Thứ Tư, 10 Tháng Ba, 2021

Đại hồng thủy: Từ truyền thuyết Sumer đến Kinh Thánh

Đại hồng thủy: Từ truyền thuyết Sumer đến Kinh Thánh

Những Thần thoại về Đại hồng thủy ấy, tuy được sản sinh trong các nền văn minh khác nhau, nhưng lại giống nhau đến không ngờ. Giả như Đại hồng thủy đúng là ký ức của nhân loại thì nó đang nói với chúng ta điều gì? Nội hàm gì ẩn đằng sau một sự kiện từ thời viễn cổ trên quy mô toàn thế giới? Nó đã đặt ra cho nhân loại thật nhiều hoài nghi và giả thiết…

Những miêu tả về một trận Đại hồng thủy đã được ghi lại trong các bảng đất sét của người Sumer, truyền thuyết về người Maya ở Trung Mỹ, những câu chuyện của người Muisca tại Colombia, truyền thuyết về Babylon, cổ tích và sử thi Ấn Độ, thần thoại Đại Vũ trị thủy của Trung Hoa, hay thậm chí cả Sơn tinh Thủy tinh của Việt Nam… Người ta tổng hợp có tới khoảng 50 Thần thoại và truyền thuyết về Đại hồng thủy. Tất cả đều rất chi tiết, rõ ràng, mạch lạc, và đều có một mô típ chung rằng khi đạo đức của nhân loại tuột dốc thì thảm họa sẽ xảy ra, và chỉ có người tốt mới sống sót.

Đại hồng thủy có thật không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể…

• Khoảng 10.000 năm trước Công Nguyên, trục Trái đất đã từng thay đổi. Băng tan chảy có thể đã khiến mực nước các đại dương trên toàn thế giới dâng cao. Tuy nhiên một trận Đại hồng thủy như vậy khó có khả năng giết chết toàn bộ nhân loại mà chỉ gây nên lũ lớn.

• Còn tại Bắc Mỹ, các nhà khoa học cho rằng một đợt nước biển dâng cao bất thường đã xảy ra vào khoảng 8.400 năm về trước, khi hồ lớn Agassiz cổ cạn nước nhanh chóng.

• Hai nhà địa chất học William Ryan và Walter Pitman thuộc trường Đại học Columbia thì nghiên cứu về một trận Đại hồng thủy lớn đã từng xảy ra tại khu vực Trung Đông vào cuối kỷ Băng Hà khoảng 7.000 năm về trước.

• Bằng chứng khảo cổ lại cho thấy một lớp trầm tích nằm giữa các lớp đất tại Iraq ngày nay có niên đại khoảng 2.900 năm về trước, là thể hiện của một trận lũ lớn…

• v.v...

Nhưng những niên đại khác nhau của các nghiên cứu khoa học lại tiếp tục đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Đại hồng thủy xảy ra khi nào? Về vấn đề này, một thầy tế Ai Cập đã từng nói với nhà bác học cổ Hy Lạp Plato rằng, có thể đã có rất nhiều trận Đại hồng thủy xảy ra, từ thời Atlantis chìm xuống đáy biển cho đến tận truyền thuyết về Deucalion trong Thần thoại Hy Lạp. Đó cũng có thể là một lời gợi ý…

 Những nền văn mình đã mất có thể là câu trả lời cho Đại hồng thủy? (Ảnh qua StudyBlue)

Từ truyền thuyết của người Sumer đến Kinh Thánh

Năm 1922, nhà khảo cổ người Anh C. Leonard Woolle bắt đầu tiến hành đào bới khảo sát khu vực sa mạc Lưỡng Hà nằm giữa Baghdad và vịnh Ba Tư, kết quả là phát hiện di chỉ thành Ur thuộc vương quốc Sumer cổ đại, và phát hiện ra mộ của vua chúa trong thành này.

 Bức tranh khảm tìm thấy tại khu lăng mộ Hoàng gia Ur cho thấy văn minh Sumer đã từng rất phát triển. (Ảnh Wikipedia)

Woolle và những người trợ giúp ông cũng phát hiện ra một tầng đất sét trầm tích bên dưới ngôi mộ. Tầng đất sét dày đến 2 m này từ đâu mà có? Sau khi nghiên cứu phân tích số đất sét này, Wolle cho rằng chúng thuộc về lớp phù sa trầm tích sau một trận lũ lớn. Woolle cho rằng phát hiện này đã chứng minh sự kiện từng xảy ra: một trận Đại hồng thủy trong lịch sử theo truyền thuyết cổ Lưỡng Hà đã từng xuất hiện…

