Thưa Cha, có một số anh chị em đồng hương đến nhà con chơi. Họ tự xưng là người của Giêhôva, kêu gọi phải cảnh thức vì Chúa Trời sắp đến; họ nói những người có đạo xưa nay thờ Chúa nhưng không biết Ngài là ai. Họ được biết Ngài vì đạo họ được Chúa cho biết tên Ngài là Giêhôva. Con đã tranh cãi với họ rất lâu vì thấy đạo lý của họ bôi bác đạo Công Giáo... Hôm nay con viết thư này để hỏi Cha, đạo ấy là gì và xuất hiện từ đâu mà ra?
Nguyễn Minh (Strasbourg)
Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu đã đề cập đến hiện tượng giáo phái trong số báo 17 tháng 6/1983. Trong đó các tác giả giải thích vài lý do chính đưa đến hiện tượng giáo phái đang tích cực hoạt động. Theo trường hợp do anh kể, Giêhôva chắc là giáo phái chứng nhân Giavê (Témoins de Jéhovah-Zeugen Jehovas).
1. Charles Taze Russel (1852-1916).
Giáo phái Chứng nhân Jehovah (Témoins Jéhovah ố Zeugen Jehovas) phát sinh từ thần cảm Tin Lành, do một người Mỹ tên Charles Taze Russel sinh ngày 16/2/1852 tại thành phố Pittsburg bang Pennsylvania (Hoa Kỳ). Gia đình ông thuộc hệ phái Thệ phản Calvin. Thân phụ làm nghề bán kim chỉ giàu có, đã truyền nghề lại cho ông... và Charles thành công vững vàng! Năm 16 tuổi, Charles hoang mang với câu hỏi : tại sao Thiên Chúa tốt lành lại có thể tiền định đưa xống hỏa ngục cả hàng triệu con người? Charles không tìm được câu giải đáp mất niềm tin tưởng vào Kinh Thánh, ông đi tìm lời giải đáp nơi những tôn giáo đông phương. Sau khi ly khai khỏi học thuyết Calvin, năm 1870, Charles gia nhập giáo phái Cơ đốc phục lâm (Adventistes) sáng lập bởi một nông dân người Mỹ tên William Miller. Charles tìm thấy lại niềm tin vào Kinh Thánh và tin tưởng chờ ngày Chúa Kitô sắp rở lại. Ông này tiên báo ngày tận thế sẽ đến vào năm 1843. Năm này qua đi, ông lại tiên báo chắc chắn mọi việc sẽ xảy ra đúng vào ngày 22 tháng 10 năm 1844. Charles Russel lại bỏ nhóm Cơ đốc phục lâm và năm 1874 ra một tập san mang tên Tháp Canh, và thành lập một nhóm gọi là Những người học hỏi Kinh Thánh. Ông tự soạn thảo hệ thống chú giải Kinh Thánh. Năm 1881 ông cho phát hành Những bài nghiên cứu Kinh Thánh gôm lại thành bảy tập và nói các tín đồ phải coi ông như một tiên tri Ezéchiel mới! Thật ra Charles Russel hiểu biết Kinh Thánh ất hạn hẹp, ví dụ ông tự giải thích rằng Ngôi Lời theo Tin mừng Gioan theo văn bản Hy Lạp không phải là Thiên Chúa nhưng là một hữu thể được sáng tạo ra. Bị thưa ra toà, ông nhìn nhận mình không biết một tí nào về ngôn ngữ Hy Lạp. Ông còn tiên đoán Nước Trời sẽ được thiết lập vào năm 1914 và Triều đại Giáo Hoàng sẽ chấm dứt vào năm 1918. Ông cũng tự tìm ra cho mình sứ mệnh của Thiên Thần thứ bảy theo sách Khải Huyền (xem sách Khải Huyền 16,17-21). Thế nhưng, vào năm 1905 sau 27 năm lập gia đình với bà FranỄoise Acley, bà vợ xin ly dị tố cáo ông đã bất trung và tính tình tàn bạo. Charles Russel cũng bị xữ về tội lừa bịp bán lúa thần diệu với giá 60 đô la một đấu. Ông qua đời ngày 31 tháng 10 năm 1916 để lại cho những kẻ kế ba nền tảng : - Kinh Thánh là nền tảng tư tưởng, hành động của Russell, nhưng Kinh Thánh chú giải theo phương pháp riêng ông mà thôi. - tư tưởng chỉ có 144000 người được xức dầu tức là được cứu rổi. - ngày tận thế sẽ đến năm 1914. Dù hôm nay năm đó đã qua, nhưng các môn đệ đã biến hoá ý tưởng này theo hoàn cảnh. Ngoài ra Charles Russell còn để lại hai dụng cụ tuyên truyền : truyền thông bằng báo chí và sách vở; bắt buộc các người theo nhóm phải đầu tư vào việc đi rao giảng tuyên truyền.
