Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Sự xuất hiện của đạo Hồi

Sử gia tôn giáo người Anh là Will Durant viết “Nếu chúng ta đánh giá sự vĩ đại qua tầm cỡ ảnh hưởng, thì ông ta quả là một trong con người khổng lồ của lịch sử”, Durant đã viết về Mohammed như vậy.

Mohammed là ai ?

 Mohammed (569 – 632) mất cha và mẹ khi mới lên 6. Ông nội rồi một người chú nuôi ông khôn lớn, nhưng lại quên không dạy ông đọc và viết. Năm 12 tuổi, ông làm nghề chăn lạc đà, và đi theo các đoàn lạc đà chuyên chở hàng hoá của các thương gia. Năm 25 tuổi, ông may mắn cưới được một bà goá 40 tuổi, giàu có, tên là Khadija, cũng là một thương gia lớn, chủ một đoàn lạc đà chở hàng. Hai vợ chồng sống yên ấm trong một phần tư thế kỷ rồi Khadija qua đời, khi Mohammed 55 tuổi. Sau đó, ông tuần tự cưới 10 người vợ từ 7 đến 21 tuổi, không kể 2 người vợ lẽ luôn sẵn sàng hầu ông.

 Mohammed là người có tầm cao trung bình, có bộ tóc đen xoã dài tới bộ râu nơi cằm và bộ râu nơi cằm lại xoã dài xuống đến ngực. Có thể vì ông có bộ tóc xoã dài và bộ râu rậm đẹp cho nên nhiều cô gái trẻ hâm mộ ông.

 Người ta thấy lạ là vì sao giáo chủ Mohammed không biết đọc và viết lại có thể là tác giả kinh Coran, là sách Thánh của đạo Hồi. Theo truyền thuyết của đạo Hồi, Mohammed được gặp thần Gabriel, là phái viên của Thượng đế Allah. Thần Gabriel trao cho ông một phiến đá có khắc chữ và đọc cho ông nghe nội dung Kinh Coran ghi trên phiến đá. Và do thần lực của Gabriel, Mohammed tuy không biết đọc và viết cũng tự nhiên đọc và ghi được lời của Thần. Theo lời Thần Gabriel, Thượng đế Allah phong cho Mohammed làm sứ giả của Thượng đế ở trần gian. Những chuyện khó tin như thế, nhưng hàng tỷ tín đồ đạo Hồi hiện nay vẫn tin được, vì đó là lời Thánh.

 Mohammed từ lâu đã nuôi hoài bão tập hợp các bộ tộc Ả Rập sống phân tán và kình địch lẫn nhau trong sa mạc của bán đảo Ả Rập thành một dân tộc thống nhất, để có thể nở mày nở mặt với thế giới. Chất men để hoà hợp các bộ tộc phân tán thành một dân tộc thống nhất chính là niềm tin tôn giáo.

 Tôn giáo mà Mohammed sáng lập là Islam, với Allah là Thượng đế và Mohammed là tiên tri, tức là phái viên hay sứ giả của Allah tại trần gian.

 Mohammed là gì, khác biệt với từ Mahomet như thế nào?

 Mohammed là từ Ả Rập có nghĩa là “được vinh danh”, “được ca ngợi”. Còn Mahomet là từ tương đương của tiếng Pháp, và người Việt chúng ta cũng theo người Pháp nói Mahômết. Cả hai từ Mohammed và Mahômết cũng cùng một nghĩa, như vừa nói.

 Còn từ Hồi trong hợp từ đạo Hồi hay Hồi giáo là do người Việt nói theo người Trung Quốc. Vào đời Đường bên Trung Quốc, ở vùng Tân Cương có bộ tộc Uighurs, dịch âm ra tiếng Trung Quốc là Hồi Hột, theo đạo Islam, cho nên người Trung Quốc gọi đạo Islam là đạo của người Hồi Hột, nói vắn tắt là đạo của người Hồi hay đạo Hồi.

Từ Islam vốn nghĩa là gì?

