TTO - Khi hơn một nửa số nước trên thế giới đã chuyển sang hộ chiếu điện tử và Mỹ đặt ra điều kiện nhập cảnh Mỹ phải dùng hộ chiếu điện tử, các nước còn lại (trong đó có VN ) không còn lựa chọn nào khác hơn là tăng tốc triển khai việc đổi hộ chiếu
Hộ chiếu điện tử với biểu tượng con chip in trên bìa - Ảnh: Internet
ASEAN chỉ còn VN và Myamar dùng hộ chiếu truyền thống
Hộ chiếu điện tử (e-passport) hay hộ chiếu sinh trắc học (biometric passport) có gắn chip chứa thông tin cá nhân và các đặc điểm nhận dạng bên trong bìa lưng để vừa tăng thêm giá trị cho hộ chiếu (do có độ bảo mật cao hơn), giảm nguy cơ làm giả hay sửa đổi thông tin; vừa tương thích với các thiết bị kiểm tra hiện đại ở các cửa khẩu nước ngoài.
Con chip điện tử RFID này chứa các thông tin được số hóa của người mang hộ chiếu. Cụ thể là các thông tin cá nhân vốn in ở trang 2 của hộ chiếu, bao gồm cả ảnh kỹ thuật số, các dấu vân tay, chữ ký.
Nếu cần thiết, chip này chứa các thông tin nhận dạng sinh trắc học như nhận dạng khuôn mặt, mống mắt,… Theo quy ước, các hộ chiếu điện tử có in ở mặt ngoài bìa trước (phần bên dưới) biểu tượng con chip.
Hiện nay trên thế giới đã có 82 nước và toàn bộ khối Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước chuyển sang dùng hộ chiếu điện tử. Nghĩa là hơn một nửa số nước đã sử dụng hộ chiếu công nghệ cao, và số lượng này đang tăng lên nhanh chóng trước yêu cầu mới từ Mỹ.
Ngay cả hai anh bạn láng giềng của ta là Lào và Campuchia đều đã thay thế hộ chiếu truyền thống bằng hộ chiếu điện tử. Campuchia bắt đầu phát hành hộ chiếu điện tử hồi tháng 7-2014, còn Lào từ giữa năm 2016. Vậy là giờ đây trong khối ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á, chỉ còn mỗi Việt Nam và Myanmar vẫn xài hộ chiếu truyền thống.
Kể từ ngày 1-4-2016, tất cả các công dân thuộc các nước được Mỹ miễn visa (thuộc chương trình The Visa Waiver Program – VWP hiện gồm 38 nước và vùng lãnh thổ) đều phải dùng hộ chiếu điện tử mới được vào Mỹ.
Hộ chiếu điện tử là một điều kiện quan trọng trong hàng loạt tiêu chuẩn Mỹ vừa đưa ra trong chính sách quản lý nhập cảnh đối với công dân tất cả các nước khác muốn nhập cảnh vào Mỹ.
Cụ thể là có khả năng Mỹ sẽ hạn chế nhập cảnh đối với những nước chưa thuyết phục được Mỹ là mình đã có kế hoạch và đang tích cực triển khai việc đổi sang hộ chiếu điện tử.
Hãng tin Mỹ AP đã có được trong tay bức điện văn dài 7 trang mà Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13-7-2017 gửi cho tất cả các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên toàn thế giới chỉ thị các nhà ngoại giao Mỹ thông báo cho chính phủ các nước sở tại về việc đã bắt đầu thời hạn 50 ngày để các nước đáp ứng các chuẩn mực an ninh mới của Mỹ.
Các nước phải cung cấp cho Mỹ kế hoạch của mình để đáp ứng các yêu cầu mới của Mỹ nếu không muốn có thể bị Mỹ cấm vận nhập cảnh Mỹ.
Trong số các tiêu chuẩn mới có chất lượng và tính xác thực của các giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, cũng như yêu cầu chính phủ các nước chia sẻ với Mỹ thông tin về các mối đe dọa an ninh và các quan ngại về an toàn công cộng.
Cụ thể là các nước phải chia sẻ với Mỹ các dữ liệu tình báo mà họ thu thập được về các công dân của mình bị xếp vào diện nguy hiểm. Còn về hộ chiếu, đó là loại hộ chiếu điện tử chứa thông tin sinh trắc học có thể đọc bằng máy (biometric, machine readable electronic passport). Các nước còn cần có cơ chế báo cáo ngay với Interpol mỗi khi có các giấy thông hành đi lại bị mất hay bị đánh cắp.
Cơ quan xuất nhập cảnh Canada (CIC) giải thích rằng mục đích của hộ chiếu điện tử là tăng tính xác thực cho hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả. Nó cũng có thể giúp cho việc kiểm tra ở cửa khẩu nhanh hơn nhờ được các thiết bị kiểm tra đọc nhanh hơn.