2. Joseph Frankklin Rutherford (1869-1942).
J.F.Rutheford điều khiển giáo phái sau khi Charles Russell qua đời. Ông là một luật sư ở Brooklyn, Nữu Ước (Hoa Kỳ) và còn được gọi là nhà thẩm phán. Ông đặt bản doanh nhóm Tháp Canh tại Nữu ước và gọi là Bethel tức là Nhà Thiên Chúa. Joseph độc quyền điều khiển nhóm và kiểm soát chặt chẻ tất cả mọi ấn phẩm. Ông lên án tất cả các Giáo hội khác cũng như các Nhà nuước và kết quả chính phủ Hoa kỳ đã đưa đơn kiện và chính quyền Gia Nả Đại đã ngăn cấm Nhóm Tháp Canh hoạt động. Trong thời đễ nhất thế chiến, ông chống lại lòng yêu nước nên bị chính quyền bắt vào năm 1917 và bị kết án 20 năm tù. Ông được thả ra năm 1919 Joseph không chùng bước và ông tự phê phải sửa chửa những lỗi lầm của Charles. Rutheford cũng tiên báo rằng vào năm 1925, tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop sẽ sống lại, trở nên những người đại diện cho Vương quốc mới của Thiên Chúa và ông cho xây cất tại thành phố San Diego, bang California (Hoa Kỳ) một ngôi nhà nguy nga mang tên Nhà các Vương Công (Beth Sarim) với những ghế bằng vàng khối để tiếp đón các Tổ phụ. Một lần nữa, lời tiên đoán cũng không đúng và Nhóm thì đang gặp khó khăn, Russell liền tìm cách thay đổi.
Năm 1931, Rutherford đổi tên Nhóm Tháp Canh thành Những Chứng Nhân Jehovah. Từ chứng nhân có nghĩa là tử vì đạo, vì mỗi lần bị kiện ra toà, họ cho rằng mình bị kết án như các vị tử đạo. Còn Thiên Chúa có thật sự mang tên Jehovah hay không? Nhóm chứng nhân Jehovah tin vào Thiên Chúa duy nhất mạc khải trong Cựu ước. Họ cho rằng Ngài mang tên là Jehovah. Khi đọc sách Xuất Hành đoạn Thiên Chúa mạc khải danh Ngài cho ông Môsê (Xuất hành 3,14) : Ta là Đấng hiện hữu. Cụm từ này nguyên gốc viết bằng tiếng Do thái có bốn phụ âm (consonne) là Y-H-V-H và không có nguyên âm (voyelle). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, người Do thái thời ông Mô-sê đã đọc tên này với hai nguyên âm a và ê, vì thế ta có thể nghĩ YHVH là Yahvé (Gia-vê). Tại sao lại có điều không chắc chắn trên? Người Do thái tô trọng danh Thiên Chúa nên họ không bao giờ dám gọi danh Ngài, vì vậy khi đọc đến từ YHVH họ đọc thế vào đó từ Adonai có nghĩa là Thiên Chúa. Và từ thế kỷ thừ 5 trước công nguyên, người Do thái bình dân đã bắt đầu quên tiếng Do thái vì họ nói tiếng A-ra-mê là ngôn ngữ chung cho vùng Cận Đông. Thế nhưng trong các hội đường họ lại đọc Kinh Thánh bằng tiếng Do thái được viết bằng các phụ âm mà không có nguyên âm. Muốn giúp vượt khó khăn này, giữa thế kỷ thứ 8 và thế kỷ thứ 11 sau Công nguyên, một số nhà chú thích Kinh Thánh Do thái đã hiệu đính bản văn Kinh Thánh với các nguyên âm gọi là văn bản ma-sô-ra, và từ đó từ YHVH cộng với từ ADONAI đọc thành JAHOVAH hay JEHOVAH, tức là họ lấy lại nguyên âm của từ ADONAI là A-O-A đật vào từ Y-H-V-H. Thế nhưng, các nhà chú giải Kinh Thánh ở thế kỷ 20 đều nghĩ rằng phải dịch YHVH thành Yahvé vì từ Jéhovah chắc chắn không được ai dùng đến bao giờ.
