Mã sọc – barcode
Nếu quý vị để ý thì thấy là hầu như bất cứ món hàng nào cũng có một chuỗi số và một dãy các sọc đen, sọc trắng như trên.
Dấu hiệu này tiếng Anh gọi là barcode, dịch là mã sọc. Dấu hiệu này rất có ích cho người bán. Thí dụ khi tính tiền một món hàng nào đó người thu ngân chỉ việc đưa mã sọc (barcode) in trên món hàng đó qua máy đọc mã sọc là biết món hàng đó bao nhiêu tiền. Bài này chúng tôi sẽ nói về mã sọc cũng như một dấu hiệu mới gọi là mã sọc hai chiều (2D barcode).
Lịch sử mã sọc
Theo danh mạng www.smithsonianmag.com thì hai ông Bernard Silver và Norman Joseph Woodland đã sáng chế ra mã sọc và được bằng sáng chế đầu tiên về mã sọc. Tất cả bắt đầu từ năm 1948 khi ông Bernard Silver, lúc bấy giờ là một sinh viên cao học tại Ðại Học Drexel Institute of Technology (bây giờ là Drexel University) ở thành phố Philadelphia tình cờ nghe một ông giám đốc một số các tiệm thực phẩm gần đó yêu cầu một ông chủ nhiệm khoa làm cách nào giúp ông ta làm cho khách hàng thanh toán tiền bạc mau lẹ hơn. Vì lúc đó không có kỹ thuật nào, người thu ngân phải cho số tiền của từng món hàng một vào máy. Việc này mất rất nhiều thời giờ.
Ông Silver nói chuyện với ông Woodland về vấn đề này. Ông Woodland lúc đó đã tốt nghiệp trường Drexel và đang là một nhà sáng chế. Ông Woodland quyết định nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Theo lời ông kể thì ông chợt lóe lên một sáng kiến để giải bài toán này lúc đang ngồi trên bãi biển Miami Beach và ông đã vẽ sơ đồ trên cát. Vì sáng chế này ông đã được Tổng Thống Bush trao tặng mề đay National Meday of Technology vào năm 1992. Ông đã tạ thế năm 2012. Ðây là ảnh ông Woodland (nguồn: http://www.smithsonianmag.com/)
Món hàng đầu tiên có mã sọc và được đọc qua máy là một thỏi kẹo cao su và bán tại thành phố Troy, tiểu bang Ohio vào ngày 26 tháng 6, năm 1974. Máy đọc mã sọc đầu tiên là do công ty NCR (National Cash Register) sản xuất.
Nguyên tắc của mã sọc
Mã sọc là một cách mã hóa các dữ liệu một cách trực quan làm sao để cho máy có thể đọc và rút ra dữ liệu từ đó. Mã sọc là một tổ hợp các sọc đen và trắng, có bề dày khác nhau. Tùy theo cách xếp đặt giữa các sọc đó mà máy đọc mã sọc (barcode scanner) chuyển thành các chữ và số để cho máy tính hiểu được. Có nhiều loại mã sọc, loại quý vị thường thấy ở siêu thị và nếu là sản phẩm của Hoa Kỳ thì là loại UPC-A (Universal Product Code). Loại này có 12 số. Còn loại dùng bên Âu Châu và nhiều nước khác là loại EAN-13 (European Article Numbers) cũng còn gọi là International Article Numbers. Loại này có 13 số. Mã sọc EAN-13 chỉ khác mã sọc UPC-A là có thêm một số ở phía trước. Ðây là thí dụ của hai loại mã sọc (nguồn: http://www.nationwidebarcode.com/).
Trong 12 số đó thì số đầu để chỉ hệ thống đánh số. Năm số kế tiếp là để nhận diện nhà sản xuất. Năm số này tại Hoa Kỳ thì do cơ quan UCC (Uniform Code Council) chỉ định. Số thứ 7 tới số thứ 11 là để nhận biết sản phẩm. Năm số này do nhà sản xuất chỉ định. Còn số chót là số kiểm tra tổng (checksum). Số này dùng để kiểm soát xem máy đọc những số trước có đúng không.