Điều này tương tự như các ngân hàng trên thế giới đang chuyển sang dùng các thẻ ngân hàng có gắn chip thay vì chỉ dùng công nghệ dải băng từ tính. Việc thanh toán giờ đây không phải quẹt thẻ vào máy nữa mà là đưa phần có con chip vào khe đọc. Nhờ độ an toàn được tăng cao mà nơi thanh toán có thể bỏ qua thủ tục bắt buộc chủ thẻ ký tên xác nhận.
Hộ chiếu điện tử: tăng tính xác thực, bảo đảm an ninh
Thật ra, hộ chiếu điện tử có thể gọi là hộ chiếu lai (hybrid-passport), vì nó vừa có chip, vừa có thông tin dạng in truyền thống. Con chip điện tử được coi là một biện pháp an ninh tăng cường cho hộ chiếu, bổ sung cho trang dữ liệu được in trong hộ chiếu, giống như an ninh hai lớp.
Điều này giúp cho người mang vẫn có thể sử dụng hộ chiếu trong trường hợp con chip gặp sự cố, cũng như tại các cửa khẩu chưa được trang bị máy kiểm tra thế hệ mới.
Nhà chức trách có những biện pháp, công nghệ để phòng chống các nguy cơ như đọc trộm thông tin từ chip, đọc lén thông tin đi từ chip sang máy đọc, bị đọc thông tin từ các máy đọc lậu, bị sao chép để làm giả chip, cố ý phá hỏng chip,…
Chẳng hạn như với hộ chiếu điện tử của Mỹ, chip RFID gắn giữa lớp bìa lưng được che chắn bởi loại vật liệu chống xâm nhập mà chỉ có thể đọc được sau khi đã được nhân viên an ninh mở cuốn hộ chiếu ra.
Trên hộ chiếu cũng chỉ có một khu vực riêng mà máy có thể đọc được chip (machine-readable zone, MRZ). Để bảo đảm chỉ có máy của cơ quan chức năng mới có thể đọc được chip, cơ chế kiểm soát truy cập cơ bản (Basic Access Control, BAC) lưu một cặp khóa mã hóa bí mật trong chip.
Chỉ có máy đọc của cơ quan chức năng mới có thể hiểu được cặp khóa này để cùng tạo ra một khóa tương hợp nhau cho phiên làm việc (mỗi lần đọc lại sinh ra khóa khác nhau).
Sau khi xác thực thành công, chip hộ chiếu mới chịu cung cấp dữ liệu mình lưu trữ cho máy đọc. Để ngăn chặn nguy cơ kẻ xấu có thể theo dấu người mang hộ chiếu bằng cách khai thác mã nhận dạng độc nhất (Unique Identifier, UID) trên chip (mỗi chip có một ID riêng giống như số căn cước), Mỹ áp dụng kỹ thuật RUID (Random UID) để chip tạo ra một ID ngẫu nhiên khác nhau mỗi lần được máy đọc.
Mỹ còn ứng dụng công nghệ cơ sở hạ tầng khóa công cộng (Public Key Infrastructure, PKI) để ngăn ngừa tình trạng chip hộ chiếu bị sửa chữa hay sao chép dữ liệu. Cuối cùng, hệ thống máy kiểm tra hộ chiếu so sánh các dữ liệu lưu trong chip và in trên trang 2 hộ chiếu có phù hợp với nhau không.
Tất nhiên, hộ chiếu điện tử phải sử dụng vật liệu chất lượng cao hơn và có quy trình sản xuất khác hộ chiếu truyền thống. Bản thân người mang hộ chiếu cũng phải giữ gìn hộ chiếu kỹ hơn, tránh làm tổn hại tới con chip, chẳng hạn như không bẻ cong bìa, uốn cong hộ chiếu.
Vậy thì khi nào Việt Nam mới phát hành hộ chiếu điện tử?
Trong một lần trả lời báo chí hồi tháng 7-2017, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) - Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho biết dự án hộ chiếu điện tử đang được triển khai thực hiện và dự kiến sẽ bắt đầu cấp cho công dân vào năm 2018.
Thật ra, từ cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 2135/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam" với mục tiêu bắt đầu cấp hộ chiếu điện tử vào năm 2015.
Nhưng chẳng rõ vướng từ khâu nào mà tới nay Bộ Công an vẫn chưa phát hành được hộ chiếu điện tử khiến nước ta bị tụt lại phía sau và giờ đây có thể gây khó khăn cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài, cụ thể như vào Mỹ.
Theo Chỉ số Hộ chiếu (Passport Index) 2017 mới nhất do công ty tư vấn toàn cầu Arton Capital công bố hồi thượng tuần tháng 11-2017, hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 79 trong 95 hạng khi được vào 48 nước mà không cần phải xin visa. Nếu xếp theo thứ tự quốc gia, hộ chiếu Việt Nam hiện ở thứ 165 trong 199 nước.
Với vị thế hộ chiếu ở mức thấp như vậy, việc dùng hộ chiếu điện tử để tăng cường mức độ an ninh, xác thực và tính tương thích ở khía cạnh nào đó cũng có thể góp phần làm tăng giá trị cho hộ chiếu Việt Nam. Ít ra thì nó cũng đáng để tin cậy hơn.
PHẠM HỒNG PHƯỚC