Kính gửi Linh mục Thêôphilô,
Con năm nay được 21 tuổi và qua Đức được gần 10 năm. Gia đình con mỗi tháng đều đọc báo Dân Chúa... Con nhờ Cha giải hộ con câu hỏi sau đây :
Đức Chúa Giêsu đã sống hơn 33 năm ở trên trần thế, sao không thấy Chúa để lại “một dấu vết” gì, để chứng tỏ là Giêsu có ở thế gian này? Thí dụ như :
- Chúa viết một gì đó để lại khi còn sống.
- Đồ đạc của Chúa (đồ cá nhân, quần áo, dầy dép...)
- Hay chỉ có cái khăn của Thánh nữ Vêrônika?
Xin Cha giải đáp cho con. Con chân thành cám ơn Cha.
Nguyễn Thủy (Georgsmarienhutte)
Câu hỏi của anh chung quy về vấn đề Đức Giêsu là một nhân vật lịch sử hay chỉ là huyền thoại? Câu hỏi này đã được đặt ra suốt thế kỷ thứ 19 nhưng cho đến hôm nay các nhà nghiên cứu chuyên môn cũng như các sử gia đều nhìn nhận một số dữ kiện như sau : Đức Giêsu là một người Do Thái sinh sống tại Ợt-ra-en dưới thời Hêrôđê đại đế. Ngài khoảng 30 tuổi và là một nhà giảng thuyết tài ba; thu thập một số môn đệ và bị đóng đinh ở Giêrusalem lúc ông Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giu-đê-a.
Thật vậy, Chúa Giêsu đã không để lại một bút tích nào. Còn nếu như ngài có ghi lại điều gì thì các thế hệ kế tiếp chắc chắn đã lưu giữ truyền lại như họ đã làm trong trường hợp hoàng đế Jules César hay của sử gia Flavius Josèphe. Đức Giêsu lại không phải là người của văn tự, và điều này cũng bình thường thôi vì thời đó chữ viết chỉ là sự kiện dành cho một số người ưu tú trong xã hội và còn là một nghề nghiệp được trả công. Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan về trình thuật người phụ nữ ngoại tình, tác giả ghi “Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (8,6.8). Ngài viết tất cả hai lần nhưng không ai biết Ngài đã viết những gì. Vì vậy tất cả những tài liệu liên quan đến Chúa Giêsu đều là những chứng từ gián tiếp được viết vài chục năm sau những biến cố xảy ra.
Sau đây là danh sách những nguồn tài liệu chính xưa cổ nhất bao gồm từ khoảng giữa thế kỷ thứ nhất đến khoảng ba thập niên đầu thế kỷ thứ hai:
- Giữa năm 50 đến năm 63 : Các thư của Thánh Phaolô.
- Khoảng năm 70 : Tin Mừng thánh Mác-cô. Tác giả không phải là môn đệ trực tiếp của Chúa Giêsu nhưng chỉ là môn đệ của Thánh Phêrô.
- Khoảng năm 85 : Tin Mừng Thánh Mát-thêu và Tin Mừng Thánh Luca.
- Khoảng năm 95 : Tin Mừng Thánh Gio-an.
Thư ông Clê-men-tê thành Rôma gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Sách Didachè còn gọi là “Giáo huấn mười hai Tông đồ”.
Bộ sử “Do Thái thời cổ đại” của ông Flavius Josèphe.
- Khoảng năm 112 : Những thư của ông Plinô thứ (Pline le jeune).
- Khoảng năm 116 : Các thư của ông Ignatiô thành An-ti-ô-khi-a.
Ký biên niên của sử gia La mã Ta-cít.
- Khoảng năm 120 : Bộ sách “Cuộc đời của 12 Hoàng đế Xê-da” của ông Su-ê-tôn.
- Khoảng năm 130 : Tin Mừng Thánh Phêrô (ngụy thư).
Tin Mừng Thánh Tô-ma (ngụy thư).
