TẠI SAO CÓ CHỨC ĐỨC GIÁM MỤC PHỤ TÁ?
Nhân dịp Đức Thánh Cha bổ nhiệm hai Đức Giám mục phụ tá choTổng Giáo phận Hà nội và Tp Hồ Chí Minh(15-10-2008), có mấy bạn gọi điện thoại cho chúng tôi hỏi về bản tính và chức vụ Giám mục phụ tá. Vấn đề thời sự xin trả lời và mong các bạn góp ý kiến.
1- Chức Tông đồ trong Hội Thánh Công giáo.
Hội Thánh (Giáo hội) do Chúa Kytô thiết lập và do Chúa Thánh Thần là nguyên lý (principe) sự sống của Hội Thánh được một đặc ân (don) cho phép kéo dài mãi mãi những quyền bính của Chúa Kytô và thực hiện sự hiện diện của Chúa Kytô Phục Sinh (Le Ressuscité) trong lòng Giáo Hội. Đó là đặc ân thừa tác viên tông đồ (le don du ministère apostolique).
Lúc sách Tông đồ Công vụ được viết ra, sứ mệnh truyền giáo đã trao cho nhiều người ở nhiều thành phần: Nhóm Mười Hai, nhóm Giacôbê gồm có Giacôbê họ hàng của Chúa với những người thân cận (sở dĩ gọi là nhóm Giacôbê vì bây giờ một số nhà chú giải cho biết khá chắc chắn rằng Giacôbê họ hàng với Chúa không thuộc Nhóm Mười Hai( xem I Cor 15,5 so sánh với I Cor 15,7, Gal 1,19), nhóm Phaolô trong đó có Barnaba, Sylvanô, Timôtê… (I Thes 1,1 và 2,7; I Cor 9,6), nhóm Bảy Mươi Hai.
Nhóm Mười Hai và Nhóm Bảy Mươi Hai được Chúa trực tiếp kêu gọi lúc Chúa đi rao giảng, nhưng Nhóm Mười Hai là căn bản. Cụ thể, qua việc các Tông đồ nhóm họp (Nhóm Mười Hai và Nhóm Bảy Mươi Hai v.v) bầu Mathia thay thế Giuđa để bảo vệ túc số Mười Hai và khi thánh Giacôbê tông đồ con ông Giêbêđê bị vua Hêrôđê Agrippa trảm quyết (Cvtđ 12,2) thì không có bầu ai thay Giacôbê. Là Nhóm nền tảng, không thể thay đổi vì nếu nền tảng thay đổi thì tòa nhà cũng thay đổi.
Những năm đầu tiên của Hội Thánh, quyền điều khiển cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem thuộc Thánh Tông đồ Phêrô với sự cộng tác của các thánh Tông đồ trong Nhóm Mười Hai.
Nhưng quyền hành Tông đồ dần dần được mở rộng ra. Có một lần, thánh Tông đồ Phêrô bị tù ở Giêrusalem (Cvtđ 12,3-5) thì Giacôbê họ hàng với Chúa (không ở trong Nhóm Mười Hai) điều khiển cộng đoàn. Giacôbê chỉ là người được ủy quyền (mandataire, xem I Cor 15,7).
Trước khi Chúa Kytô gọi Nhóm Mười Hai là tông đồ (apostolos) (Mt 10,2), những người nầy được gọi là môn đệ (disciple). Sau nầy, nhóm Bảy Mươi Hai cũng được gọi là môn đệ. Bốn Tin Mừng đã dùng 216 lần từ ngữ môn đệ (Gioan dùng 75 lần). Và Chúa Kytô muốn mọi người là môn đệ của Ngài: “Các ngươi hãy đi thâu nhận muôn dân thành môn đệ, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
Còn từ ngữ tông đồ (apostolos) được dùng 9 lần trong Tin Mừng nhất lãm (I trong Mathêu, 2 trong Marcô, và 6 trong Luca), Tin Mừng theo thánh Gioan không dùng. Vì thế, có thể đoán rằng những người được Chúa Kytô kêu gọi theo Ngài lúc Ngài đi rao giảng được gọi là môn đệ, sau nầy khi Chúa về trời và Thánh Thần hiện xuống hoạt động nơi các môn đệ, nơi các giáo đoàn, từ ngữ tông đồ mới được dùng để chỉ Nhóm Mười Hai là “sứ giả của Đức Kytô” là “người được Đức Kytô sai đi” và rồi được mở rộng ra. Chính thánh Phaolô được Chúa Kytô kêu gọi trước cổng thành Đamas đã ý thức mình là tông đồ có quyền ngang với Nhóm Mười Hai, nhưng Ngài cũng ý thức vai trò trưởng tông đồ của thánh Phêrô, vai trò lớn của thánh Gioan và của Giacôbê họ hàng với Chúa. Vì thế, ta không ngạc nhiên gì khi sách Tông đồ Công vụ và các thư của thánh Phaolô sử dụng tới 71 lần từ ngữ tông đồ.