 Các nhà Đông phương học và tôn giáo học thường dịch Islam là “phục tùng”, tức là phục tùng ý chí của Thượng đế Allah. Tuy nhiên, theo một số các sử gia tôn giáo, có phân tích Kinh Coran thì từ Islam còn có thêm 2 nghĩa nữa là:

 a) Islam là tuân thủ nền hoà bình của Thượng đế.

 b) Islam là tên gọi của mọi tôn giáo chân chính và đích thực,

 (Xem cuốn Les grandes religions (Những tôn giáo lớn) Philippe Gaudin chủ biên tr. 88)

Những bước tiến nhanh chóng thần kỳ của đạo Hồi

Ở thế kỷ thứ 6, người Ả Rập còn là những dân du mục trong sa mạc. Ở thế kỷ thứ 7, họ là đoàn quân chiến thắng, chiếm trọn vùng Trung Đông, rồi Ai Cập, Bắc Phi, vượt biển, chiếm Tây Ban Nha, rồi lại vượt dãy núi Pyrénées tràn vào nước Pháp. Ở đây, đạo quân Hồi bị chặn đứng bởi vua Charles Martel. Đến thế kỷ thứ 8, người Ả Rập Hồi giáo làm chủ một đế quốc rộng lớn, trải dài từ Đông sang Tây, và biến biển Địa Trung Hải không khác gì một cái hồ của đạo Hồi.

 Sau đây là một vài mốc thời gian tiêu biểu của cuộc tiến quân thần kỳ đó:

 Lần lượt, những nước sau đây rơi vào tay của các đạo quân Hồi: Damascus năm 635, Palestine năm 638, Syria năm 640, Ai Cập năm 641. Năm 636, đế quốc Ba Tư của dòng họ Sasanids bị quân Hồi giáo đánh bại trong một tình huống hết sức đặc biệt: Ngày quân Hồi tấn công với một quân số ít hơn, một trận bão cát làm cho đạo quân Ba Tư đông người hơn bị mù mắt và bỏ chạy tán loạn. Trong cuộc giáp chiến lần thứ hai, 150.000 quân Ba Tư lại một lần nữa bị 30.000 quân Hồi đánh bại, và đế quốc Ba Tư của dòng họ Sassanids bị xoá trên bản đồ từ đó.

 Làm thế nào để giải thích những bước tiến thần kỳ đó của đạo Hồi? Biết bao các sử gia tôn giáo, các nhà tôn giáo học và xã hội học đã phân vân, lúng túng khi tìm cách giải đáp câu hỏi này. Lạ lùng thay, những chiến thắng của người Ả Rập Hồi giáo không chỉ hạn chế trong phạm vi tôn giáo và quân sự, bởi lẽ, đến thế kỷ thứ 9, trong khi cả Tâu Âu lún sâu vào thời kỳ gọi là kỷ nguyên đen tối của Trung Cổ, thì người Ả Rập Hồi giáo lại tạo ra một nền văn minh xán lạn rực rỡ, với những công trình nghệ thuật điêu khắc, văn học và khoa học xuất sắc.

Những lý do khả dĩ của sự bành trướng nhanh chóng của Hồi giáo

 1. Các đội quân Hồi giáo nói chung rất thiện chiến, nhất là kỵ binh. Điều này dễ hiểu, vì dân Ả Rập vốn sống theo nghề du mục trong bán đảo Ả Rập, mà diện tích phần lớn là sa mạc. Hơn nữa, giáo chủ Mohammed truyền cho họ niềm tin về cuộc Thánh chiến, những người tử vì đạo trong cuộc Thánh chiến sẽ được lên thiên đàng, một thiên đàng mà giáo chủ Mohammed mô tả là cây cỏ xanh tươi, nước tưới đầy đủ, và nhất là có các tiên nữ xinh đẹp (từ Ả Rập gọi là houris), sẵn sàng hầu hạ phục vụ. Các sử gia tôn giáo đều nói là thiên đàng của Hồi giáo đầy nhục cảm (fleshy).