Ngoài sử gia Flavius Josèphe những chứng từ của người Do Thái liên quan đến Chúa Giêsu đều được viết rất trể. Từ bắt đầu khoảng giữa thế kỷ thứ II trở đi, rất nhiều văn bản phát xuất từ Kitô giáo vẫn tiếp tục được hoàn thành và dĩ nhiên con người Chúa Giêsu giữ một vai trò chính; đồng thời một nền văn chương bài Kitô giáo cũng bắt đầu nẩy ra. Kinh Coran của Hồi giáo cũng có nói về Chúa Giêsu nhưng các nhà nghiên cứu đều cho rằng sách này chỉ được hoàn thành hồi thế kỷ thứ VII.
Tóm lại chúng ta thấy có bốn nguồn tài liệu chính đến từ : ngoại giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Ngoài ra khoa khảo cổ vẫn còn tiếp tục cho chúng ta biết thêm một số dữ kiện quan trọng về con người Đức Giêsu lịch sử. Chúng ta sẽ lần lượt điểm sơ qua những nguồn tài liệu vừa nêu trên.
1. Nguồn tài liệu đến từ ngoại giáo.
Nơi đây có 3 người thường được nhắc tới : Ông Ta-cít, ông Su-ê-tôn và ông Pli-nô thứ. Cả ba đều là nhà văn viết bằng tiếng La-tinh khoảng giữa năm 110 đến năm 120.
1.a Pli-nô thứ (Pline le jeune, khoảng 61-115)
Tài liệu cổ nhất là một thư của viên khâm sai ở Bithynie thuộc Tây Bắc miền Tiểu Á Pli-nô thứ viết gửi hoàng đế Trajanô khoảng năm 111-113 cho biết cách ông đối xử với các nhóm người mệnh danh là Kitô hữu. Dân số họ tăng nhiều làm cho các đền thờ dân ngoại vắng vẻ nhưng ông không truy nã họ : “Một số người quả quyết rằng họ đã thôi là Kitô hữu...Họ thú nhận thường xuyên tụ họp trước khi mặt trời mọc, để cùng nhau chúc tụng Đức Kitô như một vị thần và quyết thề không trộm cắp, không cướp bóc, không ngoại tình, không sai lời hứa...Rồi trước khi chia tay họ ăn một thứ bánh rất thông thường và trong sạch...Tôi không nhận thấy gì là mê tín dị đoan cả...” (Pline le jeune, Lettres, X, 96)
1.b Ta-cít (khoảng 55-120)
Trong bộ “sử biên niên” được viết dưới triều hoàng đế Trajanô khoảng năm 116-117, sử gia Ta-cít có nói đến vấn đề hoàng đế Nê-rôn đã hỏa thiêu thành Rôma. Ông này đổ lỗi cho những người Kitô hữu và tra tấn hành hạ họ thật khốc liệt. Ta-cít trong đoạn này liền giải thích những người Kitô hữu đó là ai : “Họ mang danh hiệu thuộc nhóm ông Kitô, là người mà dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô đã bắt chịu khổ hình. Chính sau khi bị đàn áp, sự mê tín khả ố này lại ló dạng, không những ở Giu-đê-a, nơi mà sự xấu phát sinh, nhưng còn ở cả Rôma, nơi mà điều rùng rợn và nhục nhã nhất trên thế giới tràn tới và tìm được nhiều đồ đệ...” (Tacite, Annales, XV,44)
1.c Su-ê-tôn (khoảng 75-155)
Sau Ta-cít đến khoảng năm 120, Su-ê-tôn một sử gia trong bộ “Cuộc đời của 12 vị Xê-da” lại nhắc đến hoàng đế Nê-rôn và các Kitô hữu : “Dưới triều (Nê-rôn) rất nhiều án phạt khắc nghiệt và biện pháp trấn áp được ban bố, nhưng không kém những luật lệ mới : Họ đặt giới hạn về xa hoa; giảm thiểu những buổi yến tiệc công cộng vào sự phân phát luơng thực; cấm bán trong những quán rượu mọi thực phẩm nấu chín ngoài những rau cỏ, nơi mà trước đây người ta tìm thấy đủ loại món ăn; Họ giao những Kitô hữu vào nhục hình, loại người mãi mê theo một mê tín dị đoan mới và nguy hiểm” (Suétone, Vie de Néron, XVI)
Trong một đoạn khác về tiểu sử hoàng đế Clau-đi-ô, Su-ê-tôn cũng ghi : “Clau-đi-ô đã trục xuất những người Do Thái khỏi Rôma, vì họ bị ông Kitô khích động, họ thường xuyên sống trong tình trạng náo loạn” (Suétone, Vie de Claude, XXV)
Tóm lại những nguồn tài liệu ngoại giáo trên đây cho ta thấy chỉ một mình Ta-cít là nói rõ ràng về con người Đức Kitô; riêng hai ông Pli-nô và Su-ê-tôn chỉ nhắc đến Ngài khi nói đến Cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma hay ở vùng nào đó thuộc đế quốc La mã. Dầu sao những nguồn tài liệu này rất quan trọng và mang tính cách khách quan nhất đối với các nguồn tài liệu khác.
