của Đức Giêsu. Muốn hiểu rõ, chúng ta cần nói qua thế nào là sử tính và ý nghĩa của Phúc âm về thời thơ ấu.  Tân ước bao gồm tất cả bốn cuốn Phúc âm. Hôm nay, Phúc âm còn thường được gọi là Tin Mừng với các tác giả ghi thứ tự trong Kinh Thánh : Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan. Bởi vậy, khi nói Tin Mừng thứ nhất tức là Tin Mừng theo Mátthêu ; Tin Mừng thứ hai = Máccô ; Tin Mừng thứ ba = Luca và Tin Mừng thứ bốn = Gioan. Thế nhưng điều này, không có nghĩa là Tin Mừng Mátthêu là Tin Mừng xưa cổ nhất trong các văn bản Tin Mừng. Các sách Tin Mừng được ra đời tuần tự như sau : Máccô vào khoảng năm 65, tiếp đến Tin Mừng Mátthêu và Luca ra đời cùng thời gian khoảng thập niên 70-80. Cuối cùng, Tin Mừng Gioan được biên soạn khoảng năm 95. Trong bốn tác giả Tin Mừng chỉ có hai tác giả Mátthêu và Luca vào khoảng năm 70-80 mới ghi lại các biến cố về thời thơ ấu của Đức Giêsu nơi chương 1-2. Tin Mừng Máccô ra đời đầu tiên khoảng năm 65, cũng như Tin Mừng Gioan ra đời cuối cùng khoảng năm 95 đều không đá động gì đến thời thơ ấu của Đức Giêsu.

 Hôm nay, có một số người nghi ngờ vấn đề sử tính của các sách Tin Mừng, nhưng ta phải hiểu sử tính là gì ? Khi nói Tin Mừng mang sử tính có nghĩa các sách này được biên soạn và thừa hưởng những gì đến từ truyền thống về những điều Đức Giêsu đã nói và làm trong lúc Người còn sống. Tuy nhiên, các sách này không phải là trình thuật viết lại đúng từng chữ một những gì Đức Giêsu nói và làm. Tin Mừng càng không phải là những trình thuật như các phương pháp hiện đại được các phóng viên ghi lại tại chổ qua máy thu thanh rồi được chuyển thành văn để phát hành sau đó. Chúng ta không thể hiểu sử tính như cách suy nghỉ của người thời đại hôm nay. Ủy ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh đã đề cập đến vấn đề này trong tập tài liệu về « sự thật lịch sử của các sách Tin Mừng ».

 Các sách Tin Mừng được hình sau ba giai đoạn trong tiến trình phát triển truyền thống về Đức Giêsu. Giai đoạn Đức Giêsu rao giảng công khai. Tiếp đến giai đoạn các Tông đồ rao giảng sau khi Đức Giêsu chết và sống lại được kéo dài cho tới khoảng năm 65. Và giai đoạn cuối cùng là khi các sách Tin Mừng ra đời như ta biết ngày nay, tức là được kéo dài cho tới khoảng năm 100. Giáo lý và cuộc đời Chúa Giêsu không được thuật lại như một hoài niệm nhưng đưa ra một nền tảng đức tin và luân lý. Tin Mừng được rao giảng không nhắm mục tiêu lịch sử với những đòi hỏi phải theo sát trên bình diện văn từ. Chắc chắn từ đó câu hỏi nêu lên những lời Đức Giêsu nói có được truyền lại chính xác không. Thật vậy ngày nay với những phương pháp chú giải Kinh Thánh được áp dụng, người ta có thể đạt đến một sự xác tín khá rõ ràng về bối cảnh chung chung khi Đức Giêsu nói một điều gì đó ; và qua phương pháp chú giải chúng ta có thể biết hầu như chắc chắn tiến trình lời đó được phát triển đến từ truyền thống nào. Điều hiển nhiên là có những dị biệt giữa các sách Tin Mừng. Đó là điều chúng ta sẽ thấy và duyệt qua trong Tin Mừng về thời thơ ấu của Đức Giêsu. Những dị biệt đều là cách hiểu biết khác nhau của cùng một lời Đức Giêsu giáo huấn.

 Chính trong Tin Mừng thời thơ ấu có nói tới những điều liên quan đến việc trinh thai, việc Chúa Giêsu sinh ra, các mục đồng và các nhà chiêm tinh đến bái thờ Hài nhi ở Bethlehem, việc dâng Hài nhi trong Đền thờ, lánh nạn bên Ai cập… Nhưng nếu đọc kỷ sẽ thấy hai tác giả Luca và Mátthêu không kể lại cùng những sự kiện giống nhau. Và nếu như hôm nay các trình thuật thời thơ ấu còn gây thắc mắc, cũng tại vì lãnh vực kỹ thuật của thể loại văn chương đó.

