Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 2012

Hang toại đạo

Thưa cha, trong dịp nghỉ lễ con có dịp được sang thăm viếng thành phố Rôma và quốc gia Vatican. Ngoài những di tích lịch sử La mã rất phong phú con lại rất thích khi được dẩn đi viếng hang toại đạo Sainte DOMITILLE. Con đã được nghe qua câu chuyện về những hang này là nơi người Công giáo ở Rôma trốn trong thời bắt đạo của các hoàng đế La mã. Khi thăm tại chổ người hướng dẩn viên lại nói đây là nghĩa trang.

Nguyễn Lộc (Pháp)

Muốn hiểu rõ hiện tượng những hang “toại đạo”, chúng ta cần đi ngược lên thời gian thật xa xưa. Lúc ấy, mấy ngàn năm trước đây thành phố Rôma hiện giờ là biển. Về phía Đông và phía Nam có những dảy núi vẫn còn tồn tại đến bây giờ.Nhất là những dảy núi ở phía Nam mà người Ý còn gọi là “castelli Romani” là những núi lửa. Trải qua nhiều thế kỷ trước đây, những ngọn núi này đã bùng nổ dử dội rất nhiều lần; những phún thạch chảy theo triền núi xuống vùng đồng bằng và ra tận biển. Tại nơi này, chất phún thạch trộn với cát và bùn kết thành đá làm tầng đất cái của thành phố Rôma. Loại đá này rất dể đào nhưng một khi chạm không khí lại trở nên thật cứng. Những dân cư trong vùng thường đào những hang và hầm mộ cũng như làm nhà nơi những đá này.

Bước đến thời kỳ những hầm mộ. Đức tin Kitô giáo được loan truyền rất sớm sang Rôma. Các sử gia chắc chắn là ngay vào thế kỷ đầu. Trước khi thánh Phêrô chết năm 65 đã có khoảng mấy trăm tín hữu trong thành phố. Phần đông là những người do thái trở lại nhưng cũng có người La mã, dân nô lệ và ngay cả họ hàng thuộc các hoàng tộc Vespasien (69-79), Titus (79-81), Domitien (81-96). Một số lớn tín hữu thuộc thành phần nghèo không có đất đai tư hữu.

Luật của người La mã là một luật lệ khắt khe nhưng là một bộ luật rất phát triển và có công bằng trên nhiều phương diện. Dầu sao cũng không ngăn cấm được sự bách hại những tín hữu Kitô giáo hay bóc lột kẻ nghèo khó và dân nô lệ. Vào thời đại ấy, luật này đã có một sự tôn trọng đặc biệt đối với con người mà ngày nay chúng ta gọi là “nhân quyền”. It ra có bốn điểm cần lưu ý để hiểu rõ hiện tượng những hầm mộ tại Rôma:

1) Ta có quyền và bổn phận giữ thân xác những người qua đời dù họ có bị trảm quyết như tội nhân.

2) Các ngôi mộ đều được che chở. Ai đánh phá sẽ vi phạm trọng tội. Nơi cưả mỗi phần mộ đều ghi hàng chữ “sacer Locus, sacrilige cave malu” (tạm dịch: Nơi thiêng liêng, kẻ phạm thánh, giữ khỏi sự xấu).

3) Mỗi phần mộ thuộc quyền tư hữu của gia đình mãi mãi dù sau này phần đất có bị đổi qua tay một gia đình khác.

4) Người chủ sở hữu không những làm chủ diện tích đất nhưng còn là chủ cả phần dưới đất.

Ngoài ra, khi một người qua đời dân La mã có ba cách làm: đốt xác, mai táng hay để vào những quách rồi chờ xe đến lấy mang ra chôn cất trong những huyệt chung ở ngoài thành. Những gia đình La mã giàu đều có những công trình kỷ niệm dọc theo những đại lộ ngoại thành Rôma. Nơi đây họ bỏ tro những người thân quá cố trong những chiếc vò mang hai quai và đặt vào những hốc tường với câu ghi trên tấm biển bằng đá hoa. Đối với họ, linh hồn được giải thoát khỏi xác qua việc hỏa táng. Nếu những người nô lệ thuộc gia đình qua đời thì xác được đặt trước cửa, cho thấy rằng dù chết họ vẫn tiếp tục hầu hạ chủ mình như người giữ cửa.