 C. Leonard Woolle cùng vợ ông tại địa điểm khảo cổ. (Ảnh qua jrichards.blogspot.hk)

Sumer là một nền văn minh cổ nằm ở phía Nam Lưỡng Hà, nay thuộc Trung Đông. Nền văn minh Sumer xuất hiện vào khoảng 2.900 năm trước Công Nguyên. Ở khu vực sa mạc Iraq, người ta tìm thấy nhiều bảng đất sét có khắc những chữ hình nêm của người Sumer, ghi chép Thần thoại và truyền thuyết vùng Lưỡng Hà. Trong đó nổi bật là câu chuyện về một trận Đại hồng thủy xảy ra trên trái đất vào thời xa xưa như sau:

Chỉ chưa đến 1.200 năm sau khi con người được Chư Thần tạo ra, dân số đã không ngừng gia tăng do điều kiện sống thật lý tưởng. Cả thế giới tràn đầy những âm thanh hỗn tạp như tiếng bò rống(*). Các vị Thần trên bầu trời bị con người làm phiền. Thần Enlil đứng đầu Chư Thần nói: “Con người quả thật ồn ào đến đinh tai nhức óc, khiến tôi không thể yên tĩnh nổi”.

 Vị Thần Mặt trời của người Sumer đang đánh nhau với con quái vật Hỗn độn. Người Sumer tin rằng họ được Thần tạo ra. (Ảnh Wikipedia)

Từ đó, Thần Enlil đề xuất gây ra một trận bệnh dịch lớn, rồi một trận hạn hán lớn, rồi một trận đói lớn, để con người không còn có thể sinh sôi. Tuy nhiên cứ mỗi khi gặp nguy cơ diệt vong, con người lại tới cầu xin Thần Enki – vị Thần tạo ra những nền văn minh, và Thần đã chỉ cho họ cách để thoát khỏi tai họa, khiến trái đất trở về với trạng thái ban đầu.

Cuối cùng, khi Thần Enlil không còn chịu nổi nữa, Thần thuyết phục Chư Thần gây ra một trận lũ lụt lớn nhằm hủy diệt hoàn toàn con người. Lúc này, Thần Enki lên tiếng phản đối và nói ông không thể nào ra tay với những tạo vật của chính mình. Tuy nhiên mặc cho ý kiến của Enki, các vị Thần vẫn quyết định giáng xuống một trận lũ lớn.

Thần Enki tìm tới Atrahasis, một người hết mức tin tưởng Thần linh. Ngài yêu cầu Atrahasis vứt bỏ tài sản, dỡ nhà để xây dựng một con thuyền lớn, và cứu lấy những loài vật trên mặt đất, mang theo mỗi loài hai con đực cái.

 Thần Enki (thứ 2 từ phải sang) là vị Thần bảo hộ cho con người. (Ảnh qua Crystalinks)

Đại hồng thủy đến… Con người không thể thấy rõ mặt nhau. Đại hồng thủy rống lên như tiếng một con bò lồng lộn. Bầu trời tối đen như mực, không thấy ánh mặt trời. Nữ Thần Nintu khóc than cho con người, và các vị Thần cùng khóc theo…

Sau khi Đại hồng thủy qua đi, Thần Enlil cùng các vị Thần khác nhận ra sai lầm của mình, và hối hận vì việc đã xảy ra. Vào thời khắc ấy, Atrahasis ra khỏi con tàu của mình, và công việc đầu tiên ông làm là cúng tế Chư Thần.

Mặc dù chỉ vừa mới bày tỏ sự hối tiếc của mình, Thần Enlil vẫn rất tức giận với Thần Enki vì đã cho phép một con người còn sống sót. Tuy nhiên, Thần Enki đã trấn an Thần Enlil, rồi mời Chư Thần tới tiếp nhận lễ cúng tế của Atrahasis. Trong buổi lễ, Thần Enki đề xuất rằng Chư Thần sẽ tạo ra loài người mới, ít khả năng sinh sôi hơn, và sẽ có những người phụ nữ không thể mang thai được. Những người phụ nữ làm lễ cúng tế Chư Thần cũng phải là những người còn trinh trắng.

 Nữ Thần Nintu góp sức tạo ra con người. (Ảnh qua Pinterest)

Chư Thần đồng ý với giải pháp của Thần Enki, và tưởng thưởng cho Atrahasis bằng cách đưa ông ta lên Thiên đàng. Trong khi đó, nữ Thần Nintu bắt tay vào việc tạo ra loài người mới…

(*) Đây có thể là cách nói hình tượng cho việc con người đã trở nên sa đọa.

