Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Ý Lễ cho 9 ngày, 30 ngày ?

Ý Lễ

Thưa cha,

 Con thấy trong cộng đoàn nơi con đang cư ngụ. Lâu lâu có một số người xin lễ liên tục 9 ngày, hoặc 30 ngày cho người thân của họ. Đâu là ý nghĩa của việc xin lễ này ?

Fatima (Pháp)

1. Ý nghĩa « xin lễ » :

 Bình thường người Công giáo đều hiểu hiến tế thánh lễ là một sự tạ ơn, tôn vinh Thiên Chúa và diễn đạt nỗi vui mừng. Chúng ta gọi là tạ ơn Đức Giêsu Kitô. Và mỗi thánh lễ được dâng lên là cho toàn thế giới : « này là Mình ta sẽ bị nộp vì các con này là chén máu Ta sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội » như lời Đức Giêsu nói.

 Ngoài ra, anh chị em Kitô hữu cũng thường xin một thánh lễ dâng lên theo ý nguyện cầu đặc biệt. Chúng ta thường gọi là « xin lễ », với ý nguyện dâng lời nguyện xin lên Thiên Chúa cho một người nào đó đã qua đời hay còn sống. Đôi khi ý lễ còn là lòng ao ước tạ ơn Thiên Chúa cho một ân huệ nhận được. Đi kèm theo ý xin lễ, Kitô hữu thường đưa một số tiền gọi là « tiền xin lễ ». Ý nghĩa nào cho việc xin lễ này ?

 Chúng ta biết Thánh lễ vô giá. Hành vi này hoàn toàn khác biệt với việc chúng ta đi mua sắm một vật dụng nào đó hoặc chúng ta trả công cho một công việc phục vụ. Chúng ta không bỏ tiền ra để mua các bí tích. An huệ Thiên Chúa trao ban không phải hoàn trả bằng tiền bạc vì là vô giá. Nếu như chúng đưa một số tiền cho vị linh mục khi chúng ta xin một ý lễ, không phải mang ý để trả tiền lễ. Thánh lễ không có giá cả như ta thường hiểu giá cả thương mại. Thánh lễ mang giá vô tận mà Đức Kitô đã hy hiến : « Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân » (Khải huyền 5,9).

 Trả tiền xin lễ cũng không phải giao phận sự cho vị linh mục cầu nguyện thế cho ta. Hành vi này đưa người xin lễ dấn thân tham dự vào hy sinh của Đức Kitô được cộng đoàn cử hành. Việc làm này rất cổ xưa. Từ thuở ban đầu, các tín hữu đã tham gia tích cực cụ thể vào Thánh lễ bằng các dâng tiến lễ vật dưới nhiều hình thức : bánh và rượu, dâng cúng giúp cho Gíao hội, giúp vào việc phụng tự, sinh kế cho linh mục và giúp các người nghèo.

 Nguồn gốc « dâng cúng » này bắt nguồn từ thời Cựu ước. Các thầy tư tế có quyền giữ một phần lễ vật dân chúng dâng hiến cho Thiên Chúa để sinh kế. Hình thức xin lễ như chúng ta làm hiện nay xuất hiện từ hồi thế kỷ thứ VIII. Bộ Giáo luật hiện hành giữ lại ý nghĩa, và cho phép làm ở các số 945, 946… Dù ở đây, chúng ta nói của dâng lễ, nhưng phải biết là của lễ dâng giúp vào sinh kế của vị linh mục, chứ không phải là của dâng hoàn thành trong thánh lễ ; vì trong thánh lễ không có của dâng nào ngoài sự hiến tế của Đức Kitô cho Cha của Ngài, và Giáo hội đến kết hiệp dâng của lễ mình vào đó : « vì thế, lạy Cha, giờ đây tưởng nhớ Con Cha đã chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Cha bánh trường sinh và chén cứu độ này, để tạ ơn Cha đã cho chúng con con được đến trước tôn nhan và tế lễ phụng thờ » (Kinh nguyện Thánh Thể số 2).

 « Xin lễ » là cách cụ thể đưa người Kitô hữu tham gia vào cuộc sống vật chất của Giáo hội. Một ví dụ cụ thể chúng ta biết được khá rõ ràng là trường hợp Giáo hội Công giáo tại Pháp. Hai giáo phận thuộc miền Alsace Lorraine (Đông bắc, Pháp) còn dưới qui chế « concordat », cho nên các Linh mục phục vụ cho giáo phận được chính phủ pháp trả lương ; ngoài ra tất cả các Giáo phận khác trên nước Pháp không còn được chính phủ tài trợ vì đạo luật chia ngăn Giáo hội và nhà nước năm 1905. Vì thế Giáo hội sống nhờ vào lòng quãng đại của Giáo dân để trang trải mọi phí tổn, như giúp sinh kế cho các linh mục, đào tạo chủng sinh va giáo dân, hệ thống các tuyên uý trường học, nhà thương, công giáo tiến hành… Tiền « xin lễ » thuộc phần thu nhập quan trọng, chiếm ¼ tài nguyên của Giáo hội tại Pháp. Với số tiền thu nhập này, Giáo hội Pháp còn chia sẻ với rất nhiều Giáo hội công giáo khác ở các nước đệ tam.