2. Những nguồn tài liệu đến từ Do Thái giáo.
Những nguồn tài liệu này cũng không nhiều lắm ngoài hai đoạn trong bộ sử “Do Thái thời cổ đại” của sử gia Flavius Josèphe; và một số lời ám chỉ trong Kinh Talmud.
2.a Flavius Josèphe (37-100)
Ông là một sử gia người Do Thái, trước tiên ông chống lại người La mã nhưng sau đó lại trở cờ phục vụ họ. Ông qua đời tại Rôma vào năm 100 sau khi viết một số tác phẩm trình bày Do Thái giáo cho người La mã. Khi nói đến việc ông Gia-cô-bê “người anh em của Chúa” bị Hội đồng công tọa Do Thái kết án tử hình vào năm 66, Flavius Josèphe có gợi đến Chúa Giêsu : “Ông Ananus tập họp Hội đồng công tọa gồm những thẩm phán và đưa ông Gia-cô-bê ra trước họ, anh em của ông Giêsu, được gọi là Kitô, cùng với một vài người khác; họ lên án các ông này đã vi phạm lề luật và giao họ cho bị ném đá” (Flavius Josèphe, Antiquités Juives, XX, 9, 1). Các nhà phân tích chuyên môn nhìn nhận đoạn này là do chính tác giả ghi lại và không bị sửa đổi; ngược lại trong cùng bộ sách nơi cuốn thứ 18 có thêm một đoạn khác nói về Chúa Giêsu với một cung điệu khác và vì đoạn văn quá minh bạch nên các sử gia không cho có giá trị lịch sử. Họ nghĩ rằng Giáo Hội tiên khởi đã sửa đổi văn bản và thêm thắt vào đoạn văn nguyên thủy của Flavius Josèphe hầu minh bạch rõ ràng vai trò thiên sai của Đức Giêsu : “Thời đó có một hiền nhân tên là Giêsu, nếu coi ông là người thì ông là một người thông thái. Ông đã làm nhiều phép lạ, là thầy dạy những ai vui nhận chân lý. Ông lôi cuốn được nhiều người Do thái và cả nhiều người Hy lạp. Ông là Kitô. Rồi khi ông bị Philatô phạt đóng đinh vào thập giá vì những lời tố cáo của các vị đứng đầu trong chúng ta, thì những người lúc trước đã yêu mến ông vẫn không bỏ cuộc. Vì sau ba ngày ông lại hiện ra với họ như người còn sống; các ngôn sứ của Chúa đã nói về những điều này và còn có hàng ngàn điều lạ lùng khác về ông nữa. Cho tới nay, nhóm người được gọi là Kitô hữu đã theo ông vẫn không biến mất” (Antiquités XVIII)
Ngoài Flavius Josèphe, Kinh Talmud thuộc truyền thống Babylone Do Thái giáo khoảng thế kỷ thứ II cũng có nói đến cái chết của Chúa Giêsu : “Truyền thống kể lại như sau : Trước hôm ngày lễ Vượt qua, người ta đã đóng đinh ông Giêsu. Một vị quan tuyên cáo đã đi trước ông trong vòng bốn mươi ngày nói : “ông sẽ bị ném đá chết vì ông đã thực hành ma thuật, lường gạt và làm cho Ợt-ra-en lầm lạc. Hỡi những ai biết cách nào chống đỡ hãy đến và làm chứng cho ông.” Nhưng họ không tìm thấy một ai làm chứng cho ông và ông đã bị đóng đinh trước hôm ngày lễ Vượt qua.” (Talmud de Babylone Sanhédrin, 43a).