Trong thư gửi tín hữu Do Thái, tác giả thánh cũng sử dụng từ ngữ tông đồ, gọi Đức Giêsu Kytô là sứ giả (apostolos) của Thiên Chúa, đương nhiên phải hiểu Nhóm Mười Hai là sứ giả (apostolos) của Đức Giêsu Kytô, và các môn đệ của các Tông đồ cũng được gọi là tông đồ: Sylvanô, Timôtê (I Thes 2,7), Barnaba (I Cor 9,6).
Nhờ các Tông đồ và các môn đệ của các Tông đồ đi rao giảng, các giáo đoàn được thành lập và các ngài lập “tổ chức điều hành tại địa phương”:
Thư I Thessalonica 5,12-13 viết: “Hỡi anh em, chúng tôi xin anh em hãy tỏ lòng tri ngộ những người đầy công lao giữa anh em, những người cầm đầu anh em trong Chúa (qui sont à vôtre tête dans Le Seigneur) và sửa bảo anh em. Hãy hết lòng kính trọng họ trong lòng mến vì công việc của họ. Hãy ở hòa thuận cùng nhau”.
Trong Thư Philip 1,1, chúng ta gặp được từ ngữ episkopos: “Phaolô và Timôtê, những nô lệ của Đức Giêsu Kytô, kính gửi các thánh hết thảy trong Đức Giêsu Kytô tại Philip, làm một cùng các vị Giám sự (episkopos) và các người phụ tá”.
Từ ngữ Episkopos trong Hy ngữ có nhiều ý nghĩa khác nhau. Người ta gọi các thần linh là Episkopos. Episkopos là giám thị, là phái viên mật, là công chức nhà nước. Rõ ràng, từ ngữ Episkopos có nguồn gốc ngoại giáo và được đưa vào sử dụng trong môi trường Kytô giáo có một ý nghĩa rất đặc biệt. Trong thư thứ I Phêrô 2,25, tác gỉa thánh mô tả Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên và Đấng canh giữ (episkopos) linh hồn. Còn trong Philip 1, 1; Cvtđ 20,28; I Timôtê 3,2; Titô 1,7, từ ngữ episkopos được dùng để chỉ các vị giám sự tức là những trưởng cộng đoàn (chefs de communautés).
Thánh Luca dùng từ ngữ presbuteros để chỉ trưởng cộng đoàn: “Trong mỗi Giáo hội, các ngài đặt những trưởng cộng đoàn (presbuteros), rồi sau khi đã cầu nguyện cùng ăn chay, các ngài phó giao họ cho Chúa, Đấng họ tin theo” (Cvtđ 14,23).
Từ ngữ presbuteros xa lạ với các cộng đoàn tín hữu gốc ngoại giáo, nó xuất hiện tại Giêrusalem và được dùng lan tràn ở miền Tiểu Á (Asie Mineure). Thí dụ trong thư thứ nhất của Phêrô, tác giả thánh xưng mình là sympresbuteros (đồng trưởng cộng đoàn) và trong thư thứ hai, thứ ba của Gioan, tác giả mở đầu xưng mình là presbuteros (trưởng cộng đoàn) (2 Gioan 1; 3 Gioan 1).
Điều quan trọng ở đây là thánh Luca sử dụng từ presbuteros trong những cộng đoàn thuộc thánh Phaolô (xem Cvtđ 14,23), như vậy từ ngữ presbuteros và từ ngữ episkopos cùng có một ý nghĩa là “trưởng cộng đoàn”. Vậy, Tân ước không nói rõ Giám Mục (Episkopos) và Linh Mục (presbuteros), phải dựa vào Truyền thống Giáo hội mới biết được.
