Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 2012

Filioque là gì ?

Thưa cha,

Trong một số tác phẫm chống giáo hội, có tác giả đã nêu lên ý cho rằng giáo hội vẫn thường hay ngụy tạo các văn bản lịch sử đễ tự biện minh cho mình. Ví dụ cụ thể họ đưa ra là trong Kinh Tin Kính, giáo hội đã tự mình thêm chữ la tinh Filioque vào bản Kinh do một Công đồng biên soạn trước đây.

Câu hỏi con đặt ra đây : Filioque là gì? Vấn đề sửa đổi văn bản như người ta nói có thật hay không, và nếu như có thì việc làm đó mang ngụ ý gì?

Một tín hữu (Stuttgart).

Muốn trả lời hai câu hỏi do ông (?) hay bà (?) đọc được ở đâu đó, thiết tưởng chúng ta cùng nhau đọc lại lịch sử giáo hội để hiểu rõ ràng vấn đề hơn. Từ la tinh Filioque có nghĩa là “và bởi con”. Từ này chúng ta thường thấy trong Kinh Tin Kính, còn thường được gọi là Credo, đến từ Công đồng Nicée-Constantinople trong đoạn nói về Chúa Thánh Thần. Trong Sách lễ Rôma bản dịch việt ngữ năm 1972, chúng ta đọc : “Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra”; và Sách lễ Rôma bản dịch năm 1992, chúng ta đọc : “Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con”. Dù hai bản dịch dùng hai từ khác nhau nhưng câu này có ý nói lên Chúa Thánh Thần cùng do Chúa Cha và Chúa Con mà ra.

Vấn đề ở đâu? và có phải giáo hội sửa đổi văn bản Kinh Tin kính hay không? Vào năm 325, Hoàng đế Constantin triệu tập hơn hơn ba trăm giám mục về nhóm họp tại thành Nicée bên bờ Hắc Hải. Tât cả các tham dự viên trong Công đồng đều đồng thanh lên án linh mục Arius thành Alexandrie. Ông này cho rằng Ngôi Lời chỉ là một thụ tạo có một tính cách đặc biệt nhận từ Thiên Chúa Cha đặc ân liên hệ phụ tử như dưỡng nghĩa. Vì vậy, Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa. Với thuyết này, linh mục Arius đặt lại nền tảng đức tin Kitô giáo. Luận đề ông đưa ra được một số người chấp nhận nhưng vẫn bị Giáo hội ở thành Alexandrie lên án gắt gao. Vì vậy, khi triệu tập Công đồng tại Nicée năm 325 hoàng đế Constantin muốn giải quyết vấn đề nêu trên. Công đồng Nicée đã lên án gắt gao thuyết A-ri-ô và xác định đức tin nơi thiên tính của Chúa Giêsu Kitô. Cuối cùng, các nghị phụ cùng chấp nhận đề ra một bản Kinh tuyên xưng lòng tin của giáo hội dựa theo bản tuyên xưng do giáo phụ Eusèbe thành Césarée ở Palestine đưa ra. Họ thêm vào đó ý Chúa Cha và Chúa Con mang “cùng một bản thể” (Homoousios), và từ đó chúng ta có bản Credo của Công đồng Nicée. Chúng ta thấy mục đích chính Công đồng Nicée đưa ra là muốn giải quyết cho xong về lạc thuyết A-ri-ô, vì vậy các nghị phụ chỉ muốn xác tín lại thiên tính của Ngôi Hai Thiên Chúa, chứ chưa khai triển rõ về Chúa Thánh Thần. Bản Credo của Công đồng Nicée đọc như sau :

Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,

Đấng tạo thành mọi vật hữu hình và vô hình, và trong cùng một Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa,

Đấng duy nhất sinh bởi Chúa Cha, tức là từ bản thể Chúa Cha,

Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,

Ánh sáng bởi ánh sáng,

Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,

được sinh ra chứ không tạo thành

Đồng bản thể với Chúa Cha,

Nhờ Người mà mọi sự được làm nên trên trời và dưới đất

Vì cho loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi Người đã xuống thế

Và đã nhập thể làm người,

đã chịu đau khổ và sống lại ngày thứ ba,

lên trời và sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết

và trong Chúa ThánhThần.

Công đồng Nicée với bản tuyên xưng đức tin không làm chấm dứt những tranh luận thần học. Những thễ thức Nicée đề ra đã đưa đến một số câu hỏi khác như vấn đề Chúa Thánh Thần chỉ được nêu lên sau cùng mà thôi. Năm 381, một Công đồng khác lại được triệu tập tại thành Constantinople. Lần này các nghị phụ muốn xác định lại vai trò của Chúa Thánh Thần trong Kinh Credo vì có một số người không chấp nhận thiên tính của Chúa Thánh Thần và hành động của Ngài trong mầu nhiệm cứu chuộc. Công đồng Constantinople khai triển thêm vào bản kinh của Nicée vai trò của Chúa Thánh Thần : Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Kinh credo của Constantinople là bản Kinh chúng ta thường đọc ngày hôm nay nhưng vẫn chưa có ý Filioque, tức là bản kinh chưa nói đến Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và bởi Chúa Con mà ra. Công đồng Constantinople mang mục đích khai triển rõ ràng hơn vai trò Chúa Thánh Thần nhưng vẫn trung thành với những gì Công đồng Nicée đưa ra. Các nghị phụ xác định họ thêm vào bản Kinh Credo của Công đồng Nicée những điều cần thiết và sau đó không ai có thể thay đổi Kinh Credo được nữa.