Ngoài ra còn bộ “Toledoth Yeshou” (Truyện về ông Giêsu) được soạn vào thế kỷ thứ 10 thuộc văn chương bình dân Do Thái mang sắc thái bài Kitô giáo, đánh dấu sự xung khắc giữa người Do Thái và Người Kitô hữu thuộc thời Trung cổ tại Âu châu. Vì vậy các sử gia hôm nay cho đó thuộc loại luận chiến và không giúp gì để tìm hiểu thêm nguồn gốc lịch sử của Chúa Giêsu.
3. Nguồn tài liệu đến từ Kinh Coran của Hồi giáo.
Kinh Coran được hình thành vào thế kỷ thứ VII sau công nguyên nhưng chứa đựng nhiều truyền thống xưa củ giống trong Thánh Kinh như truyện ông Abraham hiến tế con, chuyện ông Giu-se bị anh em bán, cuộc gặp mặt giữa ông Mô-sê và vua Pha-ra-on, triều đại Đa-vít và Sa-lô-môn. Người Hồi giáo coi Đức Giêsu như vị ngôn sứ lớn trước Ma-hô-mét cho nên Kinh Coran cũng có những đoạn về Người. Một số đoạn rất gần với Tiền Tin Mừng Thánh Gia-cô-bê cũng như Tin Mừng mạo danh Thánh Mát-thêu như đoạn kể về những con chim bằng đất sét (chương 3,49): “Ta sẽ làm cho các ngươi với đất sét cái gì đó có hình dáng bề ngoài một con chim; và ta thổi trên đó và nó sẽ trở thành một con chim với phép Thiên Chúa”. Và đoạn Chúa Giêsu làm ra những con chim bằng đất sét như trên đã được Tin Mừng mạo danh Thánh Mát-thêu ghi lại trước.
Kinh Coran có ghi lại câu chuyện truyền tin cho Maria nơi chương 3,45-49 và việc Chúa sinh ra bởi Đức Mẹ không bởi người nam. Cuộc đời công khai của Chúa Giêsu cũng như khi Ngài lựa chọn môn đệ cũng được kể lại; nhưng về cái chết của Chúa Giêsu thì Kinh Coran mang điểm tương tự với những văn bản phái ngộ đạo cho rằng Chúa Giêsu đã không thật sự bị đóng đinh nhưng đó chỉ là một người giống hệt Ngài mà thôi (xem Coran chương 4,156-158)
4. Nguồn tài liệu đến từ Kitô giáo.
Chúng ta thấy hai nguồn tài liệu trên không nói nhiều về Chúa Giêsu; thật vậy chỉ có nguồn tài liệu đến từ Kitô giáo mang nhiều văn bản nhất liên quan đến Chúa Giêsu. ễ đây chúng ta cũng còn phải cẩn thận phân chia ra làm 3 phần: Nguồn tài liệu đến từ Thư Quy; Nguồn tài liệu đến từ Ngụy Thư; các di ngôn ngoài Tin mừng (agrapha) và nguồn tài liệu đến từ văn chương các Giáo phụ.
4.a Nguồn tài liệu đến từ Thư Quy hay Quy điển.
Nguồn tài liệu này bao gồm tất cả những sách trong Thánh Kinh được Giáo Hội nhìn nhận linh hứng bởi Thiên Chúa. Sách nào được công nhận là sách Thánh thì thuộc Thư Quy và là quy tắc đức tin. Thư quy Tân ước bao gồm tất cả 27 quyển và đều được soạn trước năm 125 gồm :
- 4 sách Tin Mừng với các tác giả : Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an.