Thánh Clêmentê Roma, Giáo hoàng, (năm 96) trong bức thư đầu tiên viết rằng: “Các Tông đồ (theo nghĩa rộng) đã nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu Kytô để rao truyền rằng: Đức Giêsu đã được Thiên Chúa sai đến là Đức Kytô. Đi qua các làng mạc, các phố xá, họ làm sứ giả Tin Mừng và rửa tội cho những ai mở lòng đón nhận thánh ý Chúa. Họ đặt những người theo đạo đầu tiên, sau khi đã chịu nhiều thử thách bởi Thánh Thần, làm những giám mục và phó tế phục vụ những người tin Chúa sau họ” (42, I. 3-4).
Nơi thánh Ignatio Antiokia, lần đầu tiên, người ta gặp thấy thánh nhân chia phẩm trật thành ba hạng: Giám mục, Linh mục, Phó tế. Ngài viết: “Tất cả phải kính trọng các phó tế như kính trọng Đức Giêsu Kytô, kính trọng Giám mục (số ít) như là hình ảnh Thiên Chúa và kính trọng Linh mục như là bậc nguyên lão viện của Thiên Chúa và kính trọng tập thể các tông đồ. Không có các ngài, người ta không thể nói tới Giáo hội” (Ignatio. Trall 3,1).
Ta có thể tóm tắt thế nầy: sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Nhóm Mười Hai mà thánh Phêrô làm trưởng điều khiển Giáo hội rao giảng Tin Mừng ở Giêrusalem, rồi đi rao giảng Tin Mừng ở nhiều nơi cùng với Nhóm Bảy Mươi Hai, với nhóm Giacôbê họ hàng với Chúa, rồi với nhóm Phaolô. Các ngài là Tông đồ (được sai đi).
Do nhu cầu truyền giáo, nhất là ý thức lời Chúa Kytô “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20), các Tông đồ đã lập giáo đoàn địa phương và lập những trưởng cộng đoàn được gọi là Episkopos hoặc Presbuteros và Phó tế (diakonos), còn các ngài là hàng giáo phẩm truyền giáo lưu động. Vấn đề kế thừa đã đặt xong.
Nhờ Truyền thống Giáo hội, ta mới biết hàng giáo phẩm địa phương ở tại chỗ có ba bậc: một giám mục đứng đầu, linh mục đoàn và các phó tế. Giám mục kế vị các Tông đồ, có quyền chức của Tông đồ.
2- Chức Giám mục
Trước Công đồng Vatican II, người ta bàn cãi về chức Giám mục. Có phe cho chức linh mục là chức thánh chính, còn chức Giám mục chỉ là hình thức bổ túc cho chức linh mục. Ngoài ra, người ta thấy quyền của Giám mục như hình lệ thuộc hoàn toàn vào quyền tối cao của chức Giáo hoàng.
Có hai thuyết:
- Thuyết quyền Giáo hoàng: Đức Giaó hòang là Đại diên Chúa Kytô (Vicaire du Christ), nắm trong tay trọn quyền mục tử của Giáo hội ( Le Pape réunit dans sa main la plénitude du pouvoir pastoral de L’ église) nên quyền mục tử của Giám mục trực tiếp nhận từ Đức Giáo hoàng.
Thuyết quyền Giám mục: mỗi Giám mục cũng như Giáo hoàng đều nhận quyền mục tư trực tiếp từ Thiên Chúa.
Công đồng Vatican II làm sáng tỏ vấn đề nầy khi dạy: “Khi được tấn phong Giám Mục, các Giám mục nhận sự trọn vẹn của Bí tích Truyền Chức Thánh mà tập tục phụng vụ Giáo hội và các thánh Giáo phụ gọi là chức linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ. Việc tấn phong Giám mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị; Tuy nhiên, các nhiệm vu ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ lãnh và các phần tử Giám mục đoàn” (Lumen gentium, số 21).
Vì hiệp thông với Thủ lãnh (Đức Giáo hoàng),đứng dầu tổ chức Giáo hội,sự kế thừa quyền chức Tông đồ (successio apostolica) của Giám mục được chia làm hai loại: kế thừa quyền thánh hóa (successio apostolica materialis) và kế thừa quyền cai trị (successio apostolica formalis). Thí dụ: Đức Giám mục truyền chức Giám mục cho linh mục nào mà không có “sự đồng ý của Đức Giáo hoàng”, truyền chức thành sự nhưng mắc vạ tuyệt thông. Thành sự do quyền thánh chức, nhưng bị vạ do quyền cai trị bị Tòa Thánh hạn chế lại.