 Tuy rằng Mohammed hứa hẹn những khoái lạc của Thiên Đàng Hồi giáo cho những người Hồi giáo sống theo Kinh Coran hay là tham gia Thánh chiến mà tử vì đạo, nhưng trên thực tế, binh sĩ Hồi giáo sau khi từ bỏ vùng sa mạc của bán đảo Ả Rập và trên bước đường chiến thắng có thể nói họ đã được hưởng thụ mọi khoái lạc nhục cảm đó rồi Vì những vùng bị chinh phục chính là những vùng giàu có, có đầy đủ hoa thơm cỏ lạ và phụ nữ đẹp, mà đoàn quân chiến thắng tự cho mình quyền hưởng thụ như là hồng ân của Thượng đế Allah.

 2. Ai là người sẽ được lên Thiên Đàng? Đó là những người sống theo đúng lời dạy của Kinh Coran, và những người tử vì đạo trong các cuộc Thánh chiến.

 Không những Thiên Đàng mà cả địa ngục nữa cũng được Kinh Coran mô tả rất sống động: Những hố đầy lửa, kẻ ác cũng khoác áo lửa, bị tưới nước dầu sôi và máu mủ! Trái ngược với địa ngục, thiên đàng là vườn hoa cỏ lạ, ở đây tín đồ bận y phục màu xanh mát, nằm thoải mái gối đầu trên nệm, thưởng thức hoa quả và rượu nhẹ không làm đau đầu, lại được phục vụ bởi những thiên nữ trẻ, gọi là houris, mắt đen, có đùi rất tròn!!

 Phải thừa nhận rằng, Mohammed tuy không biết đọc, biết viết, nhưng vẫn là nhà tâm lý học sâu sắc, rất hiểu những dân du mục mà ông tập hợp muốn những gì?

Kinh Coran, chương II, câu thơ 152:  “Đối với mọi linh hồn, chúng tôi chỉ yêu cầu những điều họ có khả năng làm được”

 Đó chính là một bí mật của sự thành công của đạo Hồi: không đòi hỏi ở con người bình thường những điều mà nó không làm được. Một đạo giáo mà một người muốn trở thành tín đồ chỉ cần long trọng tuyên bố: “Allah là Thượng đế duy nhất và Mohammed là sứ giả của Ngài”. Tuy rằng, người tín đồ phải cầu nguyện mỗi ngày 5 lần, nhưng cầu nguyện ở đâu cũng được, miễn là hướng mặt về phía Thánh địa La Mecca, với tư thế quỳ, trán dán xuống mặt đất.

 Có lẽ, điều khó thực hiện nhất đối với tín đồ Hồi giáo là sống chay tịnh trong tháng Ramadan, nhằm kỷ niệm sự kiện Thần Gabriel đem kinh Coran khải thị cho Mohammed. Sống chay tịnh là không ăn, uống, hút thuốc nhưng chỉ từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, còn sau mặt trời lặn thì tha hồ. Về nguyên tắc, tín đồ trong ngày được khuyên cáo sống tĩnh lặng và suy tư. Nhưng trên thực tế thì đa số tín đồ tranh thủ ngủ ban ngày, và đêm đến họ lại ăn uống như bình thường.

 Đạo Hồi, ngoài những quy định trên thì không có lễ lạc, không có tu sĩ, không có điện thờ, không có tranh hay tượng, không có ca nhạc tôn giáo.

 Phải đặt Hồi giáo trong bối cảnh xã hội - lịch sử đương thời thì mới hiểu được những bước tiến ngoạn mục của Hồi giáo. Hồi giáo và giáo chủ Mohammed đã tập hợp được những người dân du mục Ả Rập, trong sa mạc của bán đảo Ả Rập, trước đây sống cách biệt nhau thành các bộ tộc, thường cướp bóc nhau, chiến tranh với nhau thành một dân tộc đoàn kết, hoà hợp bằng đức tin ở một Thượng đế Allah duy nhất.

