Cầu nguyện với Đức Mẹ
Thưa Cha, hồi trước học Giáo lý bên nhà tháng 5 dương lịch gọi là tháng Hoa đặc biệt cầu nguyện lên Đức Mẹ. Qua đây, con thấy người Âu rất ơ hờ, thậm chí có anh chị em đồng hương nói rằng chúng ta không cần phải cầu nguyện với Đức Maria vì chỉ cầu với một mình Chúa là đủ rồi?
Hoàng Yến (Pháp)
Cầu nguyện cùng Đức Mẹ là nguồn khó khăn thường xuyên các giáo phái Tin Lành gặp phải từ thời họ tách rời khỏi Công Giáo hồi thế kỷ thứ XVI. Hôm nay, trong Giáo hội Công Giáo cũng có một số người đặt lại vấn đề và nguyên tắc cầu nguyện cùng Đức Maria.
Câu hỏi có cần hay không cầu nguyện cùng Đức Mẹ phải được suy nghĩ chung với vấn đề cầu nguyện cùng các Thánh. Giáo Hội rất rõ và luôn luôn cổ võ người tín hữu hãy cầu nguyện cho nhau trong tinh thần hiệp thông với Chúa Kitô. Mọi lời cầu được dâng trong tình anh em mang bảo đảm sự hiện diện hiệp thông của Chúa Kitô vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở đấy, ở giữa họ (Mt 18,20). Trong sách Khải Huyền ghi lại những khó khăn những tín hữu tiên khởi gặp phải, tác giả khuyến cáo họ hãy giữ lòng hy vọng vào lời cầu nguyện của các Thánh: Một Thiên Thần khác đến đứng trước bàn thờ, tay cầm bình hương vàng. Thiên thần nhận đuợc nhiều hương thơm, để dâng trên bàn thờ bằng vàng trước ngai Thiên Chúa, cùng với lời cầu nguyện của toàn thể Dân thánh. Từ tay Thiên thần, khói hương quyện theo lời cầu nguyện của Dân Thánh”(Kh 8,3-4). Giá trị lời cầu nguyện đặt trên sự kết hiệp với lời cầu của Chúa Kitô hầu để ta hiệp thông dể dàng hơn với Đấng Sống lại.
Vì vậy, dâng lời cầu nguyện lên Đức Maria, nghĩ đến Ngài và nói với Ngài không phải là một sự bắt buộc nhưng diển tả một nỗi vui mừng được gặp gở người mình thương mến. Ta cảm niềm thích thú bên Ngài. Khi thương một người, chúng ta đâu đòi hỏi vội vả hay kêu họ giúp đỡ ta.
Đến với Đức Maria cũng như thế, không nhất thiết ta chỉ kêu cầu Ngài giúp đỡ. Nhìn lại Kinh Kính Mừng: Phần đầu chính là lời chào của Thiên thần Gabriel trong ngày Truyền tin và khi đọc lại những lời này, ta dâng lên Mẹ lòng cảm phục; và chỉ nơi phần thứ hai của bài kinh, ta mới nói những ước muốn. Chúng ta chỉ xin Đức Mẹ cầu cho chúng ta vì Mẹ không phải là Thiên Chúa. Mẹ đứng cùng phía nhân loại chúng ta. Bởi vậy không thể có sự nhầm lẫn trong đó. Mẹ Maria không thể nào giữ vai trò duy nhất của Chúa Giêsu. Chúng ta cầu cùng Mẹ bằng cách xin Ngài cầu cho chúng ta.
Trong truyền thống Giáo Hội có những Kinh kêu gọi lời cầu bàu của Đức Maria như phần hai Kinh Kính Mừng (Ave Maria), Kinh Lạy Mẹ Chúa Trời (Sub tuum), Kinh Chào Nữ Vương (Salve Regina)....Chúng ta dâng lên Ngài qua những cần thiết thực tế với lòng tin tưởng Mẹ sẽ đưa lên Chúa Kitô và can thiệp cho ta. Ngoài ra có những Kinh dâng lời ngợi khen như Kinh Magnificat. Nhiều người lầm cho đây là một kinh ngợi khen Đức Mẹ nhưng đó là lời ngợi khen, tạ ơn dâng lên Chúa cho những việc kỳ diệu Người đã thực hiện nơi Đức Maria. Nhưng nếu có rất nhiều Kinh Tạ ơn được cảm hứng từ nơi Đức Mẹ cũng vì Ngài đã cộng tác chặt chẻ trong mầu nhiệm Nhập thể (như Kinh Ave Regina Caelorum : Kính lạy Bà, vị nữ Hoàng Thiên quốc).
Cầu nguyện cùng Đức Mẹ diển đạt nỗi vui mừng gặp gỡ một Đấng Thánh ngoại lệ, một người có lòng tin đáng được khâm phục. Mẹ là Đấng Thánh ngoại lệ vì Ngài là mẹ Đức Giêsu : Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Mẹ đã sống ơn gọi một cách sâu xa để chúng ta phải thán phục. Tin như mẹ đã tin dù chúng ta ở trong một hoàn cảnh khác với một ơn gọi khác. Cho nên cầu nguyện cùng Ngài nghĩa là ta cảm sự hiệp thông với một người thuộc nhân loại được Thiên Chúa chọn thi hành những việc kỳ diệu. Giáo Hội nhìn nơi Mẹ Maria để khám phá nghệ thuật đón nhận và ca tụng Đấng Cứu Thế và trong cuộc hàng trình, người tín hữu được mời gọi hướng về Mẹ vì Ngài gợi cảm hứng và thúc dục họ mở lòng đón nhận Lời con Ngài.
Lm Thêôphilô