- Sách Công vụ các Tông đồ do Lu-ca biên soạn.
- 14 Thư Thánh Phaolô gửi cho các giáo đoàn...
- 7 Thư chung : Thư Thánh Gia-cô-bê, 2 thư Thánh Phêrô, 3 thư Thánh Gioa-an, Thư Thánh Giu-đa.
- Sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tất cả những văn bản Tân ước gốc nguyên bản đều bị mất như tất cả các sách thời thượng cổ, và những văn bản cổ nhất mà ta có ngày nay đều là những bản sao (cảo bản). Những cảo bản thường là những chỉ thảo (papyrus : thứ giấy làm bằng cây) hay loại da thuộc (parchemin : làm bằng da cừu, dê, bò...). Những cảo bản này được cuộn lại thành cuốn gọi là Tập lục (codex). Khoảng cách giữa những bản sao và những bản gốc rất ngắn nếu như chúng ta so sánh với các cảo bản của các tác giả nổi tiếng viết bằng tiếng La-tinh hay bằng tiếng Hy-lạp như : sách của ông Virgile chỉ còn cảo bản 4 thế kỷ sau; César 9 thế kỷ, Platon 13 thế kỷ... Trong khi đó toàn bộ Tin Mừng đã đầy đủ ở thế kỷ thứ IV sau công nguyên và các văn bản Tân ước hiện nay được tính có khoảng 5000 được chép từ thế kỷ thứ II tới thế kỷ thứ XVI nhưng ở đây chỉ đưa ra những văn bản chính :
- Chỉ thảo Rylands số 457 hiện tàng trử tại Manchester (Anh) ghi đoạn Tin Mừng Gioan 18,31-33.37-38. Theo dạng chữ viết, các nhà chuyên môn xác định chỉ thảo này được viết khoảng năm 130 tức là chỉ trong vòng 50 năm sau bản gốc.
- Chỉ thảo Bodmer II viết khoảng năm 200 ở Ai Cập gồm 14 chương Tin Mừng Gio-an và được lưu giữ ở thành phố Genève (Thụy sĩ).
- Ba chỉ thảo Chester Beatty viết khoảng năm 250 ở Ai Cập gồm những đoạn Tin Mừng, Thư Phaolô và sách Khải Huyền.
Từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI gồm có :
- Chỉ thảo Vaticanus khoảng đầu thế kỷ thứ IV, được chép ở Ai-cập và hiện được lưu giữ tại Bibliothèque Vaticane, chứa toàn bộ Thánh Kinh nhưng một vài đoạn bị hư hỏng.
- Chỉ thảo Sinaiticus khoảng giữa thế kỷ thứ IV, được chép ở Ai-cập và được ông Constantin Tischendorf tìm thấy trong tu viện Thánh Catherine trên núi Sinai, hiện giữ ở British Museum, Luân Đôn.
(Hai chỉ thảo Vaticanus và Sinaiticus là hai bản căn bản được dùng dịch ra các bản Kinh Thánh bằng các thứ tiếng địa phương hiện nay)
- Chỉ thảo Alexandrinus đầu thế kỷ thứ V bao gồm toàn bộ Thánh Kinh, được Đức Thượng phụ Constantinople Cyrille Lucar biếu cho vua nước Anh năm 1625 và hiện giữ ở British Museum Luân Đôn..
- Tập lục Ephremi rescriptus thế kỷ thứ V giữ tại Bibliothèque Nationale Paris (Pháp). Lúc ban đầu chỉ thảo này chứa đựng toàn bộ Thánh Kinh, nhưng vào hồi thế kỷ thứ XII vì da thuộc khan hiếm nên người ta đã xóa văn bản trên da thuộc này và viết lên đó một vài khảo luận của Thánh Ephrem thành Syria, và vì thế tập lục mang cùng tên Thánh Ephrem.
