Chúa Giêsu chết ngày nào ?
Kính thăm cha,
Trong một lần trả lời trên báo này, Cha có nói về sự Thương Khó của Chúa Giêsu, nhưng con còn mang một thắc mắc xin cha trả lời : chúng ta có thể biết được ngày nào Chúa Giêsu chịu chết hay không ?
Nguyễn Hoàng (Bắc âu)
Đức Giêsu qua đời ngày nào ?
Ngày nay, các sử gia đồng ý Đức Giêsu là người Do thái bị đóng đinh sau trưa ngày lễ Vượt Qua tại một nơi ngoài vòng đai Giêrusalem, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđê, đương thời với vua Hêrôđê Antipas. Trong bảng kê khai bối cảnh khi ông Gioan Tẩy giả bắt đầu khai giảng ở đoạn Luca 3,12, tác giả nói đến ba nhân vật giữ vai trò quan trọng trong trình thuật Đức Giêsu chịu thương khó : hai thượng tế Khanna và Caipha và quan tổng trấn xứ Giuđê, Phongxiô Philatô.
Từ năm thứ 6 sau công nguyên, xứ Giuđê trở thành một tỉnh trực thuộc đế quốc. Những tỉnh lớn quan trọng được điều hành bình thường bởi một nghị viên cao cấp do hoàng đế đề cử; còn những tỉnh nhỏ và xa xôi, như trường hợp xứ Giuđê, được điều hành bởi một thuộc cấp thấp hơn thường gọi là "tổng trấn". Ông Philatô làm tổng trấn Giuđê từ năm 26. Năm 36 ông dẹp cuộc nỗi dậy của người Samari một cách nặng tay nên bị triệu hồi về Rôma và đưa đi lưu đày. Vị tổng trấn điều hành tài chánh, giữ trật tự công cộng và công lý. Ngoài ra tỉnh còn được hoàn toàn độc lập trong những vấn đề thường nhật, nên thực quyền nằm trong tay vị Thượng tế. Ông này đứng đầu Hội đồng công tọa (sanhédrin) với 71 thành viên. Thời xưa chức vị Thượng tế được cha truyền con nối và làm cho đến mãn đời. Sau thời kỳ lưu đày và vương quốc bị tan rã, Thượng tế là thủ lãnh chính trị. Quyền hành tối thượng bị giảm đi rất nhiều khi đất nước duới quyền hành La mã. Giờ đây chức vị do Rôma bổ nhiệm nên Thượng tế thường mang thái độ phục tùng Rôma.
Tuy nhiên họ giữ địa vị quan trọng trong xã hội Do thái về tôn giáo, dân sự và pháp lý. Người dân coi thượng tế như vị trung gian giữa Thiên Chúa và họ. Mỗi năm một lần, chỉ một mình vị thượng tế mới được vào nơi Cực Thánh trong đền thờ làm lễ xá tội cho dân (Yom Kippour). Luca có đề cập hai lần tới thượng tế Khanna (Lc 3,2 và Cv 4,6), Gioan cũng nói đến trong 18,13.24. Ông giữ chức vị thượng tế từ năm thứ 6 đến năm thứ 15. Sau khi bị truất phế, ông vẫn thuộc thành viên Hội đồng công tọa, vẫn can thiệp vào những công vụ bên cạnh con rễ là thượng tế Caipha, (Quirinius đặt Caipha làm thượng tế. Sau khi Khanna bị truất phế con ông là Eleazar lên kế vị được 2 năm, sau đó Caipha nắm quyền từ từ năm 18 đến năm 36) người có quyền xử án Đức Giêsu. Ngoài giới cao cấp là Thượng tế với Hội đồng công tọa, còn có giới tư tế khoảng 7200 người chia ra thành 24 phân chi. Mỗi phân chia đến phục vụ trong đền thờ 2 năm 1 lần trong vòng 1 tuần lễ.
Tất cả tư tế đều có mặt tại đền thờ trong ba cuộc hành hương lớn : Vượt Qua (Pesah); Ngũ Tuần (Shavouot): dâng của lễ đầu mùa gợi nhớ Giao ước tại núi Sinai, và Lễ lều (Soukkôt) : lễ bình dân nhất, cử hành vào tháng Tishri (tháng 9), sau lễ Đầu Năm, vào dịp mùa gặt, nên rất vui vẻ với nhiều cuộc dâng tiến lễ, ca hát, tay cầm lá kiệu tới Silôê. Ngoài những ngày đó, họ sống ở nhà và kiếm việc làm để phụ gia đình. Một số tư tế học cao và trở thành kinh sư, số còn lại sinh sống bằng nghề tiểu công nghệ, buôn bán và cày cấy. Chức vụ tư tế cũng cha truyền con nối. Thành phần thứ ba là các thầy Lê vi khoảng 9600 người cũng được chia ra thành 24 phân chi. Họ không được vào chổ dành cho tư tế, tham dự phụng vụ lo việc ca hát, giữ cửa và giúp phụng vụ. Đó là bối cảnh lịch sử khi Đức Giêsu bị xử án tại Giêrusalem.
Chính yếu cuộc đời Đức Giêsu đều dựa vào các Tin Mừng. Yếu tố chắc nhất về cuộc đời Đức Giêsu chính là cái chết. Tin Mừng cho biết hai điều chắc chắn đó như sau :
1. Người chết dưới triều Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđê. Ông này đã được các sử gia thời cổ đại nhìn nhận, và ghi ông làm tổng trấn từ năm 26 đến năm 36.