Chúng ta cũng nên biết, dù vị linh mục có dâng nhiều thánh lễ trong một ngày, nhưng ngài cũng chỉ được giữ lại cho mình tiền của một ý lễ thôi. Những ý lễ khác được trao lại cho các linh mục khác.

Một điều nữa cần lưu ý, truyền thống công giáo luôn luôn phụ của dâng lễ riêng tư vào với cọng đoàn. Giáo hội nhắc nhở rằng « thánh lễ » không bao giờ mang quyền lợi cá biệt nhưng luôn luôn được mở rộng ra chiều kích cộng đoàn và phổ quát. Dâng hiến vật chất muốn nhấn mạnh ý chí người cho kết hợp những người mà họ yêu mến qua hiến lễ duy nhất của Đức Kitô.

 Chúng ta cũng nên nhớ những ngày lễ Trọng, và những Chúa nhật, vị linh mục dâng thánh lễ với ý nguyện cho tất cả những người được trao phó trong sứ vụ của ngài, cho dù chúng ta không cho ngài tiền. Qua điều này cho thấy mối liên hệ gắn bó giữa vị mục tử với cộng đoàn ngài chăm nom. Dầu vậy, điều đó không ngăn cấm việc gộp vào những ý nguyện riêng trong kinh nguyện chung của ngày Chúa nhật. Vì vậy, chúng ta thường nghe, các linh mục đọc hết ý nguyện xin lễ trong tuần, nhưng mỗi ngày ngài chỉ có quyền dâng một ý cho mỗi thánh lễ mà thôi.

2. Ý Lễ cửu nhật :

 Ý nghĩa cửu nhật (9 ngày) bắt nguồn từ 9 ngày ngăn cách giữa lễ Đức Chúa Giêsu lên Trời và lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Con số 9 còn mang một biểu tượng sâu xa, vì số 9 đến từ con số 3 X 3 biểu hiện cho cho sự hoàn hão của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cửu nhật giữa lễ Thăng Thiên và lễ Hiện xuống rất quan trọng. Trong sách Công vụ các Tông đồ, thánh sử Luca trình bày Giáo hội đang cầu nguyện cùng với Đức Maria. Đó là nguyên mẫu lý tưởng về sự cầu nguyện của Giáo hội. Một kinh nguyện của Giáo hội diễn đạt lòng ao ước và một chờ đợi. Từ đó khai sinh ra những cửu nhật sùng kính Đức Mẹ Vô nhiễm ; thánh Giuse ; thánh Têrêsa hài đồng Giêsu và rồi đến việc xin lễ làm cửu nhật.

3. Ý nghĩa xin 30 ngày lễ :

 Xin lễ cho 30 ngày liên tục đã được biết đến từ thế kỷ thứ VI dưới triều Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả. Trước khi lên ngôi Giáo hoàng, ngài làm bề trên tu viện đan sĩ thánh Anrê tại Rôma. Trong tu viện, có một đan sĩ tốt lành và có nghề y sĩ tên là Justus. Khi qua đời, người ta tìm thấy trong phòng của ông có nhiều đồng tiền vàng. Thời bấy giờ, việc giữ tiền này như thế là phạm luật nặng nề. Cha tu viện trưởng liền ra lệnh ném xác Justus vào hố chôn công cộng với tất cả đống tiền vàng. Ngoài ra, mỗi đan sĩ còn ném lên trên xác với lời nguyền rủa : « tiền bạc của anh, tiêu tan luôn với anh » (Công vụ 8,20). Khi về lại cộng đoàn, cha tu viện trưởng thương xót người anh em mình, và ra lệnh dâng thánh lễ trong vòng 30 ngày liên tục, với ý xin giải thoát linh hồn thầy Justus. Sau 30 ngày, thầy Justus hiện về báo cho anh em trong tu viện biết ngài đã được giải thoát luyện ngục nhờ 30 thánh lễ vừa dâng. Đức Giáo Hoàng Benoit XIV, vào năm 1752 cổ võ việc dâng 30 Thánh lễ này. Chúng ta cũng cần biết, việc dâng 30 lễ này phải được cử hành liên tục chứ không được gián đoạn, nhưng không nhất thiết phải do một linh mục dâng mà thôi.

Lm Thêôphilô.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art