Trong địa phận, các Đức Giám Mục kế thừa quyền thánh hóa như nhau, nhưng kế thừa quyền cai trị khác nhau:
Đức Giám Mục địa phận (Đức Cha chính) có toàn quyền trên địa phận của mình về lập pháp, hành pháp và tư pháp (Giáo luật điều 391,1). Đức Giám Mục phó hoặc phụ tá thì Giáo luật khuyên Đức Giám Mục địa phận trao chức Tổng đại diện (vicarius generalis) cho các ngài (Giáo luật điều 406,1). Lý do dễ hiểu: xét về chức thánh, Giám mục phó hoặc phụ tá trên quyền Tổng đại diện, nhưng xét về quyền cai trị thì Tổng đại diện có quyền hơn Giám mục phó hoặc Giám mục phụ tá.
3/ Quyền cai trị của Giám mục phó và Giám mục phụ tá.
Thực tế của tổng Giáo phận Saigon (tp HCM) hiện tại, xin đọc: (Nhìn lại mục vụ quản trị trong Giáo phận).
Văn bản nầy được phổ biến trong buổi Tĩnh tâm Hạt mỗi tháng tại Giáo xứ Tân Chí Linh vào buổi sáng ngày 04-11-2008, xin phép ghi ra đây:
1. Tình hình giáo phận rộng lớn, phức tạp, nhân sự già yếu, đến tuổi hưu, nhân sự mới ….
2. Những thiếu sót cần bổ sung, nhằm hoàn chỉnh và ổn định công việc quản trị…
3. GL 406: Giám mục phụ tá là Tổng Đại diện;
4. GL. 475-481: Bản quyền có thể đặt nhiều Tổng Đại Diện, với thường quyền chính. Ngoài ra, mỗi Tổng đại diện chuyên tâm nghiên cứu tình hình cùng các vấn đề phát sinh trong lãnh vực được phân công, để xuất hướng giải quyết, giúp chọn giải pháp cho vấn đề trong lãnh vực liên hệ..
5. Phân công cụ thể: Ba Tổng Đại diện, mỗi vị chuyên tâm lo cho một lãnh vực….
Tổng Giáo phận Saigon từ trước tới nay, bộ máy cai trị chỉ có Đức Tổng Giám mục và một Linh mục Tổng Đại diện. Đức Cha phụ tá thụ phong năm 2000 không có quyền cai trị. Nên nhớ Giáo luật gọi bộ máy cai trị địa phận là ORDINARIUS LOCI (Thường quyền địa phương) gồm Đức Cha địa phận, ta quen gọi là Đức Cha chính, và Tổng Đại diện. Giáo luật mới (năm 1983) lập thêm: các Đại diện Giám mục (Vicarius episcopalis ) và cho ở trong ORDINARIUS LOCI (xem điều 134). Bây giờ, bộ máy caị trị Tổng địa phận Saigòn mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trước đó cũng có lý do của nó.
GL điều 406 quy định: #1. Episcopus coadiutor, itemque Episcopus auxiliaris, de quo in can.403,2, ab Episcopo dioecesano Vicarius generalis constituatur; insuper ipsi prae ceteris Episcopus dioecesanus committat quae ex iure mandatum speciale requirant.# 2. Nisi in litteris apostolicis aliud provisum fuerit et firmo praecsripto #1.Episcopus dioecesanus auxiliarem vel auxiliares suos constituat Vicarios generales vel saltem Vicarios episcopales, ab auctoritate sua, aut Episcopi coadiutoris vel Episcopi auxiliaris de quo in can 403,2, dumtaxat dependentes.
Bản dịch của Hội đồng Giám mục Viêt nam, điều 406:
#1. Giám Mục phó cũng như Giám Mục phụ tá, được nói đến ở điều 403,2, phải được Giám Mục giáo phận đặt làm Tổng Đại Diện; hơn nữa, Giám Mục giáo phận phải ưu tiên ủy thác cho vị Tổng Đại Diện hơn những người khác các công việc mà luật đòi hỏi phải có sự ủy nhiệm đặc biệt.
