Thứ Ba, 08 Tháng Mười Một, 2022

Điều trị và phòng ngừa cảm

Điều trị và phòng ngừa cảm - 1

Virus gây cảm lạnh rhinovirus 16. (Hình: Dilip Paithankar/Purdue School of Chemical Engineering/Getty Images)


*Hỏi: Cảm cúm, viêm họng cũng làm ho, làm sao để phân biệt được ho kiểu nào là do cảm, hay cúm, hay viêm họng, hay dị ứng, và cách chữa có gì khác nhau không? Hay là cứ uống đại trụ sinh, thuốc ho, là gọn lẹ, nhẹ nhàng, khỏi rắc rối cuộc đời?

Đáp: Triệu chứng điển hình của dị ứng là:

-Ngứa… tùm lum (họng, mũi, mắt, tai, da), tùy theo ta bị dị ứng ở bộ phận nào.

-Triệu chứng thường lặp lại mỗi năm theo mùa.

-Nếu bị ngứa mũi, họng, hắt xì lia lịa, thì rất nhiều khả năng là dị ứng (tuy nhiên, cũng cần nhớ là dị ứng có thể kèm với các bệnh khác như cảm, hay cúm, hay viêm họng). Nếu không có thêm các triệu chứng của cảm, cúm, hay viêm họng.

-Uống và/hay hít thuốc dị ứng, thấy triệu chứng giảm hẳn, thì đích thị đó là dị ứng.
Còn về cảm và cúm: Một số người chúng ta thường gộp chung cảm cúm với nhau. Tuy nhiên, dù có một số triệu chứng giống nhau, thật ra cảm và cúm là hai bệnh khác nhau, do các tác nhân (virus) khác nhau gây ra.

Nói chung, cảm thường nhẹ hơn cúm, và thường gặp hơn cúm rất nhiều.

Cảm (tiếng Mỹ gọi là “cold” hay “common cold”) là tình trạng viêm mũi do siêu vi trùng (còn gọi là virus) gây ra. Có rất nhiều virus khác nhau gây ra tình trạng này. Đây là một trong số các bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất ở loài người.

Ở Hoa Kỳ, trung bình mỗi người lớn bị cảm từ một tới ba lần mỗi năm, và mỗi trẻ em tuổi nhà trẻ bị cảm từ năm đến bảy lần mỗi năm. Cảm là nguyên nhân của 40% các trường hợp phải nghỉ làm vì bệnh.

Cảm xảy ra quanh năm, tuy nhiên, bệnh thường nhẹ, và tự khỏi dù không điều trị.

Cảm gây ra các triệu chứng mà không cần phải là bác sĩ, hầu như ai cũng có thể nhận ra. Triệu chứng đầu tiên thường là đau họng, các triệu chứng thường đi kèm sau đó là nghẹt mũi, chảy mũi, hắt xì. Khàn giọng và ho thường ít gặp hơn, nhưng nếu có, chúng lại thường kéo dài hơn, có khi kéo dài vài tuần. Tuy nhiên, cảm thường ít gây ra sốt cao và ớn lạnh.

Đôi khi, bệnh nhân có thể bị đỏ mắt do viêm kết mạc. Vì có nhiều virus có thể gây ra cảm, tùy theo loại virus gây ra bệnh mà triệu chứng có thể khác nhau.

Ở một số trường hợp, ở các bệnh nhân mà sức đề kháng của cơ thể thấp, bệnh có thể nặng hơn. Các trường hợp này có thể là do tuổi còn nhỏ, sinh non, sinh nhẹ cân, bị các bệnh mạn tính, bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, vân vân.

Một số bệnh cũng có một số triệu chứng gần giống cảm là viêm mũi dị ứng, viêm mũi do co giãn mạch máu ở mũi, các hội chứng do nhiễm các loại virus khác.

Làm sao để biết mình bị cảm

Cảm thường được chẩn đoán bằng các triệu chứng đặc hiệu như sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng… như đã kể trên. Các bác sĩ thường chẩn đoán cảm qua các lời kể bệnh của bệnh nhân, cùng với thăm khám. Điều họ thường quan tâm hơn, là xem coi bệnh nhân có bị các biến chứng như viêm xoang, viêm phổi hay không.

Các xét nghiệm máu và quang tuyến ít khi cần thiết và chỉ được làm khi cần phải khám phá hoặc loại trừ các biến chứng của cảm như viêm phổi, viêm xoang như đã kể trên.

Nguyên nhân của cảm

Có tới hơn 200 loại virus khác nhau gây ra cảm. Nhóm thường gặp nhất có tên là rhinovirus (virus ở mũi), gây ra khoảng 40% các trường hợp cảm, chỉ nhóm này không cũng đã có hơn 100 chủng khác nhau.

Nhiều người vẫn tưởng là lạnh là một nguyên nhân gây ra cảm. Thật ra, nhiều nghiên cứu cho thấy khí hậu lạnh không phải là nguyên nhân của cảm.

Lạnh có thể gây ra viêm mũi do co giãn mạch máu trong mũi (vasomotor rhinitis), có triệu chứng giống như cảm, nhưng đó không phải là cảm, và không lây. Tuy nhiên, dù sao, giữ cơ thể đủ ấm vẫn là điều tốt và cần thiết.

Cảm thường kéo dài bao lâu? Có biến chứng gì không?

Các triệu chứng của cảm thường lên đến cao điểm vào ngày thứ hai đến thứ tư sau khi nhiễm bệnh, thời gian trung bình là khoảng một tuần. Có khoảng 25% bệnh nhân có thể bị các triệu chứng kéo dài như ho đến vài tuần.