- Tập lục Bezae Cantabrigensis thế kỷ thứ VI chỉ gồm các sách Tin Mừng và Công vụ các Tông đồ. Tập lục này mang tên ông Théodore de Bèze lấy được từ tu viện Thánh Irénée ở Lyon (Pháp) năm 1562 khi thành phố này bị người Tin Lành phái Calvin tàn phá. Từ năm 1581, chỉ thảo này thuộc sở hữu đại học Cambridge cho đến ngày nay. Chỉ thảo này mang điểm đặc biệt là cùng được viết bằng hai thứ tiếng La-tinh và Hy-lạp.
- Tập lục Freerensis thế kỷ thứ V chỉ có các sách Tin Mừng. Tập lục mang tên một thương gia Mỹ tên C.L.Freer vì ông mua được tập này ở Ai-cập năm 1903 và hiện giữ tại Washington (Mỹ).
Vào đầu thế kỷ thứ V, người ta làm một văn bản hiệu đính mới ở Byzance với một bản dịch chung bằng tiếng Hy-lạp bình dân gọi là “Koiné” dành cho các Giáo Hội nói tiếng Hy-lạp. Sau đó người ta đã thống nhất các bản dịch; Thánh Giê-rô-ni-mô soạn thảo bản Phổ thông (Vulgate) bằng tiếng La-tinh. Bản Poshitta tiếng Syria và bản Ar-mê-ni-a cũng có từ thế kỷ thứ V.
Chúng ta cũng tự hỏi những văn bản ở thế kỷ thứ IV có được chép lại đúng theo nguyên bản không? Các nhà chuyên môn hôm nay đã so sánh những văn bản này với những lời trích dẫn của các tác giả Kitô giáo vào những thế kỷ đầu. Việc so sánh này giúp ta biết rõ hơn bản Tin Mừng được đọc hồi thế kỷ thứ II-III.
Từ thế kỷ đầu đến thế kỷ thứ VIII, các nhà nghiên cứu đếm được có khoảng 300.000 lời Tân ước được trích dẫn. Hiện nay, “Trung tâm phân tích tài liệu các Giáo phụ” tại thành phố Strasbourg đang khai thác toàn bộ những lời trích dẫn này bằng máy điện toán.
4.b Nguồn tài liệu đến từ ngụy thư.
Những sách ngụy thư là những sách bị Giáo Hội loại bỏ và không dùng làm nền tảng cho giáo lý của mình; cũng vì thế các ngụy thư không được dùng trong phụng vụ. Thể loại văn chương các ngụy thư có thể chia ra làm ba như sau :
- Loại ngụy thư thứ nhất chỉ được biết đến bởi những lời các tác giả Kitô giáo khoảng thế kỷ thứ III và thứ IV trích dẫn, được chỉ định bằng tên Cộng đoàn tập hợp những người Do thái trở lại Kitô giáo như : Tin Mừng Na-gia-rê-en; Tin Mừng Do Thái trưng Thánh Gia-cô-bê như mẫu người lý tưởng; Tin Mừng Ai-cập...Tất cả những ngụy thư này được viết vào khoảng thế kỷ thứ II và chứa đựng vài ngôn từ độc đáo của Chúa Giêsu. Dù sao những văn bản này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Giáo Hội hồi thế kỷ thứ II.