Vào năm 451, Công đồng nhóm họp ở Chalcédoine đã công bố bản Kinh Credo gọi là Kinh Credo của Nicée-Constantinople. Đây là văn bản được nhìn nhận phổ quát như một biểu thức chuẩn nội dung căn bản đức tin tông truyền. Dầu vậy, bản Credo của Nicée Constantinople có phải là một văn bản hoàn hão không? Bản văn chắc chắn đã trả lời rõ ràng những vấn đề đặt ra thời đó. Ngoài ra, bản kinh không nói gì về mối liên hệ giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con được diển đạt bằng từ ngữ “sinh ra”; và mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần lại dùng từ “phát xuất”; rồi mối tương quan hữu thể giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần lại không thấy nói tới. Vì vậy, một số nhà thần học bên Tây phương thấy đó là điểm khiếm khuyết và muốn đưa vào bản Kinh ý Filioque.

Chúng ta tự hỏi các thần học gia Tây phương lấy ý Filioque từ đâu? Đọc lại Tin Mừng theo Thánh Gioan, tác giả ghi : “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha...”(15,26). Đoạn văn không nói đến Chúa Con nhưng không vì thế Người bị loại khỏi nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần. Khi nói “phát xuất từ Chúa Cha”, Đức Giêsu khẳng định Chúa Cha sinh ra Chúa Con; và Chúa Cha và Chúa Con cùng là một Thiên Chúa : “như chúng ta (Chúa Cha và Chúa Con) là một” (17,22). Cho nên khi Chúa Cha thông ban thiên tính cho Chúa Thánh Thần, Ngài làm trong mối hiệp thông với Chúa Con, vì thiên tính thuộc về Chúa Con như Chúa Cha : “Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con” (17,10). Đức Giêsu khẳng định khi nói : “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người (Chúa Thánh Thần) lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (16,15). Dựa vào những văn bản trên, chúng ta có thể nói Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Người là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con.

Dựa vào tư tưởng trên, dường như Thánh Augustin là thần học gia đầu tiên khẳng định Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con vào năm 418 trong văn bản De Trinitate. Cuốn sách này được phổ biến rộng rãi trên toàn lảnh thổ đế quốc bên Tây phương, rồi dần dần có ảnh hưởng sâu rộng trong giáo hội. Đến năm 589, một Công đồng địa phương nhóm họp tại thành Tolède bên Tây Ban Nha đồng ý thêm vào bản Credo của Nicée-Constantinople với mục đích chống lại lạc giáo A-ri-ô thuộc gốc man dân Wisigoth. Sau đó, toàn cõi xứ Gaule và miền thượng Ý cũng chấp nhận. Sau cùng, hoàng đế Charlemagne áp đặt kinh Credo với Filioque trên toàn lảnh thổ hồi thế kỷ thứ IX. Các Đức Giáo hoàng thời đó dù chấp nhận ý tưởng thần học trên nhưng cũng không đưa vào bản kinh Credo để không muốn gây thêm khó khăn cho mối tương quan mong manh với giáo hội bên Đông phương. Cuối cùng, Đức Benoit VII chấp nhận ghi vào bản kinh năm 1054 theo lời hoàng đế Henri II yêu cầu.

Giữa lúc đó, Đức thượng phụ thành Constantinople là Photius không chấp nhận người La mã can thiệp bên Đông phương. Ngài cho rằng Filioque là một tư tưởng lạc giáo và là một sự phạm thượng. Photius lên án người Tây phương không hiểu Thiên Chúa Cha là nguồn gốc duy nhất như lời ghi trong Tin Mừng Gioan 15,26 : “Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha”. Từ đó mối rạn nứt giữa giáo hội Đông và Tây ngày càng thêm trầm trọng và đi đến cuộc ly khai năm 1054. Cuộc ly khai này không chỉ vì vấn đề tín lý, mà còn gồm cả lý do chính trị và văn hóa khác biệt giữa hai nền văn minh khác biệt.

Chúng ta thấy hai quan điễm dù có khác nhau nhưng có thể hoà giải. Điểm khó khăn nằm ngay trong từ ngữ được dùng đến để nói về sự xuất phát. Trong văn bản Kinh Credo bằng tiếng Hy lạp mang từ Ekporeusis, và người Tây phương đã dịch từ đó ra bằng từ processio. Từ này không diển tả hết ý từ Ekporeusis, vì nó không chỉ là phát xuất nhưng còn chỉ định nguồn gốc tuyệt đối; Còn từ processio chỉ định thực tại đến từ nguồn gốc và là sự khai triển một quá trình liên tục. Hai từ ngữ gần như giống nhau nhưng diễn đạt hai quan niệm khác biệt.

Hôm nay, giáo hội giữ công thức nêu rõ ràng ý tưởng hai bên trong câu “Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con”. Lối suy diễn này đã được các giáo phụ miền Cappadoce nêu ra : Ba ngôi vị liên kết vào nhau như vòng của sợi dây xích, vì thế mặc nhiên có sự tùy thuộc qua Chúa Con. Công thức này không phải đưa ra để dung hợp nhưng thực sự là một diễn ngữ thần học chung cho giáo hội Công giáo và anh em Chính thống giáo. Trên con đường tìm về Đại Kết cả hai bên cần đào sâu đối thoại, cùng lúc nhìn nhận giới hạn ngôn ngữ loài người khi diễn tả Mầu nhiệm Thiên Chúa.

Linh mục Thêôphilô

Bài viết khác