Những cách chôn cất trên không thích hợp với Cộng đoàn Thiên Chúa giáo. Họ nghĩ cần giữ thân xác chờ ngày sống lại. Thân xác người Kitô hữu là một vật thánh và là nơi Chúa Thánh Thần ngự vì thế cần phải được tôn kính. Nhưng phải làm cách nào đây vì rất đông tín hữu nghèo không có điều kiện để giữ xác những người qua đời. Cuối cùng họ nghĩ rằng cần thực thi bác ái và tình liên đới. Những người Kitô hữu giàu và có những ngôi mộ dọc trên những trục giao thông lớn như Via Appia, Via Latina hay Via Salaria, cho phép người đồng đạo nghèo khó dùng đất của mình chôn cất người quá cố. Những phần đất này cũng có giới hạn và cần phải tìm một giải pháp khác. Họ liền đào những đường hầm trong đá và trong những bức tường hành lang họ lại đào những tầng giá để đặt xác. Trước đó mỗi thân xác đã được quấn vải liệm với vôi. Sau khi đặt xác, những tầng giá được đóng lại với đá hoa hay bằng gạch và ghi tên người quá cố hay một dấu hiệu ghi ở ngoài. Phần nhiều những ngôi mộ này được trang hoàng với những tranh vẻ, tranh khắc hay những hàng chữ diển tả Đức tin Kitô giáo.

Người ta khám phá ra hơn 40 nghĩa trang kiểu này. Mỗi nghĩa trang mang tên người chủ sở hữu như Thánh Domitilla, tên một Đấng tử đạo như Thánh Praxède hay tên một giáo xứ. Chúng ta thấy những hành lang có nhiều tầng vì họ không thể đào ra khỏi phần đất của mình và một khi đào đến nơi giáp giới, họ phải đào về phía trái hoặc phía phải hay sâu xuống đất; cũng vì thế có những hang sâu xuống đến năm tầng.

Vào thế kỷ thứ V, dưới thời hoàng đế Constantinô đạo Thiên Chúa không còn bị bách hại. Người tín hữu được quyền chôn cất người quá cố mà không cần dùng đến những hang trên và chốn này trở thành nơi hành hương thăm viếng các mộ phần những người tử đạo được chôn cất trong đó.

Đến thế kỷ thứ VI, VII và VIII, thành phố Rôma bị xâm lăng bởi quân rợ Goths và quân Lombardi. Quân ngọai xâm khám phá rằng người La mã thường dấu những vật quí giá trong các ngôi mộ. Các hầm mộ lại ở ngoại thành nên rất dể dàng bị phá hoại. Sang thời kỳ thái bình, các vị Giáo Hoàng ra lệnh thu lượm lại tất cả xác những tín hữu và đem chôn cất trong những thánh đường trong nội thành. Các hầm mộ bị bỏ rơi và những cửa hang bị chắn vì đất chuyển động. Vào thế kỷ thứ X người ta không còn biết các hang ấy nằm ở đâu, và chỉ còn duy nhất một hầm mộ còn được biết đến và được thăm viếng là hang Thánh Sebastinô, cũng còn được gọi là nghĩa trang “ad Catacumbas” vì hầm mộ này nằm trong một lõm sâu cạnh Via Agrippa. Từ đó mọi nghĩa trang Kitô giáo được tìm thấy lại đều mang danh từ “catacombes” tức là hầm mộ và chúng ta thường gọi là hang toại đạo.

Ông Bosius (1575-1629) là người đầu tiên đã khám phá lại những hầm mộ bị chôn vùi và công trình đi tìm lại những di tích lịch sử này được nối tiếp bởi ông Jean Baptiste Rossi (1822-1894) và việc khai phá còn được tiếp tục cho đến ngày nay vẫn chưa xong.

Tóm lại, đây chính thực là những hầm mộ! Ngoài ra chúng ta có thể nghĩ rằng trong thời kỳ bị bách hại, vì hầm mộ là nơi thiêng liêng nên có thể một số tín hữu Kitô giáo đã vào đây trú ẩn và tham dự các nghi lễ phụng vụ, nhưng các sử liệu về việc này chưa có gì là chắc chắn cho lắm.

Lm. Thêôphilô

Bài viết khác