Bí tích Hoà giải
Thưa cha,
Từ khi chúng con qua sống bên này, con nghe nói rằng trong lịch sử của Giáo Hội, bí tích giải tội đã có thay đổi nhiều lần; và ngày nay chúng ta nên gọi là bí tích hòa giải hơn là nói đi xưng tội. Xin cha cho con biết rõ hơn.
Nguyên T. (Berlin)
Hôm nay chúng ta thuờng nghe nói có nhiều người đặt vấn đề về bí tích giải tội. Thật ra trong tiến trình lịch sử, Giáo Hội đã gặp phải nhiều cơn khủng hoảng tương tự về bí tích này.
Đọc Kinh Thánh Tân Ước chúng ta đều biết Thiên Chúa đến để hoà giải thế giới loài người. Ngài đến giữa nhân loại để mạc khải Thiên Chúa là Cha và kêu gọi loài người ăn năn thống hối trở về. Trước khi về trời Ngài ban cho các Tông đồ hãy nhân danh Ngài làm chứng cho sự tha thứ của Thiên Chúa (xem Ga 20,21-23; Mt 16,19 và Lc 24,46-48). Dấu chỉ đầu tiên về sự tha thứ là khi một người được nhận lãnh bí tích rửa tội (xem Cv 2,38), và ngày nay chúng ta vẫn còn tiếp tục tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tuyên xưng có một phép rửa duy nhất để tha tội”.
Từ những Cộng đoàn tiên khởi đến thế kỷ thứ V: Sám Hối Công Khai.
Chúng ta không rõ các Cộng đoàn tiên khởi đã cử hành bí tích giải tội như thế nào nhưng sau những cuộc bắt hại đạo Kitô vào cuối thế kỷ thứ II, chúng ta có những chứng từ về nghi thức với hai ý chính như sự sám hối chỉ được ban cho một lần duy nhất và mang ý nghĩa như lảnh nhận bí tích rửa tội lần thứ hai. Sự sám hối được thực hiện trong khung cảnh long trọng của phụng vụ và mang tính cách công khai. Đến thời bình với hoàng đế Constantin vào thế kỷ thứ IV, chúng ta mới có những sử liệu về lễ nghi sám hối. Kẻ phạm tội phần nhiều là những người chối đạo phải nhận mình có tội nhưng không cần phải thú tội chi tiết ra, sau đó họ nhìn nhận tình thương của Thiên Chúa và mọi người cùng cầu nguyện cho kẻ ăn năn trở lại. Với tính cách chỉ ban cho mỗi người một lần nên dần dà bí tích giải tội chỉ ban cho một người trong giờ sau hết.
Từ thế kỷ thứ VI đến thế ký thứ XII : Khai sinh việc xưng tội riêng.
Trước tinh thần quá nghiêm khắt của thời trước, các dòng tu bên Ái Nhĩ Lan cổ võ một tinh thần khác. Người ta không đặt trọng tâm nơi sự hội nhập lại vào Cộng đoàn của kẻ chối đạo nhưng chú trọng vào tính năng động của sự hoán cải theo lời mời gọi của Tin Mừng. Vì được phát xuất nơi miền truyền giáo bên Anh và Ái Nhĩ Lan nên nghi thức sám hối lần này mang bối cảnh xã hội của họ, được đánh dấu bởi luật theo tập quán. Mọi hình phạt đều có giá quy định theo tội phạm. Các đan sĩ đặt ra một hệ thống giá cả trong “Sách đền tội” để kẻ sám hối phải trả. Tại đây, bí tích giải tội được quyền trao ban nhiều lần và hối nhân phải thú tội một cách chi tiết rõ ràng để được quy định giá. Hối nhân luôn luôn phải tuyên xưng đức tin trước. Việc đền tội với sự quy định giá vẫn còn quá khắt khe, nên vào cuối thế kỷ thứ VIII người ta lại tìm đặt một hệ thống mua chuộc lại những lỗi lầm. Các hối nhân giờ đây có thể trả tiền cho các tu viện và các đan sĩ đảm đương việc đền tội thay cho họ.
