Thứ Tư, 27 Tháng Sáu, 2012

Tại sao lại gọi là Dòng Tên?

Tại sao lại gọi là Dòng Tên?                                        

(S.J.: Societas Jesu – Gesellschaft Jesu – The Society of Jesus)

"Tại sao lại gọi là Dòng Tên? Tất cả mọi dòng đều có tên, nào là dòng Đa-Minh, dòng Phan-xi-cô, dòng Biển Đức…. Không lẽ hết tên để đặt cho nhà dòng rồi, nên mới kêu là Dòng Tên?" Không ít người đã hỏi như vậy. Mỗi lần như thế, tôi lại phải từ từ giải thích, để ít nhất giải bày được thắc mắc rất hợp lý trên. Trong tinh thần cổ võ ơn gọi, xin giới thiệu với mọi người, đặc biệt với các bạn trẻ đôi nét về Dòng Tên. Đầu tiên xin trình bày vài nét về ông tổ sáng lập Dòng Tên. Đó là Thánh I-Nhã, người Tây Ban Nha. (Ignace de Loyola, 1491-1556).

1. Những bước ngoặc đầu tiên

§ Thời trai trẻ

 Khi còn là một thanh niên 26 tuổi, I Nhã đã muốn hưởng sự hoan lạc trên thế giới, vì thế đã xin đi „tòng quân“. Trong một trận trấn thủ pháo đài tại Pamplona. Trước sự tấn công của Pháp, cấp chỉ huy và các hiệp sĩ biết rằng, mình không thể chống trả được, nên điều đình xin đầu hàng. Nhưng I Nhã mạnh mẽ tranh luận với cấp trên, là phải nhất định trấn thủ pháo đài cho bằng được. Khi bị quân pháp bắn súng pháo và đại bác, I Nhã đã bị thương nặng và sau đó tất cả các binh sĩ đầu hàng.

Vì bị thương nặng gãy chân và phải di chuyển xa, nên vết thương càng trầm trọng. Bác sĩ không hy vọng sẽ lành, sức khoẻ càng lúc càng tồi tệ. Khi cảm thấy cái chết đã gần kề, I Nhã đã xin nhận bí tích giải tội lần cuối. Hơn nữa, Bác Sĩ nói rằng, nếu đến nửa đêm mà sức khoẻ của I Nhã không khả quan, thì đành bó tay để cho chết. Nhưng I Nhã là người có lòng mến mộ Thánh Phêrô một cách đặc biệt, Ngài đã tín thác hoàn toàn vào Chúa, và cũng xin Thánh Phêrô cầu bầu. Nửa đêm qua đi, tử thần không „viếng thăm“ I-Nhã, ngược lại tình trạng sức khoẻ khả quan hơn, và sau đó vài ngày I Nhã được coi là người đã thoát khỏi cái chết. Xương chân bắt đầu lành lạnh nối lại với nhau, nhưng khổ thay dưới khủy đầu gối, khúc xương gãy nằm chồng lên nhau, cho nên một chân bị ngắn hơn, và vì khúc xương lòi ra nên trông thật xấu xí khó coi. I Nhã thấy rằng với một tướng đi khập khễnh, và cái chân quái dị như thế, thì sẽ hủy hoại đi cuộc đời sự nghiệp. Nên I Nhã đã xin bác sĩ giải phẩu cắt khúc xương đó đi, mặc dầu biết rằng mình sẽ phải chịu cực hình còn đau đớn hơn lần bị thương trước. I Nhã thích đọc sách tiểu thuyết và kiếm hiệp, vì thế khi nằm trên giường bệnh, I-nhã muốn tìm sách này để đọc giết thời gian, nhưng tìm chẳng thấy. Thay vào đó, người ta đưa cho I Nhã cuốn “Vita Christi” (Cuộc đời Đức Kitô) và cuốn sách Hạnh các Thánh. Ðọc đi đọc lại, đôi khi I-Nhã cảm thấy thích thú. Ðọc về Cuộc Ðời Chúa và các Thánh, thỉnh thoảng ông dừng lại và tự hỏi mình: “Giá mà tôi cũng làm được những việc như Thánh Phanxicô (thành Assisi) hay Thánh Ða-Minh đã làm thì sao?” Như thế, ông suy niệm về nhiều việc lành có thể làm được, cũng không thấy khó khăn cho lắm! Mỗi lần như thế, ông lại tự nhủ: “Thánh Phanxicô đã làm việc này thì tôi cũng phải làm được! Thánh Ða-Minh đã làm được việc kia thì tôi cũng phải làm!” (Hồi ký I-nhã số 7). Và từ từ với ơn của Chúa, I Nhã quyết định bỏ mọi sự theo Đức Kitô.

