Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Tìm hiểu mùa Chay Ramadan

Tìm hiểu mùa Chay Ramadan

  Allah (swt) đã phán :

 Tháng Ramadan là tháng trong đó (Thánh Kinh) Qur’an được ban xuống làm Chỉ Ðạo cho nhân loại và mang bằng chứng rõ rệt về Chỉ Ðạo và về Tiêu Chuẩn (phân biệt Phước và Tội). Bởi thế, ai trong các ngươi chứng kiến (hoặc có mặt tại nhà) tháng đó thì phải nhịn chay ‘Siyâm’ trọn tháng, và ai bị bệnh hoặc đi xa nhà phải nhịn bù lại số ngày đã thiếu về sau. Allah muốn điều dễ dàng cho các ngươi và không muốn gây khó khăn cho các ngươi. (Ngài muốn các ngươi) hoàn tất số ngày (nhịn chay) ấn định và muốn cho các ngươi tán dương sự Vĩ Ðại của Allah (takbir) về việc Ngài đã hướng dẫn các ngươi và đễ cho các ngươi có dịp tạ ơn NGÀI .(Qur'an 2 :185).

  Ramadan là tháng thứ 9 trong niên lịch Islam. Mỗi ngày của tháng này, những người Muslim trưởng thành, nam hay nữ, sức khỏe bình thường đều phải nhịn chay. Nhịn chay theo Islam là nhịn ăn, nhịn uống, nhịn hút thuốc, không được đưa bất cứ chất gì vào cơ thể, không được liên hệ tình dục… từ lúc trước rạng đông cho đến khi mặt trời lặn. Ngoài việc chế ngự những điều nói trên, người nhịn chay còn phải gạt bỏ những thú vui trần tục, đam mê vật chất thường ngày, làm giảm mất giá trị tôn nghiêm và tinh khiết của tháng Phúc Thiện này.

  Nhịn chay là thực hiện ý chí tuân phục vào Thượng Ðế, chế ngự lòng ham muốn, ích kỷ. Chuyên tâm cho hành động vị tha, chủ tâm kiên nhẫn. Ðồng cảm với nỗi thống khổ của những người nghèo khó. Ðây hoàn tòan không phải là việc hành xác mà là để tăng thêm lòng mộ đạo và taqwa (thẳng thắng kính sợ Allah). Hiểu thế nào là sự lệ thuộc của con người vào Thượng Ðế, tuân phục NGÀI, biết ơn NGÀI, thực hiện bổn phận cao quý này với lòng tin vững chắc, trong một tâm hồn an nhiên và tự tại.

  Trong tháng Ramadan nên nhớ:

 1- Trước lúc nhịn chay không quên định nguyện, việc này được thực hiện mỗi ngày trước buổi ăn Souhur. Ðể tránh trường hợp có thể vì ngũ quên, chúng ta có thể nguyện trước khi ngũ cho ngày nhịn hôm sau.

 2- Souhur (buổi ăn trước rạng đông) là buổi ăn rất cần cho cơ thể và mang nhiều phước lộc. Thiên Sứ (saw) dạy : « Souhur là buổi ăn đầy phước lộc, không nên bỏ qua và hãy dùng dù chỉ là một hớp nước. Allah ban Hồng Ân và các Thiên Thần sẽ cầu xin sự tha thứ cho những ai dùng Souhur ». (Ahmad và Ibn Abee Saibah).

 3- Iftar (xả chay), khi đến giờ xả chay chúng ta không được chậm trể, phải ăn, uống và nên dùng những thức ăn nhẹ, đơn giản (như vài quả chà là và nước lã để giải khát). Thiên Sứ (saw) nói : « Mọi người sẽ tươi tỉnh và cảm thấy thanh thản hơn, một khi không trì hoản buổi Ifta ». (Bukhary).Việc ăn uống sẽ bình thường sau khi dâng lễ nguyện Magrib. Có điều trong lúc dùng bửa chúng ta không nên quá độ, việc này không tốt cho bộ tiêu hóa, hơn nữa đừng quên tháng Ramadan là tháng của sự chế ngự và kiên nhẫn.

 4- Qiyam-ul-layl (tên gọi chung cho các buổi đứng hành lễ tối ). Sau lễ Isha mỗi đêm, dâng lễ nguyện phụ Qyiam-ul-layl, là điều rất được khuyến khích, lễ này được dâng tập thể hay cá nhân, tại thánh đường hoặc tại nhà, kết thúc vào thời điểm nào tùy ý nhưng phải trước rạng đông. Qiyam-ul-layl của tháng Ramadan còn được gọi là Tarawih (ngưng, nghỉ, vì trong lễ này Imam thường nghỉ trong chốc lát sau mỗi 2 rakat ). Sự tốt đẹp trong việc tham dự vào lễ này được ông Abu Huraira (ra) thuật lại lời của Thiên Sứ (saw) như sau : « Những ai dâng lễ Qiyam trong tháng Ramadan với thành tâm tin tưởng và mong chờ (phần thưởng của Allah), những tội lỗi trong quá khứ của họ sẽ được Allah tha thứ. ». (Bukhari ).