Năm 1946, Rutherford cho phát hành tập san mang tên Hãy Bừng tỉnh. Joseph qua đời ngày 8 tháng 1 năm 1942 và ngôi nhà Các Vương Công bị bán năm 1946. Công nghiệp do Rutherford để lại cho phong trào bao gồm sự tập trung, quan liêu hoá và quân sự hoá phong trào. Ba điều trên đưa tới trật tự và kỷ luật nên ông thành công và số người gia nhập mỗi ngày một tăng thêm lên.
3. Những người kế vị Rutherford cho đến ngày nay.
Ông Nathan Homer Knorr (1905-1977) lên kế nghiệp cho đến năm 1977. Ông càng cứng rắn hơn về giáo thuyết và đặt ra những quy luật khắt khe như : cấm truyền máu, không đi quân dịch, không đi bầu hay tham dự vào các hội đoàn tư. Nathan cũng tính lại ngày tận thế và tiên báo điều đó sẽ xảy ra năm 1975 rồi năm 1986. Khi Nathan qua đời, ông Frédérick Whilhem Franz kế vị cho đến năm 1992, và hiện thời giáo phái do Milton G. Henshel điều khiển. Qua bao nhiêu đột biến nhưng đường hướng Giáo phái không thay đổi nhưng đều nhắm đến mục tiêu chính : truyền bá giáo thuyết bằng sách báo và đi thăm viếng tại gia. Mỗi thành viên giáo phái chứng nhân là một nhà rao giảng và họ đã thành công. Năm 1992, họ có khoảng 4,5 triệu tín đồ và tập san Hãy Bừng Tỉnh phát hành mỗi lần 9.800.000 bản với 54 thứ tiếng.
4. Vài điều nên biết khi người Giáo phái Jehovah đến nhà.
A. Giáo phái chứng nhân Jehovah chủ trương điều sai lạc với đức tin Công Giáo :
Giáo phái chứng nhân Jehovah chú giải Kinh Thánh một cách thiển cận và quá mức đơn giản. Họ khẳng định chỉ dựa trên Kinh Thánh và chối từ Truyền Thống. Ngay từ điểm này, ta thấy ngay lập luận không vững vì ngay những sách Tin Mừng khởi đầu cũng được truyền khẩu trước khi được viết thành văn bản. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Thessalônica đã viết như sau : Anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ (2 Tx 2,15). Giáo Hội đóng một vai trò quan trọng vì Giáo Hội có bổn phận gìn giữ đúng đắn việc loan truyền lời Chúa Kitô dạy. Lời Chúa được các Tông đồ thâu nhận và Giáo hội bảo đảm điều chú giải chính xác. Theo họ, Jehovah là tác giả Kinh Thánh và các nhà văn viết lại chỉ là những thư ký của Ngài. Kinh Thánh chứa đựng khoa học, xả hội và tôn giáo vì vậy phải theo sát ý từng chữ ghi trong Kinh Thánh tức là theo nghĩa văn tự. Từ đó, người chứng nhân Jehovah không ăn thịt còn máu và từ chối việc truyền máu vì họ giải thích từng chữ đoạn diễn từ của ông Gia-cô-bê trong sách Công vụ các Tông đồ 15,20 : ... (tôi xét) chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và iêng ăn tiết. Vì vậy từ năm 1972, họ bị cấm ăn thịt còn máu như luật người Do thái ghi trong sách Lê-vi 17,14. Máu là sinh khí tụ lại nên chỉ dành riêng cho Thiên Chúa vì Ngài là chúa tể sự sống.