Máy đọc mã sọc chiếu một tia sáng la-de (laser) vào mã sọc và nhận tia phản chiếu của những sọc đen trắng và khoảng cách, sau đó máy dùng một thuật toán để biến tổ hợp này thành một chuỗi số và chữ. Cái đó giúp máy nhận diện được sản phẩm. Thông tin này được chuyển qua máy tính. Lúc đó máy tính có thể kiểm tra hay cho giá của sản phẩm qua cơ sở dữ liệu (database) lưu trữ trong máy tính.
Máy đọc mã sọc không đọc những số in trên mã sọc. Như vậy tại sao lại in những số đó? Những số này là cho người đọc, phòng khi máy đọc không đọc được. Quý vị chắc cũng đã từng thấy người thâu ngân đưa món hàng qua máy đọc nhiều lần mà máy không đọc được. Cuối cùng phải cho tự tay cho số trên mã sọc vào máy.
Ngoài loại mã sọc trên các hàng hóa còn có nhiều loại mã sọc khác. Thí dụ như mã sọc dưới đây là trên một quảng cáo bớt giá của cửa hàng Macy’s.
Mã sọc quảng cáo.
Cơ quan nào ấn định mã sọc?
Tổ chức GS1 là cơ quan ấn định mã sọc in trên các hàng hóa. GS1 là một tổ chức quốc tế, vô vụ lợi và trung lập. Tổ chức này giúp cho chuỗi cung cấp (suppy chain) có được sự hữu hiệu và tính minh bạch.
Một công ty muốn có một mã sọc cho một sản phẩm thì phải liên lạc với một chi nhánh của GS1 tại địa phương. Ở Hoa Kỳ cơ quan đó là Uniform Code Council.
Mã sọc chỉ cho biết hàng xuất xứ ở đâu – Ðúng hay sai?
Mấy năm trước đã có phong trào tẩy chay hàng hóa của Trung Quốc và trên nhiều mạng thông tin xã hội cũng như nhiều điện thư gửi qua lại nói rằng chỉ nhìn vào mã sọc là biết hàng hóa đó xuất xứ từ đâu. Thí dụ ba số đầu của mã sọc là một số trong khoảng từ 690 tới 699 thì hàng hóa đó xuất xứ từ Trung Quốc. Ðiều này cũng còn thiếu sót nhiều.
Ba số đầu của mã sọc là để nhận biết quốc gia của công ty bán sản phẩm đó. Không có nghĩa là sản phẩm được chế tạo tại quốc gia sở tại. Thí dụ một sản phẩm có số của một công ty Hoa Kỳ (các số 1-19, 30-39 và 60-139) nhưng có thể là sản phẩm đó đã được sản xuất bên Trung Quốc. Cho nên tẩy chay các hàng hóa có mã sọc bắt đầu bằng ba số trong vòng từ 690 tới 699 cũng không hoàn toàn tẩy chay hết hàng Trung Quốc được.
Mã sọc hai chiều (2D barcode)
Mã sọc nói ở trên được gọi là mã sọc một chiều (1D barcode) để phân biệt với loại mã sọc mới gọi là mã sọc hai chiều
Mã sọc hai chiều QR.
(2D barcode). Mã sọc một chiều có thể có tối đa là 20 tới 25 ký tự. Số này không đủ để chứa các dữ liệu mà các công ty muốn để vào. Thế cho nên mã sọc hai chiều đang được phát triển. Mã sọc hai chiều có thể chứa tới trên 2000 ký tự, nên có thể chứa rất nhiều dữ liệu. Hiện nay có nhiều kỹ nghệ đã dùng mã sọc hai chiều, thí dụ như kỹ nghệ sản xuất, kỹ nghệ tồn kho, ngành hậu cần (logistics) và ngành y tế. Ðây là thí dụ của mã sọc hai chiều.
Máy đọc mã sọc một chiều không đọc được mã sọc hai chiều, nên cần có một loại máy mới. Ðó là máy đọc hình (imager scanner). Tuy nhiên những điện thoại đa năng (smart phone) có gài một phần mềm đặc biệt có khả năng đọc mã sọc hai chiều. Mã sọc hai chiều rắc rối hơn mã sọc một chiều nhiều. Có thể trong tương lai chúng tôi sẽ nói về mã sọc hai chiều trong một bài riêng.
Hà Dương Cự
–––––––––—-
Nguồn tài liệu:
www.gs1.org
www.smithsonianmag.com
www.nationwidebarcode.com