Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh mòn khớp (còn gọi là viêm xương khớp) dựa vào sự tổng hợp của nhiều yếu tố.
Làm sao để chẩn đoán bệnh mòn khớp
Các triệu chứng bệnh do bệnh nhân kể lại, trong đó điều quan trọng nhất giúp ích cho sự chẩn đoán là vị trí những chỗ bị đau và cách đau như thế nào (bên nào nhiều, bên nào ít? Có đối xứng hay không? Có bị cứng khớp hay không? Thời gian cứng thường kéo dài bao lâu? Vào lúc nào trong ngày? Có sưng đỏ hay không? Đụng vào có đau hay không? Những gì làm đau tăng lên, những gì làm đau giảm đi? Có kêu lụp cụp hay không? Ảnh hưởng của sự đau đến công việc hàng ngày? Trong nhà có ai bị giống như vậy hay không?).
Những gì bác sĩ khám thấy.
-Kết quả của các xét nghiệm cần thiết, trong đó:
+X quang có thể góp phần đưa đến chẩn đoán hoặc loại trừ các nguyên nhân khác. Chụp X quang có thể giúp ích trong việc theo dõi tiến triển của bệnh.
Tuy nhiên, trong giai đoạn sớm, X quang có thể chưa cho thấy các thay đổi. Hơn nữa, trong bệnh viêm xương khớp, thường có sự sai biệt giữa độ trầm trọng của bệnh với các thay đổi trên hình chụp X quang.
+Thử máu thường không giúp cho chẩn đoán viêm xương khớp, nhưng có thể giúp loại trừ các loại viêm khớp khác.
Thử máu cũng giúp ích trong việc kiểm tra tình trạng chung của cơ thể, trong đó quan trọng nhất là chức năng gan, thận, có thể ảnh hưởng đến việc dùng thuốc.
Nếu khớp bị sưng ứ nước, rút nước ra cho bớt sưng, để quan sát và xét nghiệm cũng có thể giúp ích rất nhiều.
+Nếu với các yếu tố trên mà việc chẩn đoán vẫn chưa rõ, bác sĩ chuyên môn có thể đục lỗ ở khớp để đưa ống kính vào quan sát trực tiếp bên trong khớp. Kỹ thuật nội soi khớp (arthroscopy) này đặc biệt hữu ích cho việc khám phá các tổn thương của sụn, vì sụn không thể nhìn thấy được trên các hình chụp X quang.
Tùy theo nơi đau, Hội Các Bác Sĩ về Bệnh Khớp đã đưa ra một số tiêu chuẩn chẩn đoán. Ví dụ:
1-Viêm xương khớp ở khớp gối: Tiêu chuẩn bao gồm triệu chứng đau ở đầu gối cộng với ít nhất ba trong số các đặc điểm sau đây:
-Trên 50 tuổi.
-Cứng khớp vào buổi sáng kéo dài dưới 30 phút.
-Tiếng kêu lụp cụp hoặc cảm giác bị rít ở khớp (giống như bản lề cửa bị khô rít và kêu cọt kẹc).
-Cảm giác đau khi sờ vào xương khớp (bony tenderness).
-Sưng lồi ra của khớp (bony enlargement).
-Không thấy ấm nóng khi sờ vào khớp.
2-Viêm xương khớp ở bàn tay: Cũng gồm triệu chứng đau ở bàn tay cộng với ít nhất ba trong số các đặc điểm sau:
-Xương to ra (bony enlargement) ở ít nhất là hai trong số mười khớp bị ảnh hưởng.
-Xương to ra ở ít nhất là hai khớp ngón gần đầu ngón tay (distal interphalangeal (DIP) joints).
-Bị sưng dưới ba trong số mười khớp giữa bàn tay và ngón tay (metacarpophalangeal (MCP) joints).
-Bị biến dạng (deformity) ít nhất là một trong mười khớp bị ảnh hưởng.
Ta thấy trong hai trường hợp trên, chẩn đoán phụ thuộc chính yếu là vào các triệu chứng tìm thấy trong khi thăm khám.
Trong khi đó, viêm xương khớp ở khớp hông (hip) lại phụ thuộc vào các xét nghiệm.
Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm xương khớp ở khớp hông (là nơi xương đùi nối với xương hông- còn gọi là khớp háng hay khớp chậu) bao gồm sự hiện diện của triệu chứng đau ở vùng hông cộng với ít nhất hai trong số các đặc điểm sau:
-Thử máu thấy mức độ của độ lắng của hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate –ESR) nằm trong giới hạn bình thường.
-Phim X quang cho thấy có gai xương (osteophytes).
-Phim X quang cho thấy khoảng cách giữa các xương bị hẹp lại, chứng tỏ là sụn đã bị mòn.
Cách điều trị bệnh mòn khớp
Mục đích của việc điều trị là giúp giảm sưng và đau, hạn chế đến mức tối thiểu sự tàn phá có thể dẫn đến tàn phế, tăng cường phẩm chất cuộc sống, làm chậm lại hoặc ngăn cản sự phát triển của bệnh.
Mỗi trường hợp đều khác nhau, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và nhóm điều trị. Nhóm điều trị có thể gồm các bác sĩ (bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên về bệnh khớp và bác sĩ giải phẫu chỉnh hình khi cần thiết), các chuyên viên vật lý trị liệu, bác sĩ châm cứu…
Có nhiều cách điều trị, thường thì kết hợp các biện pháp thích hợp với nhau trong từng trường hợp cụ thể là cách lý tưởng nhất.
Có thể chia ra một cách ngắn gọn các cách chữa trị, bao gồm mổ và không mổ. Trong các cách không mổ có các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Thuốc lại chia ra loại thuốc chích hay uống, cần toa hay không cần toa…
Ta sẽ tìm hiểu trong các cách này, cách nào ta có thể tự làm được, còn các biện pháp cần được bác sĩ thực hiện, và nói chung lợi hại của từng biện pháp là gì.
Cũng như trong đại đa số các vấn đề sức khỏe, bác sĩ không phải là người chữa bệnh (như ta vẫn hay quen nghĩ và nói).
Bệnh nhân phải tự chữa cho mình.
Bác sĩ không thể uống thuốc, tập thể dục, ăn uống đúng cách, đi khám bệnh đều đặn… giùm cho ta được.
(714) 531-7930, drnguyentranhoang@gmail.com
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng