Thứ Bảy, 25 Tháng Sáu, 2016

Chúa nhật thường niên 29 năm A

Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Xin Chúa mở lòng mở trí để chúng con biết trả lại cho Chú...

THIÊN CHÚA

(Is 45, 1. 4-6; 1Thess 1, 1-5b; Mt 22, 15-21)

Thiên Chúa đã mạc khải cho dân biết về thần tính của Người, tiên tri Isaia ghi: Ta là Chúa và chẳng còn Chúa nào khác: Ngoài Ta ra không có Thiên Chúa nào nữa, Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta (Is 45, 5). Không phải tự nhiên mà loài người có thể nhận biết rõ về Thiên Chúa. Trải qua muôn thế hệ, con người vẫn còn lần mò đi tìm kiếm về nguồn chân, thiện, mỹ. Trên thế giới còn rất nhiều người chưa nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Khái niệm về một Đấng Tối Cao hay Thượng Đế rất là đa dạng. Mỗi tôn giáo có các quan niệm khác nhau về Thượng Đế. Các niềm tin tôn giáo cổ thời lưu lại cho chúng ta một kho tàng quí báu trong công việc suy tư tìm kiếm nguồn cội. Hình như có bao nhiêu tôn giáo là có bấy nhiêu cách giải thích về sự hiện hữu của Tạo Hóa.

Niềm tin của con người rất phức tạp và đa dạng, chúng ta có thể phân chia niềm tin làm nhiều ngành: Niềm tin đa thần (Polytheism), niềm tin Phiếm Thần (Pantheism) và niềm tin Độc Thần (Monotheism), còn gọi là Nhất Thần Giáo. Tín ngưỡng Đa Thần phát sinh từ lòng khao khát, sự sợ hãi các hiện tượng thiên nhiên và những cảm tính về một thế giới linh thiêng nào đó. Niềm tin Đa Thần cũng có thể bắt nguồn từ truyện thần thoại miêu tả những nhân vật có hình tướng lạ thường, phi thường và siêu phàm. Trong lịch sử cổ đại, đa số các nền văn hóa đặt niềm tin vào nhiều thần linh và quyền lực thiên nhiên. Các vị thần được con người tôn phong danh hiệu. Họ tin rằng những vị thần này cai quản và độ trì cho con người trong những lãnh vực khác nhau trong đời sống. Những người thuộc Đa Thần Giáo không có khái niệm về một vị thần tối cao, duy nhất tự hữu và hằng hữu.

Độc Thần Giáo là niềm tin vào một Đấng Tối Cao duy nhất. Niềm tin khởi nguồn từ tổ phụ Abraham được xem là tôn giáo Độc Thần. Họ tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và con người phải phụng thờ Ngài. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, nguồn kiến thức chủ yếu là độc thần giáo. Niềm tin này được chính Thiên Chúa mạc khải cho cha ông, các tổ phụ, các tiên tri và dân riêng. Đạo Do-thái Giáo đặt căn bản niềm tin chủ yếu về Độc Thần. Người Do-thái dùng từ Giavê, Elohim, Chúa, Thiên Chúa, nhưng họ không chấp nhận Đấng Messia (Chúa Giêsu) là Chúa. Chúng ta phân biệt một chút: Chúa Giavê là niềm tin của Do-thái Giáo, Allah của Hồi Giáo và Thiên Chúa (Ba Ngôi) của Kitô Giáo. Đạo Hồi Giáo trình bày xác tín về độc thần giáo. Họ đặt trọn niềm tin vào Đấng Allah duy nhất và qua một tiên tri là Mohamad. Tính duy nhất của Đấng Allah là giáo lý căn cốt của niềm tin.

Kitô Giáo tin vào Thiên Chúa tạo dựng toàn thể vũ trụ và tiếp tục bảo tồn vũ trụ trong mọi nơi và mọi lúc. Khái niệm miêu tả Thiên Chúa là một thực thể tối cao, nguyên nhân đệ nhất, vĩnh tồn và siêu nhiên. Chúng ta đọc trong sách Sáng Thế Ký: Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ các biển, chim trời, gia súc, tất cả mặt đất và mọi giống bò dưới đất (Stk 1, 26). Giải thích của Kitô Giáo, dựa vào Lời Chúa mạc khải, các giáo phụ lập luận về giáo lý: Thiên Chúa phán: ‘Chúng Ta…’, nói về Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi riêng biệt: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa.