#2. Nếu tông thư không dự liệu cách khác, miễn là vẫn tôn trọng của #1, Giám mục giáo phận phải đặt vị phụ tá hoặc các phụ tá của ngài làm Tổng Đại Diện hoặc ít là Đại Diện Giam Mục, và các vị nầy chỉ lễ thuộc quyền ngài, hoặc quyền Giám Mục phó, hoặc Giám Mục phụ tá được nói ở đều 403,2. (Bộ Giáo luật in lần thứ nhất, năm 2007)
Bản Latin, thiết tưởng phải để ý tới cách dùng động từ “constituere”: constituatur, mode subjontif, thể thụ động, có nghĩa là nên được đặt làm (Tổng Đại Diện hoặc Đại Diện Giám mục)… bởi (Đức Giám mục địa phận)...; constituat, mode subjontif, thể chủ động, có nghĩa là Đức Giám mục địa phận nên đặt (Giám Mục phó hoặc Giám mục phụ tá) làm Tổng đại diện hoặc làm Đại Diện Giám mục (nên khác với phải).
Tham khảo bản tiếng PhápL'Évêque coadjuteur comme L'Évêque auxiliaire dont il s’agit au can 403,2, sera constitué Vicaire général par l’Évêque diocésain (Universite’ pontificale de Salamanque, Code de droit canonique annote’, Edts Du Cerf, Edts Tardy)
Bản tiếng Anh: A coadjutor bishop as well as the auxiliary bishop mentioned in can 403,2, is to be appointed a vicar general by the diocesan bishop (James A.Coriden, Thomas J.Green, Donald E. Heintschel, The code of canon law, Published by Paulist Press, )
Theo thiện ý, Giáo luật chỉ bắt buộc Giám mục Giáo phận phải đặt Tổng Đại diện, đặt một Tổng Đại Diện là nguyên tắc chung, tuy nhiên có thể đặt nhiều Tổng Đại Diện vì địa phận rộng lớn hoặc lý do mục vụ (luật cũ,năm 1917, điều 366,3 nói tới vì các các lễ nghi khác nhau, thí dụ lễ nghi Latinh, lễ nghi Chính thống trong giáo phận) (Can 475. #1. In unaquaque dioecesi constituendus est ab Episcopo dioecesano Vicarius generalis, …#2. Pro regula generali habeatur ut unus constituatur Vicarius generalis, nisi dioecesis amplitudo vel incolarum numerus aut aliae rationes pastorales aliud suadeant).
Còn đặt Giám mục phó, và Giám mục phụ tá không buộc Đức Giám Mục giáo phận phải đặt. Tùy nhu cầu địa phận và kể cả lý do nhân sự (Gravioribus in adiunctis, etiam indolis personalis, dans les circonstances plus graves, même de caractẽre personnel, in more serious circumstances even of a personal character. Điều 403,2), Đức Giám mục xin Tòa Thánh xét danh sách ba Linh mục do Đức Giám mục địa phận trình xin cho địa phận mình hoặc Giám mục phó hoặc Giám mục phụ tá. Theo nguyên tắc, Tòa Thánh có toàn quyền đặt Giám mục phu tá nhất là Giám mục phó cho địa phận mà không cần đơn xin của địa phận, tuy nhiên ta đã thấy chỉ cần có lý do “đặc tính cá nhân" thôi, Đức Giám mục địa phận vẫn xin Tòa Thánh cho vị nào đó làm Giám mục phụ tá được.
Giáo luật chỉ mong muốn Giám mục phó hoặc Giám mục phụ tá giữ chức Tổng Đại Diện đề tránh tình trạng, ngưởi Việt gọi là “chướng”, khi Giám mục phó hoặc phụ tá phải phục tùng quyền cai trị của một vị Tổng Đại Diện không có chức Giám mục (linh mục) (ils ne peuvent pas être soumis à un Vicaire général qui ne soit pas Évêque, xem Code de droit canonique annote’). Điều mà đang xảy ra trước mắt.
Về Tổng Giáo phận Saigòn nằm trong thành phố rộng lớn có huyện Củ Chi của thành phố lại thuộc giáo phận Bình Dương, cần có nhiểu Giám mục phụ tá để phục vụ nhu cầu chung, nhất là tình trạng phức tạp của Saigòn gồm dân số mà thành phần gồm cả Nam, Trung, Bắc, và người di dân.
LM Fx Nguyễn hùng Oánh