 Những dị biệt trong Tin Mừng thời thơ ấu theo Luca (1-2) và Mátthêu (1-2).

 Theo Luca, mọi việc bắt đầu từ Nazareth với trình thuật Truyền tin cho Đức Maria. Sau đó, Ngài lên Bethlehem vì lệnh kiểm tra dân số, và chính tại đây Đức Giêsu được sinh ra và 40 ngày sau được dâng tại Đền thờ và gia đình trở lại làng cũ Nazareth.

 Theo Mátthêu, mọi việc lại khởi đầu từ Bethlehem. Lần này Truyền Tin được loan báo cho ông Giuse. Đức Giêsu cũng sinh ra ở Bethlehem, và được các nhà chiêm tinh đến bái lạy. Tiếp đến Mátthêu nói tới việc tàn sát các hài nhi. Ông Giuse đưa gia đình lánh qua Ai Cập một cách vội vã. Khi Hêrôđê mất, Giuse còn sợ nên không trở về miền Giuđê mà qua sinh sống bên Galilê, ở làng Nazareth. Theo Mátthêu, gia đình Đức Giêsu đã cư ngụ ở Bethlehem, và nếu đến Nadarét ở cũng vì tránh trở về Giuđê.

 Ngoài ra, nếu xếp đặt các sự kiện theo Luca như cuộc Giáng sinh - 40 ngày sau dâng Hài nhi tại Đền Thờ – rồi trở lại Nazareth, thì việc tàn sát các hài nhi và cuộc lánh qua Ai cập xảy ra lúc nào. Nếu đặt vào thời kỳ từ lúc sinh ra cho đến 40 ngày sau, thì không đủ thời giờ để đi qua Ai cập rồi trở về, nhất là đối với một bà mẹ trẻ mới sinh con. Nếu đặt vào một thời điểm sau đó cũng khó vì theo Luca sau khi dâng Hài nhi tại Đền thờ, gia đình lại trở về Nadarét.

 Chắc hẳn giữa hai tác giả có một số điểm mâu thuẩn. Điều gì thật sự xảy ra, và tác giả nào đúng ? Điểm này chứng tỏ Mátthêu và Luca có truyền thống hoàn toàn độc lập với nhau. Và khi các truyền thống ấy gặp gỡ nhau còn chứng tỏ có thêm một truyền thống xa xưa hơn nữa. Đây chính một trong những vấn nạn Tin Mừng thời thơ ấu.

 Thể văn.

 Khó khăn về Tin Mừng thời thơ ấu đến từ lãnh vực hành văn do tác giả xử dụng. Bởi thế, khi viết các Thiên thần xuất hiện, họ không theo kinh nghiệm thông thường bề ngoài, thuộc thế giới vật chất, được thấy bằng mắt để miêu tả. Sự kiện thuộc lãnh vực siêu nhiên, nội tâm được Mátthêu và Luca diễn đạt theo hình thức văn chương Cựu ước. Họ theo một lối hành văn và một hình thức văn chương đã được xử dụng. Họ không dụng ý nói sai sự thật, nhưng nổ lực diển tả sự kiện kỳ diệu, ví dụ như điều Đức Maria cảm nhận khi xác tín tuyệt đối về ơn gọi của mình và sứ mạng của con mình. Và sự kiện này dấy lên vấn đề loại văn thể của Tin Mừng thời thơ ấu.

 Khi viết các tác giả Tin Mừng thời thơ ấu có một mục tiêu rõ rệt, và riêng Luca cho biết ông kể lại các sự kiện một cách chắc chắn trong đoạn bắt đầu cuốn Tin Mừng 1,1-4 gửi cho Thêôphilê. Khi đối chiếu Luca với Mátthêu, có những điểm dị biệt như đã nói ở đoạn trên. Hai tác giả có truyền thống hoàn toàn độc lập không ảnh hưởng lên nhau. Luca và Mátthêu chắc chắn đã không đọc Tin Mừng của nhau, và cũng không có cùng nguồn tài liệu. Hai tác giả soạn Tin Mừng một cách độc lập, nhưng đôi khi họ lại có những đoạn giống nhau. Đoạn đó minh chứng họ cùng lệ thuộc vào một truyền thống chung. Những điểm tương đồng thấy trong Tin Mừng thời thơ ấu như : tên cha mẹ Đức Giêsu là Giuse và Maria; Giuse là hậu duệ vua Đavít; Đức Maria, một trinh nữ thụ thai bởi việc làm Chúa Thánh Thần. Hai tác giả kể lại sự kiện này khác biệt nhau, nhưng cả hai đều nhìn nhận trinh nữ Maria thụ thai bởi việc làm Chúa Thánh Thần, như vậy hai tác giả hẳn phải lệ thuộc một truyền thống trước đó. Hai bản Tin Mừng đều nói Đức Giêsu sinh ra ở Bethlehem ; Đức Giêsu sống thời thơ ấu tại Nazareth.