- Loại ngụy thư mang tính cách “tiểu thuyết” với mục đích giải đáp những tò mò thắc mắc và mang tính cách huyền hoặc. Tác giả loại ngụy thư này nghĩ rằng các Sách Tin Mừng Thứ Quy không kể hết được mọi chuyện nên họ phải thêm vào cho rõ ràng hơn như : Truyện của ông Gia-cô-bê bàn về việc Đức Maria sinh ra hay Tiền Tin Mừng Thánh Gia-cô-bê. Những sách này được viết khoảng năm 150 bằng tiếng Hy-lạp và được dịch ra tiếng Sy-ri-ắc, Ar-mê-ni, Ê-thi-ô-pi, Giê-or-gi và tiếng Slave cổ. Tác giả kể lại truyện ông Gio-a-kim và bà An-na trong tuổi già nhưng còn được người con là Đức Maria. Sách kể truyện làm sao ông Giuse là người góa và cha một bầy con lại lấy Maria về làm vợ; cũng như mối nghi ngờ khi ông thấy Maria mang thai. Sách cũng ghi lại truyện một bà mụ nhận xét sự trinh tiết của Maria sau khi sinh nở; và thuật cuộc trốn qua Ai-cập và cái chết của ông Za-ca-ri-a cha Thánh Gio-an Tẩy giả. Các ngụy thư này đã ảnh hưởng lớn lao trong đời sống đạo đức cũng như trong nghệ thuật và văn chương Kitô giáo. Đây là tài liệu quý giá để hiểu biết trí tưởng tượng cũng như tư biện của một số nhóm Kitô hữu hồi thế kỷ thứ II, nhưng các sử gia không nhìn nhận tính cách lịch sử để biết thêm thời thơ ấu Đức Giêsu. Vào thế kỷ thứ IV một tuyển tập mang tên Tin Mừng mạo danh Thánh Mát-thêu múc lấy ý tưởng từ Tiền Tin Mừng Thánh Gia-cô-bê nhưng nhấn mạnh thêm sắc thái huyền hoặc và từ đó chúng ta mới biết có bò lừa bên trong hang đá ngày Chúa Giêsu sinh ra; câu truyện này còn tiếp tục ảnh hưởng sâu đậm trong cảm thức tôn giáo, phụng vụ và khoa tranh ảnh Kitô giáo cho đến ngày nay.
- Loại ngụy thư chứa đựng những sai lạc đối với đức tin Kitô giáo sơ khai như Tin Mừng Chân Lý, Tin Mừng Thánh Philipphê và Tin Mừng Thánh Tô-ma viết bằng tiếng Copte, được tìm thấy ở Nag Hammadi bên Ai-cập năm 1945 và in ra năm 1956. Bản văn Tin Mừng Thánh Tô-ma được chia ra làm 114 câu ngôn từ của Chúa Giêsu và trong đó có 79 câu gần giống với Tin Mừng Nhất Lãm. Các nhà chuyên môn cho rằng văn bản này được hoàn thành khoảng năm 140 ở bên Sy-ri. Tất cả những văn bản này được phát sinh từ môi trường phái ngộ giáo (gnosticisme). Họ cho rằng chỉ có việc giác ngộ, đạt đến một tri thức kiểu bí truyền mới đưa con người đến ơn cứu độ khác hẳn với Nước mà Chúa Giêsu mời gọi mọi người ngay cả những kẻ nghèo hèn và bé nhỏ.
Tóm lại câu hỏi đặt ra với các ngụy thư là các bản văn này có thật sự hợp với tư tưởng Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng tại Pa-lét-ti-na?
4.c Di ngôn ngoài Tin Mừng (Agrapha).
Đây là những lời Chúa Giêsu không được ghi lại trong bốn cuốn Tin Mừng nhưng có thấy trong các văn bản khác ví dụ như Thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Cô-rin-tô 7,10 : “còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi mà là Chúa : vợ không được bỏ chồng...”; ví dụ khác trong sách Công vụ các Tông đồ 20,35, khi Phaolô từ gĩa các kỳ mục ở Ê-phê-sô : “(anh em) phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy : cho thì có phúc hơn là nhận”. Ngoài những sách Tân ước chúng ta còn biết những lời khác do các Giáo phụ ghi lại vì vậy chung chung những di ngôn này có lẽ được truyền khẩu lưu giữ.
4.d Nguồn tài liệu đến từ truyền thống các Giáo phụ.
Các Giáo phụ bao gồm những nhà văn Kitô giáo của 5 thế kỷ đầu sau công nguyên. Những vị trước năm 150 được gọi là “Tông phụ” và những bản văn của họ ở cùng thời với những văn bản Tân ước cuối cùng, ví dụ như sách Didachè hay “Giáo Huấn 12 Thánh Tông đồ”; Thánh thư Clê-men-tê gửi tín hữu Cô-rin-tô và những Thánh thư Thánh Igna-ti-ô thành An-ti-ô-khi-a. Dù không được nhận vào Thư quy nhưng một vài Giáo Hội Đông phương rất tôn kính những văn bản này. Đây là những văn bản Kitô giáo thuộc thế hệ thứ hai chứa đựng những truyền thống xưa cổ mà một số rất sát với những điều Tin Mừng trong Thư quy Tân ước.