Thật ra, Giáo phái chứng nhân Jehovah chỉ cố lấy những câu Kinh Thánh lẻ tẻ rải rác đây đó cho phù hợp với các biến cố lịch sử và cắt nghĩa theo ý riêng. Ngay cả trong vấn đề dịch thuật : Ví dụ theo Tin Mừng Thánh Matthêô, họ đã sửa đổi câu Đức Giêsu nói khi Ngài lập phép Thánh Thể: Đây là mình Thầy (Mt 26,26) thành Đây có nghĩa là mình Thầy. Đôi khi họ cũng không ngần ngại chú giải méo mó bản văn như trong đoạn Đức Giêsu nói với Phêrô : anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy (Mt 16,18). Phái chứng nhân Jehovah cắt nghĩa đoạn này như sau: chữ tảng đá đầu đoạn văn ám chỉ Phêrô còn chữ thứ hai ám chỉ chính Đức Giêsu. Thêm nữa, khi nói đến con số 144.000 được ghi trong sách Khải Huyền, họ cho rằng chỉ có nhóm nhỏ gia nhập Giáo phái mới là thành phần trong con số biệt đãi ấy. Thật ra, theo ngôn ngữ Kinh Thánh số ngàn không mang giá trị của toán học nhưng mang biểu tượng hằng hà sa số; và nhất là con số 144 là kết quả của 12 X 12. Mười hai ở đây biểu trưng cho 12 chi tộc Israel. Bởi vậy 12 lần 12 tức là những kẻ được chọn thật nhiều. Giáo phái chứng nhân Jehovah không tin vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi hay mầu nhiệm Nhập Thể. Đối với họ, Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa, càng không phải là Con Thiên Chúa. Ngài chỉ là một thụ vật ưu đải, siêu việt hơn ông A-Dong mà thôi. Đối với họ, Đức Giêsu không nhập thể nhưng chỉ chuyển dời vào nhân loại. Ngài trở thành Đấng Thiên Sai khi nhận lảnh phép rửa. Họ giải thích điều này như sau : Qua thần khí, Jehovah đã chuyển dời Đức Giêsu từ trời xuống lòng một trinh nữ người Do thái tên là Maria... Đức Giêsu là một con người hoàn hảo, được miễn trừ tội lỗi như ông A-Dong. Ngài sống với Mẹ và ông bố nuôi và hành nghề thợ mộc cho tới năm 30 tuổi... Sau đó Ngài đến với ông Gioan chịu phép rửa... Tại dòng sông Gio-đan qua thần khí, Đức Giêsu chịu xức dầu trở thành Vị Thượng tế tiêu biểu nhất....
Học thuyết của họ hoàn toàn dựa trên thời Cánh Chung và các người lảnh đạo giáo phái đã không ngần ngại đưa ra những lời tiên báo thật chính xác về ngày tận thế. Người Công Giáo qua mỗi Thánh Lễ cũng nhắc lại niềm tin về ngày Đức Giêsu trở lại nhưng chúng ta tin như lời Ngài đã phán: Còn về ngày và giờ đó, thì dù là các thiên sứ trên trời, hay cả Người Con đi nữa, cũng không ai biết được, trừ một mình Chúa Cha mà thôi (Mt 24,36). Theo họ, Đức Giêsu chỉ là một trong những người con thiêng liêng của Thiên Chúa nên Ngài trở thành vô hình; vì thế khi nói Ngài trở lại tức là chúng ta sẽ không thấy Ngài nhưng Đức Giêsu trở lại có nghĩa là Ngài mở rộng quyền hành trên trần thế. Dấu chỉ mà ta có thể thấy được nằm trong những biến động như chiến tranh, động đất, tội ác....
Giáo phái chứng nhân Jehovah không có các phép bí tích. Họ chỉ giữ nghi thức Thanh Tẩy. Vì thế những ai muốn gia nhập Giáo phái, một khi đã tuyên xưng từ bỏ mọi sự tương lai trần thế sẽ được dìm mình xuống nước để trở thành chứng nhân có phận sự đi rao giảng và trở thành thừa tác của Jehovah.