 Thể văn Midrash.

 Phần lớn Tin Mừng thời thơ ấu được viết theo lối văn Cựu ước. Khi kể lại lịch sử thánh, các tác giả xử dụng những thành ngữ và ngữ vựng Kinh Thánh được gọi bằng từ chuyên môn Midrash. Khi nói về một trinh nữ thụ thai Luca và Mátthêu đều qui chiếu sách Isaia 7,14 : « Nầy một người trinh nữ (theo tiếng Hy lạp), một người thiếu nữ (theo tiếng Do thái) thụ thai và cô sẽ cho ra đời một đứa con trai và cô đặt tên cho trẻ đó là Emmanuel ». Hai tác giả trình bày sự kiện trinh thai theo thể văn « Midrash » và đưa sự kiện đó qui chiếu với Isaia 7,14 mang nội dung loan báo Đấng Thiên Sai. Mátthêu và Luca trình bày bản văn để giải thích việc Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai sinh ra.

 Lời sấm Simêôn trong ngày dâng Đức Giêsu vào Đền thánh, cũng được viết theo thể văn ấy :« Đứa trẻ nầy làm cho nhiều kẻ trong Ítraen phải vấp ngã nhưng cũng làm cho nhiều kẻ được chỗi dậy, là dấu chỉ mà người ta sẽ từ khước ». Dấu chỉ bị khước từ nhắc lại bản văn ngôn sứ Isaia. Lưỡi gươm sẽ đâm qua lòng người trinh nữ qui chiếu sách ngôn sứ Êdêkien. Toàn bộ lời sấm Simêôn về lưỡi gươm và đứa trẻ, là lối nói phát sinh thuộc truyền thống Palestine. Những yếu tố đó được lưu hành tại Palestine vào những năm 50 trước khi các Tin Mừng ra đời. Luca không tự sáng tạo ra nhưng dùng một số yếu tố có trước. Các yếu tố đó đến từ đâu, vì các tông đồ không thể nào kể lại được vì họ không sống với Đức Giêsu thuở Người còn ấu thơ. Tin Mừng cho biết vào những năm 50 có một số người được gọi là « các anh em của Chúa Giêsu »; Đức Giêsu hẳn có gia đình bà con. Và truyền thống thời thơ ấu Chúa Giêsu, hẳn đến từ « các anh em của Chúa Giêsu » kể lại. Như vậy, khi Luca muốn viết lại những sự kiện, ông đã dùng các yếu tố có sẵn trước đó.

 Các kỹ thuật viết văn.

 Luca kể lại các sự kiện theo kỹ thuật đối chiếu song hành và xử dụng Kinh Thánh. Trong Luca 1-2, có hai đoạn truyền tin về Gioan và về Đức Giêsu; một cuộc gặp gỡ thăm viếng giữa hai bà mẹ, là sự gặp gỡ giữa hai người con. Cuộc gặp gỡ được đánh dấu bằng bài ca ngợi Magnificat. Tiếp đó, việc sinh nở, cắt bì của Gioan, sứ mạng ngôn sứ của ông được loan báo qua một bài ca Benedictus : « Và ngươi, hỡi trẻ nhỏ, ngươi sẽ được gọi là ngôn sứ Đấng Tối Cao ». Cuối cùng, là sự lớn lên của Gioan « đứa trẻ lớn lên, mạnh khỏe ra; sống nơi sa mạc ». Và ta có một sự tiếp diễn các sự kiện y như thế đối với Chúa Giêsu : sinh ra, cắt bì, sấm ngôn Simêôn tiên đoán sứ mạng của Đức Giêsu : « Ánh sáng mặc khải cho muôn dân, là sự vấp ngã và chổi dậy của nhiều người trong Ítraen »; và cuối cùng : « Đứa trẻ lớn lên và khỏe mạnh, và sống vâng phục cha mẹ mình ». Trong chương 1-2 còn có sự đối chiếu song song về tuổi thơ Gioan và Đức Giêsu. Nếu kết luận buổi gặp gỡ có bài ca Magnificat, cũng có bài ca Benedictus ca tụng sứ mạng của Gioan, và bài Nunc Dimittis loan báo sứ mạng Đức Giêsu. Các thánh vịnh cũng đối đáp nhau như thế.