5. Khoa khảo cổ.
Cho đến ngày hôm nay khoa khảo cổ chưa tìm ra được những đồ đạc cá nhân của Chúa Giêsu, và cho dù có tìm thấy cái gì đó rất có thể cũng không bao giờ chứng minh được vật ấy thật sự là của Chúa Giêsu.
Thế nhưng khoa khảo cổ đã giúp ích rất nhiều trong vấn đề xác nhận những điều Tin Mừng hoặc các văn bản các sử gia ghi lại. Ví dụ như sách Tin Mừng nêu tên những vị vua thời Chúa Giêsu : Vua Hê-rô-đê (Luca 1,5; Mát-thêu 2,1); con của Hê-rô-đê là Ác-khê-lao (Mát-thêu 2,22); những người con khác là Hê-rô-đê và Phi-lip-phê (Luca 3,1); những người cháu mang tên Ác-ríp-pa và Béc-ni-kê (Công vụ tông đồ 25,13)...Tất cả những nhân vật này đều được khoa khảo cổ tìm ra dấu vết với những đồng tiền họ cho đúc dưới triều đại của họ; những đồng tiền này đều có ghi tên vị vua đang cầm quyền thời đó. Ngay trên những đồng tiền này hoặc trên những đồng tiền khác do người La mã phát hành không thấy một huy hiệu nào thuộc ngoại giáo hay hình một nhân vật nào. Tất cả điều đó chỉ vì những người phát hành tiền không muốn đụng chạm đến người Do Thái. Điều này cũng chứng minh các sách vẫn thường ghi lại các người đô hộ La mã và những vị vua theo họ vẫn còn tôn trọng Do Thái Giáo.
Vào năm 1961 các nhà khảo cổ đã khai quật ra một hí viện La mã ở miền biển Xê-sa-rê : người ta tìm thấy một bệ của bức tượng mang tên hoàng đế Ti-bê-ri-ô và quan tổng trấn Phi-la-tô. Đây là một bằng chứng lịch sử quan trọng về vị quan mà tên ông được ghi ngay trong Kinh Tin Kính của Kitô giáo. Bệ này ngày nay còn được lưu giữ tại Giê-ru-sa-lem, dù không còn nguyên vẹn nhưng có những dòng chữ như sau :
...S TIBERIEVM
...NTIVS PILATVS
...ECTUS IVDA
Hàng chữ đầu mang tên hoàng đế Ti-bê-ri-ô, hai hàng dưới có nghĩa Pontius Pilatus Praefectus Judae (Phong-xi-ô Phi-la-tô tổng trấn Giu-đê-a).
Ngoài ra khoa khảo cổ vẫn còn tiếp tục giúp chúng ta khám phá về kinh thành Giệru-sa-lem cổ, các làng mạc ở Ga-li-lê-a hay Giu-đê-a, lối sống người thời xưa ở Pa-lét-tin. Tất cả những khám phá giúp chúng ta đọc hiểu Thánh Kinh rõ ràng hơn và cũng một trật là những chứng từ gián tiếp về Chúa Giêsu.
Tóm lại tất cả những bằng chứng nêu trên để đi tìm khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử đều có lợi ích của nó, nhưng để hiểu biết thật sự con người Chúa Giêsu thì điều này vượt qua mọi bằng chứng khoa học. Các Thánh trong truyền thống Giáo Hội, Phụng vụ, nghệ thuật Kitô giáo đã mang và vẫn còn mang đến hôm nay chứng từ như lời Thánh Gioan ghi trong lời cuối cuốn Tin Mừng : “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (20, 30-31)
Linh mục Thêôphilô