Cảm thường dễ lây nhất trong vòng 24 tiếng đầu tiên, tuy nhiên, khi nào còn triệu chứng thì khi đó bệnh nhân còn có thể lây bệnh sang người khác.

Một tỉ lệ nhỏ các bệnh nhân cảm có thể bị các biến chứng, các biến chứng thường là viêm xoang, viêm phổi, viêm tai giữa ở trẻ em.

Cách điều trị cảm

Trong việc điều trị cảm, nâng đỡ sức đề kháng của cơ thể và trị triệu chứng đều là điều rất quan trọng.

Chính sức đề kháng của cơ thể là thành phần chính chống chọi với virus cảm. Do đó, ta cần chú ý nâng đỡ sức đề kháng của mình bằng cách:

-Uống đủ nước.

-Nghỉ ngơi đầy đủ.

-Ăn uống dễ tiêu và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể bằng cách nấu thức dễ tiêu hóa, bổ dưỡng, ăn mỗi lần một ít nhưng ăn nhiều lần hơn.

-Tắm rửa sạch sẽ, mát mẻ, cũng giúp người thư thái hơn, thoải mái hơn. Bệnh gây ra do virus, chứ không phải do lạnh hay nước, nên không cần phải sợ “trúng nước.” Chỉ cần phải cẩn thận để đừng bị té ngã trong buồng tắm do trơn trợt, mệt mỏi, chóng mặt.

Ngoài ra, ta có thể trị triệu chứng bằng cách:

-Súc miệng và họng bằng nước muối ấm và loãng. Cần chú ý là nên pha nước muối chỉ lạt như nước mắt của ta, nếu mặn quá sẽ làm khó chịu, kích thích niêm mạc cổ họng, có thể làm ho nhiều hơn.

-Uống thuốc giảm đau, giảm sốt (nhớ tránh aspirin ở trẻ em).

-Thuốc uống khô mũi, thuốc ho (những người bị bệnh cao huyết áp không nên uống thuốc làm khô mũi, vì thuốc có thể đẩy huyết áp lên cao hơn).

-Một nghiên cứu trên trẻ em cho thấy là mật ong, dùng ở trẻ trên 1 tuổi, có thể giúp giảm ho hơn cả thuốc ho (hiện nay đã được khuyến cáo không nên, không được dùng cho trẻ em nhỏ vì không có tác dụng rõ ràng mà lại có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm). Người ta nghĩ rằng mật ong cũng có thể giúp giảm ho ở người lớn.

-Xông mũi bằng nước ấm.

Cần chú ý là trái với nhiều người tin tưởng, rất nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc trụ sinh và vitamin C không giúp làm cho cảm mau hết hơn. Ngay cả, nếu nước mũi đổi màu, đó cũng không phải là dấu hiệu cho thấy ta cần trụ sinh.

Thuốc trụ sinh là một thuốc cần được bác sĩ kê toa, sau khi thăm khám, nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ kê toa trụ sinh cho bệnh nhân. Không nên để dành trụ sinh và tự uống mà không có ý kiến bác sĩ.

Ta nên đi thăm bác sĩ nếu có sốt cao, đau vùng xoang, khó thở, đau nhức mình mẩy quá nhiều để có thể được bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác và đúng lúc.

Làm sao để phòng ngừa cảm?

Cách phòng ngừa cảm, phần lớn (trừ việc chủng ngừa cho tới nay, không có thuốc chủng nào để ngừa cảm cả) cũng giống như phòng ngừa cúm.

Cảm (cũng như cúm) lây sang người khác thường nhất bằng các tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết (như nước mũi) của người bệnh, có thể là từ tay người này sang tay người khác, hoặc qua trung gian như nắm cửa… Virus có thể tồn tại trong môi trường đến ba tiếng đồng hồ. Khi tay ta tiếp xúc với các chất tiết này, rồi dụi vào mắt mũi của mình, ta sẽ bị lây bệnh.

Do đó, điều quan trọng đầu tiên để phòng cảm, là:

-Nên rửa tay thường xuyên. Tốt nhất là rửa với xà bông và nước ấm, khoảng 20 đến 30 giây. Hai mươi đến ba mươi giây là khoảng thời gian mà ta hát bài “Happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday, happy birthday, happy birthday to you” khoảng hai lần.

-Không vứt bỏ khăn chùi mũi bừa bãi.

-Khi ho hay ách xì, nên che miệng bằng cánh tay, chứ không phải bằng bàn tay, để giảm bớt các chất tiết dính vào bàn tay rồi qua các vật dụng hoặc bàn tay người khác.

-Tránh sờ, móc tay, ngón tay vào mắt, mũi.

Các virus cảm (cũng như cúm) cũng có thể lan truyền qua các hạt li ti bay trong không khí sau khi người bệnh ho hay ách xì, do đó, nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh.

Điều trị và phòng ngừa cảm - 2
Uống thuốc giảm đau, giảm sốt, nhưng tránh aspirin ở trẻ em. (Hình minh họa: Stephane De Sakutin/AFP via Getty Images)


Người bệnh cũng nên nghỉ làm khi còn triệu chứng, để mau giảm bệnh và tránh lây cho người trong sở làm.

Xin nhắc lại, thuốc chích ngừa flu, chỉ giúp ngừa cúm, chứ hoàn toàn không phải để ngừa cảm. Vì như đã trình bày, cảm và cúm do các loại virus hoàn toàn khác nhau gây ra. Hiện nay, trên thị trường, trên toàn thế giới, chưa đâu có thuốc chủng ngừa cảm.

(714) 531-7930, drnguyentranhoang@gmail.com

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art