2. Máccô 15,42 và Gioan 19,14-31 đều ghi Đức Giêsu chết vào ngày thứ sáu.
Hai điểm chính đều được các Tin Mừng ghi lại, nhưng cũng có một vài điểm khác biệt cần nêu lên để được rõ chính xác hơn. Dù Máccô và Gioan đều nói về ngày thứ sáu nhưng hai tác giả lại không đồng ý đó là ngày thứ sáu nào ?
Theo Mc 14,12 và Luca 22,8.11.15, ngày thứ sáu đó trùng hợp với lễ Vượt qua của người Do thái, tức là ngày 15 tháng Nisan (tháng 4 lịch hiện tại). Đức Giêsu dùng bữa cơm Vượt qua vào tối hôm thứ năm và Người chết ngay hôm sau đúng ngày lễ Vượt qua. Người Do thái tính ngày bắt đầu từ buổi chiều khi ngôi sao đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên bầu trời. Lễ Vượt qua kéo dài trong vòng 7 ngày từ 15 đến mùng 21 tháng Nisan. Ngày 14 Nisan sửa soạn lễ : Trong các gia đình, người ta phải loại bỏ men cũ và bắt đầu tuần lễ bánh không men. Ngoài ra mỗi gia đình phải giết một con chiên hoặc một dê con đực ở đền thờ. Họ lấy máu vật hiến tế và đánh dấu trên cửa nhà với một nhành cây bài hương đúng theo nghi thức bão vệ các con trai đầu lòng của người Do thái trước cuộc Xuất hành (Xh 12,7 và 13). Sau đó thịt chiên được đem đi nướng đầy đủ với xương. Buổi phụng vụ thường tổ chức trên tầng một của ngôi nhà được trang hoàng đẹp cho ngày lễ. Theo các tác giả Nhất lãm, niên biểu được biết như sau :
Thứ năm 14 Nisan : sửa soạn lễ Vượt qua. Đức Giêsu dùng bửa với các môn đệ.
Thứ sáu 15 Nisan : Đức Giêsu chịu chết ngay ngày đầu lễ Vượt qua.
Theo Gioan, ngày thứ sáu đó rơi vào ngày 14 tháng Nisan, vào buổi chiều trước lễ Vượt qua. Bởi vậy khi người Do thái dẫn Đức Giêsu đến toà quan tổng trấn Phongxiô Philatô, họ đã không vào dinh thự ông này để khỏi "bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt qua được" (Ga 18,28). Theo lề luật vào nhà một người ngoại sẽ bị ô uế nên họ phải tránh, nhất là trong những ngày áp các lễ trọng. Vì vậy, theo Gioan Đức Giêsu chết đúng vào lúc người Do thái giết chiên ở đền thờ. Niên biểu theo Gioan hiểu như sau :
Thứ sáu 14 Nisan : Đức Giêsu chịu chết ngay ngày sửa soạn lễ Vượt qua.
Thứ bảy 15 Nisan : Ngày đầu lễ Vượt qua.
Trước sự khác biệt này phải làm sao ? Tác giả nào chính xác hơn ? Các nhà nghiên cứu đã đưa ra 3 giả thuyết :
1. Đức Giêsu có thể mừng lễ Vượt qua vào thứ ba 4/4 theo một niên lịch không chính thức. Giả thuyết làm cho việc kết án Đức Giêsu được kéo dài hơn là một vụ án vội vã, và được kết thúc trước lễ Vượt qua.
2. Đức Giêsu cho ý nghĩa bửa ăn thứ năm 6/4 như bửa tiệc huynh đệ và chưa phải lễ Vượt qua.
3. Đức Giêsu đã cử hành lễ Vượt qua trước một ngày.
Cả 3 giả thuyết trên đều mang những điểm yếu và không gì chắc chắn. Các sử gia cũng không thể nào quyết định tác giả nào hoàn toàn đúng. Nhưng có điểm quan trọng để họ cho Gioan có lý. Theo lề luật, không thể nào tử hình một tội nhân trong ngày lễ Vượt qua, vì vậy người La mã không thể nào phạm một lỗi lầm chính trị quan trọng khi cho lệnh hành quyết Đức Giêsu. Ngoài ra, theo sách Talmud Babylone (học tập hay giảng dạy. Theo nghĩa thường Talmud chỉ định học tập hay giảng dạy kinh Torah; hoặc là kinh Torah được học hỏi và giảng dạy) của người Do thái viết vào khoảng thế kỷ thứ hai cũng nói về cái chết của Đức Giêsu theo đúng niên biểu Gioan. Vậy tại sao các tác giả Nhất lãm lại viết khác ? Khi soạn Tin Mừng, họ để Đức Giêsu dùng bửa tiệc cuối cùng như tiệc Vượt qua. Họ không theo niên biểu chính xác vì họ muốn đưa ra ý nghĩa thần học coi bửa tiệc ly như bửa cơm Vượt qua, bửa cơm của sự Giải Phóng.
Vậy, theo Gioan Đức Giêsu chết thứ sáu 14 Nisan. Các sử gia đi tìm trong lịch sử có thứ sáu nào rơi đúng ngày 14 tháng Nisan không; và họ biết được có tất cả 2 thứ sáu hợp với 14 tháng Nisan là thứ sáu 7 tháng 4 năm 30 và thứ sáu 3 tháng 4 năm 33. Và cũng theo Gioan, Đức Giêsu hoạt động công khai ít nhất 2 năm vì Người đã tham dự tất cả 3 Lễ Vượt qua. Nếu Người chết năm 33 là quá trể. Vì thế có thể nói khá chắc chắn Đức Giêsu chết ngày thứ sáu 7 tháng 4 năm 30, lúc được khoảng 35 tuổi. Nếu lấy theo niên biểu Nhất lãm, Đức Giêsu chết ngày 27.4.31.
Lm Thêôphilô