 5- Ðọc toàn vẹn Thiên Kinh Qur’an trong tháng Ramadan là một phước báu vô lượng.

Allah đã phán : Hoặc lâu hơn. Và hãy thư thả đọc Qur’an với âm điệu nhịp nhàng. (Qur’an73 :4).

 Thiên Sứ Muhammad (saw) khuyên chúng ta nên đọc một cách khoan thai để thấu hiểu sâu xa những ý nghĩa trong Thông Điệp của Allah (swt).

 6- Zakat-al-Fitr Trong mùa chay những người Muslim còn phải trả một loại thuế bắt buộc được tính ngay từ ngày đầu của tháng Ramadan và sẽ hết hạn vào trước giờ lễ Aid-al-Fitr. Trả bằng tiền hay thực phẩm tùy theo quy định của từng địa phương, số thu sẽ phân chia cho người nghèo, trẻ mồ côi, những gia đình thiếu hụt…, đây còn là ý nghĩa của lòng tương thân, tương ái, thắt chặt tình cộng đồng. Bên cạnh đó nên làm Sadaqa (bố thí) cho người hoạn nạn, nghèo khó.

 7- I’tikâf Tạm dịch là giới hạn, thu mình ở một nơi trong một thời gian nhất định, chuyên tâm đọc và học nằm lòng Qur’an, dâng lễ và tưởng nhớ đến Allah (swt), chỉ tiếp xúc với bên ngoài khi thực sự cần thiết, người làm I‘tikâf thường chọn một nơi trong Thánh Đường và có thể thực hiện bất kỳ lúc nào trong năm. Bà Aysha (ra) vợ của Thiên Sứ (saw) kể rằng : Thiên Sứ làm I’tikaf 10 ngày trong tháng Shawal.

 Tuy nhiên thực hiện I’tikaf trong tháng Ramadan vẫn được khuyến khích hơn, Abu Hurayra (ra) thuật lại rằng : Thiên Sứ Muhammad (saw) thường làm I’tikaf vào 10 ngày cuối của tháng Ramadan. Năm cuối cùng trong đời, Người thực hiện I’tikaf suốt 20 ngày. (Bukhary). Theo Sunnah, chúng ta nên dành 10 ngày cuối của tháng Ramadan để làm I’tikaf vì đêm Laylat-ul-Quadr sẽ rơi vào 1 trong những đêm lẽ của 10 ngày cuối này.

 8-Laylat-ul-Qadr(Ðêm Khải Huyền) hay còn gọi là Ðêm Quyền Lực. Trong đêm huyền diệu ấy Thiên Kinh Qur’an được Khải Thị cho Thiên Sứ Muhammad (saw) qua Thiên Thần Jibriel trong suốt 23 năm. Abu Salama (ra) thuật lại buổi thảo luận về Laylat-ul-Qadr giữa Thiên Sứ (saw) và các Shahabah, Thiên Sứ (saw) có nói : « Ta đã nhìn thấy Laylat-ul-Qadr, nhưng nay đã quên mất chính xác là đêm nào, hay là ta đã bị làm cho quên, vì thế hãy tìm nó trong 10 đêm (lẻ) cuối.

  Imam Muslim giải thích rằng : Cái quên của Thiên Sứ mang tính chất tôn giáo, vì nếu Người nói Laylat-ul-Qadr thật sự là vào đêm nào thì mọi người chỉ tập trung vào đêm đó mà thôi.

 Vào tháng Ramadan nói chung và đêm Laylat-ul-Qadr nói riêng ân phước vô lường của Allah đều đến với nhân loại như nhau. Mỗi lời cầu xin của chúng ta sẽ được các Thiên Thần ghi nhận vì Họ được lệnh giáng trần vào tháng này.

 Thiên Sứ Muhammad (saw) nói : Tháng Ramadan đến, yêu quỷ bị xiềng xích, cửa Thiên Ðàng rộng mở và cửa Ðịa Ngục khép kín. (Bukhary).

ATIKA SULAYMAN.

Trích từ RAMADAN VÀ NGHI THỨC - ATIKA BINT SULAYMAN

Posted by: HảiĐăng.org on Wed, 20 Aug 2008 10:40:53 AM

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art