§ Đổi đời

Sau đó chàng hiệp sĩ I-Nhã đã quyết định làm một chuyến hành hương đến Giêrusalem, trên đường Ngài ghé Monserrat và kính viếng Đức Mẹ ở đó. Trên đường từ Navarrete tới Monserrat, I-Nhã lủi thủi cỡi trên một con La. Tình cờ một người Mauri (người Hồi Giáo) cũng cỡi lừa đi ngang qua, và hai người bắt chuyện với nhau. Chuyện họ nói là về Đức Mẹ. Người Mauri nói rằng anh ta thừa nhận Đức Mẹ thụ thai khi không biết người nam nào, nhưng làm sao lại có chuyện Đức Mẹ sinh con ra vẫn còn đồng trinh. Hai người tranh luận, nhưng I-Nhã không thể thuyết phục được tư tưởng của anh chàng Mauri, nên anh chàng này thúc lừa đi nhanh tiến về phía trước rồi khuất dạng. I Nhã một mình trên con La tiến bước, nhưng vẫn suy tư không hài lòng, vì mình đã không làm tròn bổn phận, để thuyết phục người Mauri, và như thế là không làm vinh danh Đức Mẹ.

Tức qúa, chàng hiệp sĩ liền thúc La đuổi theo, với ý định là sẽ rút dao đâm tên này mấy nhát. Nhưng suy đi nghĩ lại, I Nhã không biết có nên làm như vậy không. Vì thế, khi đến một ngã ba trên đường, I Nhã quyết định thả dây, để tự con La nó rẽ đi con đường nào thì tùy nó. Tuy vậy, I-nhã cũng vẫn nuôi ý tưởng, nếu đi cùng đường với tên Mauri thì I Nhã sẽ nhất định đâm cho nó vài nhát, nhưng con La đã chọn rẽ đi lối khác.

Khi tới Monserrat, I Nhã đã giành ba ngày tĩnh tâm, để chuẩn bị cho việc xưng tội. Sau khi làm phép hòa giải với Cha Linh Hướng, I-nhã nhận được sự bình an. Sau đó chàng hiệp sĩ I Nhã bỏ lại con La, còn cây kiếm và dao găm, là hành trang và là một vật làm nên căn tính của người hiệp sĩ, thì I-Nhã treo trước bàn thờ tại Đền Đức Mẹ Monserrat, dâng lên cho Đức Mẹ.

Sau đó I-nhã đến Manresa. Ở tại đây I-Nhã đã nhận được ơn soi sáng của Chúa cách đặc biệt. Thời gian một năm ở Manresa (1522-1523) Chúa đối sử với I-Nhã như thày giáo dạy học trò, như qua những kinh nghiệm bị cám dỗ, kinh nghiệm bối rối và bị thử thách, kinh nghiệm sợ hãi về sự chết, kinh nghiệm về sự trông cậy và tin tưởng vào Chúa, kinh nghiệm an ủi và cảm nhận được lòng thương xót của Chúa nơi mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Thánh Thể. Đặc biệt, I-Nhã đã được Chúa mở lòng và mở đôi mắt tâm hồn, để „am tường nhiều điều, vừa thuộc đức tin vừa văn hoá, dưới một luồng sáng rực rỡ khiến mọi điều trở nên mới mẻ“ (Hồi Ký I-Nhã số 30).

Tất cả những kinh nghiệm trên đã củng cố đức tin của của I-Nhã, và I-Nhã được kêu gọi trở nên Linh Mục của Chúa. Trong thời gian này Linh Thao là con đường thiêng liêng đặc biệt của I-Nhã.

2. Dòng Tên và những bước đi chập chững.

§ Paris – Thành Phố tình yêu, nơi sinh của Dòng

 Sau đó với tuổi 30, I-Nhã quyết định đi học Thần Học. Dù đã hết tuổi sinh viên, I-Nhã vẫn kiên tâm mài dũa kinh sử, bắt đầu miệt mài học tiếng La-tinh. Khi chuyển tới học tại đại học Paris, I-Nhã đã quy tụ được một nhóm bạn cùng chí hướng, và rồi tình Bạn của họ đã được chăm bón và phát triển trong sự quan phòng và tình yêu của Chúa. Hằng tuần, mỗi Chúa Nhật, ngài cùng với các bạn đến xưng tội và dự lễ tại đan viện Notre-Dame de Vauvert dòng Chartreux. Sau thánh lễ, các bạn chia sẻ với nhau bữa ăn huynh đệ và lý tưởng tông đồ. Những buổi sinh hoạt như vậy ai muốn đến dự cũng được, khi nào chán thì bỏ, thấy thích hợp thì tiếp tục. Sau nhiều gạn lọc, có 6 người thực sự muốn gắn bó với nhóm. Rồi mỗi người lần lượt tập Linh Thao 30 ngày do I-nhã hướng dẫn. Một lý tưởng tông đồ nung nấu những sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết, đồng thời một tình bạn thiêng liêng lớn dần, nối kết bảy người lại thành một, vượt qua mọi ngăn cách tự nhiên sẵn có. Kết quả là nhóm bạn đi đến một quyết định chung: cùng nhau tuyên khấn sống theo ơn gọi và lý tưởng tông đồ theo Chúa Kitô.

 Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15.8.1534, bảy sinh viên Đại Học Paris cùng nhau đến nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre (Crypte du Martyrium de Montmartre) để tuyên khấn. Chân phước Phêrô Favre, linh mục duy nhất của nhóm, dâng lễ, một lễ dành riêng cho họ. Trước khi rước Mình Thánh Chúa, mỗi người lần lượt đọc lời khấn đã viết sẵn. Trong tinh thần này, bảy anh em đã ý thức được một tâm tình: Tất cả là những người Bạn của Chúa Kitô. Trong số bảy người đó, ngoài Thánh I-Nhã ra còn có Thánh Phanxicô Xaviê. Hôm nay, tại nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre, chúng ta còn có thể đọc được một bảng bằng đồng viết bằng tiếng La-tinh: “Societas Jesu Quae Sanctum Ignatium Loyolam Patrem agnoscit, Lutetiam matrem Hic nata est. – Dòng Tên sinh tại nơi đây. Cha: Thánh I-Nhã, Mẹ: Paris“.

§ Roma – Nơi Dòng được đặt tên.

 Sau thời gian sống ở Paris, I-Nhã và nhóm bạn bảy người đã nuôi mộng sẽ đi Giêrusalem và dấn thân ở đó. Tuy nhiên, họ cũng có một ý tưởng thứ hai, là nếu điều kiện không cho phép họ đi Giêrusalem, thì tất cả sẽ xin tự nguyện tùng phục Đức Thánh Cha, và sẽ đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để phục vụ Giáo Hội.

 Khi từng người lần lượt đã đến Roma, thì họ nhận được sự chúc lành của Đức Thánh Cha, Ngài cũng cho phép họ đi Đất Thánh. Hơn nữa, Ngài còn cho phép tất cả được chịu chức Linh Mục. Trong năm đó, năm 1537, vì điều kiện không cho phép, nên việc đi Giêrusalem phải hoãn lại, và với thời gian Chúa đã muốn hướng đi khác cho những người trẻ này. Đặc biệt trong thời gian này I-Nhã đã có được một thị kiến tại La Storta: „Một hôm khi còn cách xa Roma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, I-Nhã nhận thấy một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ ràng Chúa Cha đặt ông cùng Chúa Kitô, con của Ngài. I-Nhã không thể nào nghi ngờ điều đó chỉ biết rằng Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Con.“ (Hồi ký I-nhã số 96) Đó chính là một trong những kinh nghiệm giúp I-Nhã và các anh em nhận ra được ơn gọi để trở nên những người kết thân với Chúa Kitô, trở nên những môn đệ của Ngài và cùng Ngài lên đường phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn.

Ngoài ra, thời gian này, các anh em tiếp tục sống tinh thần tông đồ, cụ thể là giúp các các linh hồn, và đưa mọi người về với Đức Kitô, đúng theo tinh thần của Linh Thao. Đây cũng là một trong những trọng tâm sống của họ. Ngoài ra, các anh em đều tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình trên đặc sủng Linh Thao. Họ cũng nhận định và suy nghĩ về tương lai của mình. Một trong những điều họ suy nghĩ là: „Nên đặt tên cho nhóm bạn mình là gì đây?“ Với tâm tình „là những người bạn trong Chúa Kitô“, tất cả đều đồng tâm chọn chính tên của Đấng đã làm cho mọi người yêu mến và ao ước phục vụ. Vì thế, họ đã chọn tên cho nhóm là: „Societatis Jesus – Cộng đoàn Giêsu hữu“.

Sau đó, vào Mùa Chay năm 1539 tại Roma, I-nhã và các bạn đã nhất trí xin lập một dòng tu mới. Đức Thánh Cha Phaolô III đã chính thức phê chuẩn Dòng Chúa Giêsu vào năm 1540, với tên gọi “Cộng đoàn Giêsu hữu”. Ở đây xin mở ngoặc để phần nào trả lời cho câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam lại kêu Dòng Chúa Giêsu là Dòng Tên?“ Vì khi Dòng Chúa Giêsu vào Việt Nam, thì trong bối cảnh xã hội thời đó, ai kêu tên của Ông Bà Cha Mẹ, đặc biệt tên của Chúa, thì rất phạm thượng, nên „Dòng Chúa Giêsu“ đã được kêu là „Dòng Tên“, để không phạm húy, để mọi người dễ chấp nhận, và cũng dễ dàng cho anh em Giêsu Hữu thời đó trong việc truyền giáo.

§ Phố phường và thế giới – Tu viện của Dòng Tên

Khi Dòng Tên được phê chuẩn và hình thành, I Nhã và các anh em đã quyết định một vài điều liên quan đến đời sống thiêng liêng và phục vụ. Cộng đoàn dòng Tên sẽ không có giờ kinh phụng vụ chung, tu sĩ dòng không có áo dòng như các tu viện và dòng Tu thời đó, và Dòng Tên cũng không là một tu viện với một „chỗ gối đầu“ êm ấm, được bao quanh bởi bốn bức tường kiên cố. Nhưng tại sao lại có những quyết định như thế? Đơn giản là các tu sĩ Dòng Tên cần phải sống ơn gọi tông đồ mà Thiên Chúa đã mời gọi. Vì thế, họ đã chọn lựa một số cách thức giúp họ dễ dàng thi hành sứ mạng tông đồ hơn.

 Vì thế, tu viện của Dòng Tên sẽ là phố phường và thế giới, nơi các tu sĩ Dòng Tên đặt chân tới để giúp các linh hồn và phục vụ anh chị em. Đó chính là tinh thần sống của I Nhã, một người lữ hành, và của những anh em Dòng Tên từ xưa cũng như hôm nay.

 Từ đó trở đi, theo gương của Chúa Giêsu, các tu sĩ Dòng Tên đã đi đến từng phố phường, làng mạc…, để đem tin mừng của Chúa đến khắp mọi nơi, cùng chia sẻ và giúp đỡ từng tâm hồn nhận ra được tình yêu của Chúa, tin vào Tin Mừng của Ngài, và tập sống theo mẫu gương của Đức Kitô. Đặc biệt, ở đâu cần giúp đỡ hơn, ở đâu khó khăn hơn, ở đâu Tin Mừng Chúa cần „nở hoa“ hơn, thì các anh em Dòng Tên quyết tâm lên đường dấn thân nơi đó. Vì vậy mà Phanxicô Xaviê đã phải xa lánh nhóm bạn, đáp tàu đến một vùng đất xa xôi và lạ lẫm ở Ấn Độ và Nhật Bản, Matteo Ricci và Adam Schall ở Trung Quốc, Alexandre de Rhode (cha Đắc Lộ) ở Việt Nam, và còn bao tu sĩ Dòng Tên khác đã đặt chân lên Nam Mỹ, Châu Phi.

Ngoài ra, môi trường phục vụ của dòng Tên ngày xưa, cũng như hiện nay với trên 20 ngàn tu sĩ tại 127 quốc gia, không giới hạn ở một chân trời nào cả. Không chỉ có chân trong triều đình nhà Vua thời xưa, mà còn ở những góc phố dơ bẩn tại Manila thời nay. Không chỉ ở tại những đại học danh tiếng như Georgetown University – Hoa Kỳ, mà còn tại những vùng hoang vu đất đỏ ở Việt Nam. Thực vậy, nơi nào Vinh Danh Thiên Chúa hơn, thì các tu sĩ Dòng Tên có mặt ở đó.

3. Những nét chính yếu làm nên khuôn mặt Dòng Tên

§ Để vinh Danh Thiên Chúa hơn - Ad Maiorem Dei Gloriam

 “Để Vinh Danh Chúa Hơn” là cụm từ đã được thánh I nhã dùng rất nhiều lần, và đã trở thành châm ngôn của Dòng Tên. Châm ngôn này được các tu sĩ dòng Tên thấm nhuần và trở thành một trong những mục đích chính yếu cho đời sống dâng hiến của mình. Nên trong cả cuộc đời mình, nghĩ gì, nói gì, làm gì, các tu sĩ dòng Tên đều hướng về tâm tình: „Để cho vinh danh Thiên Chúa hơn“. Thực vậy, còn vinh danh ai khác, nếu không phải là vinh danh Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương đã dựng nên con người. Chính vì vậy, mà theo I-nhã thì nguyên lý nền tảng cho đời người là: “Con người được dựng nên để ca tụng, tôn kính và phục vụ Thiên Chúa Chúa chúng ta, để nhờ đó cứu linh hồn mình” (LT. 23). Vâng, ca tụng, tôn kính và phục vụ Thiên Chúa, như các Thiên Thần làm. Như thế là Thiên Chúa đang được tôn vinh, đang được vinh quang.