B. Chúng ta phải làm gì khi có một chứng nhân Jehovah đến nhà.
1. Tôn trọng lẫn nhau.
Nếu như một người đến muốn chia sẻ, chúng ta tôn trọng đón tiếp. Dĩ nhiên nếu thời giờ cho phép. Tiếp đón họ và cần biết người đó thuộc Giáo phái nào và gồm những thành phần nào. Chúng ta cần giữ liên lạc vì biết đâu một ngày nào đó họ sẽ cần đến ta; vì không thiếu những người bỏ Giáo phái sau 6 -7 năm sinh hoạt. Lúc đó, họ sẽ cảm thấy cô đơn và muốn được nâng đỡ. Luật ưu tiên để có một tinh thần tôn trọng tức là đừng bao giờ lên án nhưng biết thương yêu.
2. Cần Rõ Ràng.
Tôn trọng như nói trên không có nghĩa phải nhu nhược chấp nhận làm vừa lòng họ; nhưng chúng ta phải biết cứng rắn trong Đức Tin. Vững niềm tin nghĩa là không mang tâm trạng với một chủ nghĩa thất bại hay lưỡng lự. Thật thế, có nhiều Kitô hữu không có lòng mộ đạo hay dấn thân như những tín đồ giáo phái Jehovah. Chúng ta cần minh bạch rõ ràng chứ đừng ngụy biện muốn có sự hoà đồng tôn giáo với lý do khoan dung : Chúng ta cùng một Chúa hay đạo nào cũng vậy! Khi họ bắt đầu mang Kinh Thánh dẫn chứng, nếu như ta không rõ nên ghi nhận để hỏi những người có khả năng giúp ta sau này, nhưng dầu sao cũng nên nhớ những tranh luận bắt nguồn từ Kinh Thánh đòi hỏi phải có sự hiểu biết, và tranh cải hời hợt sẽ đưa đến ngõ cụt. Ta không thể nào thuyết phục được họ với những trích dẫn Kinh Thánh nhưng phải trưng bày những bằng chứng sống đạo hằng ngày trong gia đình và trong việc làm.
3. Sống Lời Chúa
Muốn sống thì việc trước hết ta phải biết; việc này đòi hỏi cần phải có thời gian học hỏi Kinh Thánh. Trong gia đình phải chịu khó đọc Lời Chúa, ghi những thắc mắc để đào sâu thêm : học cầu nguyện với Kinh Thánh. Suy niệm trong thinh lặng : Chúa sẽ nói với ta. Một khi đã làm quen với Lời Chúa sẽ tiến đến giai đoạn thể hiện trong cuộc sống, trong mối giao hảo và ngay trong những quyết định của ta với câu hỏi: Đức Giêsu sẽ làm sao trong hoàn cảnh của tôi? Tất cả mọi việc trên không phải một mình ta có thể làm được nhưng cần được chia sẻ trong Cộng đoàn Dân Chúa ví dụ như trong một nhóm Công Giáo Tiến Hành.
4. Xây dựng một Giáo Hội huynh đệ và nồng nhiệt.
Tất cả các phần tử Cộng đoàn Dân Chúa đều có bổn phận chăm nom phẩm chất cuộc sống Giáo Hội qua cách tiếp đón và làm chứng về Đức Tin và Tình thương. Nếu chúng ta cố gắng sống được như thế để làm chứng nhân giữa trần thế thì đó là điều rao giảng hữu hiệu nhất. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với giới trẻ xứ Côte-d'Ivoire như sau: Các con cần một nhu cầu cốt tử hội nhập vào những cộng đoàn Kitô hữu huynh đệ và năng động. Hãy năng chuyên cần lui tới. Hãy làm cho có sinh khí với hơi khí trẻ trung của các con. Hãy xây dựng nó... như thế sự cám dỗ của các con đi tìm những nơi khác, trong những giáo phái sẽ rơi mất mà Kitô Giáo mang lại trọn vẹn cho chúng con.
Lm Thêôphilô