Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Bốn người đàn bà trong gia phả Đức Giêsu theo Tin Mừng Mátthêu.

Bốn người đàn bà trong gia phả Đức Giêsu theo Tin Mừng Mátthêu.

 1. Thamar.

 Thamar được biết đến trong sách Sáng Thế 38,1-30. Người con thứ tư của ông Giacóp tên là Giuđa lập gia đình với một thiếu nữ người xứ Canaan tên là Shoua. Họ có tất cả 3 người con mang tên Er, Onân và Shéla. Người con cả Er lập gia đình với một thiếu nữ tên là Thamar. Er qua đời và không để lại con nối dòng. Theo luật Lêvi, thì người em kế vị là Onân lấy chị dâu mình về làm vợ; thế nhưng vì Onân không muốn có con với chị dâu và cuối cùng cũng chết. Giuđa bèn cho cô con dâu về lại gia đình trong khi chờ đợi người con thứ ba lớn lên, nhưng trong lòng ông lại nhủ rằng : “không nên để cho thằng này cũng chết như hai anh nó” (St 38,11). Khi vợ của Giuđa là bà Shoua qua đời, ông liền đi lên miền Timma tìm thợ xén lông chiên. Người ta liền báo tin đó cho Thamar hay. Nàng biết rằng giờ đây Shéla đã lớn khôn nhưng ông bố vợ không muốn cho nàng lấy làm chồng, tức là Giuđa không còn tuân giữ luật Lêvi. Thamar liền giả dạng và ngồi làm gái giang hồ tại ngỏ Einaim trên con đường vào Timma. Giuđa không nhận ra Thamar và cho đó là một cô gái điếm và ông muốn ăn ở với nàng. Sau khi hai bên đã thỏa thuận tiền là một con dê mà ông sẽ trả sau này. Thamar bằng lòng nhưng còn đòi thêm cái ấn, sợi dây và cây gậy làm tin. Giuđa chấp nhận, ông ăn ở với nàng và sau đó Thamar mang thai.

 Sau này, Giuđa gửi con dê đến để lấy lại những vật làm tin; thế nhưng người ta không còn tìm thầy “cô gái giang hồ” đó nữa. Ngược lại, người ta báo tin cho Giuđa hay cô con dâu của ông đã mang thai. Giuđa liền nói : “lôi nó ra mà thiêu sống” (St 38,24). Khi bị lôi ra, Thamar liên đưa ra những vật làm tin cho biết chính chủ những vật đó đã cho nàng có thai. Trước những vật đó, Giuđa nhìn nhận và nói : “Nó tín nghĩa hơn tôi ! Đúng vậy, vì lẽ ra tôi phải cho nó lấy Shéla con trai tôi !” (St 38,26). Sau này, Thamar sinh đôi và đặt tên là Pharès và Zara. Pharès lập gia đình và có con là Etrôm nối dõi giòng giống Giuđa... Từ đó thoát ra dòng tộc Đavít.

 2. Rahab.

 Dân Do thái đã lưu lạc trong sa mạc gần 40 năm trời, và họ không biết có đến được đất mà Giavê hứa ban. Vấn đề thật không dễ vì theo các mật thám do ông Môsê gửi đi đưa tin về cho biết miền đất mà họ mong đến được bão vệ rất kỷ càng (Dân số 13,28), là nơi cư ngụ của những người cao lớn : “chúng tôi thấy mình chỉ như châu chấu so với họ” (Ds 13,33).

 Ông Giôsuê muốn bảo đãm sự an toàn khi vượt qua sông Giođan để chiếm thành Giêrikhô, nên gửi hai người mật thám đến đó trước (Giôsuê 2,1). Họ vào nhà một người đàn bà sống nghề đi khách tên là Rahab. Tin hai viên mật thám vào đất Giê-ri-khô đến tai nhà vua, ông liền cho người đến tìm bắt họ tại nhà cô gái giang hồ. Rahab liền giấu họ trên sân thượng ở đót những cây gai, và cho người của vua hay những khách đó đã trốn ra khỏi thành trước khi cửa thành đóng, và Rahab còn nói : “các ông mau đuổi theo họ, thế nào các ông cũng sẽ bắt kịp” (Giôsuê 2,5). Sau khi họ ra đi, Rahab lên sân thượng và nói với hai viên mật thám lòng tin của cô vào Thiên Chúa Itraen. Cô kể họ nghe những kỳ công Thiên Chúa làm cho dân của Ngài : “chúng tôi nghe đồn mà tâm thần tan rã, không ai còn nhuệ khí nào nữa trước mặt các ông, vì Giavê Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa cả trời cao lẫn đất thấp” (Giôsuê 2,11). Cô cũng xin họ giúp đỡ gia đình cô một mai kia khi quân Itraen tiến vào Giêrikhô và bắt họ thề hứa. Họ chấp nhận, và sau này khi tiến vào chiếm Giêrikhô, Giôsuê đã để Rahab và gia đình sống an bình giữa dân Do thái. Trong giai đoạn quan trọng của lịch sử dân Do thái, Rahab đã trở thành dụng cụ của Thiên Chúa và giữ một vai trò quan yếu. Nhờ nàng mà người Do thái đã chiếm được đất hứa.

