Các tài nguyên thiên nhiên dưới đáy vùng Bắc Cực nhiều vô cùng, ước đoán có đến 10 tỷ tấn dầu và khí, chưa kể những loại tài nguyên khác. Mà lòng tham lam của những quốc gia kề cận Bắc Cực cũng nhiều, cũng sâu không (chịu) kém. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu càng ngày càng tăng tại khắp mọi quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy 5 quốc gia kề cận Bắc Cực -là Hoa kỳ, Nga, Na Uy, Đan mạch và Canada- tranh đấu để "xí phần" trong kho tàng tài nguyên bất tận của Bắc Cực. Vài tuần lễ trước đây, đài truyền hình của Nga chiếu những hình ảnh từ Bắc Cực và cảnh một tiềm thuỷ đĩnh tí hon cắm lá cờ của nước Nga dưới đáy biển Bắc Cực. Lá cờ này chứng tỏ rằng từ nay Bắc-cực thuộc quyền sở hữu của riêng nước Nga? Để tìm hiểu xem những tài nguyên khoáng sản tại Bắc Cực sẽ về tay ai và chia phần nhiều ít như thế nào, Canada và Hoa kỳ đều bắt đầu cho đo đạc lại ranh giới mảng lục địa của mình. Hoa kỳ, hợp tác với một nhóm chuyên gia của Canada, đã gửi ngày 3/08 một chiếc thuyền nghiên cứu đi đo lại ranh giới tại Bắc Cực, trang bị với những kỹ thuật tân kỳ về phản xạ âm thanh (echo) cũng như về phản xạ địa chấn. Canada cũng tự mình gửi một thuyền khởi hành từ Nunavut (miền bắc Canada) đi nghiên cứu và đo đạc. Những kết quả thu thập được sẽ rất quan trọng để xác định ranh giới đến đâu trên Bắc-Băng-Dương.
Theo luật quốc tế về biển của Liên Hiệp Quốc, mỗi trong 5 quốc gia bao quanh Bắc Cực đương nhiên có chủ quyền trên 200 hải lý (tương đương 370 cây số) ở Bắc-Băng-Dương tính từ thềm lục địa của quốc gia đó ra. Diện tích của Bắc Cực rộng khoảng 1,2 triệu cây số vuông, thế mà riêng nước Nga nhất định đòi hỏi quyền sở hữu 1.191.000 cây số vuông!
Bích Vân
12/08/2010