Chuẩn bị máy tính của bạn để đón Windows 8
Windows 8 sẽ ra mắt vào cuối tháng 10, tức là chỉ còn 3 tháng nữa. Giá cho bản nâng cấp cũng sẽ rất hấp dẫn. Nếu như bạn đã quyết định sẽ nâng cấp lên hệ điều hành mới nhất của Microsoft, hãy thực hiện những bước chuẩn bị dưới đây để đảm bảo máy tính của mình sẵn sàng cho Windows 8.
Kiểm tra yêu cầu phần cứng
Điều đầu tiên bạn nên làm là kiểm tra xem máy tính có đủ sức mạnh để chạy Windows 8 hay không. Yêu cầu hệ thống của Windows 8 như dưới đây:
- Vi xử lý: 1GHz CPU trở lên
- RAM: 1GB (bản 32-bit) hoặc 2GB (bản 64-bit)
- Dung lượng ổ đĩa: 16GB (bản 32-bit) hoặc 20GB (bản 64-bit)
- Đồ họa: Card đồ họa hỗ trợ DirectX 9 với driver hỗ trợ WDDM (Windows Display Driver Model)
Để sử dụng Windows Store trên Windows 8, màn hình của bạn cần có độ phân giải ít nhất là 1024x768. Để có thể gắn (snap) phần mềm, màn hình cần độ phân giải ít nhất 1366x768.
Kiểm tra tính tương thích của phần mềm hoặc phần cứng với Windows 8 Compatibility Center
Bạn cũng nên chạy Windows 8 Upgrade Assistant để kiểm tra tính tương thích của máy với Windows 8. Bạn cũng có thể xem Windows 8 Compatibility Center để tìm hiểu về tính tương thích cho phần mềm hoặc phần cứng của bạn.
Tập hợp đủ phần mềm điều khiển (driver) cho phần cứng
Windows 8 có thể không có đủ phần mềm điều khiển cho phần cứng của máy bạn, đặc biệt nếu như các linh kiện là loại cũ. Nếu như Windows Upgrade Assistant báo thiếu phần mềm điều khiển, hãy tìm kiếm trên website nhà sản xuất thiết bị để tìm phần mềm điều khiển cho tất cả những thiết bị cần thiết, như máy in, touchpad, card đồ họa hoặc âm thanh. Nếu như bạn có thể tìm thấy phần mềm điều khiển dành cho Windows Vista, nhiều khả năng nó sẽ chạy được trên Windows 8.
Làm sạch hệ thống
Việc làm sạch máy tính sẽ giúp hệ thống chạy trơn tru hơn, nhờ vậy hệ điều hành Windows 8 cũng sẽ chạy tốt hơn. Bạn có thể làm sạch phần mềm bằng cách dọn sạch ổ đĩa, kiểm tra thiết lập bảo mật của hệ thống, hoặc làm sạch phần cứng bằng cách đơn giản là lau chùi các linh kiện của máy tính.
Sao lưu các file dữ liệu riêng tư
Đừng làm mất những dữ liệu của bạn khi nâng cấp hệ điều hành. Hãy sao lưu tất cả tài liệu, ảnh, nhạc hay phim vào một ổ cứng cắm ngoài và đảm bảo nó được rút ra khi nâng cấp hệ điều hành. Cũng đừng quên sao lưu e-mail, nếu như bạn sử dụng chương trình duyệt e-mail tải về máy. Dù Chrome và FireFox cũng có thể lưu các trang web đánh dấu của bạn, bạn cũng nên lưu một bản vào máy tính.
Tập hợp phần mềm và bản quyền
Nếu như bạn nâng cấp từ Windows XP hoặc Vista, bạn sẽ phải cài lại những phần mềm trong máy. Hãy tạo một danh sách những phần mềm bạn muốn cài lại, và đảm bảo bạn đã có sẵn file cài. Bạn cũng nên tập hợp sẵn mã bản quyền của các phần mềm đó. Nếu như không tìm được mã, bạn có thể sử dụng các phần mềm như Belarc Advisor.
Những phần mềm như Belarc Advisor sẽ lưu trữ mã bản quyền giúp bạn
Sau khi bạn đã tập hợp đủ các phần mềm, hãy cho nó vào một ổ cứng cắm ngoài hoặc một ổ flash USB để tiện cài sau này.
Tạm ngưng sử dụng phần mềm
Một vài phần mềm, như iTunes hay Adobe Photoshop yêu cầu bạn phải ngừng sử dụng phần mềm trên PC, hoặc ngưng sử dụng bản quyền rồi mới có thể cài đặt lại. Hãy đảm bảo bạn đã thực hiện những công việc trên để cài lại các phần mềm dễ dàng nhất.
Ghi lại mã khóa Wi-Fi của bạn
Sẽ rất dễ quên mã khóa Wi-Fi nếu như bạn không dùng nó trong một thời gian, hoặc người khác thiết lập mạng cho bạn. Hãy đảm bảo bạn biết mã khóa này trước khi cập nhật, nếu như bạn vẫn muốn có kết nối mạng sau khi cập nhật xong. Một vài bộ định tuyến, như của AT&T hay Netgear có mã khóa in ngay sau lưng thiết bị. Bạn cũng có thể dùng phần mềm như WirelessKey View để tìm lại mã khóa Wi-Fi, hoặc sử dụng dây mạng cho tới khi nhớ ra được mã khóa.
Sao lưu toàn bộ hệ thống trước khi nâng cấp
Nếu vì lý do nào đó mà việc nâng cấp thất bại, việc duy nhất bạn có thể làm là đưa hệ thống trở lại trạng thái cũ. Hãy sao lưu toàn bộ hệ thống bằng những phần mềm như Norton Ghost, Acronis True Image hay Clonezilla, để có thể đưa hệ thống trở lại trong trường hợp bất trắc.