Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 2012

Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội hoàn hảo ?

Thưa cha, đọc trên báo con hay thấy nói đến Giáo Hội hoàn vũ, xin cha giải thích; và đó có phải là Giáo Hội hoàn hảo hay không. Giữa Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội hoàn hảo có sự gì khác biệt? Tại sao cộng sản lại rất ghét Giáo Hội Công giáo, xin cha cho chúng con biết vì nguyên do gì?

Con cũng gửi kèm theo thư này một bản tin đồn đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong số 418 trang 30, thưa cha có đúng sự thật không. Nếu đúng thì tại sao Giáo Hội không truất phế ông cha Phan Khắc Từ này.

Con rất mong những câu giải thích của cha và con không quên kính chúc cha luôn mạnh khoẻ dồi dào hồng ân Chúa ban.

Vũ Thị Nhung (Oldenburg).

Trước hết, tôi xin có lời khen tinh thần học hỏi của chị đã chịu khó để ý đến nghĩa của từ ngữ, lời văn và theo dỏi thời sự tôn giáo ở quê nhà. Thư của chị mang tất cả ba câu hỏi liên quan đến Giáo Hội với ba đề tài rộng lớn. Với hai câu hỏi đầu các nhà chuyên môn có thể viết ra mấy pho sách để giải nghĩa, nhưng ở đây tôi chỉ xin tóm tắt:

Trong kinh Tin Kính chúng ta thường đọc khi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật hay các ngày lễ trọng cũng còn được gọi là “tín biểu công đồng Nicée”, ở gần phần cuối chúng ta cùng tuyên xưng: “Tôi tin kính một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.” Duy nhất vì mọi kitô hữu kết hợp lại thành một gia đình. Tất cả đều là anh em. Họ không lựa chọn nhau và mỗi người đều khác biệt nhưng cùng một đức tin, hy vọng và tình yêu. Thánh thiện vì Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và làm cho chúng ta tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con. Thánh thiện ở đây không mang nghĩa không có những người tội lỗi vì Giáo Hội được kết bằng những người có xương có thịt. Công Giáo có nghĩa là phổ quát, hoàn vũ, mở rộng cho tất cả mọi người vì Thánh thần nói với tất cả mọi người. Tông truyền vì Giáo Hội được khai sinh ra trên Cộng đoàn những tông đồ tiên khởi và còn được tiếp tục ngày hôm nay với những chứng nhân đặc huệ là các Đức giám mục.

Riêng về câu hỏi thứ nhất của chị, Giáo Hội hoàn vũ có ý nghĩa bao gồm cả thế giới công giáo. Ví dụ: Đức Giáo Hoàng là mục tử toàn thể Hội Thánh công giáo. Ngài có trách nhiệm coi sóc Giáo Hội hoàn vũ; khác với giáo Hội địa phương là Giáo Hội ở mỗi miền, mỗi nước dưới quyền coi sóc trực tiếp của Hội đồng Giám mục hay các Giám mục như Giáo hội Trung Hoa, Giáo Hội Việt Nam v.v.....Trong khi đó Giáo Hội hoàn hảo là Giáo Hội vẹn toàn thánh thiện như lời tuyên xưng trong kinh Tin Kính.

Tóm lại, Giáo Hội hoàn vũ chỉ về không gian, nơi chốn, còn Giáo Hội hoàn hảo chỉ về phẩm chất thánh thiện.

Để trả lời câu hỏi về Công Giáo và cộng sản, tôi xin trích Lời Bảo 47 của Lịch Công giáo điạ phận Saigòn năm 1974: “Mọi người cần phải phân biệt lý thuyết cộng sản và người theo cộng sản. Cộng sản vô thần duy vật là một lý thuyết sai lầm, vì chủ trương vô thần nghĩa là chối bỏ Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng cao quí của con người. Hội Thánh không ngừng lên án gắt gao lý thuyết cộng sản vô thần và những hoạt động tai hại theo chủ trương cộng sản vô thần. Trung thành với Thiên Chúa và Hội Thánh, người công giáo phải khôn ngoan cẩn thận, đừng để mình bị tiêm nhiễm lý thuyết vô thần sai lầm. Nhưng con người cộng sản cũng là anh em với chúng ta. Đối với họ, người công giáo phải yêu thương và giúp đở họ thoát khỏi sai lầm bằng cách trình bày giáo lý đích thực và nêu gương đời sống công bình bác ái....nhất là nghiên cứu học hỏi giáo lý công giáo cho sâu rộng và đem áp dụng các nguyên tắc công giáo trong các thông điệp bất hủ về vấn đề xã hội của các Đức Giáo Hoàng.”

Như thế cũng biết rõ tại sao cộng sản không ưa (không nói là ghét) Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo khác. Vì chính K.Marx đã chủ trương tiêu diệt tôn giáo như là chướng ngại nguy hiểm của chủ thuyết vô thần cộng sản: “Hạnh phúc chân chính của nhân dân đòi hỏi phải triệt hạ tôn giáo như là hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân” (K.Marx. Contribution à la critique de la philosophie du droit de Hegel, trong oeuvres philosophiques. Ed. Costes, quyển 1 trang 84). Cũng nên biết thêm là Giáo Hội Công giáo kết án lý thuyết cộng sản vô thần và cũng kết án luôn những sai lầm độc hại của chế độ tư bản: vô thần trong lối sống thực tế, bất công xã hội, cánh sống vô luân, phá thai.....như lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Giáo Hội đã không ngừng lên tiếng chống lại các chế độ đàn áp tự do trên bình diện chính trị cũng như kinh tế, trong xã hội chủ nghĩa cũng như trong chủ nghĩa tự do kinh tế. Các chế độ độc tài đối kháng nhau cũng như các nền dân chủ bệnh hoạn đều là con đẻ của chủ trương gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi tấm lòng và cuộc sống con người”.

Về bản tin đồn đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong số 418 về các cha quốc doanh bị hủ hoá, tuy rằng “có lửa mới có khói” có chi đó người ta mới đồn và đôi khi tin đồn được gây ra có mục đích gì khác nữa....Một khi nói Tin đồn thì sự thật ra sao khó mà chắc 100%, cần phải được kiểm chứng trong tự do, chân lý và bác ái. ễ trời Âu Mỹ, chúng ta nhận được tin đồn xảy ra tại Việt Nam về chuyện không hay của một linh mục... thì chúng ta khó mà xét đoán trong chân lý và bác ái được; vã lại chúng ta có quyền gì mà xét đoán. Nguyên tắc luân lý Công giáo dạy: Phải nghĩ tốt cho kẻ khác khi không có bằng chứng rõ ràng. Theo luật thường, không có quyền kết án và phạt bất cứ ai, nếu không được xét xử trong công minh chính trực. Ngoài ra bản Tin đồn trên nêu rõ danh tánh, phận sự của cá nhân một linh mục tuy rằng có thể ở Việt Nam nhiều người biết; đó là đụng đến đời tư của một cá nhân; nên thiết nghĩ vì bác ái, vì tôn trọng đời tư chúng ta không nên bàn dài trên trang báo này.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art