 Theo gia phả Đức Giêsu trong Tin mừng Mátthêu, Rahab đã chung sống với Salmon và sinh ra Booz, việc này không chổ nào trong Thánh Kinh có ghi lại. Nhất là điều cho rằng Booz là con của Rahab lại càng khó chính xác, vì Booz chỉ có mặt trong lịch sử dân Do thái hai thế kỷ sau khi Giôsuê vào chiếm đất hứa. Theo truyền thống văn chương Rabbi, thì chính ông Giôsuê đã cưới Rahab làm vợ, vì thế bà là tổ phụ các thầy cả và các ngôn sứ như Giêrêmia và Êdêkien... Theo một văn bản Midrash, Rahab đã trở về với lòng tin Itraen khoảng 50 tuổi.

 3. Ruth.

 Vào thời các quan án (1200-1025), một nạn đói hoành hành toàn xứ và có một người xứ Giuđa thuộc Bethlehem tên là Elimelek đã cùng vợ là Noémi và hai người con trai tên Mahlôn và Kilyôn lên ở miền Moab (Rút 1,1). Khi Elimelek qua đời, hai người con lập gia đình với các thiếu nữ xứ Moab tên là Orpa và Rút. Khoảng mười năm sau, hai người con trai của Noemi qua đời. Bà quyết định trở về xứ Giuđa nên gọi hai cô con dâu lại và nói cho biết họ có thể tìm chồng khác (Rút 1,8.9). Ruth quyết định ở lại với mẹ chồng.

 Về lại Bethlehem, cô ra đồng mót lúa và gặp Booz thuộc họ tộc bên ông Elimelek. Sau khi mua lại thửa đất của Noemi, Booz có quyền lấy luôn Ruth làm vợ (4,13) và sinh một con trai đặt tên là Obed. Obed trở thành ông của Đavít sau này. Bởi từ một người ngoại lai Môabít mà dòng dõi Giuđa được tiếp nối.

 4. Bethsabée.

 Vợ ông Urie, người Hittite, một tướng lãnh của vua Đavít. Nhà vua trên sân thượng thấy bà tắm khỏa thân, lấy bà về ăn ở. Sau này mang thai, bà cho ngươì đi báo cho nhà Vua biết. Đavít hoảng sợ liền cho ông Urie đang đánh trận ngoài biên thùy về lại nhà, ông này nghĩ binh sỉ đang đánh giặc không lòng nào trở về với vợ. Đavít liền hạ lệnh đưa ông ra chổ nguy hiểm nhất trong trận chiến và ông đền mạng (2samuen 11). Việc làm của Đavít bị ngôn sứ Nathan lên án mạnh mẻ cùng lúc loan báo đứa con trong bụng mẹ sẽ phải chết. Sau này, Brthsabée lại có người con thứ hai với Đavít đặt tên Salomon (= người yêu mến của Giavê) (2Samuen 12). Khi Đavít về già và phải nhường ngôi cho trưởng nam là Adonias, nhưng Bethsabée với sự hỗ trợ của ngôn sứ Nathan đòi Đavít phải nhường ngôi cho Salomon vì một khế ước không được biết tới, trong đó Đavít hứa nhường ngôi cho Salomon. Thủ đoạn thành công và Adonias bị loại nhường Salomon lên ngôi (1Vua 1). Bà Bethsabée bằng lòng cho Adonias lấy bà vợ cuối cùng của Đavít là Avishag, nhưng Salomon xử khác đi và cuối cùng Adonias bị giết (1Vua 2,13-25). Truyền thống rabbi Do thái ngưỡng mộ Bethsabée đã thành công đi vào dòng tộc của Đấng Mêsia và tác giả Mátthêu lấy lại ý tưởng đó nên ghi tên bà Bethsabée vào bảng gia phải và còn viết "vợ ông Urie".

 Mátthêu cho vào gia phả Đức Giêsu những người ngoại lai chủ ý Ngài có liên hệ họ với dân ngoại và qua đó Ngài trở nên Đấng cứu độ hoàn vũ. Cho dù Thánh Kinh trình bày những bà này như những người tội lỗi, ngược lại dòng văn chương sau này của người Do thái không còn coi Thamar hay Rahab là dân ngoại nữa, nhưng coi họ như những tân tòng trở về Do thái giáo.

Lm Thêôphilô

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art