Chúng ta tìm hiểu sơ qua về quan niệm của những người hữu thần và vô thần. Thuyết Hữu Thần (Theism) cho rằng Thiên Chúa vừa siêu nhiên và vừa hiện hữu nội tại. Thần Giáo (Deism) miêu tả Thiên Chúa siêu nhiên và là một vị thần mơ hồ và xa cách. Vô Thần (Atheism) không tin có Thượng Đế hoặc thiếu niềm tin rằng: Có Thượng Đế, đồng nghĩa với Phi Thần Luận (Nontheism). Có khoảng 2% dân số thế giới là người vô thần. Người Vô Thần có thái độ hoài nghi tất cả những gì thuộc tôn giáo và tín ngưỡng. Họ đòi hỏi mọi thứ phải có bằng chứng thực nghiệm và không tin có sự tồn tại của thần thánh. Thuyết vô thần khẳng định quan điểm thần thánh không tồn tại và phủ nhận mọi thứ siêu nhiên. Đạo Phật Giáo (Buddhism) và Ấn Độ giáo (Hinduism) không đòi hỏi niềm tin vào một vị Thiên Chúa cá thể. Con người chưa có sự thống nhất về các khái niệm vô thần.

Dân Do-thái sống giữa một thế giới đa thần. Giữa muôn hình vạn trạng của các niềm tin và văn hóa, họ đã dễ dàng bị nhiễm những tư tưởng về cách sống tự nhiên và tự do phóng khoáng. Nhiều khi họ chạy theo các dân tộc chung quanh thờ kính những vị thần mà họ không hiểu biết. Thí dụ: thần Baal, có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe và cũng chẳng cảm thông được gì. Các thần chỉ là gỗ đá vô cảm, vô tài và vô năng. Thiên Chúa yêu thương dân mà Ngài đã chọn. Chúa sai các tiên tri để hướng dẫn và qui tụ dân về một mối cùng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Lịch sử dân Do-thái là lịch sử ơn cứu độ được Thiên Chúa mạc khải: Để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa và chẳng có chúa nào khác (Is 45, 6).

Bài phúc âm hôm nay, kể lại câu chuyện các nhà lãnh đạo tôn giáo muốn gài bẫy bắt bẻ Chúa Giêsu cả về đạo lẫn đời liên quan vấn đề nộp thuế: Khi ấy, các người Biệt Phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói (Mt 22, 15). Chúa Giêsu thấu tỏ sự lật lừa không ngay thẳng trong lòng của họ. Chúa Giêsu đã trả lời cho họ một cách khôn ngoan tuyệt đối: Vậy cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa (Mt 22, 21). Câu trả lời không chỉ cho những người Biệt Phái ngày xa xưa, nhưng cho chính chúng ta ngày hôm nay đây. Chỉ có hai đối tượng, Thiên Chúa và con người. Vậy cái gì là của Thiên Chúa? Nếu xét cho tận cùng, tất cả mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa. Từ sự sống, khả năng, thời gian, không gian, nguồn vốn và cả con người đều phát sinh từ Thiên Chúa. Chúng ta thuộc về Chúa trọn vẹn cả xác lẫn hồn. Cái gì là của Cêsarê, có nghĩa là của con người trần thế? Chúng ta mắc nợ nhau vì sự hỗ tương. Chúng ta sống là sống cùng và sống với người khác. Chúng ta có trách nhiệm đối với xã hội, với chính quyền, với quốc gia dân tộc và với nhau. Đóng thuế là một bổn phận và nghĩa vụ của người công dân để giúp bảo trì cuộc sống an sinh xã hội.

Chúng ta sống trên đời để tìm nhận biết thờ phượng Thiên Chúa là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em để cùng được chung hưởng hạnh phúc đời này và đời sau. Con người là một loài thụ tạo cao quí nhất, nhưng không thể sống độc lập một mình. Thượng đế an bài mọi sự cách lạ lùng trong vũ trụ. Muốn sinh tồn, con người phải gắn kết với môi trường thiên nhiên chung quanh. Tâm linh hướng về Đấng Tối Cao để thờ lạy và cảm tạ. Thánh Phaolô đã cầu nguyện trong tâm tình tạ ơn: Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng (1Thess 1, 2). Thiên Chúa là tình yêu. Vì yêu, Thiên Chúa đã chia sẻ sự sống và tạo dựng con người giống hình ảnh của Chúa. Giữa Thiên Chúa và loài người có một sợi giây liên kết sâu đậm trong tình yêu: Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Thiên Chúa yêu mến (1Thess 1, 4).

Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Xin Chúa mở lòng mở trí để chúng con biết trả lại cho Chúa những gì thuộc về Chúa. Chúng con tạ ơn Thiên Chúa đến muôn ngàn đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

Bài viết khác