Từ thời Trung Cổ đến nay.
Giữa sự sám hối công khai và việc xưng tội riêng tư, Cộng đồng Latran thứ IV năm 1215 còn bắt buộc mọi người phải xưng tội một năm một lần. Thời Trung Cổ lại xuất hiện một hình thức sám hối khác là hối nhân phải đi hành hương (ví dụ như đi viếng đền Thánh Giacôbê thành Compostelle bên Tây Ban Nha); nhưng cách này kéo theo nhiều điều bất lợi như nảy sinh ra trộm cướp khách hành hương và vào cuối thời Trung Cổ cách này cũng bị bải bỏ.
Sang thời kỳ cải cách ly khai với ông Luther, Công đồng Tridentinô (1545) được triệu tập và quyết định mọi tín hữu phải xưng tội trong mùa Phục Sinh và việc xưng tội hoàn toàn riêng tư và kín đáo. Hối nhân phải thú mọi tội phạm trong tư tưởng lời nói và hành động với mọi chi tiết và sau đó mới được xá giải. Đến thế kỷ thứ XVII, vì muốn được kín đáo hơn nửa nên người ta mới đặt ra những toà cáo giải. Từ đây dấu chỉ hoà giải với cộng đoàn được thay thế bằng hình thức sám hối cá nhân.
Vào thế kỷ XX, sau Cộng đồng Vaticanô II, nghi thức bí tích giải tội được cải cách để tìm lại cân bằng tránh tình trạng cá nhân hoá phép bí tích này với hai hình thức: Xưng tội kín và nghi thức Giao Hoà chung. Xưng tội riêng chú trọng nơi sự khởi xướng của hối nhân; và nghi thức chung mang ý nghĩa Giáo Hội diễn đạt sự hoà giải giữa Thiên Chúa với loài người trong Đức Kitô qua sức mạnh của Thánh Thần. Dù dưới hình thức nào, điều quan trọng không phải nơi chúng ta xưng ra những tội lỗi, nhưng trước hết mình thú nhận tình thương của Thiên Chúa dành cho kẻ tội lổi. Và ta đến trước Ngài để đón nhận sự tha thứ. Có nhiều anh chị em nghĩ rằng nghi thức giải tội tập thể chung dể dàng hơn cách xưng tội riêng, và các linh mục có quyền giải tội tập thể khi mình muốn. Giáo Hội chỉ cho phép với những hạn chế như sau: những người bất bình thường về tâm lý, tâm thần, thiếu linh mục và phải xin phép Đấng bản quyền. Thêm nửa, nghi thức giao hoà chung phải được thực hiện trong khung cảnh phụng vụ với những phần sau đây: lắng nghe Lời Chúa phải được chú trọng, kêu gọi anh chị em hiện diện ăn năn hối cải, nhìn nhận mình có tội và sám hối; dĩ nhiên chúng ta chỉ có thể được tha thứ nếu thật sự ăn năn dốc lòng chừa. Ngoài ra đối với những “tội nặng” người tín hữu cần phải đi xưng tội riêng vào lúc thuận tiện mà trong lúc này không thể xưng được (xem Giáo luật điều 960 đến 963). Bởi vậy, khi tụ họp cử hành nghi thức trên tức là mình nhìn nhận thuộc thành phần tội lổi và cùng xúc phạm lẫn nhau. Thiên Chúa kết hợp và mời gọi tất cả mang cuộc sống mới trong bình an mà Ngài trao ban.
Vì thế, tùy theo nhu cầu và thời đại bí tích giải tội có thể gọi là bí tích Sám hối, bí tích xưng tội hay bí tích Giao Hòa nhưng trong hoàn cảnh nào bí tích hoà giải cũng đòi hỏi chúng ta phải tiếp nhận lẫn nhau như Chúa Kitô đã tiếp đón những người tội lỗi, biết lắng nghe Lời Chúa loan báo sự hoà giải và mời gọi hoán cải, nhìn nhận tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta và đón nhận lòng tha thứ để trở thành những chứng nhân của Ngài.
Lm. Thêôphilô