Tuy nhiên, vinh quang Thiên Chúa là điều con người không chỉ nhắm tới trên bình diện ý hướng, nhưng còn cả trên bình diện thực hành nữa. Nghĩa là cần phải bắt tay vào, cần phải là chính muối đất và ánh sáng của cuộc đời. Trong tâm tình này, đối với Dòng Tên, thì vinh quang Thiên Chúa thúc đẩy từng cá nhân và toàn dòng phải cùng với Đức Kitô đi vào cuộc đời, cần xả thân vào công việc rao truyền Tin Mừng và bảo vệ Đức Tin, hay nói khác đi cần phải cùng với Đức Kitô „quăng lưới người“, nghĩa là rao truyền, xây dựng nước Trời tại trần thế hôm nay, và mời gọi mọi người bước qua „cánh cửa“ là Chính Đức Kitô, để vào sống nơi đồng cỏ xanh tươi và dòng suối ngọt ngào đem lại ơn cứu độ. Ngày hôm nay, với dòng Tên việc rao truyền Đức Tin luôn cần được gắn liền với công việc bảo vệ công bình trong trong xã hội.

§ Xắn tay áo và lao vào cuộc đời

 Thực vậy, ngày xưa khi Đức Kitô đi vào cuộc đời, Ngài luôn quan tâm đến từng tâm hồn, đặc biệt là những anh chị em nghèo khổ và thấp cổ bé miệng. Với Thánh I-Nhã, trong thời gian học ở Paris và rồi làm việc và sống ở Roma, thì công việc phục vụ các tâm hồn là một điều tối quan trọng. Dù có bận bịu đến đâu, nhưng Ngài luôn có giờ để hướng dẫn thiêng liêng và giúp Linh Thao cho rất nhiều người. Vì thế, Tu Sĩ dòng Tên, những người Bạn đường của Đức Kitô, không chỉ giảng hay và nói giỏi, mà cần phải „xắn tay áo và lao vào cuộc đời“, cần sống sống đúng theo tinh thần của Đức Kitô, là trở thành những người phục vụ các tâm hồn, đặc biệt những anh chị em nghèo khó. Khi đã đồng ý bước theo tiếng gọi của Giêsu, thì cần phải cùng với Ngài đi vào trong từng ngõ ngách của cuộc đời, rảo bước trên từng con đường dẫn vào thành thị và làng mạc, để chia sẻ và phục vụ cho anh chị em bất hạnh, nhờ đó họ có thể sống và sống được dồi dào hơn.

Vì vậy, ngay trong thời gian huấn luyện, các tu sĩ Dòng Tên không chỉ làm bạn với sách vở, không chỉ „ngồi Thiền“ mãi, mà còn phải xắn tay áo lên đường, đi vào những nơi nghèo nàn và cần đến sự giúp đỡ nhất. Đó chính là những góc phố của các trẻ em bụi đời, là những nhà dưỡng lão của nhiều cụ già neo đơn, là góc rừng sâu thẳm không chỉ có khỉ ho cò gáy, mà còn có nhiều anh chị em người dân tộc thiểu số nghèo nàn. Tuy nhiên, dòng Tên không chỉ lo giúp cho người nghèo, mà nơi nào Giáo Hội cần đến, thì dòng Tên sẵn sàng có mặt.

§ Lao vào cuộc đời với sự Vâng Phục

Khi xắn tay áo lên lao vào cuộc đời, tu sĩ Dòng Tên không mù quáng như những con thiêu thân. Thực vậy, những lúc lên đường là những lần sống tinh thần Vâng Phục. Vâng phục như chính Đức Kitô đã vâng phục Cha mình, để hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Hơn nữa, trong chiều sâu của linh đạo, tu sĩ dòng Tên ao ước được nên giống Đức Giêsu trong mọi sự, ao ước được tham dự cùng sứ vụ với Đức Giêsu, ao ước có cùng số phận với Đức Giêsu, đó là được chết và phục sinh với Đức Giêsu, ao ước nên giống Đức Giêsu trong cách thức thi hành sứ mạng: vâng phục như người tôi tớ trong khiêm tốn khó nghèo, chịu xỉ nhục khinh chê.

 Vì thế, sự vâng phục bề trên là một trong những điều rất quan trọng. Ý nghĩa của sự vâng phục này có nhiều khía cạnh. Vâng phục trong sự đối thoại, nhưng khi cần thiết, thì sẽ vâng phục bề trên một cách triệt để. Có thể, „ngày hôm trước qua ngày hôm sau“, đã vâng phục bề trên xắn tay áo, khăn gói lên đường, rời nơi ở thân thương và tiện nghi đang có, đến một nơi cực khổ hơn, để thi hành sứ mạng tông đồ của mình, nghĩa là phục vụ các linh hồn và làm vinh danh Thiên Chúa hơn.

