Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

7 lời cuối cùng của Đức Giêsu

7 lời cuối cùng của Đức Giêsu

 Kính thưa quí Cha!

 Xin quí Cha giải cho con những thắc mắc sau đây : Trong phần ngắm bảy sự đau đớn của Trái tim Mẹ Maria, ở tại phần ngắm thứ 5 như sau : Khi Đức Mẹ thấy con treo trên cây Thánh Giá phán ra bảy lời như trối của trọng để cho mẹ, đoạn Chúa Giêsu gục đầu xuống giã Đức mẹ mà sinh thì. Con rất thắc mắc bảy lời đó là bảy lời gì? Có phải bảy lời đó là bảy lời Chúa than thở với mẹ. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhưng trong lòng Mẹ vẫn phải gánh chịu bảy sự đau đớn vô cùng, và bảy sự đau đớn đó như những mũi dao đâm thâu tim Mẹ qua bảy ngắm về sự thương khó của Đức Mẹ phải không? Hay là bảy lời Chúa phán có những ý nghĩa khác mà con chưa được biết. Xin quí Cha vui lòng giải đáp thắc mắc này để con được hiểu biết thông suốt bể lời Chúa. Ít hàng vắn tắt con xin phép dừng bút. Kính chúc quí Cha chan hòa tình thương và ân sủng Thiên Chúa...

Nguyễn Thị Thoa (Nürnberg)

Trước khi nói về bảy lời cuối Đức Giêsu thốt ra trên thập giá, tôi nghĩ nên nói sơ qua về biểu tượng con số 7. Đối với chúng ta các con số là ý niệm căn bản về toán học. Đối với những nền văn minh xưa như người Sê-mít, con số đều mang một số biểu tượng. Trong Thánh Kinh, khi các tác giả nói về :

 - số 2 là số đôi tức là thật nhiều.

 - số 3 chỉ định khoảng thời gian thu hẹp nhưng không rõ ràng. Khi một cử chỉ hay một lời nói được lập lại ba lần tức là điều đó muốn được nhấn mạnh, ví dụ trong trình thuật về ơn gọi Ngôn sứ Isaia 6,3 : “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh”.

 - số 4, số 10 và 40 biểu tượng cái gì đó trọn đủ như 4 phương trời; 10 ngón tay; 10 giới luật Thiên Chúa ban cho ông Môsê trên núi Sinai (Xuất hành 20,1-17); 10 lời Thiên Chúa phần trong trình thuật Sáng Tạo (Sáng thế 1); 10 tai hoạ giáng xuống trên Ai Cập; Đặc biệt con số 40 chỉ định một thế hệ như 40 năm trong sa mạc. Vì thế số 40 chỉ định một thời gian dài và đầy đủ như 40 ngày lụt đại hồng thủy.

 - số 12 là số hoàn hão áp dụng cho dân Thiên Chúa với 12 chi tộc Ítraen. Số 11 là sự không hoàn toàn.

 - số 7 mang biểu tượng một loạt điều hoàn hão tương quan với lãnh vực thiêng liêng như ngày Sabát là ngày thứ bảy tức là ngày Thiên Chúa hoàn tất công cuộc sáng tạo; ngày con người dành cho Thiên Chúa. Bởi thế khi nói 77 lần 7 gợi lên sự hoàn hão quá mức tức là cái vô hạn. Vì thế số 6 và 31/2 diễn tả hoàn hão bất thành. Trong truyền thống Kitô giáo cũng thường nói đến 7 ơn của Chúa Thánh Thần tức là muốn xác định sự viên mãn. Điều này dựa vào một bản văn trong sách Ngôn sứ Isaia 11,2-3 viết về những phẩm chất Đấng Mêsia sẽ lãnh nhận từ Thiên Chúa.

Những lời cuối của Đức Giêsu trên thập giá.

 Truyền thống Kitô giáo luôn luôn giữ một lòng sùng kính đặc biệt dành cho những lời cuối cùng Đức Giêsu thốt ra trên thập giá. Trước đây thật xa xưa đã có những câu hỏi nêu lên đi tìm cho biết tất cả là bao nhiêu lời, và cuối cùng truyền thống giữ lại tất cả là bảy lời. Như đã nói ở trên về biểu tượng của các con số nên chúng ta không còn lạ gì là bảy lời. Những lời này ngày hôm nay vẫn mang ý nghĩa sâu xa cho chúng ta, thế nhưng muốn hiểu rõ chúng ta cần đọc những lời đó vào cái nhìn của các tác giả Tin mừng ghi lại. Tác giả Máccô cũng như Mátthêu bận tâm nhấn mạnh tính chất con người của Đức Giêsu chịu đau khổ tột cùng đã ghi khoảng giờ thứ chín tức là khoảng ba giờ chiều, Đức Giêsu thốt lên lớn tiếng lời Thánh vịnh 22 bằng tiếng Aramê : “Elôi, Elôi, lama sabácthani! (Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?) (Mc 15,34 và Mt 27,46). Lời này mới đọc thoáng qua như một tiếng kêu thất vọng, thế nhưng nó diễn tả cảnh khốn quẫn thì đúng hơn. Thất vọng cho rằng Đức Giêsu đã mất tin tưởng vào Thiên Chúa Cha còn nổi khốn quẫn chỉ bao hàm một nỗi buồn sầu não lớn lao. Đức Giêsu đã vâng theo ý Thiên Chúa Cha chấp nhận cái chết với những hoàn cảnh bi thảm. Hơn nữa, chúng ta có thể nói đây không phải là lời thất vọng vì Thánh vịnh 22 mở đầu với tiếng kêu kinh hoàng nhưng được kết thúc trong tin tưởng. Tác giả Luca trong đoạn này ghi nhận Đức Giêsu kêu lớn tiếng : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đức Giêsu chấp nhận buông theo ý Thiên Chúa Cha. Rồi vì Đức Giêsu là mẫu gương cho người Kitô hữu phải biết tha thứ, nên Ngài đã tha cho những lý hình : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và để nhấn mạnh cho thấy công trình Thiên Chúa hoàn thành với Đức Giêsu ngày hôm nay, tha thứ cho một người gian phi sám hối và hứa cho ông một chổ trên Thiên đàng : “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

Tác giả Tin mừng thứ bốn cũng ghi chất tính con người nơi Đức Giêsu khi Gioan ghi nhận Đức Giêsu thốt lên : “Tôi khát” (Gioan 19,28) hoàn thành lời Thánh Kinh tiên báo về nỗi thống khổ Ngài phải chịu; Gioan còn ghi ý nghĩa biểu tượng của Đức Maria, người đồng hành với Đức Giêsu thương khó : “Thưa Bà, đây là con của Bà... Đây là mẹ của anh” (Gioan 19,26-27). Sau cùng Đức Giêsu hoàn thành chương trình cứu độ do Thiên chúa Cha mạc khải trong Thánh Kinh : “Thế là đã hoàn tất!” (Gioan 19,30).

LM Thêôphilô

Bài viết khác