 Kỹ thuật đối chiếu song hành này là lối hành văn cổ điển trong văn chương Hy lạp, đặc biệt trong hài kịch, trong văn chương hùng biện, phê bình văn học và văn chương sử học. Khi trình bày một nhân vật, người ta đối chiếu người nầy với người khác. Luca dùng kỹ thuật đối chiếu song hành minh chứng cả hai đều thực hiện ý định Thiên Chúa, và Luca làm nỗi bật sự siêu vượt của Đức Giêsu cũng như mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô.

 Ngoài kỷ thuật song đối, Luca còn xử dụng Kinh Thánh một cách có hệ thống. Trong trình thuật truyền tin cho Đức Maria, câu « Chúa là Thiên Chúa sẽ cho Người ngôi Đavít, tổ phụ Người, Người sẽ trị vì trên nhà Giacóp đến muôn đời và quyền cai trị của Người sẽ không bao giờ cùng », qui chiếu Isaia 9,6.

 Bài ca Simêon Nunc dimittis cũng qui chiếu ngôn sứ Isaia theo bản Hy lạp : « Mắt tôi đã thấy được sự cứu độ của Chúa » (40,5); « mà Chúa đã sắp đặt trước mắt mọi dân tộc » (52,10); « ánh sáng để mặc khải cho các nước » (42,6); « vinh quang cho dân Ítraen của Chúa » (46,13; 45,25). Toàn bộ bài Nunc Dimittis được qui chiếu theo các bản văn Isaia. Khi mô tả sứ mạng của Gioan bài ca trong Benedictus 1,76, tác gỉa cũng làm như thế : « Ngươi sẽ bước đi trước mặt Chúa để dọn đường của Người » (40,3). Như thế, Kinh Thánh được dùng như sấm ngôn để viết về Gioan và Đức Giêsu. Tác giả tìm nơi Kinh Thánh những nét đặc trưng mang yếu tố lịch sử giúp ta hiểu hoàn cảnh mới. Khi nói về Gioan : « Người sẽ không uống rượu và đồ uống đã lên men ». Nội dung này tìm thấy trong việc loan báo về Samson (Thẩm phán 13,14) và trong việc loan báo về Samuel (1S 1,13 theo bản LXX). Luca am tường truyền thống về Gioan là một nhà khổ hạnh. Tác gỉa tìm trong Cựu ước những gì giống với đời sống khổ hạnh, và thấy những vị Nazir tức là những người hiến dâng cho Chúa làm những cuộc thánh chiến; họ bị cấm không được dùng các loại thức uống dậy men. Còn câu « Người nầy sẽ đưa nhiều con cái Ítraen trở về với Chúa là Thiên Chúa của họ » (1,16) được rút ra từ Malakhi 2,6 dùng định nghĩa vị tư tế Lêvi. Gioan là con vị tư tế, và được mô tả như một thầy tư tế Lêvi lý tưởng. Luca dùng Cựu ước minh chứng Gioan là nhà khổ hạnh, một thầy Lêvi, người được Chúa sai đến loan báo sự phán xét. Luca cũng dùng phương pháp tương tự viết về Elisabét và Đức Maria.

 Tác giả còn tìm nơi Kinh Thánh những thành ngữ để diễn tả tư tưởng. Chẳng hạn khi Luca mô tả việc Thiên thần xuất hiện ở hai nơi, đều có sự sợ hãi, kinh hoàng. Thiên thần xuất hiện thiết yếu là một sứ điệp, chứ không phải lối văn miêu tả như các thiên thần có cánh. Luca muốn diễn đạt qua đó một kinh nghiệm siêu nhiên, một sứ điệp của Chúa. Luca dùng các hình thức cổ điển thường thấy trong Cựu ước diễn đạt kinh nghiệm siêu nhiên của Dacaria và Maria. Ngoài ra, khi viết lời tiên báo về Gioan và Chúa Giêsu, Luca lấy lại những thành ngữ nói về những cuộc sinh ra lạ lùng như ghi trong sách Sáng thế 17 về Isaac, sách Thẩm phán 13 về Samson, ngôn sứ Isaia 7,14 về Emmanuen. Đây là những lối viết được lập lại giống nhau. Cuối cùng Luca còn vận dụng lối văn Thánh vịnh diễn tả nỗi vui của Maria và lời tiên tri của Dacaria.

 Qua phần trên, chúng ta thấy, tác giả Tin Mừng thời thơ ấu không sáng tác một cách tùy tiện, nhưng họ đã khai thác một truyền thống có từ trước. Tóm lại, Mátthêu và Luca đều biên soạn Tin Mừng thời thơ ấu dựa vào truyền thống mang tính cách thần học, để người đọc nhận ra trong đức tin chân tính thiên sai và thần linh của Đức Giêsu.

Lm Thêôphilô.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art