Dòng Tên còn có lời khấn vâng phục Đức Thánh Cha trong những gì liên quan đến sứ vụ, và với ý hướng để việc giúp đỡ các linh hồn hữu hiệu hơn, và Chúa được tôn vinh hơn. Đó chính là Lời khấn thứ tư. Lời khấn này không chỉ được hình thành trong quyết định lập dòng vào năm 1539, nhưng nó đã được hàm chứa trong lời khấn ở Montmartre năm 1534. Lời khấn thứ tư là một điểm đặc biệt và chính yếu của Dòng Tên, nó đã được suy nghĩ và quyết định dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Như vậy, Dòng Tên hiện hữu tựa trên lời khấn thứ tư “vâng phục giáo hoàng.” Nói theo ngôn ngữ của chân phước Phêrô Favre: “lời khấn này là nguyên lý và nền tảng của Dòng.” Lời khấn này không ràng buộc các tu sĩ Dòng Tên ở bất cứ vùng đất đặc biệt nào, trái lại nó giúp họ đi đến bất cứ nơi nào, ở đó vinh quang Chúa và lợi ích các linh hồn được mưu cầu hơn.

§ Lao vào cuộc đời với hành trang là tình yêu

 Vâng phục đã là tốt lắm rồi, nhưng nếu chỉ vâng phục như một cái máy thì chưa đủ. Người tu sĩ dòng Tên khi vâng phục để „lao vào cuộc đời“, thì sẽ mang theo một hành trang quý giá. Đó chính là Tình Yêu với Đức Kitô. Tình yêu mà Đức Kitô đã biểu lộ qua chính toàn bộ cuộc đời Ngài, qua hang lừa đơn sơ nghèo nàn, qua những năm ẩn dật tại Na-gia-rét, qua thời gian dấn thân phục vụ mọi người và rao truyền Tin Mừng ơn cứu độ, đặc biệt tình yêu của Ngài được „nở hoa“ trên chính Thánh Giá. „Không có tình yêu nào cao quý hơn là tình yêu của người thí mạng sống mình vì người mình yêu“. Và tình yêu của Ngài được đơm trái trong ngày Phục Sinh.

Người tu sĩ dòng Tên, cả cuộc đời mình, từ những ngày chập chững tìm hiểu, cho đến khi tóc bạc răng long, luôn luôn cần phải tiếp tục khám phá, chăm bón và làm cho tình yêu của mình đối với Đức Kitô được thắm nồng hơn, qua chính những kinh nghiệm Linh Thao, qua những giờ cầu nguyện chiêm ngắm và những giây phút hồi tâm hằng ngày, cũng như qua chính những kinh nghiệm sống của mình, và qua những anh chị em mà mình phục vụ. Thực vậy, con người chỉ có thể bước chân theo Đức Kitô, để dấn thân sống „phục vụ chứ không để được phục vụ“, khi con người nhận được hồng ân cao quý này, là được kết thân với Đức Kitô, để rồi „Ngài với Ta tuy hai mà một, Ta với Ngài tuy một mà hai“. Hay với Rupert Mayer, một linh mục dòng Tên tại Đức, thì „Đức Kitô là tất cả đời tôi“. Vì thế, nếu ai không có ơn này và không quyết tâm sống trong tình yêu với Đức Kitô, thì khó có thể trở thành một tu sĩ dòng Tên.

Được kết thân với Đức Kitô. Đó là một ân sủng thực sự. Nhưng ân sủng của Chúa cần đến “sự mở lòng” của con người. Vì thế với I-nhã, sự khát khao của con người được trở nên những người kết thân với Đức Kitô đóng một vai trò quan trọng. Lòng khát khao cũng chính là một trong những điều kiện cần có, cần được chuẩn bị cho những ai bước vào Linh Thao. Dưới đây xin nêu một vài tâm tình về Linh Thao, đặc sủng của dòng Tên.

4. Linh Thao – một con đường thiêng liêng

§ Linh Thao là gì vậy?