 Hồi giáo ngăn chặn được một loạt các tệ nạn phổ thông lúc bấy giờ ở các nước Ả Rập, như giết trẻ gái sơ sinh, nạn uống rượu và cờ bạc, việc đối xử tàn nhẫn đối với nô lệ, cải tiến quy chế đối với chuẩn phụ nữ, hạn chế ly dị, cấm ngặt nạn mãi dâm. Ngay ở các nước Ả Rập Hồi giáo hiện nay, không có quán rượu, ổ mãi dâm, nhà chứa bạc. Tất nhiên, tệ nạn giấu lén thì ở đâu cũng có, nhưng chắc là có ít hơn ở các nước Hồi giáo.

 Mặc dù, về lý thuyết, tất cả những người Hồi giáo đều là anh em, nhưng người ta thống kế có tới 72 giáo phái khác nhau, với ít nhiều mâu thuẫn giữa chúng. Hai giáo phái đông tín đồ nhất là giáo phái sunnite (gốc từ sunna là truyền thống), và giáo phái shiite. Thí dụ, 93% nhân dân nước Iran là theo giáo phái shiite. Còn tín đồ Hồi giáo ở Irắc đều theo giáo phái Sunnite. Chúng ta không lấy làm lạ rằng, giữa hai nước Iran và Irắc đã từng xảy ra một cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm.

 Nói tóm lại, một yếu tố hàng đầu của thành công của đạo Hồi là tính giản dị của nó, rất hợp với người Ả Rập, ngày xưa vốn sống bằng nghề du mục và chăn lạc đà. Yếu tố thứ hai là vai trò cá nhân của giáo chủ Mohammed, một người không biết đọc, biết viết, nhưng có trí thông minh bẩm sinh.

 Nếu đối chiếu với phong tục truyền thống hiện hành của người Ả Rập đương thời, thì sự xuất hiện của đạo Hồi là một bước tiến bộ rất lớn, như đã phân tích trên đây. Mặc dù những thắng lợi quân sự của các đạo quân Hồi là ngoạn mục, nhưng nếu chỉ thấy mặt quân sự thì làm sao giải thích được sự xuất hiện của cả một nền văn minh Hồi giáo rực rỡ và đầy sáng tạo vào thế kỷ thứ 9 trong khi cả Tây Âu đang chìm đắm trong thời kỳ được mệnh danh là kỷ nguyên đen tối của Trung Cổ (The Dark Age). Hơn nữa, chiến tranh có quy luật của nó. Chúng ta có thể trách những người Hồi giáo tàn ác, nhưng khi quân đội Nguyên Mông, dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan), tiến về phía Tây và Tây Nam đánh chiếm các vùng và thành phố Hồi giáo, thì họ cũng tàn sát người Hồi không thương tiếc. Trong trận đánh đầu tiên với quân Nguyên Mông, mặc dù đạo quân Hồi đông đến 400.000 người, nhưng cũng bại trận. Sau khi chiếm thành Bokkhara, 30.000 dân thường bị giết. Với cuộc đánh chiếm Bagdad thủ đô của Hồi giáo, hơn 800.000 thường dân bị tàn sát. Điều may là quân Mông Cổ bị người Ai Cập đánh bại trong trận Damascus năm 1303. Nếu không thì sự tàn phá của quân Nguyên Mông còn kinh khủng hơn nữa, đối với thế giới Hồi giáo.

 Tuy nhiên, có thể nói, từ năm 1550 trở đi, đế quốc Hồi giáo bắt đầu tàn lụi dần, chủ yếu là do mất đoàn kết nội bộ, sau khi bị quân đội Nguyên Mông của Thành Cát Tư Hãn giáng cho nhiều đòn chí tử.