Trên bia đá cổ liệt kê các vị Vua của nền văn minh Sumer có viết về nạn Đại hồng thủy như sau:

•  Sau khi vương quyền(*) tới từ Thiên đàng, nó ở Eridug. Tại Eridug, Alulim trở thành Vua; ngài trị vì trong 28.800 năm.

• [Phía dưới mô tả 5 đô thành và 6 vị Vua khác]

• Khi Zimbir sụp đổ, vương quyền được đưa tới Shuruppak.

• Ubara-Tutu trở thành đức Vua; ông trị vì trong 5 sar và 1 ner(**).

• Rồi lũ quét qua.

• Sau khi lũ đã quét qua, vương quyền lại tới từ Thiên đàng, và nó tới Kish.

(*) Người Sumer tin rằng “vương quyền” là do Thần truyền xuống cho con người.

(**) Sar và ner là một đơn vị tính năm của người Sumer. 5 sar 1 ner = 18.600 năm.

Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng bia đá cổ của người Sumer mang đậm tính truyền thuyết hơn là tài liệu lịch sử. Nhưng dù sao, chi tiết về trận “lũ quét qua” được ghi lại trên bia đá cổ liệt kê các vị Vua là một minh chứng khác cho niềm tin của người Sumer về trận Đại hồng thủy trong lịch sử.

 Tấm bia đá cổ liệt kê các vị Vua của nền văn minh Sumer. (Ảnh Wikipedia)

Truyền thuyết của người Sumer còn tương hợp với Trường ca Gilgamesh được tìm thấy trên một tấm bia của người Assyria, một nền văn minh xuất hiện khoảng 2500 năm trước Công Nguyên. Câu chuyện của người Assyria cũng miêu tả những trận ôn dịch khủng khiếp hoành hành, và một trận Đại hồng thủy xảy ra.

 Tấm bia của người Assyria ghi lại một phần Trường ca Gilgamesh. (Ảnh britishmuseum.org)

Nhưng Trường ca Gilgamesh khác biệt ở chỗ vị Thần bảo hộ con người là Thần Ea, và kẻ được Thần Ea chỉ dạy là Utu-napishtim. Sáu ngày sau khi Đại hồng thủy bắt đầu, nước rút dần, và Utu-napishtim đã thả ra cửa một con chim thứ nhất để thử, nhưng nó không bay được xa. Sau đó, ông thả ra ngoài một con chim nhạn, nhưng cũng không có kết quả gì hơn. Cuối cùng, một con quạ đã bay đi mất khi được thả ra ngoài, báo hiệu cho Utu-napishtim là nước đã rút. Ông ra ngoài và làm lễ cúng tế Thần linh…

 Truyền thuyết về Utu-napishtim. (Ảnh qua Pinterest)

Câu chuyện giống hệt đã xuất hiện trong Kinh Thánh, với những ghi chép về Noah:

Sau trận mưa dài 40 ngày đêm, Đại hồng thủy diễn ra trong 157 ngày. Và khi nước lũ bắt đầu rút đi, con thuyền của Noah mắc lại trên rặng núi Ararat. Noah mở cửa sổ và thử cho một con quạ ra để xem nước đã rút cạn hay chưa, nhưng con quạ này lại chỉ dám lượn qua lượn lại. Lần tiếp theo, Noah cho một con bồ câu bay ra ngoài. Tuy nhiên nó không tìm được nơi đậu và phải bay trở về.

 Một bức tranh khảm mô tả cảnh Noah thả con chim bồ câu để đoán mực nước rút. (Tranh qua Wikipedia)

Noah đợi thêm 7 ngày, rồi cho con bồ câu ra ngoài lần nữa. Khi bay về, con bồ câu ngậm theo một cành ôliu. Noah tiếp tục đợi 7 ngày, rồi lại thả con bồ câu ra, và lần này nó không quay về nữa. Noah bỏ tấm chắn, mở cửa thuyền, đi ra ngoài và thấy mặt đất đang dần khô lại. Ông tạ ơn Chúa trời, và nhận được sự hiển linh của Chúa.

Điều khiến người ta kinh ngạc đó là những câu chuyện tương tự đã được tìm thấy về vùng Lưỡng Hà, một số có gần 5.000 năm lịch sử. Nó cho thấy một niềm tin chung về trận Đại hồng thủy đã từng xuất hiện, và một sự giống nhau đến bất ngờ về câu chuyện con thuyền của Noah, hay Atrahasis, hoặc giả Utu-napishtim…

Quang Minh

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art