Có một anh bạn trẻ với bằng cấp cử nhân Thần Học rất tò mò muốn biết Linh Thao là gì. Anh đã đăng ký đi dự một khóa Linh Thao cuối tuần. Sau ngày đầu tiên của khóa, anh vào gặp tôi và nói: “Cậu biết không, mình đã nghe nói nhiều về Linh Thao và cũng thắc mắc, không hiểu tại sao nhiều người lại đi Linh Thao như vậy. Bây giờ qua ngày thứ nhất, mình đã hiểu được hết Linh Thao là gì rồi. Đâu có gì đặc biệt, cũng là cầu nguyện, là nghe giảng…” Tôi để cho Anh bạn nói cho đã. Sau đó mới chia sẻ với anh: “Vâng, nếu Anh muốn hiểu Linh Thao qua “cái đầu” không thôi, thì chẳng có gì khó cả, Anh chỉ cần đọc một số tài liệu là xong ngay. Nhưng Anh có biết chương trình trọn vẹn của Linh Thao không phải là một ngày, một cuối tuần hay một tuần lễ, mà là một tháng trời, theo như đề nghị của thánh I-nhã không? Hơn nữa, Linh Thao không chỉ giới hạn trong thời gian và cũng chẳng “nằm gọn” trong bộ óc của con người, mà còn phải được đưa vào cuộc sống, được nấu chín và trở nên của ăn thật sự cho từng tâm hồn trong đời sống thường ngày. Vì vậy, hiểu Linh Thao là một chuyện, nhưng biết sâu sa và sống tinh thần Linh Thao là một chuyện khác. Hơn nữa, mới có một ngày mà đã dám nói rằng: “Giờ này tôi đã hiểu hết về Linh Thao.”

Vậy Linh Thao là gì? Đơn giản mà nói, thì Linh Thao là hai chữ gói gọn một tâm tình: “Vì như đi dạo, đi bộ, chạy, là những việc thể thao, thì cũng thế, gọi là “Linh Thao” tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc đời để mưu ích cho linh hồn mình.” (Linh Thao số 1) Nói khác đi, Linh Thao là một cách thức tĩnh tâm giữa muôn ngàn phương cách tĩnh tâm trong Giáo Hội.

Và ai đi tĩnh tâm Linh Thao thì người đó đang tập thể thao cho tâm hồn mình, cho chính đời sống nội tâm của mình. Cụ thể người làm Linh Thao sẽ tập cầu nguyện, tập suy niệm, chiêm ngắm và sắp xếp cuộc đời mình theo tinh thần của Thánh Kinh. Ngoài ra qua Linh Thao, họ sẽ hiểu được cuộc sống thường ngày theo một lăng kính khác – lăng kính của Thiên Chúa, cũng như sẽ hướng cả cuộc sống của mình theo tinh thần của Ngài. Trong Linh Thao, họ cũng sẽ được tập để nhận định những tiếng nói của Thần Lành và Thần Dữ, nhờ đó họ có thể dễ dàng chọn lựa và tìm đến một quyết định, một con đường đem lại cho họ nhiều niềm tin, tình yêu, niềm hy vọng và bình an. Như vậy, Linh Thao là một chuỗi bài tập cầu nguyện trong thinh lặng cho từng cá nhân một, có hệ thống, có phương pháp. Thời gian có thể trong vòng một cuối tuần, hay một tuần lễ, hay bốn tuần lễ. Nơi chốn thường là trong một nhà tĩnh tâm. Nhưng nếu ai không có thời gian và điều kiện, thì có thể làm Linh Thao thường nhật tại nhà. Thời gian có thể là hai tháng, sáu tháng, một năm hoặc đôi khi hai năm, với sự đồng hành của người giúp Linh Thao. Trong thời đại Internet này, cũng có những chương trình Linh Thao thường nhật qua email, qua Internet, và được đồng hành, chia sẻ qua điện thoại, email hay qua chatroom.

Với các tu sĩ dòng Tên, thì Linh Thao không chỉ là chuỗi bài tập, mà còn là nền tảng cuộc sống, và là một con đường thiêng liêng. Thực vậy, Người tu sĩ dòng Tên sống, làm việc, và phục vụ theo tinh thần của Linh Thao. Vì thế, khi mới chập chững vào nhà tập, các tập sinh đã phải tập bước đi trên con đường Linh Thao. Tôi vẫn còn nhớ những ngày ngồi trong ghế nhà Tập. Cuốn sách Linh Thao trên bàn không chỉ được đọc, được tranh luận, nghiên cứu, mà còn được tập sống. Từng từ từng chữ được thấm từ từ vào đời sống của chúng tôi. Đến đây, tôi phải thành thật rằng, cuốn sách Linh Thao mà Thánh I-Nhã viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng bản in đầu tiên là tiếng La Tinh vào năm 1548, và sau đó được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, không phải là một cuốn sách Văn Học để đọc. Vì vậy, theo ý kiến của một số người chuyên môn thì sách Linh Thao không phải là cuốn sách cho người đi làm Linh Thao đọc, mà là một cuốn cẩm nang cho người hướng dẫn Linh Thao. Thực vậy, ai tò mò cầm cuốn sách Linh Thao lên đọc, thì sẽ thất vọng, vì ở đấy người ta sẽ không tìm thấy những nét văn hoa của văn chương, ngược lại là một sự khô khan và chẳng thú vị gì.