 Một nguyên nhân nữa đem lại chiến thắng quân sự nhanh chóng của các đội quân Hồi là vào thời kỳ xuất hiện của các đạo Hồi, là các đế quốc lớn hiện lúc bấy giờ đã bị suy yếu nhiều, không kể đế quốc nhà Đường ở Trung Hoa, ở quá xa về phía Đông. Ba đế quốc lớn lúc bấy giờ là đế quốc La Mã, phần còn lại ở phía Đông là đế quốc gọi là Byzance, với thủ đô tại Constantinnốp, và đế quốc Ba Tư.

 Đế quốc La Mã phương Tây với thủ đô là La Mã, bị các bộ tộc gọi là “dã man”, từ phương Bắc tràn xuống và đánh chiếm vào khoảng cuối thế kỷ V, và đế quốc La Mã phương Tây trên thực tế không còn tồn tại. Còn lại là vùng phía Đông của đế quốc La Mã, với các tên mới là đế quốc Byzance, với thủ đô là Constantinốp, được xem là La mã thứ hai ở phương Đông.

 Đế quốc La Mã phương Tây tuy tan rã, nhưng thế lực của Giáo hoàng La Mã lại mạnh lên, đặc biệt là với Giáo hoàng Gregory VII, năm 1075, đã đưa ra một số quy định, như linh mục không được lấy vợ, chức vụ trong Giáo hội không được mua bán, và nhất là chính quyền thế tục không được bổ nhiệm linh mục và giám mục. Năm 1077, Hoàng đế nước Đức là Henry IV, đã phải quỳ trong tuyết ba ngày liền vì chống lại Giáo hoàng!

 Giáo hoàng cũng tuyên bố quyền lực tuyệt đối của Giáo hoàng La Mã đối với toàn thế giới Thiên chúa giáo, từ nay gọi là Gia tô giáo (với nghĩa tôn giáo của toàn cầu), và sự kiện này dẫn tới cuộc xung đột lịch sử giữa Giáo hoàng La Mã và Đại giáo trưởng Constantinốp. Giáo Hoàng La Mã rút phép thông công đối với Đại giáo trưởng Constatinốp, và một tuần sau đó, ông này lại rút phép thông công đối với Giáo Hoàng. Nhưng cuộc xung đột không dừng lại trên bình diện thư từ rút phép thông công.

 Năm 1183, những người Hi Lạp trong đế quốc Byzance giết sạch những người Ý hiện hữu trong đế quốc. Và năm 1204, người Ý tham gia cuộc Thập tự chinh (Cruisad) lần thứ 4 đã chiếm Constatinốp, giết hết nam tu sĩ, hãm hiếp nữ tu sĩ, cướp đi mọi tranh tượng và của cải trong Nhà thời chính thống giáo… Tuy là 50 năm sau đó, người Hy Lạp chiếm lại Constatinốp, nhưng có thể nói đế quốc Byzance đã bị suy yếu tận gốc rễ, và Constatinốp dễ dàng rơi vào tay quân Thổ Hồi giáo năm 1453.

 Trên đây là số phận của đế quốc La Mã phương Tây, và đế quốc La Mã phương Đông, còn đế quốc Ba Tư thì trước khi bị các quân đội Hồi tiêu diệt, nó cũng đã từng bị suy yếu nhiều do chiến tranh liên tục với đế quốc Byzance, kéo dài hàng thế kỷ.

 Có thể nói là có một khoảng trống quyền lực thật sự, tại các vùng quân Hồi tiến quân. Có đôi chút kháng cự chăng là ở Ai Cập, có giao chiến thật sự chăng là ở Pháp, khi tiền quân Hồi giáo bị Charles Martel chặn lại ở Tours.

Nói chung lại, có ba yếu tố giải thích những bước tiến ngoạn mục của đạo Hồi.

Một là một tôn giáo, giản dị trong lý thuyết và cả trong thực hành.

Hai là có một giáo chủ rất thông minh và tài ba, mặc dù mù chữ, không biết đọc và viết.

Ba là một khoảng trống quyền lực, do ba đế quốc suy yếu đương thời tạo ra (đế quốc La Mã phương Tây, đế quốc La Mã phương Đông và đế quốc Ba Tư). 

PhoNang

Bài viết khác