§ Tôi đi Linh Thao

 Cách đây khoảng 22 năm, lần đầu tiên tôi đi tĩnh tâm Linh Thao một tuần lễ. Trước khi vào Linh Thao, Cha hướng dẫn nhắc là không cần phải đưa sách vở gì theo cả, ngoại trừ cuốn Thánh Kinh và giấy viết để ghi chép.Thú thực tôi rất hồi hộp, chẳng biết phải làm gì cho hết cả tuần. Rồi còn phải im lặng suốt tuần nữa chứ? Làm sao chịu nổi đây? Rồi sau đó vào nhà tập, thì đến lần đi làm Linh Thao 4 tuần. Cũng hồi hộp nữa, vì không biết mình chịu nổi một tháng trời thinh lặng không? Vâng, một tháng chỉ tập trung cầu nguyện và gặp gỡ Chúa, mỗi ngày chỉ gặp cha hướng dẫn nhiều lắm là 01 tiếng để trao đổi thôi.

Nhưng khi vào Linh Thao thì hoàn toàn khác. Mỗi ngày tôi được Cha hướng dẫn đưa bài gợi ý cầu nguyện cho 04 lần. Mỗi lần cầu nguyện từ 45 phút đến một tiếng. Các bài cầu nguyện và gợi ý dựa trên chính Lời của Chúa và cuộc đời của tôi. Những đề tài cầu nguyện gồm: “Ý nghĩa của cuộc đời là gì?” “Tại sao tôi có mặt trên đời này?”, “Tội lỗi con người và lòng nhân hậu tha thứ của Thiên Chúa”, “Bước đi trên con đường của Đức Kitô – từ biến cố Giáng Sinh đến lúc Ngài phải mang vác Thánh Giá trên đường thương khó, rồi cuộc tử nạn trên thập giá, sự sống lại hiển vinh.” Đặc biệt, trong tiến trình này, người làm Linh Thao sẽ có những bài cầu nguyện và suy niệm về tiếng gọi của Đức Kitô, về sự nhận định thần lành và thần dữ, sự chọn lựa một lối sống, và cuối cùng là những bài chiêm niệm thật bổ ích để khám phá và thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa.

Khi người làm Linh Thao cầu nguyện, suy niệm và đào sâu những đề tài này, đặc biệt luôn liên hệ đến cuộc sống của mình, thì họ sẽ từ từ được biến đổi trong chiều sâu nội tâm, sẽ tìm thấy một “lăng kính” mới của Thiên Chúa để nhìn cuộc sống rõ ràng hơn, thực tế hơn và nhân hậu hơn, cũng như họ có thể sẽ tìm thấy một hướng đi mới, một quyết định mới cho đời mình. Ngoài ra, qua Linh Thao, họ sẽ khám phá được sự gần gũi của Thiên Chúa và tình yêu dịu ngọt của Ngài giành cho chính bản thân mình. Đây chính là một khám phá rất đặc biệt, có động lực thúc đẩy nhiều người không chỉ sắp xếp lại cuộc đời mình, mà còn đổi đời mình theo Thánh Ý của Chúa. Vì vậy, khi đi tĩnh tâm Linh Thao, là lúc người ta đi gặp chính Chúa, Ngài là một người bạn mà mình sẽ tâm sự với Ngài nhiều, Ngài là một Đấng Tạo Dựng, mà qua Lời và Thần Khí của Ngài, sẽ trực tiếp ảnh hưởng và tác động trên người làm Linh Thao. Còn người giúp Linh Thao chỉ đóng vai trò đồng hành, giúp người làm Linh Thao tìm thấy “con đường” riêng của họ, hướng dẫn họ phần nào, nhưng không bao giờ xen vào tương quan của người làm Linh Thao với Thiên Chúa.

Lời kết

Thật là vui mừng khi được phép giới thiệu về dòng Tên. Mừng hơn nữa, nếu các Bạn Trẻ và quý độc giả tìm thấy được ít nhiều điều về dòng Tên qua những nét chấm phá trên. Và niềm vui lớn lao nhất sẽ “nở tươi”, khi Thiên Chúa được vinh danh hơn, nếu ngày ngày có thêm nhiều thợ gặt của Chúa, dám can đảm xắn tay áo và lên đường đi vào đồng lúa của cuộc đời hôm nay.

Nguyễn ngọc Thế SJ.

6/5/2012

Bài viết khác